Những nữ sinh nghị lực ở Hà Tĩnh

Thứ tư, 19/02/2020

Trên chiếc xe lắc cũ kỹ, người ta vẫn thấy em Nguyễn Thị Linh (SN 2003, học sinh lớp 11A8, Trường THPT Lý Tự Trọng, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) tới trường đều đặn mỗi ngày không kể nắng, mưa. Những nỗ lực của cô nữ sinh khuyết tật khiến ai cũng cảm phục.

Nhọc nhằn tới trường bằng xe lắc cũ, nữ sinh Hà Tĩnh mơ ngày mai vào đại học


Trên chiếc xe lắc cũ kỹ, người ta vẫn thấy em Nguyễn Thị Linh (SN 2003, học sinh lớp 11A8, Trường THPT Lý Tự Trọng, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) tới trường đều đặn mỗi ngày không kể nắng, mưa. Những nỗ lực của cô nữ sinh khuyết tật khiến ai cũng cảm phục.

Có mặt tại Trường THPT Lý Tự Trọng vào giờ ra chơi, chúng tôi bắt gặp em đang ngồi một mình trong lớp học, mắt hướng nhìn ra sân trường. Dáng người nhỏ bé như đang thu mình lại phía sau khung cửa sổ. Phía ngoài kia là bạn bè cùng trang lứa với em đang tập các động tác thể dục giữa giờ.

Tập thể dục, một điều tưởng chừng như rất đơn giản, thì với người mang trong mình căn bệnh bại não hệ vận động như em, đó là cả một ước mơ.


Để đi lại, em cần bạn bè giúp đõ hoặc phải bám vào lan can, bờ tường.

Sinh ra không may mắn khi cơ thể mang bạo bệnh, không thể đi lại bình thường, gia đình em Nguyễn Thị Linh chạy vạy khắp nơi để có thể chữa trị cho em.

Khó khăn lại chồng chất khó khăn với gia đình Linh khi năm em lên 4 tuổi, bố mang bệnh hiểm nghèo và qua đời.

Nén nỗi đau thương, một mình mẹ của em - chị Nguyễn Thị Tuấn (SN 1979) vẫn kiên trì tìm kiếm những suất phẫu thuật do các tổ chức từ thiện tài trợ, mong một ngày con được đi lại bình thường trên chính đôi chân của mình.

Tuy nhiên, sau 10 ca phẫu thuật tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội, Huế, bệnh tình của em không đỡ được bao nhiêu.


Em Nguyễn Thị Linh rất có ý thức trong học tập

Tới nay, em sống cùng mẹ và em trai trong ngôi nhà do anh chị em, họ hàng chung tay giúp đỡ, xây dựng.

Gia đình em vẫn thuộc diện cận nghèo. Tiền ăn học, sinh hoạt của cả nhà phụ thuộc vào 400 nghìn tiền trợ cấp hàng tháng và thu nhập ít ỏi từ nghề hàng xáo của mẹ.

Khó khăn là thế nhưng em Nguyễn Thị Linh luôn ý thức được việc học là con đường duy nhất để vươn lên trong cuộc sống, để có thể xóa bỏ được rào cản. Vượt qua những tự ti về bản thân, những khó khăn về kinh tế gia đình, suốt nhiều năm, cô nữ sinh tật nguyền vẫn cần mẫn tới trường với mong muốn tìm kiếm cho mình những con chữ, những kiến thức mới. Chiếc xe lắc cũ đã gắn bó với em suốt 6 năm qua.


Bạn bè, thầy cô chính là nguồn động viên to lớn đối với em


Linh chia sẻ: “Đã không ít lần em cảm thấy tủi thân, nhìn ra cửa sổ thấy bạn bè đùa vui mà bật khóc. Những lúc như vậy chỉ biết tự nhủ là sẽ quen để tiếp tục cố gắng. Sự giúp đỡ, động viên của thầy cô, bạn bè đã tiếp thêm động lực lớn để em tới trường mỗi ngày”.

Để hỗ trợ em trong học tập cũng như cuộc sống, Trường THPT Lý Tự Trọng đã có ưu tiên, miễn các khoản học phí cho em, đưa em vào danh sách nhận các phần quà, học bổng từ các nhà hảo tâm, thăm hỏi gia đình vào các dịp lễ, tết. Thầy cô, bạn bè thường xuyên giúp đỡ em trong học tập cũng như cuộc sống hằng ngày.


Mỗi ngày, em Nguyễn Thị Linh lại tới trường trên chiếc xe lăn trên quãng đường gần 2km, không kể nắng mưa

Giáo viên chủ nhiệm lớp 11A8 Nguyễn Thị Hiền chia sẻ: “Những nỗ lực của em thực sự rất đáng khâm phục. Nhiều lúc mưa gió, nhìn bạn bè của em vội vã tới trường, còn em lặng lẽ khoác lên mình chiếc áo mưa, đều tay đẩy chiếc xe lăn để tới trường mà không kìm được nước mắt. Thầy cô cũng thường xuyên động viên em cố gắng, cứ tiếp tục cố gắng rồi thành công sẽ tới với em”.

