Những sự kiện khoa học công nghệ trong nước và Quốc tế nổi bật nhất trong tháng 04
Chủ nhật, 05/05/2019

Trong tháng 4 có nhiều sự kiện KHCN nổi bật rất đáng chú ý như: Việt Nam sẽ dùng kỹ thuật hạt nhân truy nguồn gốc chất ô nhiễm; việc Forbes vinh danh 4 người Việt trẻ có những thành tựu nổi bật; Người trẻ Việt được bổ nhiệm chức danh Giáo sư tại đại học Mỹ; Nữ khoa học gia đầu tiên nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu; Khánh thành nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á; Sản xuất thành công thuốc kháng sinh chống tế bào ung thư; công nghệ chuyển đổi bản ghi âm não thành lời nói,….
Trong tháng 4 có nhiều sự kiện KHCN nổi bật rất đáng chú ý như: Việt Nam sẽ dùng kỹ thuật hạt nhân truy nguồn gốc chất ô nhiễm; việc Forbes vinh danh 4 người Việt trẻ có những thành tựu nổi bật; Người trẻ Việt được bổ nhiệm chức danh Giáo sư tại đại học Mỹ; Nữ khoa học gia đầu tiên nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu; Khánh thành nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á; Sản xuất thành công thuốc kháng sinh chống tế bào ung thư; công nghệ chuyển đổi bản ghi âm não thành lời nói,….
Việt Nam sẽ dùng kỹ thuật hạt nhân truy nguồn gốc chất ô nhiễm
Sáng 4/4, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã khánh thành Trung tâm Hợp tác IAEA-VINATOM về nước và môi trường. Đây là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam và là trung tâm thứ ba IAEA hợp tác thành lập tại khu vực Châu Á.

Phó Tổng Giám đốc IAEA Aldo Malavasi (thứ hai từ phải sang) và Tiến sĩ Trần Chí Thành là Chủ tịch VINATOM (giữa) tại buổi khánh thành trung tâm. Ảnh: S. Kiehne/IAEA.
TS Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM cho biết, trung tâm được thành lập nhằm thúc đẩy kết quả nghiên cứu ứng dụng dựa trên cơ sở nghiên cứu năng lực và nhu cầu thực tế của Việt Nam. Sau khi thành lập IAEA sẽ hỗ trợ, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi nghiên cứu thúc đẩy ứng dụng nhiều hơn.
Trước mắt Trung tâm sẽ tập trung vào lĩnh vực môi trường và nước - hai lĩnh vực IAEA nhận thấy Việt Nam có nhiều vấn đề môi trường cần được xử lý vì là quốc gia đang phát triển và chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các kỹ thuật về hạt nhân và đồng vị tại IAEA sẽ được ứng dụng để đánh giá nguồn nước, truy xuất nguồn gốc chất ô nhiễm, xử lý môi trường.
4 người trẻ Việt được Forbes vinh danh
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách những gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất châu Á năm 2019. Danh sách được lựa chọn từ hơn 2.000 người, chia thành 10 lĩnh vực khác nhau như Tài chính & Quỹ đầu tư mạo hiểm, Giải trí & Thể thao, Y tế & Khoa học, Nghệ thuật, các lĩnh vực công nghệ… Mỗi lĩnh vực gồm 30 người.
Là đại diện cho 23 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, những nhân vật được chọn đều là người có tầm ảnh hưởng, tạo xu hướng và góp phần tạo nên thành công ở mỗi lĩnh vực mà họ đại diện. Năm nay cũng là năm đầu tiên Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Lào có người lọt vào danh sách này.

