Phát hiện mới: Virus corona tồn tại lâu hơn trên khẩu trang y tế

Thứ tư, 08/04/2020

Theo nghiên cứu mới, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại đến 7 ngày trên khẩu trang y tế, lâu nhất trong các loại bề mặt.

Virus corona tồn tại lâu hơn trên khẩu trang y tế


Theo nghiên cứu mới, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại đến 7 ngày trên khẩu trang y tế, lâu nhất trong các loại bề mặt.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hong Kong cho biết mầm bệnh gây ra Covid-19 sẽ biến mất trong 3 giờ trên các bề mặt như giấy in, giấy lụa. Trong khi đó, nó có thể tồn tại trên tiền giấy, thép không gỉ và nhựa tối đa 4 ngày. Tuy vậy, chúng không chịu được các loại thuốc tẩy rửa, nước rửa tay và xà phòng.


Khẩu trang y tế là bề mặt tồn tại virus SARS-CoV-2 lâu nhất theo nghiên cứu của Đại học Hong Kong

Cũng theo nghiên cứu của Đại học Hong Kong, virus gây ra Covid-19 có thể sống trên lớp ngoài của khẩu trang đến 7 ngày, thời gian tồn tại lâu nhất trong các loại bề mặt.

Nghiên cứu trên được công bố ở tạp chí y khoa The Lancet vào hôm 2/4. Theo đó, loại virus này tồn tại được 3 giờ trên giấy in và khăn giấy. Trên đồ gỗ và vải được xử lý, chúng sống được 2 ngày. Trên tiền giấy và kính, virus sẽ biến mất hoàn toàn vào ngày thứ 4. Trên thép không gỉ và nhựa, virus gây Covid-19 sống được từ 4-7 ngày.

Việc phát hiện virus có thể sống 7 ngày trên khẩu trang rất quan trọng. "Điều này lý giải việc bạn không nên chạm tay lên khẩu trang", Malik Peiris, nhà virus học lâm sàng và y tế công cộng chia sẻ với SCMP.

"Chạm vào khẩu trang sẽ khiến tay bạn nhiễm khuẩn. Sau đó, bạn có thể sẽ chạm tới mắt và truyền virus vào cơ thể", Peiris nói thêm.

Những nghiên cứu khác của các nhà khoa học Mỹ cũng cho rằng virus SARS-CoV-2 tồn tại nhiều ngày trên các bề mặt. Họ phát hiện trên thép và nhựa, virus này tồn tại 72 giờ. Tuy vậy, nó không chịu được quá 24 giờ trên đồng.

Theo các nhà nghiên cứu, rửa tay luôn là biện pháp được khuyến khích và hiệu quả nhất. Tiếp đến, người dân nên từ bỏ thói quen đưa tay lên mặt, miệng, mũi khi chưa vệ sinh tay.

Cũng từ những nghiên cứu này, người dân có thể áp dụng theo bằng cách cất tất cả đồ vật nghi ngờ có virus vào túi bóng và để trong nhiều ngày tùy theo chất liệu trước khi sử dụng.
 

Tại sao Covid-19 thoát khỏi các "thám tử" săn bệnh?


Năm 2009, dự án săn tìm những virus chưa biết đến, có khả năng gây đại dịch với hàng nghìn nhà khoa học giám sát, nhưng vẫn bị nCoV qua mặt. 

Dự án mang tên PREDICT, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ. Những "thám tử" của dự án làm việc với chuyên gia tại 31 nước khác, bao gồm Trung Quốc. Đây chỉ là một phần trong mạng lưới toàn cầu nhằm giám sát bệnh truyền nhiễm. Bất chấp mạng lưới giám sát và hàng nghìn nhà khoa học nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh mới bùng phát, nCoV vẫn qua mặt tất cả và "đánh úp" thế giới vào cuối năm 2019.


Đồ họa mô phỏng hình ảnh nCoV. (Ảnh: Live Science).

Giới chuyên gia nhận xét, giống như một chiếc lưới đánh cá, mạng lưới giám sát có vô số lỗ hổng, trong khi nhân lực và tài lực quá ít để mang đến hiệu quả lớn. Thực tế, tháng 9/2019, chỉ vài tháng trước khi Covid-19 bùng phát, USAID thông báo sẽ dừng tài trợ PREDICT. Cơ quan này cho biết đã có kế hoạch tiếp theo, nhưng không cung cấp thông tin cụ thể.

Theo ước tính, khoảng 600.000 virus chưa được phát hiện, thậm chí nhiều hơn, có khả năng lây từ động vật sang người. Để săn tìm chúng, các nhà nghiên cứu theo dõi những điểm nóng về bệnh tật, nơi động vật hoang dã và con người thường xuyên tương tác. Ví dụ, rừng cây đang bị phá để phát triển, khu nông nghiệp hoặc các chợ bán động vật hoang dã.

Các chuyên gia tập trung lấy mẫu những sinh vật mang nhiều virus như dơi, chuột và khỉ, sau đó xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để xem loại virus mới có thể tấn công tế bào người hay không. Họ cũng nỗ lực quan sát các tác nhân xã hội và sinh thái có khả năng đưa động vật hoang dã mang bệnh đến gần con người.  

Giới nghiên cứu hiểu rõ virus corona có thể là mối đe dọa thường trực. Một chủng của virus này, SARS-CoV, xuất hiện ở Trung Quốc năm 2002 và lan ra gần 30 quốc gia trước khi bị dập tắt vào năm 2003.

Năm 2007, nghiên cứu từ Đại học Hong Kong cho thấy sự hiện diện của nhiều virus tương tự SARS-CoV ở dơi, giống như những quả bom hẹn giờ. Miền Nam Trung Quốc có văn hóa ăn thịt những động vật lạ. Chúng có thể nhiễm virus từ dơi, do đó, văn hóa này khiến virus dễ dàng lây sang người hơn, nhóm nghiên cứu nhận định. Một số nhà khoa học khác cũng đồng tình với ý kiến trên.

Kevin Olival là nhà sinh thái học nghiên cứu bệnh tật tại tổ chức phi lợi nhuận EcoHealth Alliance thuộc dự án PREDICT. Các chuyên gia tại đây cùng đối tác, bao gồm Viện Virus học Vũ Hán, đã nhận diện nhiều virus corona liên quan đến SARS-CoV ở dơi và đang tiến hành thí nghiệm trên một số loại. Tuy nhiên, cách thức và địa điểm nCoV lây sang người vẫn chưa được xác định rõ.

"Nhận định ban đầu cho rằng nCoV khởi phát từ chợ hải sản Huanan, Vũ Hán. Nhưng chúng tôi không rõ liệu sự lây nhiễm có bắt nguồn từ bên ngoài, sau đó mới xâm nhập vào chợ và lan rộng hay không", Olival nói. Giới khoa học cũng chưa thể khẳng định chính xác về sự tồn tại của động vật trung gian giữa dơi và người.


Chợ hải sản Vũ Hán được cho là nơi khiến nCoV lan rộng. (Ảnh: Live Science). 

Theo Olival, để dự đoán dịch bệnh bùng phát, giới chuyên gia cần nắm được thông tin chi tiết về hệ sinh thái địa phương, bản đồ phân bố các loài vật, thông tin về sự tương tác giữa con người với động vật, nhận thức về các tác nhân kinh tế và văn hóa của việc buôn bán động vật.

Tìm hiểu những khía cạnh này là quá trình vô cùng phức tạp, cần nhiều nhà khoa học, cơ sở vật chất, thời gian đào tạo và tiền tài trợ. Do bị hạn chế những yếu tố trên, các nhà khoa học chỉ có thể nghiên cứu ở một số địa điểm trên thế giới. Tuy nhiên, thông tin họ cung cấp vẫn cần thiết trong việc bảo vệ cộng đồng địa phương. Ví dụ, những khu chợ rủi ro cao, nơi buôn bán động vật hoang dã, có thể bị đóng cửa. Người dân cũng sẽ nhận được cảnh báo khi dơi, sinh vật mang nhiều virus, hoạt động tích cực hơn gần nguồn thức ăn của con người, ví dụ như cây ăn quả, để giảm tối đa tiếp xúc với chúng.  

Sự bùng phát của Covid-19 phản ánh thất bại toàn cầu trong việc đầu tư đúng mức vào công tác phòng tránh, theo Rohit Chitale, nhà dịch tễ học tại Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến Mỹ (DARPA). "Thế giới chú trọng quá nhiều vào việc điều trị bệnh dịch sau khi nó xảy ra. Ngược lại, các nỗ lực phát hiện sớm lại được tài trợ rất ít", ông nói.

Olival cũng tiết lộ, PREDICT nhận xấp xỉ 200 triệu USD trong quá trình hoạt động kéo dài cả thập kỷ, chỉ bằng một phần nhỏ so với gói cứu trợ 2.200 tỷ USD Mỹ thông qua tuần trước do Covid-19.

USAID dự định triển khai chương trình phát hiện và phòng bệnh mới mang tên Stop Spillovers. Một phát ngôn viên của cơ quan này cho biết, có thể Stop Spillovers bắt đầu vào tháng 8, nhưng không công bố chi tiết về quy mô dự án cũng như mức hỗ trợ tài chính. Dù dự án mới tiếp tục công việc của PREDICT, việc chương trình này dừng hoạt động do thiếu vốn cũng dẫn đến sự gián đoạn trong nghiên cứu, Olival cho biết.

Trong tương lai, các nỗ lực giám sát bệnh cần kết hợp tốt hơn với nghiên cứu bệnh nhân ở viện địa phương, theo Thomas Inglesby, giám đốc Trung tâm An ninh Y tế thuộc Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg. "Rất nhiều người ở các điểm nóng về bệnh tật chỉ được chẩn đoán qua loa và điều trị bằng kháng sinh công dụng rộng khi nhiễm những bệnh có thể là biểu hiện của virus mới", ông nói.

Tuy nhiên, Inglesby vẫn tỏ ra lạc quan. Ông cho rằng với bài học Covid-19, những năm tới sẽ có thêm nguồn đầu tư cho nghiên cứu. "Chúng ta đang trải qua một thời kỳ chấn động. Các nhà hoạch địch chính sách, nhà khoa học và nhà cấp vốn sẽ bàn luận về cách ngăn chặn sự việc này xảy ra lần nữa", ông nhận định.

Ngọc Trang tổng hợp (Theo Zing, VnExpress)

 
 


Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×