Những sản phẩm, giải pháp đột phá, hữu ích phục vụ con người

Thứ sáu, 28/12/2018

Trên thực tế, nhu cầu về sử dụng lương thực, thực phẩm, năng lượng tái tạo hay những tài nguyên khác của con người ngày càng cao và đa dạng, bên cạnh đó, tác động tiêu cực của việc biến đổi khí hậu đến môi trường sống,… đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới không ngừng đổi mới, sáng tạo để đưa ra những giải pháp có tính đột phá
Trên thực tế, nhu cầu về sử dụng lương thực, thực phẩm, năng lượng tái tạo hay những tài nguyên khác của con người ngày càng cao và đa dạng, bên cạnh đó, tác động tiêu cực của việc biến đổi khí hậu đến môi trường sống,… đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới không ngừng đổi mới, sáng tạo để đưa ra những giải pháp có tính đột phá, hay những sản phẩm vô cùng độc đáo, hữu ích khi được ứng dụng vào cuộc sống, trong số này có những sản phẩm nếu chỉ nghe qua chúng ta không thể tin được. Dưới đây là những sản phẩm, giải pháp công nghệ đã minh chứng cho những điều đó.
 

1. 2 Giải pháp công nghệ của các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Massachussetts (MIT)


Công nghệ thu nhỏ vật thể xuống đến mức nano
 


Trong ngành công nghệ, những thứ thể hiện ra bên ngoài – như một cỗ siêu máy tính khổng lồ, một màn hình hiển thị to tướng – càng to sẽ càng ấn tượng. Thế nhưng ở bên trong những thứ to lớn đó, những linh kiện càng nhỏ sẽ càng khiến công nghệ trở nên tinh vi, hiện đại hơn.

Ngay trong tháng cuối năm này, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts - MIT công bố thành tựu mới: họ phát minh ra được cách sử dụng tia laser để thu nhỏ vật thể lại xuống mức nano – mức mà kính hiển vi cũng không nhìn thấy được. Họ có thể giảm kích cỡ của một vật thể có cấu trúc đơn giản xuống 1000 lần.

Công nghệ thu nhỏ như bước ra từ phim viễn tưởng có tên chính thức là "implosion fabrication", áp dụng được vào việc sản xuất kính hiển vi siêu nhỏ, lense camera của smartphone hay chế tạo những robot siêu nhỏ, giúp đỡ cuộc sống hàng ngày của con người.

"Nhiều năm nay, nhân loại vẫn cố gắng tạo ra những thiết bị ngày một tiên tiến để tạo ra được vật liệu nano", giáo sư Edward Boyden, trưởng ban nghiên cứu công nghệ thu nhỏ cho hay. "Công nghệ này có thể áp dụng lên vô số thứ".

Cho dù "đèn pin thu nhỏ" của Doraemon vẫn còn là ước mơ xa vời, nhưng những ứng dụng thực tiễn của công nghệ thu nhỏ đã hiện hữu ngay trước mắt bạn. Ta có thể đưa robot siêu nhỏ đi kèm với thuốc chống ung thư, khi đi vào mạch máu, robot siêu nhỏ sẽ dẫn dường cho thuốc tìm tới đúng tế bào ung thư. Và khi ta có vật liệu nano thì sao? Ta sẽ có nanochip, đồ điện tử sẽ vượt giới hạn nó đang có.


Đây là cấu trúc 3 chiều trước khi được thu nhỏ lại.

Việc thu nhỏ vật liệu cần tới nhưng dụng cụ đơn giản đến bất ngờ: MIT chỉ cần một tia laser và loại gel thấm hút hay có trong bỉm trẻ em. Những vật liệu vừa nêu đều có sẵn ở bất kì phòng thí nghiệm nào.

Sử dụng tia laser, các nhà nghiên cứu tạo nên một cấu trúc mới từ lượng gel thấm hút – cũng giống như cách bạn cầm một cái bút, vẽ lên không khí những hình thù 3D vậy. Khi có được cấu trúc đó, họ gắn vật liệu lên đó, có thể là kim loại, ADN hay các chấm lượng tử siêu nhỏ. Sau đó, họ sẽ thu nhỏ toàn bộ cấu trúc lại xuống mức nhỏ nhất có thể.

"Cũng giống như ngành nghệ thuật phim và ảnh vậy", cậu Daniel Oran, một trong những nhà nghiên cứu tới từ MIT n. "Một hình ảnh ẩn hình thành nhờ dưa những vật liệu gel nhạy cảm ra ánh sáng. Sau đó, ta có thể phát triển hình ảnh ẩn thành hình ảnh thật bằng cách đưa thêm vào những vật liệu khác". Đó là quá trình tạo khung bằng gel thấm hút, rồi gắn vật liệu lên.


Công nghệ mới có thể tạo ra được gần như mọi hình thù ta tưởng tượng ra được.
​​​​​​
Mà Daniel Oran so sánh vậy cũng dễ hiểu: bản thân Oran là một thợ ảnh chuyên nghiệp, dự án này bắt đầu từ năm 2014, khi anh cộng tác một sinh viên mới tốt nghiệp khác, anh Samuel Rodriques với kinh nghiệm về ngành vật lý.

Đội ngũ nghiên cứu nhỏ khám phá ra cách thức thu nhỏ vật thể bằng việc đảo ngược một kĩ thuật đơn giản, được chính giáo sư Boyden phát triển nên nhằm tăng kích cỡ hình ảnh mô não. Quá trình vừa nêu bao gồm việc đưa thêm vật liệu vào gel, làm kích cỡ nó lớn hơn, dễ quan sát hơn.

Bằng việc đảo ngược quá trình trên, các nhà nghiên cứu có thể tạo được vật thể có kích cỡ nano. Trước thời điểm này, những kĩ thuật sử dụng tia laser chỉ cho ra được những cấu trúc 2 chiều, bên cạnh đó việc giảm thiểu kích cỡ của vật thể diễn ra rất chậm chạp và khó thực hiện ở hầu hết các phòng thí nghiệm.

"Thông thường, công nghệ nano sử dụng những công cụ rất đắt đỏ, yêu cầu phải đặt trong phòng vô trùng ……nhưng chúng tôi chẳng cần tới những thứ lằng nhằng đó, bởi lẽ giàn thiết bị chúng tôi dựng lên đã đủ để bảo vệ những thứ bên trong rồi", Rodriques nói

Các nhà nghiên cứu lạc quan về tương lai tươi sáng này: công nghệ này sẽ sớm có mặt ở nhiều nơi, thậm chí có thể tự làm tại nhà hoặc tại các buổi thí nghiệm trong trường học. Tất cả các vật liệu sử dụng trong công nghệ thu nhỏ mới đều không độc hại, dễ kiếm.

"Khá lá khó tưởng tượng chúng tôi có thể làm được những gì với thứ công nghệ tuyệt vời này", Rodriques nói.
 
Phát triển thiết bị hút ánh sáng mặt trời để tạo ra hơi nước siêu nóng 
 
Viện Nghiên cứu Massachussetts (MIT) vừa phát triển một thiết bị hút sức nóng từ ánh sáng mặt trời để đun sôi nước và tạo ra hơi nước “siêu nóng” trên 100 độ C mà không cần bất cứ thiết bị quang học đắt tiền nào.

Vào những ngày nhiều nắng, thiết bị này có thể thụ động tạo ra hơi nước đủ nóng để khử trùng các thiết bị y tế, đun nấu thức ăn và nhiều lợi ích khác. Hơi nước nóng này cũng được ứng dụng cung cấp nhiệt cho các quy trình công nghiệp, hoặc được ngưng tụ lại làm nước uống tinh khiết.

Các nhà nghiên cứu trước đây đã phát triển được một thiết bị giống bọt biển, cho nổi trên thùng chứa nước và biến nước ngấm vào miếng bọt đó thành hơi. Nhưng phương pháp này lại xuất hiện một vấn đề đó là các chất gây ô nhiễm trong nước làm cho thiết bị rất nhanh hỏng. Trong khi loại thiết bị mới được treo nổi trên mặt nước nên không bị các chất gây ô nhiễm phá hại.


Hơi nước nhiệt độ cao có thể được sử dụng để đun nấu, làm sạch hoặc khử trùng các thiết bị y tế ở các khu vực xa xôi hẻo lánh. (Ảnh MIT).

Thiết bị có kích thước và độ dày tương đương với một chiếc máy tính bảng cỡ nhỏ và có hình giống như một chiếc bánh sandwich. Mặt trên của thiết bị được làm từ hợp chất gốm kim loại - một loại vật liệu có tính năng hấp thụ nhiệt mặt trời rất tốt, trong khi mặt dưới lại được làm từ bọt cacbon dạng mắt lưới giúp tỏa nhiệt xuống nước phía dưới hiệu quả.

Một khi nhiệt độ trong nước đạt 100 độ C, nó sẽ tỏa hơi và bay ngược lên trên qua một lớp giữa được làm từ chất liệu giống bọt nhựa. Tại đây, hơi nước tiếp tục được làm nóng quá nhiệt độ sôi, trước khi được bơm qua một ống đơn.

“Đây hoàn toàn là một hệ thống làm nóng thụ động - tức là người dùng chỉ cần đặt thiết bị ngoài trời để hấp thụ ánh sáng mặt trời. Họ có thể sử dụng thiết bị này để tạo ra đủ nước uống cho một gia đình, hoặc khử trùng thiết bị y tế cho một phòng phẫu thuật”, ông Thomas Cooper, phó giáo sư về kỹ thuật cơ học, đại học York cho biết.

Đầu tiên các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm thiết bị trong phòng thí nghiệm, sử dụng một thiết bị mô phỏng các đặc điểm của ánh sáng mặt trời với các cường độ khác nhau. Họ thấy rằng thiết bị này có thể đun nóng một bể nước nhỏ lên đến nhiệt độ sôi và tạo ra hơi nước ở nhiệt độ 122 độ C, dưới các điều kiện tương tự như một ngày nắng bình thường. Khi các nhà nghiên cứu tăng cường độ ánh nắng lên 1,7 lần, họ thấy thiết bị này thậm chí còn tạo ra hơi nước nóng lên đến 144 độ C.

Tháng 10/2017, nhóm các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm thiết bị này trên mái tòa nhà số 1 của MIT. Đó là một ngày nhiều nắng và để tăng cường độ ánh nắng mặt trời, các nhà nghiên cứu đã lắp đặt một bộ hấp thụ ánh nắng mặt trời đơn giản - một chiếc gương lồi giúp thu và điều hướng cho nhiều ánh nắng vào thiết bị hơn.

Với cách này, thiết bị có thể tạo ra hơi nước lên đến 146 độ C trong vòng 3,5 giờ. Trong các thí nghiệm tiếp theo, nhóm nghiên cứu còn tạo ra được hơi nước từ nước biển mà hoàn toàn không có các tinh thể muối làm mờ bề mặt thiết bị. Trong các thí nghiệm khác, họ còn có thể thu và ngưng tụ hơn nước trong một bình đựng để thu nước uống tinh khiết.

“Thiết bị mới này đã thực sự giải quyết được những nhược điểm của những thiết bị trước đây. Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng để tăng hiệu suất và cải tiến thiết bị hơn nữa. Còn một số điểm cần khắc phục và chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra được một thiết bị hoàn hảo nhất”, ông Gang Chen, giáo sư kỹ thuật điện, thuộc MIT cho biết.
 

2. Biến không khí sa mạc thành nước uống theo cách hoàn toàn mới


Khi môi trường đang thay đổi một cách chóng mặt, áp lực tìm ra biện pháp giải quyết các vấn đề cuộc sống ngày càng đè nặng lên các nhà khoa học. Biến không khí thành nước là một trong số đó.

Một thiết bị nguyên mẫu mới, được phát triển tại Đại học Khoa học và Công nghệ King Abdullah (KAUST) ở Ả Rập Saudi, có thể hấp thụ hơi nước và sau đó giải phóng nước lỏng theo yêu cầu. Đó là một phát minh vô giá đối với những người sống ở các vùng khan hiếm nước như sa mạc khô cằn.


Các nhà khoa học đã tìm ra cách giữ hợp chất hydrogel này ở dạng rắn cho tới khi chúng ta cần biến nó thành nước. (Ảnh: Imani/Unsplash).

Mấu chốt chính của thiết bị là một loại hydrogel đặc biệt dựa trên muối canxi clorua. Đó là một chất hấp thụ nước cực kì tốt nhưng lại hóa lỏng khi hấp thụ hơi nước. Nhờ công nghệ tiên tiến, các nhà khoa học đã tìm ra cách giữ hợp chất hydrogel này ở dạng rắn cho tới khi chúng ta cần biến nó thành nước.

"Khía cạnh đáng chú ý nhất của hydrogel là hiệu suất cao mà chi phí thấp" - Renyuan Li thuộc nhóm nghiên cứu cho biết.

Với ước tính 13 nghìn tỷ tấn hơi nước trong khí quyển, có thể thu hoạch một phần hơi nước đó biến chúng thành nguồn nước phục vụ cho con người là một bước ngoặc cực kì lớn, đặc biệt hơn đối với hàng trăm triệu người đang phải sống thiếu nguồn nước sạch ngoài kia. Đây là thứ mà rất nhiều nhà khoa học đang ngày đêm nghiên cứu.


Hợp chất hydrogel đang được giải phóng thành nước. (Ảnh: KAUST).

Trước đây canxi clorua đã từng được xem xét tới, nhưng biến nó thành vật liệu chứa nước trong thực tế là điều vô cùng khó khăn. Ở đây, nhóm nghiên cứu đã giúp giải quyết vấn đề này bằng cách chuyển đổi muối thành một polyme, giúp giữ nguyên hình dạng của nó cho đến khi bị nung nóng; ngoài ra, ống nano cacbon sẽ giúp giải phóng nước.

Ý tưởng là thiết bị có thể lấy nước từ không khí vào ban đêm, sau đó giải phóng nước khi đun nóng trong ngày.

Đó chính xác là cách mẫu thử nghiệm của các nhà nghiên cứu hoạt động: 35 gram (1,23 ounce) hydrogel có thể hút 37 gram (1,31 ounce) nước trong một đêm với độ ẩm tương đối khoảng 60 phần trăm.

Ngày hôm sau, phơi nắng hydrogel khoảng 2.5 giờ có thể giải phóng 20 gram (0,71 ounce) nước. Lượng nước thu được này được lưu giữ trong thiết bị sạch có thể sẵn sàng uống ngay. Hydrogel sau đó cũng sẵn sàng để sử dụng một lần nữa - các nhà nghiên cứu cho biết.


Nước được thu thập sau đó được giải phóng trong một chu kỳ. (Ảnh: KAUST).

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa hài lòng - họ hy vọng điều chỉnh thiết kế sao cho nước có thể được giải phóng liên tục.

Thực tế là hiện nay có rất nhiều thiết bị cạnh tranh ngoài kia có tiềm năng giải quyết các vấn đề sống còn của con người mà chúng ta cho là tốt.

Minh chứng là đầu năm nay, các đội đến từ Mỹ đã trình diễn một thiết bị kim loại được chế tạo đặc biệt để hút nước - đây là một phát minh khác không cần nguồn năng lượng riêng biệt để hoạt động.

Một nhóm các nhà khoa học khác đã tạo ra một vật liệu tổng hợp lấy cảm hứng từ bọ cánh cứng sa mạc Namib, cũng cho thấy hứa hẹn như một cách ngưng tụ và thu giữ nước lỏng từ không khí khi cần thiết.

Với tất cả những sáng kiến này, thách thức đưa ra là biến chúng từ mẫu thí nghiệm thành sản phẩm thương mại, nhưng thiết bị dựa trên hydrogel mới này đang tỏ ra ưu thế khi đạt được nhiều điều kiện đặt ra.

"Loại máy biến không khí này nước này có giá rẻ và phải chăng; hoạt động hoàn hảo với độ ẩm rộng; không cần xạc điện; và do đó đặc biệt thích hợp cho sản xuất nước sạch ở vùng sâu vùng xa", các nhà nghiên cứu viết.
 

3. Sản xuất protein từ không khí và điện 


Solar Food, một công ty khởi nghiệp Phần Lan, có kế hoạch sản xuất protein ăn được từ không khí và điện. Công ty này tuyên bố đang hợp tác với Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA để sản xuất và cung cấp thực phẩm cho các chuyến bay vào vũ trụ trong tương lai. Solar Food trước đây đã nhận được 2 triệu euro tiền tài trợ và dự định bắt đầu thương mại hóa sản phẩm vào năm 2021.


Bột protein.

Quy trình sản xuất của Solar Foods có nguồn gốc từ nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật VTT Phần Lan và Đại học Công nghệ Lappeenranta (LUT). Các thành phần chính trong quá trình sản xuất của startup Phần Lan này bao gồm không khí và điện.

Quy trình sản xuất bắt đầu bằng việc tạo ra hydro từ điện phân nước. Sau đó, công ty kết hợp hydro với carbon dioxide và một số khoáng chất để nuôi vi khuẩn tạo ra protein. Cuối cùng các vi khuẩn này được xử lý nhiệt để tạo ra bột protein.

"Mục tiêu của chúng tôi là phát triển protein thành một sản phẩm chất lượng cao. Sản phẩm sẽ có tác động đến môi trường nhỏ hơn từ 10 đến 100 lần so với các sản phẩm thịt hoặc sản phẩm thay thế hiện có trên thị trường", Pasi Vainikk, Giám đốc điều hành của Solar Food, cho biết.

Protein ăn được từ Solar Foods là thuần chay và không phụ thuộc vào động vật hay thực vật trong quá trình sản xuất. Sự tách biệt khỏi nông nghiệp truyền thống này không chỉ có khả năng thay đổi những gì bạn ăn trong tương lai, mà còn có khả năng thay đổi những gì con người có thể ăn trong các chuyến bay vào vũ trụ.


Pasi Vainikk - Giám đốc điều hành của Solar Food.

Bể phản ứng sinh học nhỏ của startup này được làm từ thép có thể trở thành phiên bản đầu tiên của máy sao chép phổ biến được thấy trên Star Trek. Tương tự như máy sao chép - loại máy có khả năng tạo ra thực phẩm mà không cần nhiều nguyên liệu, lò phản ứng sinh học của Solar Food tạo ra các protein ăn được, có thể nuôi sống phi hành đoàn hoặc thực dân trên Sao Hỏa.

"Điều kiện môi trường trên sao Hỏa rất khác so với Trái Đất, nhưng nó vẫn có ánh nắng mặt trời và một lượng lớn carbon dioxide trong bầu khí quyển. Công nghệ tiên phong này của Solar Foods cho phép sản xuất thực phẩm mới ngay cả trong không gian kín. Vì vậy, chúng tôi cho rằng công nghệ mới này có thể sử dụng các thành phần sẵn có tại Sao Hỏa", Kimmo Isbjornssund, Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp ESA Phần Lan, chia sẻ.

Solar Foods muốn bắt đầu sản xuất thương mại hóa protein vào năm 2021. Quá trình sản xuất thân thiện với môi trường của Solar Foods không phụ thuộc vào thời tiết, đất đai hoặc các tài nguyên thiên nhiên khác. Chi phí sản xuất thấp và có thể mở rộng trong tương lai. Để tạo ra nhiều protein hơn, bạn chỉ cần một bể sinh học lớn hơn và các vi khuẩn bổ sung.

Đây không phải là startup duy nhất quan tâm đến việc tạo ra protein mà không có động vật hoặc thực vật. Mới đây, Perfect Day - startup có trụ sở tại thung lũng Silicon (Mỹ), cũng đi theo xu hướng này khi giới thiệu sản phẩm sữa bò nhân tạo mà không cần nuôi bò. Sữa được làm từ nước, axít béo và protein tổng hợp từ men vi sinh đặc chủng, chất lượng và hương vị tương tự sữa bò tự nhiên.


Ryan Pandya (trái) và Perumal Gandhi (phải) - hai nhà sáng lập của Perfect Day.

Bằng cách tạo ra sữa bò nhân tạo, startup kỳ vọng giảm chi phí cho ngành chăn nuôi bò sữa vốn tiêu tốn nhiều nguồn lực cho các trang trại trồng cỏ, nhân công... Ngoài ra, sữa nhân tạo còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi không có các loại vi khuẩn thường thấy trong sữa tự nhiên như khuẩn E. Coli, Salmonella...

Tuy nhiên, chi phí sản xuất cao là thách thức chung của doanh nghiệp theo đuổi công nghệ thực phẩm nhân tạo. Mặt khác, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn đối mặt với những chỉ trích về nguy cơ gây thất nghiệp trong ngành chăn nuôi. Một số chuyên gia còn đặt nghi vấn về khả năng tổng hợp hoàn toàn các loại protein không thể thay thế có trong thịt, sữa...
 

4. Tuyên bố làm được bò bít tết nhân tạo, vị y như bò thật với chi phí 50 USD/miếng.


Có một startup tới từ Israeli vừa tuyên bố họ đạt được một dấu mốc mấu chốt, có vai trò tối quan trọng trong việc đạt được chuẩn mực cao nhất của ngành sản xuất thịt nhân tạo, đó là biến tế bào động vật thành mô của thịt bò.
Aleph Farms, vươn lên với sự giúp đỡ từ một viện nghiên cứu Israel và một lò ấp trứng, thuộc chuỗi thức ăn khổng lồ sở hiện đang sở hữu Sabra – công ty sản xuất món hummus số một Hoa Kỳ, là nơi có tuyên bố trên. Hôm thứ Tư tuần trước, họ giới thiệu thứ thịt bò đầu tiên trên thế giới được sinh ra từ phòng thí nghiệm.

Dựa trên các tư liệu hình ảnh về miếng thịt bò trên, có thể thấy những thớ thịt bò trông như thật. Rất có thể đó chính là sản phẩm của tương lai, nơi con người không cần giết động vật để lấy thịt. Ta sẽ luôn có thứ thịt nhân tạo là một sự thay thế cận hoàn hảo.

"Mùi thịt nấu lên rất thơm, nó có vị gần như giống hệt miếng thịt bình thường", CEO và nhà sáng lập Aleph, Didier Toubia cho biết.



Nhưng cống hiến lớn nhất cho ngành thịt nhân tạo của miếng thịt bò trên là kết cấu của nó, anh Toubia nói. "Nó hơi dai, giống thịt. Chúng tôi có thể tận mắt nhìn thấy và cảm nhận từng thớ thịt khi cầm dao cắt nó".

Nếu như có một dấu mốc cho thấy thịt nhân tạo có được trong phòng thí nghiệm là một sự thay thế thịt hiệu quả, đó sẽ phải là một miếng thịt bò. Rất nhiều nơi đang làm bánh burger từ thực vật, nhưng một số khác, lại đang cố gắng tạo ra thịt bò và thịt gà thân thiện với môi trường bằng chính tế bào động vật. Bằng cách đó, ta bỏ qua hoàn toàn việc giết hại động vật.

Tuy nhiên, chưa có công ty nào tạo ra được một thứ thịt tin tưởng được, đủ để bán cho siêu thị và các nhà hàng.

Cùng chung với ý tưởng làm ra thịt nhân tạo còn có một startup nữa ở Thung lũng Silicon, có tên New Age Meat – Thịt Thế kỷ Mới đã có thể làm xúc xích được tạo nên trong ống nghiệm, công ty Just tuyên bố tạo được nugget gà nhân tạo, và startup Memphis Meat được Bill Gates góp vốn xây dựng nói rằng họ đã tạo được thịt gà từ tế bào động vật. Thế nhưng chưa nơi nào tuyên bố có thể tái tạo được vị ngon ngọt của một miếng thăn bò.

Đó là bởi làm thịt băm bánh burger, viên thịt hay bất cứ món ăn nào có sự góp mặt của nhiều thành phần dễ hơn rất nhiều việc tái tạo lại cấu trúc và vị của một miếng thịt. "Làm xúc xích từ tế bào đã khó, bạn tưởng tượng làm nên một miếng thịt bò đúng vị sẽ khó mức nào", CEO Toubia của Aleph nói.

Các chuyên gia, các nhà đầu tư mạo hiểm tin rằng thịt nhân tạo sẽ tìm được đường tới từng hộ gia đình, và sẽ làm rung chuyển ngành công nghiệp thịt 200 tỷ USD của Mỹ. Tuy nhiên, việc công nhận thịt nhân tạo là thứ đồ ăn chính thống sẽ còn mất nhiều thời gian.



Không tốn thời gian vào những thức ăn tầm thường như thịt viên hay nugget, công ty Aleph tiến thẳng tới mốc "thịt bò" - đó vẫn luôn là mục tiêu cao nhất kể từ ngày thành lập. Trong tay họ có những nhà khoa học nghiên cứu tế bào gốc gạo cội, và những chuyên gia vè khoa kỹ thuật y sinh thuộc Viện Công nghệ Technion của Israbel để thực hiện dự án này.

Thay vì tạo nên chỉ một hoặc hai loại tế bào động vật trên một mặt phẳng, Aleph tạo nên bốn loại tế bào động vật có thể tồn tại trong môi trường 3 chiều. Công ty cũng tuyên bố rằng trong môi trường không có huyết thanh phôi thai của bò - dung dịch quy chuẩn dùng dùng trong phòng thí nghiệm, có mục đích nuôi dưỡng các tế bào.

Toubia nói rằng miếng thịt bò họ phô diễn mất 2-3 tuần để hình thành, với chi phí sản xuất khoảng 50 USD một miếng.

"Chúng tôi là công ty duy nhất có khả năng làm một miếng thịt hoàn chỉnh có đủ các thớ cơ và mạch màu – mọi thành phần tạo nên cấu trúc cần có của một miếng thịt và cho các mô kết nối lại được với nhau", ôngToubia chia sẻ.

Aleph gọi phiên bản thịt bò nhân tạo thử nghiệm là "bò một phút", bởi chỉ cần nấu miếng thịt vài phút là nó chín thôi. Không chỉ các nhà khoa học nói vậy, đầu bếp Amir Ilan, người đã tự tay chuẩn bị miếng thịt bò nhân tạo, cũng có khẳng định tương tự.

Tương lai thịt nhân tạo thay thế được thịt được lấy từ bò nuôi đã tới rất gần rồi.
Trang Đức tổng hợp (nguồn: Trithuctre, Khampha)
 
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×