Những ông chủ trẻ tài năng trong khởi nghiệp
Thứ ba, 28/02/2017

1. Khởi nghiệp từ niềm đam mê với cây sáo
Xuất phát từ đam mê với cây sáo, Nguyễn Văn Mão trở thành người sáng lập câu lạc bộ sáo trúc 50.000 thành viên và cây sáo cũng mang đến cho anh thu nhập đáng ngưỡng mộ.
Nguyễn Văn Mão có biệt danh là Mão Mèo. Trong giới chơi sáo ở Việt Nam, hầu hết các thành viên biết đến anh với cái tên Mão Mèo. Mão Mèo sinh năm 1987, quê ở Tân Kỳ, Nghệ An. Anh trông khá trẻ so với tuổi thật. Người nghệ sĩ gắn bó nửa đời người với cây sáo chia sẻ, anh được cha của mình truyền cảm hứng nghệ thuật. Từ 8 tuổi, Mão Mèo đã bắt đầu tập chơi sáo. Anh Mão chia sẻ: "Người chơi sáo cũng giống như tập khí công, hơi thở sâu, tốt cho sức khoẻ, đầu ngón tay cũng rất linh hoạt. Những người chơi sáo lâu năm còn trẻ dai, đoán không ra tuổi".
Cho tới tận bây giờ, cây sáo gắn bó với anh như một phần cuộc đời không thể tách rời. Anh Mão kể: "Từ bé mình không rời cây sáo. Ban đầu chỉ là sở thích cá nhân, rồi trở thành "nghiện sáo". Sau này, khi ra Hà Nội học Đại học Kiến trúc, mình mới có nhiều cơ hội gặp gỡ những người có cùng đam mê và tìm hiểu sâu hơn về sáo trúc". Anh Mão nhận thấy có rất nhiều bạn trẻ yêu thích chơi sáo trúc trên địa bàn Hà Nội nhưng lại hoạt động rời rạc, nên anh mạnh dạn tạo nên một cộng đồng trên mạng. Đây là nơi những người chơi sáo trúc cùng chia sẻ đam mê, kiến thức và kinh nghiệm với nhau, được anh thành lập trên website năm 2011.
Sau một thời gian sinh hoạt cộng đồng yêu sáo trúc, anh Mão được nhiều người tín nhiệm, trở thành chủ nhiệm CLB sáo trúc Miền Bắc và hiện giờ là chủ nhiệm CLB sáo trúc Việt Nam với số lượng thành viên cố định lên đến 40.000 – 50.000 người. Anh cũng có một kênh Youtube có hơn 60.000 người theo dõi, trên đó đăng tải nhiều clip Mão Mèo biểu diễn sáo trúc.
Ông chủ doanh nghiệp sáo trúc sinh năm 1987
Cũng nhờ kênh Youtube có tiếng này, tên tuổi của Mão Mèo được nhiều người biết tới. Anh có những người hâm mộ thường xuyên bình luận bên dưới các clip của anh rằng anh học chơi sáo từ đâu, những kinh nghiệm chơi sáo và cả nơi mua sáo. Anh Mão vẫn thường xuyên trả lời bình luận của mọi người. Là một người thân thiện và có hoa tay, anh từng nhiều lần tự làm sáo tặng bạn bè. Cũng có khi anh làm sáo bán để góp tiền từ thiện. Khi đó, cây sáo của anh bán chỉ với giá 50 ngàn đồng (năm 2009). Sang đến năm 2011, khi đã trở thành chủ nhiệm CLB sáo trúc, anh Mão càng được nhiều người biết tới. Đặc biệt là, các thành viên đều quý tính cách anh nhiệt tình, thường chia sẻ kinh nghiệm với mọi người nên ngày càng có nhiều người tìm tới Mão Mèo nhờ làm sáo. Đó chính là cơ duyên đưa anh Mão đến với nghề kinh doanh làm sáo trúc. Sao khi tốt nghiệp đại học, anh Mão bắt tay vào kinh doanh chuyên nghiệp và đăng ký bảo hộ thương hiệu tại cục sở hữu trí tuệ. Năm 2013, sau khi tích lũy được số vốn nhất định sau thời gian bán online và cũng muốn tạo điều kiện thuận lợi cho những người yêu sáo tìm mua, anh mở cửa hàng sáo trúc đầu tiên tại Hà Nội.
Đến nay, sau gần 4 năm, Mão đã có trong tay mình một hệ thống 23 cửa hàng bán sáo trúc trải dài từ Bắc vào Nam, thu nhập đã vượt xa con số hàng chục triệu khi mới khởi nghiệp. Tới nay, cây sáo trúc của anh đã đến với hơn 20 nước trên thế giới, nhiều nhất là Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản. Anh Mão đang điều hành đội ngũ nhân viên gần 100 người, trong đó có 20 thợ chính làm sáo được đào tạo bài bản và có chuyên môn về nhạc lý. Anh rất kén chọn nguyên liệu, yêu cầu chất lượng sản phẩm cao nên luôn tự mình chọn lựa.
Nhờ chăm chỉ và làm ăn có uy tín, ngày 7/1 vừa qua, anh Nguyễn Văn Mão đã vinh dự được diện kiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại phủ Chủ tịch.
2. Khởi nghiệp… từ rác
Chàng sinh viên năm cuối Viện ĐH Mở Hà Nội Nguyễn Đình Quân, sinh năm 1986, đã hóa phép biến vỏ trứng, mùn cưa, rơm rạ, xơ... dừa…trở thành những bức tranh lạ, sống động...
“Đây là bức tranh về phố cổ Hà Nội với chất liệu xơ dừa, bèo tây và mùn cưa; đây là tranh phong cảnh miền núi mang vẻ đẹp hoang sơ được làm từ rơm, cỏ khô và cành cây khô; còn bức tranh con công này trông nó lộng lẫy thế nhưng được làm từ mùn cưa...", Quân say sưa giới thiệu về những đứa con tinh thần của mình. Nhiều người khi thấy tranh của Quân nán lại vì tò mò. Quân rất cầu kỳ, kỹ tính. Tất cả công đoạn từ lựa chọn chất liệu đến lên ý tưởng và vẽ tranh đều do anh làm. Một tác phẩm đơn giản nhất cũng ngốn của Quân ba đêm liền. Theo Quân khó nhất khi làm tranh này là lựa chọn chất liệu và thổi hồn vào chất liệu để chúng trở nên sinh động, vẽ lên được cuộc sống đầy màu sắc. Tranh của Quân phong phú về thể loại, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, gồm tranh trẻ em, phong cảnh (phố cổ, miền núi, thôn quê), tranh trừu tượng.
Nguyễn Đình Quân với tác phẩm đầu tay "Khi yêu".
Ý tưởng làm tranh từ chất liệu thiên nhiên của Quân xuất phát từ môn học Tranh phối chất. Lúc đó, Quân đang học năm cuối Viện ĐH Mở Hà Nội. Từ những điều thú vị của môn học, Quân nung nấu ý định phải sáng tạo ra sản phẩm độc đáo, tạo thương hiệu cho riêng mình. Tuy nhiên, khi đưa ra ý tưởng này, Quân gặp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình và bạn bè, bởi nó quá lạ. Không ít người cho rằng Quân "đi trên mây", phi thực tế. Bức tranh đầu tay có tên Khi yêu làm từ vỏ trứng, mùn cưa và củ hoa lay ơn được cô giáo cho điểm 10, bán với giá 2 triệu đồng. Có động lực, Quân rủ thêm hai người bạn và quyết định khởi nghiệp bằng dòng tranh này. Những ngày đầu, nhóm của Quân gặp nhiều khó khăn, luôn trong tình trạng "cháy túi", nhịn ăn, mất ngủ. "Có khi túng quá cả nhóm mang hai chiếc xe máy đi cầm cố", Quân kể. Bằng số tiền vay từ bạn bè, giữa năm 2009, Quân đã khai trương được cửa hàng tranh đầu tiên tại phố Đốc Ngữ (Ba Đình, Hà Nội) mang tên Ourway.
Năm 2011, dự án tranh từ chất liệu tự nhiên của Quân đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp. Nhiều cá nhân và tổ chức đã tìm đến Quân ngỏ ý mua bản quyền sản phẩm. "Trải qua bao gian nan mình mới sinh ra được đứa con tinh thần này, sao dễ dàng bán đi được chứ. Mục đích của Quân là làm ra sản phẩm tạo thương hiệu cho riêng mình, để khi nhắc đến dòng tranh này người ta sẽ nhớ đến mình", Quân nói. Hiện tranh của Quân đã có mặt rộng khắp các cửa hàng nội thất ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Thanh Hóa… Nhiều phụ huynh đã tìm đến phòng tranh của Quân ở phố Đức Giang (Long Biên, Hà Nội) để cho con học nghề. Ngoài việc nhận dạy tại phòng tranh, Quân đến một số trường học tại Hà Nội để truyền lửa đam mê cho các em nhỏ.