4 người trẻ Việt được Forbes vinh danh là những người đạt được những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực của họ.
Việt Nam cũng có 4 gương mặt trẻ xuất sắc lọt vào danh sách này, gồm Lý Khánh Hậu (28 tuổi, lĩnh vực Tài chính và Đầu tư mạo hiểm), Kevin Tùng Nguyễn (29 tuổi, lĩnh vực Doanh nghiệp công nghệ), Ngô Hoàng Gia Khánh (29 tuổi, lĩnh vực Bán lẻ và Thương mại điện tử) và Lê Tấn Thanh Thịnh (28 tuổi, lĩnh vực Truyền thông, Tiếp thị và Quảng cáo).
Hà Nội nhân rộng thiết bị tách dầu mỡ ở các nhà hàng
Để giảm ô nhiễm môi trường, thời gian tới các quận huyện ở Hà Nội sẽ lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ ở bếp ăn các trường công lập. Công ty thoát nước Hà Nội vừa công bố thử nghiệm thành công công nghệ lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ ở các bếp ăn nhà hàng, trường học, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.

Thiết bị tách đầu mỡ có giá thành khoảng 60 triệu đồng loại công suất lớn nhất. Ảnh: Phương Sơn.
Theo công ty, hệ thống này được thiết kế giống như một bể chứa nước được chia làm hai ngăn, một ngăn khi qua hệ thống lọc, dầu mỡ sẽ đọng lại thành màng ở phía trên bề mặt, ngăn còn lại là nước đã qua xử lý thải ra ngoài môi trường.
Thử nghiệm ở hơn 60 nhà hàng, bếp ăn cơ sở công lập tại một số quận như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Long Biên, Hai Bà Trưng,... cho thấy hệ thống nước chảy ra môi trường đã được tách tới trên 90% chất dầu mỡ.
Để nhân rộng việc lắp đặt thiết bị, TP Hà Nội đã chỉ đạo Công ty thoát nước phối hợp với các quận, huyện bố trí nguồn kinh phí trong năm 2019 – 2020 để lắp đặt tại các bếp ăn tập thể của các trường học, đơn vị công lập; với các nhà hàng, quán ăn sẽ từng bước tuyên truyền, khuyến khích sử dụng.
Phát hiện nhớt cá có thể diệt vi khuẩn kháng thuốc, tế bào ung thư
Một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Oregon (Mỹ) mới đây phát hiện lớp nhớt bao phủ các con cá đang trưởng thành có khả năng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn, siêu vi và nấm bệnh. Các nhà khoa học cho biết chúng chứa nhiều quần thể vi khuẩn, tiết ra những hợp chất có khả năng diệt được các loại nấm, khuẩn độc hại.

Nhớt của loài cá Garibaldi sống ngoài khơi California có khả năng diệt vi khuẩn rất mạnh. Ảnh: Wikipedia.
Kết quả nghiên cứu này đã được công bố tại kỳ hội thảo mùa xuân của Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ (ACS). Khả năng kháng khuẩn được tìm thấy trong nhớt của 17 loài cá sinh sống ở vùng biển phía nam bang California. Nghiên cứu cho biết có đến 47 loại vi khuẩn sinh sống trong lớp nhớt của các loài cá này.
Các nhà khoa học đã thu thập các hợp chất do vi khuẩn tạo ra để phân tích và thử nghiệm khả năng diệt khuẩn. Kết quả bước đầu cho thấy một số hợp chất có thể tiêu diệt tụ cầu khuẩn vàng Staphylococcus aureus - vốn đã kháng được thuốc methicillin, và cả khuẩn E. coli - vốn chống được kháng sinh thế hệ mới colistin.
Da điện tử tự phục hồi, không thấm nước lấy cảm hứng từ loài sứa
Các nhà khoa học từ Đại học Quốc gia Singapore lấy cảm hứng từ loài sứa để thiết kế nên một lớp da điện tử tự hồi phục, có thể kéo căng. Loại da này được ứng dụng để phát triển một loại robot mềm dẻo và thậm chí là cả màn hình cảm ứng chống nước.

