Những sáng chế hữu ích

Thứ hai, 28/10/2019

Trong rất nhiều làn đường dành cho xe 2 bánh tại Hà Lan, quốc gia vốn nổi tiếng là yêu thích đi xe đạp, có một con đường đặc biệt được làm bằng giấy vệ sinh tái chế. Đó là làn đường xe đạp dài gần 1km nối hai thị trấn tại tỉnh Friesland nằm ở phía Tây Bắc của Hà Lan.

Hà Lan: Làm đường bằng… giấy vệ sinh tái chế


Trong rất nhiều làn đường dành cho xe 2 bánh tại Hà Lan, quốc gia vốn nổi tiếng là yêu thích đi xe đạp, có một con đường đặc biệt được làm bằng giấy vệ sinh tái chế. Đó là làn đường xe đạp dài gần 1km nối hai thị trấn tại tỉnh Friesland nằm ở phía Tây Bắc của Hà Lan.


(Ảnh: dutchwatersector.com)
 
Giáo sư Ernst Worrel tại Đại học Utrecht (Hà Lan) cho biết giấy vệ sinh giúp giảm tình trạng đường trơn trượt. Giấy vệ sinh tái chế được sử dụng để tăng thêm lượng xen-lu-lô (cellulose) vào bê tông nhựa rỗng (OGFC), loại nhựa rải mặt đường cho phép nước thấm qua. Nguyên liệu này giúp thoát nước tốt hơn. Đây là một đặc tính vô cùng quan trọng đối với đường xá ở xứ sở hoa tulip bởi có nhiều khu vực nằm ở vị trí thấp hơn so với mực nước biển. Thành phần cellulose giúp gia cố hỗn hợp bê tông nhựa đường có tên OGAF.

Công nghệ tái chế được sử dụng để xây dựng làn đường xe đạp này do công ty KNN Cellulose và công ty công nghệ xử lý nước thải CirTec phát triển.


Các chuyên gia tại công ty KNN Cellulose trên con đường sử dụng giấy vệ sinh tái chế.

Trên thực tế, cellulose có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như sản xuất vật liệu cách điện, nhiên liệu sinh học, hàng dệt, bột giấy, bộ lọc… Tuy nhiên, do những lo ngại về vấn đề vệ sinh nên không thể dùng cellulose từ nước thải đã tiếp xúc với phân để làm ra các sản phẩm có liên quan trực tiếp đến con người. Tuy nhiên, việc sử dụng giấy vệ sinh tái chế để làm đường lại là phương án khả thi.

Cụ thể, giấy vệ sinh tái chế trong trường hợp này được đưa đến các nhà máy xử lý nước thải, nơi nó được lọc chất bẩn và khử trùng, tẩy trắng rồi sấy khô để tái sử dụng. Với nhựa đường, bất kỳ mầm bệnh nào sót lại trong giấy cũng không thể tồn tại ở nhiệt độ cực cao trong quá trình trộn nhựa.

Nhựa đường từ giấy vệ sinh đã xuất hiện khoảng một năm nay tại Friesland. Nó đang hoạt động tốt và khó có thể phân biệt với các loại đường thông thường.

Giấy vệ sinh được làm từ cây, vì thế chúng ta cần tránh lãng phí nó. Với công nghệ này, cellulose từ giấy vệ sinh chỉ chiếm khoảng 5% trong hỗn hợp mặt đường, tuy nhiên, đây vẫn là một cách hiệu quả để tiết kiệm nguồn tài nguyên.


Bệnh nhân bại liệt đi được nhờ khung xương robot điều khiển bằng sóng não


Một người đàn ông Pháp bị liệt tứ chi đã có thể đi lại nhờ hệ thống khung xương ngoài (exoskeleton) được điều khiển bằng tín hiệu từ não bộ. Mặc dù hệ thống này vẫn đang trong quá trình phát triển, các nhà nghiên cứu cho biết kết quả ban đầu của mô hình trên là khá “hứa hẹn”.
 

(Ảnh: Fonds De Dotation Clinatec)

“Đây là hệ thống máy tính-não không dây bán-xâm-nhập đầu tiên được thiết kế để kích hoạt tứ chi, có thể dùng trong dài hạn”, Alim-Louis Benabid, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Trung tâm Nghiên cứu y sinh Clinatec, phòng nghiên cứu CEA, đồng thời là giáo sư danh dự tại Đại học Grenoble (Pháp), cho biết trong thông cáo báo chí. “Các nghiên cứu về máy tính-não trước đây đã sử dụng những cảm biến xâm nhập được cấy vào não bộ nên nguy hiểm hơn và thường không phát huy hiệu quả. Công nghệ cũ phải kết nối với dây, qua đó hạn chế ở việc chỉ vận động được một chi.”

Bệnh nhân Thibault, 28 tuổi, sống ở thành phố Lyon (Pháp) đã bị gãy xương sống và liệt sau khi bị ngã từ ban công cao chừng 12m. Kết quả là, anh chỉ có thể cử động nhẹ ở phần bắp tay và cổ tay trái. Thibault may mắn vẫn có thể điều khiển xe lăn bằng tay trái của mình. Năm 2017, anh được mời tham gia thử nghiệm bộ trang phục robot có thể giúp cơ thể di chuyển. Sau đó, anh được cấy ghép thiết bị theo dõi giữa não và da ở một bên đầu nhằm tác động lên vỏ não vận động – khu vực điều khiển chức năng vận động và cảm giác.

Vị trí hai mô cấy bên trong não của Thibault. (Ảnh: Fonds De Dotation Clinatec)

Trong khoảng thời gian 2 năm, Thibault phải trải qua một số bài kiểm tra. Cụ thể, anh phải huấn luyện thuật toán hiểu suy nghĩ của mình bằng cách điều khiển một nhân vật ảo đi lại và chạm vào các vật thể 2D, 3D trên máy tính. Nhờ vậy, bộ trang phục robot với khung di chuyển gắn trên trần nhà có thể giúp anh đi bộ, sử dụng hai cánh tay trong các hoạt động đơn giản hàng ngày.

Thibault đeo “khung xương ngoài” giúp anh di chuyển. (Ảnh: Fonds De Dotation Clinatec)

Kết hợp sử dụng nhân vật mô phỏng, video và khung xương ngoài, Thibault đã di chuyển tổng cộng 480 bước (khoảng 145m). “Dù chưa thể di chuyển khoảng cách xa với bộ trang phục này, nhưng tôi đã có thể tự bước đi mỗi khi muốn và dừng lại khi cần”, Thibault chia sẻ. Thành quả nghiên cứu là sự hợp tác giữa Đại học Grenoble, Trung tâm Nghiên cứu y sinh Clinatec và phòng nghiên cứu CEA, được công bố trên tạp chí Lancet Neurology hôm 4/10.

“Có thể trong tương lai xe lăn sẽ được điều khiển bằng tín hiệu não bệnh nhân, thay vì dùng tay điều khiển như hiện tại,” Stephan Chabardes, bác sĩ phẫu thuật thần kinh tại Bệnh viện Đại học Grenoble cho hay.

Công nghệ này vẫn đang được thử nghiệm, nó có tiềm năng đáng kể trong việc cải thiện cuộc sống của bệnh nhân bị liệt. Nhóm nghiên cứu đã mời thêm ba bệnh nhân thử nghiệm trang phục. Họ đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn và tìm cách gỡ bỏ hệ thống khung di chuyển được gắn trên trần nhà để giúp cho việc sinh hoạt của bệnh nhân trở nên thuận tiện hơn.
 
Trần Lực tổng hợp (Theo Popular Mechanics, CNN, Mentalfloss)
 
 
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×