Khi được hỏi về ước mơ sau này, chúng tôi đều bất ngờ trước câu trả lời hồn nhiên của em. Em mong được vào đại học, sau này làm nhà báo, để được đi đến nhiều nơi, học hỏi nhiều điều và tìm hiểu những nét văn hóa mới.

Dẫu biết rằng với thể trạng như vậy, để chạm tay vào ước mơ của mình, em Nguyễn Thị Linh vẫn còn một chặng đường rất dài và nhiều chông gai ở phía trước.
 

Cô học trò nghèo miền núi Hà Tĩnh nuôi ước mơ trở thành bác sĩ

 
Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, những chiếc bằng khen, giấy khen của cô học trò Nguyễn Thảo Vy, học sinh lớp 9A1 Trường THCS Bồng Lĩnh (Vũ Quang, Hà Tĩnh) được treo ngay ngắn là niềm tự hào của gia đình.

Không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa, Nguyễn Thảo Vy (SN 2004, ở thôn Hà Cát, xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ) sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thiếu vắng hơi ấm của cha, từ nhỏ em sống với người mẹ tật nguyền do chất độc màu da cam và bà ngoại nay đã già yếu.

Không có người đàn ông trụ cột, lại không thể đi lại như người bình thường, chị Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1971), mẹ của Vy vẫn ngày ngày cần mẫn bên chiếc máy may tại nhà để nuôi con ăn học.


Không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa nhưng Nguyễn Thảo Vy luôn cố gắng trong học tập

Thương mẹ, thương bà, ngay từ nhỏ, Thảo Vy đã có ý thức trong việc tự học và phụ giúp công việc hàng ngày cho gia đình. Nhưng trước những thiếu thốn về vật chất, tinh thần, Vy không tránh khỏi những lúc tủi thân, chán nản, ước ao mình được đủ đầy như bạn bè.

Những lúc như vậy, Thảo Vy lại nhớ lời dặn dò của mẹ: “Nhà mình nghèo, chỉ có học mới mong thoát được nghèo thôi con ạ”, em lại càng cố gắng hơn nữa trong quá trình học tập.


Mẹ của Vy ngày ngày cần mẫn bên chiếc máy may tại nhà để nuôi con ăn học

Ngày cắp sách tới trường, chiều Vy lại đỡ đần mẹ may vá, làm việc nhà. Tối đến, em miệt mài bên những trang sách, những bài toán còn dang dở. Không có điều kiện đi học thêm, Vy chọn cho mình phương pháp tự học, tích cực học hỏi ở thầy cô, bạn bè.

Bằng những nỗ lực không ngừng trong cuộc sống và học tập, 9 năm liền, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Riêng năm học 2018-2019, em xuất sắc đạt giải ba cấp tỉnh môn Sinh học và là một trong những học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì có thành tích vượt khó vươn lên học tốt tiêu biểu năm 2019.


Nguyễn Thảo Vy (thứ 2 từ trái sang) nhận bằng khen Bộ Giáo dục và Đào tạo tại “Liên hoan Thiếu nhi vượt khó học giỏi toàn quốc lần thứ III - năm 2019”

Vy chia sẻ: "Em luôn tự nhắc nhở bản thân phải biết chấp nhận hoàn cảnh, không tự ti mặc cảm và quyết tâm vượt lên những khó khăn, sống gần gũi và hòa đồng với bạn bè. Bên cạnh đó, phải luôn trau dồi kiến thức, giữ cho mình quyết tâm cao, vượt qua tất cả để có kết quả học tập tốt, không phụ lòng bà, mẹ, thầy cô và bạn bè, những người luôn bên cạnh, động viên, tiếp thêm động lực cho em".

Nói về ước mơ của mình, Thảo Vy cho biết, em mong rằng khi lớn lên có thể trở thành một bác sỹ giỏi để chữa bệnh cho người nghèo, giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn. Dù chặng đường phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn khi những đồng thu nhập từ nghề may vá của mẹ em gần như là không đủ, nhưng niềm hy vọng, sự quyết tâm vẫn ánh lên trong đôi mắt cô học trò đầy nghị lực này.


Những bằng khen, giấy khen được treo ngay ngắn trên tường nhà là niềm tự hào của cả gia đình

Cô Nguyễn Thị Minh Thành - Hiệu trưởng Trường THCS Bồng Lĩnh cho biết: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Thảo Vy luôn nỗ lực vươn lên học tập. Em luôn năng động, sôi nổi không chỉ trên lớp học mà còn tích cực tham gia các hoạt động, công tác Đội.

Em cũng rất hòa đồng nên được thầy cô, bạn bè yêu quý. Nhà trường cũng luôn tạo điều kiện, dành tặng các suất học bổng cho Thảo Vy để động viên, giúp em vượt lên số phận, cố gắng hơn nữa trên con đường học tập”.
 
Hoàng Ngọc tổng hợp (Theo Báo Hà Tĩnh)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×