Thiết kế da nhân tạo lấy cảm hứng từ loài sứa. Ảnh: NUS.
Bằng cách tạo ra một loại gel bao gồm hợp chất cao phân tử (polymer) dựa trên flo-cacbon với chất lỏng giàu ion flo. Khi được kết hợp lại, “mạng polymer tương tác với chất lỏng ion hoá thông qua các tương tác ion-lưỡng cực có thể đảo ngược, cho phép nó tự phục hồi”.
Các vật liệu tự phục hồi trước đây phồng lên khi bị ướt và co lại khi khô, vật liệu độc đáo này có thể giữ nguyên hình dạng trong cả môi trường ẩm ướt cũng như khô ráo và hoạt động hiệu quả ngay cả trong nước biển, thậm chí là môi trường axit hoặc kiềm.
'Vượt mặt' Mỹ-Trung, Hàn Quốc là nước đầu tiên triển khai mạng 5G toàn quốc
3 nhà mạng di động lớn của Hàn Quốc là KT, SK Telecom và LG UPlus sẽ cung cấp mạng dịch vụ mạng 5G vào ngày 5/4 tới cho khách hàng. SK Telecom sẽ cung cấp dịch vụ theo 4 gói, trong đó gói cơ bản có mức phí là 49 USD cho 8GB dữ liệu/tháng và gói cao cấp nhất là 110 USD với 330 GB dữ liệu/tháng.

Khách hàng đầu tiên đăng ký sử dụng mạng 5G của nhà mạng KT, cô Lee Ji-eun (giữa), tại Daegu, Hàn Quốc, ngày 3/4/2019. Ảnh: Yonhap.
KT nhấn mạnh tốc độ chuyển tải dữ liệu của mạng 5G có thể kết nối ngay lập tức hàng triệu thiết bị trong mỗi km2. Điều đáng nói, cả KT và SK Telecom đã ngừng sử dụng công nghệ của tập đoàn viễn thông Huawei (Trung Quốc) để triển khai mạng 5G, trong khi nhà mạng nhỏ hơn là LG UPlus vẫn sử dụng.
Để đi tới đích này, các nhà mạng Hàn Quốc đã chi khoảng 2,6 tỷ USD cho chiến dịch 5G kể từ đàu năm nay. Không chỉ vậy, các hãng công nghệ Hàn Quốc cũng đẩy mạnh đầu tư vào các thiết bị thông minh sử dụng mạng 5G.
Khởi động dự án đặc biệt mang tầm vóc lịch sử
Sáng 20/4, Đại học Quốc gia Hà Nội đã khởi động dự án dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông. Đây là dự án khoa học, công nghệ đặc biệt cấp quốc gia và được thực hiện trong 10 năm theo hai giai đoạn.

Phó Thủ tướng chúc mừng các thành viên Ban Chủ nhiệm kiêm Hội đồng Biên tập dự án. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Sản phẩm dự kiến của toàn bộ quá trình này là các bộ sách in, sách số về tinh hoa của các tác phẩm kinh điển phương Đông bao gồm 150 quyển thuộc Chính tạng, 9 quyển Nho tạng, 2 quyển Đạo tạng cùng các tác phẩm trước thuật của các đại sư Việt Nam trong lịch sử; 13 bộ kinh điển của Nho gia, cùng điển tịch Nho học Việt Nam và ba quyển Đạo đức kinh, Nam hoa kinh, Xung hư chân kinh cùng một số điển tịch Đạo giáo chọn lọc ở Việt Nam.
Sáng chế mới về năng lượng Mặt Trời của sinh viên Việt Nam
Thiết bị thu năng lượng mặt trời thông minh gia nhiệt nước nóng được nhóm sinh viên khoa Công nghệ nhiệt - điện lạnh, Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) sáng chế có thể tận dụng tối đa năng lượng mặt trời do tự động xoay theo sự thay đổi vị trí của mặt trời trong ngày.

Nhóm nghiên cứu trong ngày nhận giải. Ảnh: NVCC.
Khác với hệ thống đã có, bộ thu này có cảm biến để quay theo hướng tia nắng chiếu đến khi mặt trời di chuyển liên tục trên quỹ đạo từ Đông sang Tây, Cách này giúp cho bộ thu đón nắng luôn đạt 100% diện tích bề mặt vào các thời điểm trong ngày.
Người trẻ Việt được bổ nhiệm chức danh Giáo sư tại đại học Mỹ
PGS.TS Trần Xuân Bách vừa được bổ nhiệm chức danh Giáo sư trợ giảng của trường Đại học Johns Hopkins, Mỹ. Đây là đại học hàng đầu thế giới về y tế công cộng, nằm trong danh sách 12 trường tốt nhất do Tạp chí Times Higher Education bình chọn.

Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam Trần Xuân Bách vừa được bổ nhiệm trở thành Giáo sư của trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Anh Trần Xuân Bách, sinh năm 1984, là giảng viên của Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng thuộc Trường ĐH Y Hà Nội. Trước khi được bổ nhiệm chính thức với chức danh giáo sư, anh đã nổi tiếng với việc trở thành Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam và được trường Đại học Johns Hopkins bổ nhiệm làm phó giáo sư dự khuyết, tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh.
Robot làm việc nhà ứng dụng AI
Sáng chế bới các nhà khoa học thuộc Đại học California, Berkeley, Blue là robot có thể thay thế con người đảm đương một số việc nhà như: gấp quần áo, dọn dẹp, cắm hoa, pha cà phê... Nặng 8.7kg, tích hợp trí tuệ nhân tạo cùng cánh tay nhạy cảm với ngoại lực cùng các góc bo tròn, Blue có thể tự thực hiện công việc hoặc được điều khiển thông qua thiết bị thực tế ảo (VR).

Phát hiện loài phân tử đầu tiên hinh thành trong vũ trụ
Ion HeH+, phân tử được cho hình thành đầu tiên sau vụ nổ Big Bang đã được tìm thấy tại tinh vân hành tinh NGC 7027, theo nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature hôm 17/4. Để khắc phục những khó khăn do sự cản trở của khí quyển, các nhà nghiên cứu sử dụng SOFIA, chiếc máy bay Boeing được cải tiến để mang kính viễn vọng bay lên trên tầng khí quyển thấp.

HeH+ được cho là loại phân tử hóa học đầu tiên xuất hiện sau vụ nổ Big Bang. Ảnh: NR Fuller.
Quang phổ kế độ phân giải cao GREAT mà SOFIA mang theo đã dò được HeH+ trong tinh vân hành tinh NGC 7027. Bằng chứng này khép lại cuộc tìm kiếm kéo dải hàng thập kỷ qua.
Ra mắt trái tim in 3D đầu tiên từ mô người
Các nhà khoa học tại Đại học Tel Aviv, Israel hôm 15/4 công bố phát triển thành công trái tim in 3D đầu tiên trên thế giới từ mô người. Nhóm nghiên cứu đã lấy tế bào mỡ từ bệnh nhân và lập trình lại thành các tế bào gốc đa năng trước khi biệt hóa chúng thành tế bào tim và nội mô. Các nhà khoa học sau đó pha trộn các tế bào biệt hóa kể trên để tạo ra "mực in sinh học".

Trái tim nhân tạo được in 3D từ mực in sinh học có thể cấy ghép trực tiếp vào cơ thể người mà không bị cơ thể thải ghép. Ảnh: AP Photo.
Một máy in 3D chuyên dụng sẽ sử dụng chúng để sản xuất trái tim nhân tạo. Nhờ được tạo ra từ tế bào và vật liệu sinh học của chính bệnh nhân, trái tim in 3D mới có khả năng tương thích sinh học cao hơn, tạo đột phá mới trong phương pháp cấy ghép tương lai.
Hồi sinh thành công não lợn chết
Các chuyên gia Mỹ vừa khôi phục thành công chức năng cho não của một con lợn chết được 4 tiếng, hứa hẹn đem đến nhiều giải pháp mới cho con người.

Tế bào thần kinh (màu xanh lá), tế bào hình sao (màu đỏ) và nhân tế bào (màu xanh dương) trong não của lợn được thí nghiệm. Hình bên trái là não lợn đã chết trong 10 tiếng, hình bên phải là não đã được điều trị sau khi cơ thể vật chủ đã chết 10 tiếng. Ảnh: Stefano G. Daniele and Zvonimir Vrselja, Yale School of Medicine.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Yale của Mỹ đã lấy não lợn chết và nối các động mạch của não với hệ thống BrainEx có khả năng bơm máu tổng hợp oxy. Vài giờ sau đó, nhiều chức năng cơ bản của tế bào não như: thải CO2, hấp thụ glucose và oxy đã hồi phục.
Dù não lợn được hồi sinh và không phát ra các tín hiệu về ý thức nhưng phương pháp này hứa hẹn mở ra khả năng khôi phục chức năng não cho bệnh nhân bị đột quỵ hay chấn thương đầu.
Nhà giáo Chu Văn An sẽ được UNESCO vinh danh
Theo tin từ Bộ Ngoại Giao, tại khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 206 tại Paris (Pháp), hồ sơ kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An đã được thông qua cùng 48 hồ sơ khác từ 71 hồ sơ do 41 quốc gia đề cử. Theo đó, nhà giáo Chu Văn An trở thành danh nhân Việt Nam thứ 4 được UNESCO vinh danh.

Tượng thờ nhà giáo Chu Văn An tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Theo quy định của UNESCO, kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 40 diễn ra vào tháng 11 tới sẽ chính thức ra Nghị quyết kỷ niệm các sự kiện, nhân vật kiệt xuất của thế giới.
Bộ đồ bay phản lực in 3D cất cánh tại Mỹ
Bộ đồ bay phản lực in 3D từ chất liệu nylon và nhôm do Công ty Gravity Industries của Anh phát triển. Bộ đồ này có 5 động cơ phản lực turbo. Các động cơ có thể được vận hành bởi nhiều loại nhiên liệu, trong đó có động cơ diesel. Bộ đồ có thể đạt vận tốc lên đến 50 km/h.

Đồ bay phản lực cá nhân này đã được thử nghiệm bay lên và hạ cánh mà không gặp phải trở ngại nào. Với bộ đồ bay này, giấc mơ bay lượn trên không giờ đã trở nên dễ dàng hơn.
Khánh thành nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á
Ngày 27/4 tại Ninh Thuận, Tập đoàn BIM Group chính thức khánh thành cụm ba nhà máy điện mặt trời và hòa lưới điện quốc gia với công suất 330 MW. Đây hiện là tổ hợp nhà máy năng lượng điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á.

Tổ hợp điện mặt trời của BIM Group bao gồm hơn một triệu tấm năng lượng. Ảnh: Quỳnh Trần
Với tổng công suất 330MW, cụm nhà máy bao gồm: nhà máy điện BIM 1 có công suất 30MW; BIM 2 có công suất 250MW và BIM 3 có công suất 50MW. Tổ hợp được đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, lắp đặt hơn một triệu tấm pin năng lượng mặt trời, dự kiến sản xuất khoảng 600 triệu KWh một năm. Mỗi năm, sản lượng từ nhà máy sẽ phục vụ 200.000 hộ gia đình và góp phần giảm gần 304.400 tấn CO2 thải ra môi trường.
Nhà khoa học nữ đầu tiên đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu
Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 được trao cho ba nhà khoa học là: PGS Phạm Đức Chính, Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (lĩnh vực Cơ học); PGS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (lĩnh vực Y sinh Dược học) và TS Lê Trọng Lư, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (lĩnh vực Vật lý).

PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bộ Y tế) là nhà nghiên cứu nữ đầu tiên đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu. Ảnh: Thanh Nhàn/Tia Sáng.
Đây là năm đầu tiên, Hội đồng giải thưởng đề xuất trao tặng giải thưởng cho các nhà khoa học trong các lĩnh vực Y sinh Dược học và Cơ học. Và đặc biệt, đây cũng là năm đầu tiên có nhà khoa học nữ được trao giải Tạ Quang Bửu.
Thầy giáo 83 tuổi giành giải nhất cuộc thi sáng chế
Tối 25/4, Lễ trao giải cuộc thi Sáng chế năm 2018 đã được tổ chức tại Hà Nội. 10 sáng chế xuất sắc, ứng dụng khả thi giúp cải thiện cuộc sống của người dân và góp phần phát triển kinh tế đã được vinh danh.

Tác giả Trần Kim Quy (thứ hai từ phải qua) nhận giải nhất từ Ban tổ chức. Ảnh: VnExpress.
Trong số này, giải pháp sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt của tác giả Trần Kim Quy (83 tuổi, từng là giảng viên Đại học khoa học tự nhiên TP.HCM) và cộng sự giành giải nhất. Giải pháp sử dụng rác thải sinh hoạt đô thị và nông thôn làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Các chủng vi sinh vật dùng để nhân giống, lên men sản xuất ra các chế phẩm vi sinh phân lập tuyển chọn từ trong đất.
Hội đồng giám khảo đánh giá, giải pháp kỹ thuật khả thi và tính ổn định cao trong điều kiện kinh tế hiện nay của Việt Nam.
Phát sóng thử nghiệm trạm 5G đầu tiên tại Việt Nam
Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) đã hoàn thành tích hợp hạ tầng phát sóng 5G đầu tiên tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) và phát sóng thử nghiệm thành công trên mọi băng tần được Bộ TT&TT cấp phép.

Hình ảnh trạm 5G tại Hà Nội.
Tốc độ kết nối trong các bài thử nghiệm dao động từ 600 - 700Mbp, tương đương với tốc độ cung cấp cho khách hàng của mạng 5G Verizon (Mỹ). Như vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia thử nghiệm 5G sớm nhất trên thế giới. Trước đó, Mobifone là nhà mạng thứ hai được cấp phép thử nghiệm 5G tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP.HCM.
Công nghệ chuyển đổi bản ghi âm não thành lời nói
Các nhà nghiên cứu tại Đại học California, San Francisco, Mỹ vừa phát triển thành công bộ giải mã có thể trực tiếp chuyển đổi hoạt động não thành lời nói.
Họ đã ghi lại hoạt động não của những người được cấy mảng điện cực vào não trước đó. Các đối tượng sẽ đọc to câu chữ trong khi nhà nghiên cứu thu những tín hiệu thông qua nhiều điện cực để phân tích và quan sát chuyển động của môi, hàm, lưỡi và thanh quản.

Ảnh: UCSF.
Sử dụng thông tin này, họ phát triển một bộ giải mã có thể chuyển đổi hoạt động của não thành lời nói. Công nghệ này được kỳ vọng có thể mang lại tiếng nói cho những người mắc bệnh như Parkinson.
Sản xuất thành công thuốc kháng sinh chống tế bào ung thư
Sau 20 năm nghiên cứu, các nhà khoa học Anh và Nhật đã thành công trong việc bào chế thuốc kháng sinh chống tế bào ung thư và vi khuẩn kháng thuốc.

Ảnh: Martin Lear, University of Lincoln.
Biệt dược của thuốc có tên là kedarcidin, được phát hiện trong một mẫu đất ở Ấn Độ gần 30 năm trước. Không giống các loại kháng sinh khác chỉ tập trung diệt vi khuẩn, kedarcidin còn tấn công tế bào ung thư và có khả năng trở thành vũ khí hữu hiệu trong điều trị ung thư. Hiện thành công này mới dừng trong điều kiện phòng thí nghiệm.
In 3D tạo ra bộ phận cơ thể người xuyên thấu
Với mục tiêu cải thiện kỹ thuật cấy ghép nội tạng, các nhà khoa học tại trường Đại học Ludwig Maximilian, Đức mới đây công bố đã nghiên cứu tạo ra các bộ phận cơ thể người xuyên thấu. Nghiên cứu tập trung vào việc phát triển công nghệ sử dụng dung môi để giúp nhìn xuyên thấu một số cơ quan nội tạng, bao gồm cả vị trí chính xác của từng tế bào gốc.

Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Ali Ertuerk dự kiến sẽ tạo ra bộ phận hoàn chỉnh để cấy ghép trực tiếp vào cơ thể người sau khoảng 10 năm tới. Ảnh: Reuters.
Kết hợp với công nghệ in 3D, những tế bào gốc sẽ được đặt đúng vị trí trong các bộ phận nhân tạo và dần dần phát triển thành cấu trúc của cơ quan đó, giúp chúng hoạt động một cách bình thường. Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể in 3D thành công lá lách trong vòng 3 năm tới và thận trong vòng 5 đến 6 năm.
WHO lần đầu tiên khuyến cáo không cho trẻ dưới 1 tuổi xem điện thoại
Các chỉ dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nêu rõ: thời gian hợp lý để trẻ dưới 5 tuổi tiếp xúc thụ động với màn hình các thiết bị điện tử như: điện thoại, ti vi, máy tính là không quá 60 phút/ngày. Đặc biệt không nên để trẻ dưới 1 tuổi tiếp xúc với các loại màn hình này để đảm bảo các em phát triển khỏe mạnh.

Trẻ dưới 18 tháng tuổi không nên sử dụng thiết bị điện tử có màn hình, trẻ lớn hơn 18 tháng tuổi chỉ nên sử dụng các thiết bị này khoảng 1 giờ mỗi ngày. Ảnh: Chris Ison/PA Images via Getty Images.
Thay vào đó, trẻ em từ 1 - 4 tuổi nên dành ít nhất 3 giờ/ngày cho các hoạt động thể chất và ngủ đủ giấc. Theo WHO, thói quen lười vận động thể chất là yếu tố rủi ro hàng đầu gây tử vong và góp phần làm gia tăng tình trạng thừa cân và béo phì trên toàn cầu.
NASA phát hiện dấu hiệu 'động đất' trên Sao Hỏa
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo tàu thăm dò InSight đã phát hiện và đo đạc được âm thanh “ầm ầm” nhẹ giống như một trận động đất hôm 6/4 – ngày thứ 128 của tàu InSight trên Sao Hỏa.

Hình ảnh mô phỏng tàu vũ trụ InSight của NASA trên Sao Hỏa. Ảnh: Reuters.
Các nhà khoa học vẫn đang kiểm tra dữ liệu, để kết luận chính xác nguyên nhân của dấu hiệu này, đồng thời cho biết sự rung lắc dường như xuất hiện từ bên trong Sao Hỏa, chứ không phải do các tác động trên bề mặt, chẳng hạn như gió. Đây có thể là lần đầu tiên NASA đo đạc được dấu hiệu về động đất trên hành tinh đỏ.
Dùng rơm khử mặn nước biển
Các nhà khoa học thuộc Viện Cơ khí và Công nghệ Vật liệu thành phố Ninh Ba phối hợp với Viện Khoa học Trung Quốc đã phát triển một thiết bị tạo hơi nước bằng rơm thải sử dụng năng lượng Mặt Trời.
Thiết bị này gồm một màng ảnh nhiệt và các máy bơm nước. Phần lá của cọng rơm được đốt thành than và được cô lại bằng xenlulô vi khuẩn để hoạt động với vai trò là một màng ảnh nhiệt, còn phần dưới thân cọng rơm được dùng vào làm máy bơm nước. Vào những ngày nắng, thiết bị lọc được 6,4-7,9 kg/m3 nước mỗi ngày, còn vào những ngày nhiều mây, lượng nước lọc được ở vào khoảng 4,6-5,6 kg/m3.
Đông Trần tổng hợp (nguồn: Khampha.vn)
Tags
Bài viết cùng chuyên mục
- Việt Nam có thuốc y học cổ truyền đầu tiên điều trị Covid-19
- Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2023: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
- Na Uy mở đường hầm dài nhất thế giới cho xe đạp
- Ngày mai có thể quan sát nhật thực lai hiếm gặp
- Phó giáo sư Việt làm hệ thống sạc không dây cho ôtô điện
- Thủ tướng: 'Tập trung nhân lực cho công nghệ chip, vi mạch là hướng đi đúng'
- Tuổi Trái Đất được tính như thế nào?
- Ngoại trưởng Mỹ xem trình diễn robot tại Đại học Bách khoa Hà Nội
- Vì sao khi huấn luyện mô hình ChatGPT cần tới 700.000 lít nước?
- Ảnh chụp chưa từng có về 'tinh vân con cua'
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận