Những tấm gương vươn lên đạt thành tích cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

Thứ tư, 02/09/2020

Đó là những tâm gương vươn lên trong cuộc sống để đạt được những thành tích cao

Nam sinh chăn bò, nhặt rau giúp mẹ đạt 9,75 điểm môn Văn


Võ Tài, học sinh trường THPT Tam Giang (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) là nam sinh hiếm hoi đạt điểm gần như tối đa môn Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
 
Được 9,76 điểm môn Văn, là một trong những thí sinh “hiếm” trong cả nước có điểm gần như tối đa, Tài không khỏi bất ngờ vì theo em, môn Văn rất khó được điểm cao, khó hơn nữa khi điểm gần như tối đa.

Lớn lên tại xã nghèo Điền Lộc, huyện Phong Điền tỉnh, Thừa Thiên Huế, gia cảnh không lấy gì dư dả, tuổi thơ của em gắn liền với những cánh đồng, đầm phá Tam Giang sóng nước và phụ giúp mẹ mỗi ngày.
Là con đầu trong gia đình làm nông, sau khi đạp xe hơn 7km đến trường về, em lại vào phụ giúp mẹ chăm rau, hái rau và đi chăn bò.


Em Tài nhặt rau giúp mẹ các giờ rảnh

Tài rất mê chăn bò và xem đây như là thú vui của mình để giải tỏa đầu óc sau khi học xong, cũng là cách để phụ với cha mẹ tăng kinh tế ngoài đồng. Từ việc lùa bò ra đồng, cho bò ăn cỏ, và lùa bò về nhà được em thực hiện rất thuần thục.


Và chăn bò giúp gia đình

Dù không học thêm môn Văn nhưng đạt điểm gần tuyệt đối, Tài tâm sự: “Do phần làm văn yêu cầu thí sinh viết về sự cần thiết trân trọng cuộc sống mỗi ngày, và phân tích tư tưởng "Đất nước của nhân dân" trong bài Đất nước của tác giả Nguyễn Khoa Điềm khiến em có cảm xúc thực sự.Do gần gũi với cuộc sống, cũng như cố gắng học và đọc sách nhiều nên em đã đưa ra quan điểm sống của mình trước cuộc sống hiện đại, trình bày rõ ràng, mạch lạc và không ngờ lại đạt điểm cao”.


Đôi mắt sáng của Tài

Chia sẻ kinh nghiệm học, Tài cho biết, các bạn yêu thích môn văn cần phải nắm kiến thức cơ bản, đọc sách, xem video thầy cô dạy online.Dự định sắp tới của Tài là ngành Điện tử Viễn thông, với phổ điểm hiện tại, Tài có thể sẽ đỗ vào ngành học này ở trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Tài sẽ lên Huế thuê trọ ở và học trong quãng đời sinh viên.
“Em mong sao này ra trường tìm được việc làm sớm để phụ giúp bố mẹ từ ngành học mình yêu thích, dù thích môn Văn nhưng em lại có đam mê hơn ở ngành Điện tử Viễn thông”, Tài nói.


Việc làm nông được em thực hiện thuần thục

Võ Tài đã gửi lời cảm ơn đến thầy Hoàng Kim Sơn, giáo viên dạy văn lớp 12 đã luôn tận tình chỉ bảo em cách học tốt môn văn, cùng thầy Nguyễn Đăng Trung, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 B 6 Trường THPT Tam Giang, người luôn động viên Tài và các bạn trong lớp phải gắng học tập để thay đổi cuộc đời.Thầy Hoàng Đức Diễn, Hiệu trưởng Trường THPT Tam Giang đánh giá về học trò: “Tài là học sinh có học lực tốt và chăm ngoan của nhà trường.

Kết quả cao của em là minh chứng cho sự nỗ lực của bản thân và phương pháp đổi mới dạy học của giáo viên. Chúc em sớm thành công ở quãng đời đại học và ra trường có việc làm tốt”. 


Cậu bé "chăn bò" đạt điểm Văn gần như tuyệt đối 9,75
 

Mẹ lao động tự do, bố làm ruộng, nam sinh trở thành thủ khoa của xứ Thanh


Gia đình cuộc sống tuy gặp nhiều khó khăn nhưng em Đỗ Việt Cường vẫn xuất sắc đạt thủ khoa có điểm xét tuyển đại học cao nhất tỉnh Thanh Hóa.
 
Không bất ngờ với kết quả đạt được

Sinh ra trong gia đình có 2 anh em trai, em Đỗ Việt Cường (SN 2002), học sinh Trường THPT Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, là con út, anh trai Cường đang học năm 3 tại Trường đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch.


Sau khi biết kết quả điểm thi, Cường đã đến trường chia sẻ niềm vui với thầy giáo chủ nhiệm Lê Mạnh Hùng và bạn bè.

Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, Cường đã đến trường để chia sẻ niềm vui với thầy cô và các bạn. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Cường đã xuất sắc trở thành thủ khoa của tỉnh Thanh Hóa với 29,5 điểm, trong đó Toán 10 điểm, Hóa học 9,75 điểm và Vật lý là 9,75 điểm.

Với thầy cô Trường THPT Hàm Rồng, kết quả mà Cường đạt được là không quá bất ngờ. Tuy nhiên, khi nhắc đến Cường, thầy Lê Mạnh Hùng, giáo viên chủ nhiệm tỏ ra lo lắng cho cậu học trò của mình trong thời gian tới khi điều kiện gia đình khó khăn.

Chị Lê Thị Bảy, mẹ Cường chia sẻ: “Cháu có được kết quả như ngày hôm nay cũng nhờ sự nỗ lực cố gắng của cháu, gia đình rất vui. Bên cạnh đó, nhà trường và các thầy cô, nhất là sự nhiệt tình dạy dỗ của thầy chủ nhiệm, gia đình rất biết ơn các thầy cô giáo”.

Cũng theo chị Bảy, thời gian khi anh trai Cường vào đại học, còn Cường lên cấp 3, gia đình chuyển xuống thành phố ở. Khi các con đi học, vì khó khăn nên gia đình chị Bảy cho thuê lại căn nhà đang ở rồi đi tìm phòng trọ rẻ hơn thuê để có khoản chênh lệch lo cho các con ăn học. Hiện 3 mẹ con Cường ở trọ tại thành phố, mẹ làm nghề lao động tự do, còn bố làm ruộng ở quê.


Gia đình không có điều kiện nên phải cho thuê căn nhà đang ở, đi thuê phòng trọ để có khoản tiền chênh lệch trang trải chi phí học tập cho 2 anh em Cường.

Mặc dù gia đình có điều kiện khó khăn, nhưng Cường rất nỗ lực trong học tập. Năm học cấp 2, Cường có tham gia đội tuyển Toán của nhà trường và giành giải Nhì môn Toán cấp thành phố. Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, em là thủ khoa đầu vào của Trường THPT Hàm Rồng với 48,3 điểm.

Năm học lớp 10, Cường giành giải Khuyến khích môn Tin học cấp tỉnh, lên lớp 11, em giành giải Nhì môn Toán cấp tỉnh. Trong 3 năm học cấp 3, Cường luôn là học sinh giỏi toàn diện của nhà trường.

Với thành tích học tập xuất sắc của mình, trong đợt xét tuyển trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Cường đã trúng tuyển vào Khoa công nghệ thông tin của Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Đây cũng là sở thích và nguyện vọng từ năm lớp 10 của Cường.  

“Điều kiện gia đình khó khăn nên sau khi đi học đại học, em sẽ vừa học, vừa làm thêm để kiếm tiền trang trải một phần cuộc sống cũng như chi phí học tập”, Cường chia sẻ.

Chia sẻ về kinh nghiệm học tập, theo Cường, trước hết phải hoàn thành bài tập thầy cô giao, tìm kiếm thêm tài liệu trên mạng internet để tự học, học kỹ những phần cơ bản và phải hiểu kỹ bản chất của vấn đề. Trong quá trình học, Cường luôn được thầy cô giáo nhà trường định hướng, hỗ trợ và cung cấp thêm cho em các tài liệu.

Dù là một học sinh giỏi toàn diện, nhưng Cường không phải là “mọt sách”. Ngoài học tập ở trường, Cường dành thời gian vui chơi thể thao và học bài vào buổi tối. Môn thể thao yêu thích nhất với Cường là bơi lội.

Mặc dù đã chắc suất vào Đại học Bách khoa từ trước khi kỳ thi diễn ra, nhưng Cường vẫn không cho phép mình dễ dãi với bản thân và đạt kết quả cao với 29,5 điểm tổ hợp 3 môn xét tuyển đại học và là thủ khoa có điểm xét tuyển đại học cao nhất tỉnh Thanh Hóa.

“Trải qua nhiều năm học, em muốn biết thực lực và sự cố gắng của mình đến đâu”, Cường chia sẻ về lý do em rất nghiêm túc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.

Kết quả thi của Cường đã đáp ứng sự kỳ vọng của nhà trường. Trước đó, trong quá trình thi khảo sát của nhà trường, Cường luôn đạt từ 29,5 điểm trở lên.

Nghiêm túc trong tất cả các môn học

Nhận xét về cậu học trò của mình, thầy Lê Mạnh Hùng cho biết: Trong quá trình dạy, phát hiện tố chất, năng lực của em Cường nên bản thân thầy và các giáo viên khác đã tập trung bồi dưỡng, định hướng từ trước cho Cường.

“Cường là một học sinh hòa đồng, sôi nổi, tích cực hoạt động các phong trào. Ngay từ lớp 10, Cường đã bộc lộ tố chất về các môn Khoa học tự nhiên, đặc biệt, em có tư duy sâu về môn Toán. Không chỉ bản thân cố gắng học tập, Cường còn thường xuyên hỗ trợ các học sinh khác trong lớp.


Theo thầy giáo chủ nhiệm, từ năm lớp 10, Cường đã bộc lộ tố chất về các môn Khoa học tự nhiên, đặc biệt, em có tư duy sâu về môn Toán.

Cường còn là học sinh rất nghiêm túc trong tất cả các môn học. Quá trình học trên lớp cũng như học thêm, từ bài dễ đến bài khó, em rất nghiêm túc trong quá trình giải bài”, thầy Hùng chia sẻ.

Để có được kết quả cao trong kỳ thi vừa qua, ngoài năng lực học tập, Cường còn luyện đề thi nhiều và thực hiện theo đúng thời gian như một kỳ thi thực thụ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có phương pháp cho các em học sinh thực hiện đề thi trên phần mềm trực tuyến có bấm thời gian cho các em làm quen.

Về phía nhà trường còn tổ chức các kỳ thi kiểm tra chất lượng, trong đó xây dựng đề thi phù hợp để đánh giá đúng chất lượng học sinh và để các em biết được năng lực của mình mình.

Thầy Lường Văn Hoan, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng chia sẻ: Em Cường không chỉ là một học sinh giỏi về kiến thức mà còn là học sinh có đạo đức tốt. Thành tích cao của em Cường không phải là kết quả bất ngờ với nhà trường.


Em Đỗ Việt Cường (thứ 3 từ phải sang) tại lễ trao thưởng giáo viên và học sinh có thành tích xuất sắc trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp, năm học 2018-2019.

Trong nhiều năm qua, bên cạnh giáo dục mũi nhọn, nhà trường cũng luôn quan tâm đến chất lượng giáo dục đại trà. Điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp của nhà trường luôn đứng đầu khối THPT toàn tỉnh.

Ngoài ra, nhà trường cũng quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, để đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện của nhà trường, thông qua tổ chức các sân chơi và thành lập các câu lạc bộ theo sở thích để học sinh tham gia, trải nghiệm và thể hiện năng khiếu của bản thân. Trách nhiệm đặt ra với nhà trường là phải giữ được thương hiệu, uy tín trong giáo dục.
 

Cám cảnh nữ sinh mồ côi đến trường bằng nạng gỗ đạt 28,5 điểm khối A


Bố mất mới hơn 50 ngày thì An bị tai nạn gãy chân. Một năm ròng đến trường trên đôi nạng gỗ nhưng em đã làm nên kỳ tích khi đạt điểm 10 môn Toán, 9,75 điểm Hóa và 8,75 điểm Vật lý thi tốt nghiệp THPT.
 
Vượt nghịch cảnh làm nên kỳ tích

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Phan Thị Thùy An (Trường THPT Nam Đàn 2, huyện Nam Đàn, Nghệ An) đạt tổng điểm xét tuyển khối A) 28,5 điểm. Trong đó, môn Toán đạt điểm 10, Hóa học 9,75 điểm và Vật lý 8,75 điểm. Để đạt được kết quả đó là nỗ lực không mệt mỏi của cô nữ sinh vùng đất ngập lũ này.


Phan Thị Thùy An xuất sắc giành được điểm 10 môn Toán, 9,75 điểm Hóa học và 8,75 điểm Vật lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

“Sau khi thi và khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án, em so đáp án và chấm điểm cho mình nên kết quả này cũng không bất ngờ. Em rất vui vì sự cố gắng của bản thân đã đưa lại kết quả như mong muốn nhưng cũng hơi buồn chút xíu khi bài làm môn Vật lý chưa được tốt lắm”, Thùy An chia sẻ.

Năm 2019, bố An qua đời trong một vụ tai nạn lao động, gia cảnh vốn đã khó khăn càng trở nên bi đát hơn. Thời điểm này, anh trai của An đang học đại học năm thứ 2 ở Hà Nội, mẹ phải xoay xở lo toan cho An và em trai. Tháng 6/2019, vừa xong lễ cúng 50 ngày cho bố thì An bị tai nạn gãy xương đùi.

Trải qua 2 lần phẫu thuật, An được ra viện nhưng không thể tự đi lại được, phải nhờ vào đôi nạng gỗ để di chuyển. Ròng rã một năm trời, chị Phan Thị Quyên (SN 1974, mẹ An) chở con đến trường. Hai biến cố ập đến khiến An co mình, sống khép kín và vùi đầu vào học.

Đi lại khó khăn khi phải nhờ đến đôi nạng, hoàn cảnh cũng không lấy gì làm khá giả nên ngoài giờ học ở trường, An không đi học thêm mà chủ yếu tự học. May mắn, An có những người thầy, người cô tận tâm và người anh trai tuy ở xa nhưng vẫn theo sát em gái trong quá trình học tập.Nói về Thùy An, thầy Từ Đức Toàn - giáo viên chủ nhiệm cho biết: “Năm lớp 11, An đoạt giải Ba môn Toán kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Trải qua 2 biến cố lớn, em đã nỗ lực vươn lên để đạt được thành tích đáng ghi nhận này. Với 28,5 điểm, An là thí sinh có điểm xét tuyển đại học cao nhất trường, kết quả này xứng đáng với sự nỗ lực, bền bỉ không đầu hàng số phận của em”.

Với kết quả này, An cho biết em sẽ đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Hiện em vẫn đang cân nhắc trong việc chọn ngành học phù hợp với bản thân cũng như có nhiều cơ hội xin việc sau khi ra trường.

Canh cánh nỗi lo

Nhà ít ruộng, bố An phải đi làm ăn xa. Tết năm 2019 là cái tết đầu tiên sau 5 năm cả gia đình An được quây quần bên nhau nhưng cũng là cái tết cuối cùng An có bố. Chồng đột ngột qua đời, chị Quyên nén nỗi đau để quán xuyến gia đình, gánh vác kinh tế và giúp các con sớm ổn định tâm lý.


An cùng thầy giáo chủ nhiệm Từ Đức Toàn - người đã luôn động viên và giúp đỡ em trong suốt thời gian em gặp nạn.

Anh trai của An là Phan Mạnh Quyết, từng đoạt giải Khuyến khích kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học, hiện đang theo học một ngôi trường danh tiếng ở Hà Nội. Thương bố mẹ vất vả, Quyết đi làm thêm để có thể tự trang trải chi phí ăn học đắt đỏ ở Thủ đô.

Kỳ thi vừa qua, Thùy An đạt tổng điểm xét tuyển khối A 28,5 điểm. Với số điểm này cộng với điểm ưu tiên khu vực, cánh cửa đại học gần như đã mở rộng đối với cô nữ sinh nghèo này. Thế nhưng, con đường tới giảng đường đại học của em còn lắm chông gai khi vết thương chưa lành hẳn.
 
Thời gian gần đây, An đã tập được thói quen bỏ nạng để chủ động đi lại và có thể phụ giúp mẹ những công việc nhẹ nhàng. Em cũng đang cố gắng để có thể tự chăm sóc bản thân cũng như tìm kiếm việc làm thêm để có thể tự lo liệu 1 phần chi phí sinh hoạt trong thời gian đi học xa nhà sắp tới.

Chị Quyên tâm sự: “Vì khó khăn, bố cháu phải đi làm ăn xa và gặp nạn. Bởi vậy, dù có vất vả, thiếu thốn cỡ nào tôi cũng sẽ cố gắng thay chồng lo cho các con được ăn học nên người, để sau này các cháu có một công việc ổn định, không phải vất vả như bố mẹ”.

Chồng mất, chị gạt nước mắt cố gắng mạnh mẽ sống vì con, tất bật với 4 sào ruộng cũng chỉ đủ cho mấy mẹ con đủ ăn trong nhà. Suốt 1 năm nay, ngày mấy bận đưa đón con đi học, chị cũng chẳng có thời gian để làm việc khác, ngoài làm ruộng vườn chỉ nuôi thêm được mấy con gà. Giờ đây, con gái thi đạt kết quả cao, chị vừa vui mừng, hạnh phúc nhưng cũng nặng trĩu lo lắng. Gánh nặng kinh tế gia đình với 2 con học đại học xa nhà và cậu con út lên lớp 8, một mình chị làm sao lo liệu, cáng đáng nổi?
 

Kỳ tích của đôi bạn cõng nhau đến trường viết tiếp giấc mơ đại học


Minh và Hiếu- đôi bạn 10 năm cõng nhau đến trường đã viết nên câu chuyện về tình yêu thương và lòng hiếu học. Giờ đây, ước mơ vào đại học đã đến rất gần với các em khi cả hai cùng đạt điểm số rất cao.
 
Cụ thể, Hiếu thi khối B với số điểm 28,15 (Toán: 9,40; Hóa: 9,75; Sinh: 9,0). Còn Tất Minh, cậu học sinh bị khuyết tật đôi chân từ nhỏ cũng đã xuất sắc khi đạt số điểm 28,10 khối A (Toán: 9,60; Lý: 9,25; Hóa: 9,25).


Minh và Hiếu- đôi bạn 10 năm cõng nhau đến trường đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Suốt 10 năm qua, nhờ có Hiếu mà Minh dù đôi chân tật nguyền vẫn đều đặn đến trường không nghỉ một buổi nào.Tất Minh mơ ước sẽ thi đậu vào Khoa công nghệ thông tin của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong khi đó, với mơ ước sẽ trở thành bác sĩ giỏi để có thể chữa bệnh cứu người, Minh Hiếu quyết tâm thi đậu vào Đại học Y Hà Nội.

Được tuyển thẳng vẫn quyết tâm thi

Nguyễn Tất Minh sinh ra trong gia đình nghèo (ở xóm 1, xã Đồng Thắng, Triệu Sơn, Thanh Hóa), ngay từ khi lọt lòng Minh đã không may mắn như bao đứa trẻ khác. Đôi bàn chân tật nguyền đã không thể đi lại được, cánh tay phải cũng chẳng thể cử động cầm, nắm.

Thấu hiểu tình cảnh éo le của Minh, suốt 10 năm đằng đẵng Hiếu đã tự nguyện làm đôi chân giúp Minh đến trường. Có Hiếu ở bên, Minh như có thêm nghị lực và niềm tin vào cuộc sống.

Suốt quá trình học tập, Minh và Hiếu luôn là học sinh xuất sắc của trường. Cả hai được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen, được gặp và nhận quà của Chủ tịch nước.

Thầy Nguyễn Tài Quyển, Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn 5, cho biết Minh là một học sinh cá tính. Là người khuyết tật, Minh được đặc cách vào trường nhưng em không đồng ý và muốn thi như các bạn. Năm đó, Minh nằm trong top những học sinh có điểm cao nhất.Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng vậy, Minh được đặc cách miễn thi nhưng em vẫn kiên quyết thi tất cả 6 môn như các bạn bình thường khác”.

Cũng theo thầy Quyển, trong một buổi hướng nghiệp do Trường ĐH Hồng Đức chủ trì, Minh là học sinh được ngôi trường này ưu ái tuyển thẳng vào khoa Công nghệ thông tin thế nhưng cậu học trò cũng từ chối và thử sức mình vào Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Chia sẻ về điều này, Nguyễn Tất Minh cho biết: “Quãng đời học trò, mỗi kỳ thi là một kỷ niệm vì thế em muốn lưu giữ những kỷ niệm đó. Ngoài ra, em cũng muốn được trải nghiệm, thử năng lực của mình”.Minh cũng tỏ ra hơi tiếc khi điểm số như vậy vẫn chưa như kỳ vọng. Cậu học trò tâm sự rằng do môn Vật lý dài và mất nhiều thời gian quá nên khi chuyển sang làm đề Hoá, em đã bị ảnh hưởng tâm lý khiến cho bài làm không được như mong muốn.

Ước mơ trước đây của cậu học trò Nguyễn Tất Minh là được trở thành bác sĩ giống như ước mơ của Hiếu. Thế nhưng do hoàn cảnh của mình, sang năm lớp 12, Minh đã chuyển sang học khối A và mơ ước thành kỹ sư IT.

Chị Nguyễn Thị Lý, mẹ của Minh không khỏi lo lắng trước ngưỡng cửa đại học của con trai. “Từ nay không còn Hiếu làm đôi chân cho Minh nữa, tôi cũng rất lo lắng.Trước mắt, bố ra cùng để đưa đón Minh đến trường. Bố ra cùng thì hai bố con chắc sẽ không được ở ký túc xá mà trọ ở ngoài thì cũng tốn kém trong khi gia đình còn khó khăn. Gia đình muốn mua cho con chiếc xe lăn điện nhưng cũng chưa có điều kiện”, chị Lý trải lòng.

“Có được kết quả học tập như ngày hôm nay, em rất biết ơn các thầy cô và đặc biệt là Hiếu- người đã thay đôi chân đưa em đến trường suốt 10 năm qua”, Minh xúc động cho biết.

Ước mơ thành bác sĩ để chữa chân cho Minh!

10 năm cõng nhau đến trường đi học, Minh và Hiếu đã cùng có ước mơ trở thành bác sĩ. Thế nhưng, do hoàn cảnh, Minh đã rẽ sang hướng khác. Hiếu vẫn chọn con đường này bởi ước mơ muốn chữa đôi chân cho Minh.

 “Ước mơ làm bác sĩ được nhen nhóm khi em có ý nghĩ sẽ chữa đôi chân cho Minh. Và còn điều mà em mong muốn là được chữa bệnh cho người nghèo. Có rất nhiều hoàn cảnh rất đáng thương, mắc bệnh hiểm nghèo nhưng không có cơ hội được chữa trị”, Ngô Minh Hiếu chia sẻ.

Mặc dù không vào cùng trường Đại học nhưng Hiếu cho biết, sẽ vẫn ở cạnh để tiện chăm sóc cho Minh.


Mơ ước làm bác sĩ của Hiếu chính là để chữa lành chân cho Minh.

Chàng trai có tấm lòng nhân ái Ngô Minh Hiếu ngay sau buổi thi cuối cùng đã lên đường đi phụ hồ cùng bố ngoài tận tỉnh Bắc Ninh. Hiếu bảo tranh thủ đi kiếm tiền để khi đậu đại học còn có vài đồng đỡ đần cho gia đình. Đến giờ này, dù đã biết điểm, Hiếu vẫn chưa về nhà.“Nhà trường không bất ngờ với kết quả thi của hai em. Đó là cả một quá trình học tập và chúng tôi cũng đã xác định Minh và Hiếu có thể sẽ nằm trong top điểm cao nhất của trường và kết quả đúng là như vậy”, thầy Quyển nói.

Lo lắng cho cậu học trò Nguyễn Tất Minh với môi trường mới, thầy Quyển cũng đã liên hệ với một số cựu học sinh của trường hiện đang là sinh viên trường ĐH Bách Khoa để trợ giúp Minh trong những ngày sắp tới.
Mong muốn của thầy Quyển là Minh được hỗ trợ một chiếc xe lăn điện để em có thể đến trường khi không còn đôi chân của Hiếu ở bên cạnh.
 
Mạnh Quân tổng hợp (Theo Dân trí)
 
 
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×