Nỗ lực vượt bậc của nam sinh Bách khoa từng xếp học lực yếu

Thứ năm, 13/01/2022

Đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội với 27,6 điểm ba môn Toán, Lý, Anh nhưng Lê Đăng Huy chỉ đạt GPA 1.43/4.0 kỳ đầu, trượt hai môn quan trọng Đại số và Giải tích 1.
Đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội với 27,6 điểm ba môn Toán, Lý, Anh nhưng Lê Đăng Huy chỉ đạt GPA 1.43/4.0 kỳ đầu, trượt hai môn quan trọng Đại số và Giải tích 1.
 
Trúng tuyển vào ngành Kỹ thuật điện tử - Viễn thông của ngôi trường hàng đầu phía Bắc, Huy trải qua học kỳ đầu tiên của một tân sinh viên với việc tận hưởng cảm giác "đại học nhàn rỗi": chỉ 7 môn, có ngày học nửa buổi, có ngày không phải lên giảng đường.

Với cách tư duy của một nam sinh vừa rời bậc phổ thông, Huy tin rằng nội dung bài giảng trên lớp là tất cả những gì phải học, không có bài tập thì thời gian ở nhà có thể dành để... chơi.

Rảnh rỗi, lại không có ai quản thúc, Huy dành phần lớn thời gian chơi game, lướt mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Có ngày, em chơi game tới 5-6 tiếng, bù lại quãng thời gian cả tuần mới được chơi một tiếng hồi còn ở nhà. Huy khi đó không hề nghĩ, với bậc đại học, tự học, tự nghiên cứu là một yêu cầu tất yếu.

Nam sinh nhanh chóng đối diện với hậu quả. Từ chỗ là học sinh giỏi nổi tiếng ở trường cấp 3 Lê Xoay (Vĩnh Phúc), Huy của năm nhất đại học không nắm chắc kiến thức cơ bản. Sau nửa kỳ đầu nghe thầy cô giảng như "nước đổ đầu vịt", em bỏ các buổi học lý thuyết ở nửa sau học kỳ, khiến điểm quá trình thấp. Đến đợt thi giữa và cuối kỳ, Huy bị điểm kém ở tất cả các môn, trong đó có hai môn quan trọng là Đại số và Giải tích 1.

"Hôm xem điểm thi cuối kỳ môn Giải tích 1, con số 1 điểm hiện trên màn hình khiến em thất thần bởi chưa bao giờ em tệ hại như vậy. Một là điểm liệt, là trượt môn bất kể quá trình học ra sao", Huy nhớ lại. Một tuần sau đó, em nhận điểm 3 môn Đại số. Cộng với điểm quá trình, Huy đạt 3.9/10, nhận kết quả trượt môn do không qua nổi mức 4.

Với việc trượt hai môn, kết quả các môn khác cũng không khả quan, GPA học kỳ I của Huy ở mức 1.43/4.0, tương đương loại yếu.

Trong những ngày dằn vặt bản thân vì thất vọng và làm người thân lo lắng, nam sinh được thức tỉnh bởi lời động viên "vẫn còn cơ hội làm lại" của bố mẹ. Cậu cũng tự nhắc mình nhớ tới mục tiêu học tốt để có công việc tốt khi ra trường nhằm đỡ đần gia đình. Tất cả thành động lực khiến Huy đi tìm nguyên nhân, thay đổi phương pháp học tập.


Lê Đăng Huy hiện là sinh viên năm hai Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Bước vào kỳ II, Huy vẫn chơi game nhưng giảm dần thời gian, từ hàng chục tiếng xuống còn 5 rồi dần dà về mức 2 tiếng mỗi tuần. Thay vào đó, nam sinh dành thời gian cho những hoạt động lành mạnh hơn như chơi thể thao, nghe nhạc. Em cũng tham gia hoạt động trong Câu lạc bộ Hỗ trợ học tập và Ban hỗ trợ Sinh viên trực thuộc Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên trường, nơi có nhiều anh chị khoá trên rất giỏi và có thể chia sẻ những phương pháp học tập phù hợp.

Với việc học ở lớp, Huy không bỏ tiết như trước. Em tập trung theo dõi bài giảng, hăng hái xây dựng bài nên điểm quá trình tốt hơn và nắm vững kiến thức cơ bản hơn. Ngay trong và sau buổi học, có gì không hiểu, em chủ động hỏi luôn thầy cô. Ngay cả khi phải chuyển sang học online, sau giờ học, nếu có bài tập khó, em vẫn nhắn tin lên nhóm chung để được thầy cô giảng giải.

"Thầy cô khuyến khích sinh viên hỏi nên bất cứ khi nào em cần đều được trả lời. Việc em hỏi trước cả lớp đồng nghĩa thầy cô giải thích trước cả lớp. Như vậy không chỉ em mà các bạn cũng có thể hiểu hơn", Huy nói.

Hiểu được tầm quan trọng của tự học ở bậc đại học, Huy dành nhiều thời gian cho việc này khi ở nhà. Để tránh xao nhãng, em xây dựng thói quen tắt thông báo từ các nhóm trên mạng xã hội. Em gần như thay đổi hoàn toàn cách học so với học kỳ I. Ở kỳ II năm thứ nhất, Huy đạt GPA 3.59/4.0 - mức điểm ở loại giỏi và chỉ thiếu 0.1 nữa là đạt xuất sắc - kết quả khiến một giảng viên của em ở Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá là "thay đổi ngoạn mục" chỉ sau một kỳ, GPA từ 1.43 lên 3.59/4.0.

Đến hè, được đăng ký học lại hai môn đã trượt ở kỳ I, Huy tự tin khi đã có kinh nghiệm học tập và trả được nợ môn.

Nguyễn Trần Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hỗ trợ học tập, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng việc cải thiện GPA từ yếu lên giỏi của Huy là nỗ lực vượt bậc. Là chủ nhiệm câu lạc bộ, Nam nhận thấy nếu kỳ I đạt kết quả tệ như vậy, nhiều bạn có thể mất động lực phấn đấu và dần tuột dốc.

"Huy là trường hợp khác. Em chịu khó học hỏi, lại rất năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động ngoại khóa. Vừa tham gia hoạt động lại vừa tăng GPA đến mức như vậy thực sự rất hiếm", Nam chia sẻ.

Hiện, Huy đang hoàn thành những bài học cuối cùng của kỳ I năm thứ hai trước khi thi cuối kỳ vào sau Tết Nguyên đán. "Giờ em khá tự tin trước các kỳ thi", Huy nói, đặt mục tiêu giành danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" trong thời gian tới.
 Theo Vnexpress

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×