3. “Ông chủ” tuổi 24 khởi nghiệp từ 1 triệu đồng
Mở trung tâm dạy tiếng Anh gồm 50 lớp,"ông chủ" 24 tuổi Nguyễn Văn Hiệp khiến tất cả bạn bè cùng trang lứa phải ngỡ ngàng, nể phục. Đặc biệt, khi biết rằng, Hiệp đã khởi nghiệp từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, với chỉ 1 triệu đồng “vốn liếng”.
Đỗ một lúc hai khối của hai trường đại học hàng đầu: Trường ĐH Ngoại thương (28 điểm) và trường ĐH Y Hà Nội (26,5 điểm) nhưng Hiệp đã chọn học về Kinh tế. Ngay từ đầu năm thứ nhất, thấy tiếng Anh của mình kém so với các bạn, Hiệp đã nảy ra ý tưởng “một mũi tên trúng hai đích”: In và bán đĩa tiếng Anh cho cả khối. Cậu mua 2 cái đĩa 60.000 đồng, nén lại, nhân bản rồi bán với giá 8.000 đồng/DVD, 3.000 đồng/CD. Hiệp chia sẻ: “Xác định phải dũng cảm nhưng lúc đứng trước mặt bạn bè cùng khóa, mình thực sự thấy rất khó “mở lời” chào bán sản phẩm. Cảm giác của mình đó là rất xấu hổ, ngại ngùng vì sợ các bạn nhìn mình như đối với một “con buôn”. Nhưng rồi, bán hàng một thời gian, mình cũng trở nên “dày mặt” hơn và quen dần với part-time đầu đời ấy”. Ông chủ Nguyễn Văn Hiệp khởi nghiệp từ chính điểm yếu tiếng Anh của mình.
"Ông chủ" Nguyễn Văn Hiệp khởi nghiệp từ chính điểm yếu tiếng Anh của mình.
Nhờ có cô giáo tiếng Anh giới thiệu nên việc bán đĩa của Hiệp khá thuận lợi. Hiệp cho biết, trừ chi phí mua đĩa trắng, in giấy quảng cáo, cậu đã lãi được 2 triệu đồng. Số tiền ấy, Hiệp mua một chiếc ổ cứng để lưu trữ tài liệu học tiếng Anh, với quyết tâm rất lớn. Hết học kỳ I của năm thứ hai, kết quả thi TOEIC của Hiệp vượt lên, trở thành một “hiện tượng” trong lớp, khiến bạn bè vây quanh, hỏi han bí quyết học tập. Hết năm thứ hai, hiểu rõ niềm đam mê của mình là kinh doanh, Hiệp bắt đầu có những hoạch định. Với suy nghĩ “không ít bạn cũng muốn kinh doanh như mình”, Hiệp đăng tin tuyển dụng bằng vài dòng đơn giản trên Yahoo. Có 9 bạn nộp hồ sơ và Hiệp nhận hết với suy nghĩ ngây ngô: “Càng đông sẽ càng mạnh!”. Nhóm Hiệp tiếp tục bán đĩa tiếng Anh như vẫn làm trước đây nhưng quy mô lớn hơn, với số vốn chia đều: Mỗi người góp 1 triệu đồng.
Dù phải bỏ đi 200 chiếc đĩa lỗi nhưng trong hai tháng, nhóm Hiệp vẫn đạt doanh thu trên 60 triệu đồng. Hiệp cho biết: “Kỹ năng quản lý của mình còn chưa tốt, hoạt động thiếu chuyên nghiệp nên lãi chưa nhiều. Tuy vậy, mình rất vui, hãnh diện vì đó là những hình dung và cọ xát đầu tiên của mình với công việc”. Sau hai tháng làm chung với nhóm bán đĩa, Hiệp có cơ hội học hỏi cùng một chuyên gia về kỹ năng mềm. Suốt khoảng thời gian đó, Hiệp làm “xe ôm” cho thầy, có cơ hội gặp gỡ rất nhiều lãnh đạo ở các công ty, tập đoàn lớn, học hỏi được rất nhiều. Hiệp thấy rằng: “Mỗi chúng ta đều có cơ hội gặp được những người như thế, vấn đề là mình có chớp được thời cơ hay không. Khi mở trung tâm tiếng Anh, mình cũng tìm đến các doanh nhân cùng lĩnh vực để học hỏi. Theo mình, muốn trở thành ai đó thì phải biết con đường người đó trở thành là thế nào. Gặp họ, được giải đáp rất nhiều câu hỏi nhờ vậy, “bản đồ” của mình ngày càng rõ ràng nên cứ thế mà đi thôi!”. Thời gian đó, Hiệp biết thêm nhiều kỹ năng: Quản lý, điều hành, tuyển dụng, quản trị… Và ngay mùa sau, việc kinh doanh của Hiệp khác hẳn. Các sản phẩm đẹp hơn, tốt hơn nên sản lượng đĩa tiêu thụ cũng tăng cao, số nhân viên có lúc lên tới 20 người.
Không chịu chùn bước Chuẩn bị ra trường, Hiệp bắt đầu xác định một công việc thực sự để phát triển hướng đi sau này: Mở trung tâm dạy tiếng Anh. Hiệp nói: “Khi còn trẻ mình phải luôn nỗ lực hết sức, trắng tay thì bắt đầu lại, rồi sẽ có lúc thành công! Thế nhưng hiểu biết của mình về ngành này quá ít, không có nhiều mối quan hệ, không biết ai dạy tiếng Anh giỏi, không biết tuyển sinh thế nào. Đây lại là cuộc lần mò lần thứ hai”. Chỉ có hơn 20 triệu đồng để xoay sở mọi thứ, Hiệp đắn đo từng khoản một. Lớp đầu tiên, Hiệp thất bại vì chất lượng giáo viên chưa tốt, năng lực học viên không đồng đều. Hiệp mời người bạn cùng khóa, rất giỏi, đến dạy nhưng lại chỉ lên lớp được buổi chiều, trong khi học viên lại thích học tiếng Anh ban đêm nên Hiệp thất bại lần thứ hai. Rồi thì Hiệp cũng mở được 4 lớp. Tuy nhiên, sau khi nghĩ ra tên trung tâm, Hiệp mở lớp theo danh nghĩa mới nên học viên thiếu tin tưởng, chẳng đăng ký nữa. Việc đổi địa điểm học ở một nơi khó bắt xe buýt càng khiến tình trạng “làm ăn” của Hiệp bết bát hơn. Lúc này, cậu rất nản lòng. Hiệp chia sẻ: “Mình cảm thấy chán nản nhưng chưa hề có ý nghĩ bỏ cuộc. Vẫn cầm cự được thì mình còn phải tiếp tục cố gắng đến cùng”.
“Châm ngòi” cho sự đột phá trong quá trình kinh doanh của Hiệp là mùa nhập học năm 2012. Hiểu được tâm lý tân sinh viên, Hiệp viết hai ghi chú trên Facebook về “Những điều sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Ngoại thương cần” và “Bí quyết học tiếng Anh thành tài mà không cần học thêm”, được rất đông bạn bè, sinh viên khóa dưới yêu thích, chia sẻ. Nhờ đó, nhiều người biết đến và đăng ký học ở trung tâm của Hiệp. Để mở rộng trung tâm, cậu thuê địa điểm mới khá đẹp với giá 31 triệu đồng/tháng. Hiệp cho biết: “Ban đầu, mình dạy 4 lớp, có lúc lên 16 – 18 lớp, số tiền ấy sẽ dành để tuyển người làm quảng cáo, tìm giáo viên giỏi, làm web, tuyển sinh… Trực tiếp đứng lớp còn giúp mình hiểu tâm lý học viên hơn. Mình rất hạnh phúc khi đã được các học viên phản hồi rất tốt!”. Từ tháng 9/2012 đến nay, mọi thứ đã đi vào quỹ đạo, học viên cứ thế tăng dần đều.
Hiện nay, Hiệp không còn đứng lớp nữa mà chỉ tập trung quản lý. Mỗi tháng, trung tâm của Hiệp mở được 15 – 20 lớp, mỗi lớp 15 học viên. Hiện tại, trung tâm có 50 lớp, gần 20 nhân viên, trợ giảng và gần 20 giáo viên. Mục tiêu trong 5 – 7 năm tới của Hiệp là mở được 100 cơ sở đào tạo tiếng Anh khác trên khắp cả nước.
HL - Tổng hợp
Tags
Bài viết cùng chuyên mục
- Thạc sĩ làm mô hình tối ưu hóa đường bay, giảm trễ chuyến
- Nữ kỹ sư đầu tiên tốt nghiệp xuất sắc ngành Kỹ thuật Hàng không
- Cô gái 9x đam mê bảo tồn động vật hoang dã
- Học sinh sáng chế thiết bị phát hiện bệnh ở cây lúa
- Chàng trai lấy mầm xanh để 'ươm mầm non'
- Tiết lộ đặc biệt về nam sinh có điểm Toán cao nhất thi HSG Quốc gia: Bị ốm ngay trước ngày...
- Nữ sinh chế tạo tay máy robot, đạt giải Nhất nghiên cứu khoa học
- Giáo sư 'sát thủ' của khí thải
- 13 nhà khoa học Việt vào bảng xếp hạng thế giới
- Sinh viên dùng CO2 hãm phát triển nấm mốc trên lúa
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận