Phương thức nuôi vịt

Thứ sáu, 07/10/2016

Phương thức nuôi vịt chạy đồng là hình thức chăn nuôi vịt lâu đời ở Việt Nam và vùng Đông Nam Á, 
1, Nuôi vịt chạy đồng
Phương thức nuôi vịt chạy đồng là hình thức chăn nuôi vịt lâu đời ở Việt Nam và vùng Đông Nam Á, kết hợp giữa trồng lúa và nuôi vịt. Tùy từng vùng trồng lúa theo mùa vụ nhất định thì vịt cũng được nuôi cho phù hợp với mùa vụ lúa. Nuôi vịt chạy đồng phải tính toán, quy hoạch đồng bãi sao cho vịt hỗ trợ cho sự phát triển của cây lúa, vịt kiếm mồi tự nhiên trong ruộng lúa, ăn sâu rầy, côn trùng, ốc bươu vàng nhỏ và trứng ốc, vịt làm cỏ sục bùn kích thích lúa đẻ nhánh nhiều hơn. Sau vụ gặt, lượng lúa rơi vãi trên đồng theo ước tính khoảng 3 — 5% sản lượng nên vịt sẽ cần mẫn thu nhặt lại số lúa rơi. Trong quá trình chạy đồng, phân vịt giúp cho đất ruộng thêm màu mỡ giúp cây lúa phát triển tốt. Nuôi vịt chạy đồng có thể tiết kiệm được khoảng 30 - 40% thức ăn, từ đó giá thành thịt vịt thấp.
 

a, Thời vụ
Ở Việt Nam, từ lâu tồn tại 2 vụ lúa chính, miền Bắc lúa chín từ tháng 3 đến tháng 7, vụ lúa mùa từ tháng 8 đến tháng 11 dương lịch. Ở miền Nam vụ đông xuân vào đầu năm và hè thu vào cuối năm. Hiện nay kỹ thuật trồng lúa nước đã có nhiều tiến bộ theo hướng thâm canh tầng vụ với các giống lúa ngắn ngày năng suất cao đã đưa sản lượng lúa của Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Đồng thời giống vịt cũng đã phong phú hơn với năng suất cao hơn nên chăn nuôi vịt chạy đồng đã có những cải tiến sao cho nuôi vịt đạt hiệu quả kinh tế cao. Thâm canh lúa đi cùng với việc sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc trừ cỏ, trừ sâu rầy làm cạn kiệt nguồn mồi tự nhiên, ô nhiễm nguồn nước đã tác động xấu tới ngành nuôi vịt chạy đồng.
Tùy từng địa phương có thời vụ cấy gặt khác nhau thời vụ nuôi vịt cũng phụ thuộc theo vụ lúa. Nguyên tắc khi lúa đứng cây có thể thả vịt đẻ, khi lúa chín vào vụ gặt vịt con nuôi thịt đã được 1 tháng có thể chạy đồng. Để tránh áp lực về con giống cũng như khi bán vịt thịt có thể linh hoạt tính toán thời vụ kết hợp thức ăn thêm để đạt hiệu quả kinh tế cao.
 
b, Điều kiện thích hợp nuôi vịt chạy đồng
- Ruộng lúa phải đủ rộng tối thiểu 500 m2 nước thường xuyên để có mồi tự nhiên như cua, ốc, rong, bèo cho vịt kiếm mồi. Khu vực gần mương nước, ao hồ là tốt nhất.
- Lập quy hoạch đồng bãi, không sử đụng thuốc trừ sâu, phân vô cơ nhiều làm giảm nguồn mồi tự nhiên và gây ngộ độc cho vịt.
- Chọn giống vịt phù hợp, chạy đồng và kiếm mồi giỏi, những giống vịt cỏ, vịt Tàu rất nhanh nhẹn và chịu khó kiếm mồi nên phù hợp với nuôi lấy trứng. Với những giống cao sản nên kết hợp thả đồng tăng cường thức ăn phù hợp với tính năng sản xuất của chúng.
Hiện nay ngoài những giống vịt Tàu, vịt cỏ có thể chọn vịt cv Super meat và con lai của chúng để nuôi thịt. Để sản xuất trứng chọn những giống Khaki Campbell và giống cv 2000.
- Không thả vịt trong ruộng lúa mới cấy mà chỉ thả vịt khi lúa đã đứng cây, khi lúa ra bông cứng hạt không thả vịt, chỉ thả vịt sau khi gặt lúa.
- Mật độ vịt thả trên đồng cũng rất quan trọng vì khi thả đúng mật độ thích hợp đảm bảo đủ mồi cho vịt và vịt không làm ngả lúa. Theo Phạm Văn Trượng (2001), mật độ trên 1000 m2 ruộng có thể thả khoảng 200 vịt đẻ hoặc 250 - 300 vịt thịt từ 14 ngày tuổi, với mật độ này đảm bảo đủ thức ăn cho vịt.

2. Nuôi vịt trên mặt nước giới hạn (trên ao hồ)
Đây là phương thức nuôi trên ao hồ, mặt nước có diện tích giới hạn, thường nuôi kết hợp vịt - cá ở nhiều nước trên thế giới. Phân vịt và thức ăn rơi vãi là nguồn thức ăn cho cá. Vịt ăn cua, ốc và cá tạp nên cá phát triển tốt hơn vì không có sự cạnh tranh thức ăn trong ao hồ, môi trường nước cũng được cải thiện đáng kể. Chuồng làm đơn giản bằng vật liệu tre nứa dễ kiếm ở địa phương có chức năng che nắng, che mưa cho vịt, nên bố trí ngay trên bờ ao hay làm sàn trên ao, có lối thoai thoải cho vịt dễ dàng xuống nưởc. Chọn loại cá và thời điểm thả vịt sao cho cá không hại vịt và ngược lại.
Mật độ vịt tùy thuộc vào mức độ lưu thông nước, nước tù đọng không thích hợp cho cả vịt và cá. Ở ao hồ nước lưu thông thường xuyên thì mật độ thích hợp là 500 vịt trên 1 ha mặt nước. Ao sâu 1 - 1,2m, định kỳ hàng năm nạo vét, phát quang cỏ, bụi rậm xung quanh bờ, phơi ao, rút hết nước, đổ vôi sát trùng, diệt ốc và các mầm bệnh có hại cho cá và vịt.
Phương thức này có thể áp dụng nuôi các giống vịt cao sản chuyên thịt hoặc chuyên trứng với những ưu điểm như nuôi thâm canh cao, tỷ lệ nuôi sống cao hơn, thức ăn cho vịt có hàm lượng protein thấp từ đó giá thành thịt, trứng sẽ thấp. Thu lợi từ cá cũng làm tăng thu nhập trên mặt nước, có thể thu định kỳ 1 hay 2 lần trong năm nhưng cũng có thể thu hoặc cá hàng tháng tuỳ theo chủng loại cá nuôi. Phân bùn trong ao là nguồn phân hữu cơ quý cho trồng trọt.

3. Nuôi nhót thâm canh (Nuôi vịt công nghiệp)
Phương thức nuôi thâm canh được áp dụng ở các nước phát triển như Anh, Đức, Pháp v.v... để nuôi vịt giống và vịt thịt thương phẩm. Ở nước ta nuôi vịt nhốt có giá thành thịt trứng cao nên ít được áp dụng. Nuôi nhốt trên nền trải chất độn chuồng hoặc trên sàn gỗ hoặc sàn lưới có ưu điểm thâm canh cao độ, nuôi với mật độ cao nên sản xuất được nhiều thịt và trứng/1m2 diện tích chuồng.
Khi nuôi nhốt chuồng phải làm kiên cố bằng vật liệu dễ vệ sinh sát trùng. Nền chuồng có thể bằng đất nén chặt trải cát, xi măng, hoặc lát gạch nhưng nền chuồng phải thoát nước tốt, cao ráo. Hướng chuồng nên bố trí sao cho ánh nắng buổi sáng có thể chiếu vào nền chuồng nhưng tránh được ánh nắng buổi chiều vì bất lợi cho vịt. Quanh chuồng phải thoáng đãng, không có bụi cây cỏ rậm rạp, tránh được chuột và thú hại vịt. Chuồng nuôi phải thông thoáng tốt bảo đảm nhiệt độ, ẩm độ và các khí độc dưới mức cho phép như C02, NH2 và khí H2S.
Nên bố trí sân chơi với diện tích tối thiểu bằng 2 lần diện tích chuồng để vịt vận động, giảm lượng phân trong chuồng. Sân chơi có thể bằng xi măng, gạch lát dễ cọ rửa, có độ dốc xuống mương nước. Nếu không có ao hồ phải xây bể hoặc mương nước nhân tạo cho vịt tắm. Trong chuồng nuôi bố trí đủ máng ăn, máng uống. Thường có chuồng úm vịt con, chuồng nuôi vịt giò và vịt đẻ riêng.
Hiện nay có nhiều mô hình nuôi vịt kết hợp cho hiệu quả kinh tế cao như kết hợp vịt - lúa; vịt - lúa - cá; nuôi vịt thả vườn và nuôi bán chăn thả rất đa dạng.

4. Nuôi vịt đẻ trứng giống
Với hệ thống giống vịt công tác giống được thực hiện ở trại giống gốc với những dòng hạt nhân ông bà để tạo ra vịt giống bố mẹ. Trại giống cấp 2 trong hệ thống giống sẽ sản xuất ra vịt con thương phẩm nuôi lấy thịt hoặc trứng. Tuy nhiên con giống vẫn chưa thực sự cung cấp đủ cho người chăn nuôi. Hơn nữa với các giống cao sản đòi hỏi điều kiện và kỹ thuật chăn nuôi nhất định mà bà con nhiều vùng chưa tiếp cận được nên nhu cầu về con giống vịt nội địa năng suất trung bình chịu đựng tốt điều kiện kham khổ, kiếm mồi giỏi như nhóm vịt Bắc Kinh, vịt Hà Lan, vịt Tàu, vịt cỏ vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao.

a. Chọn vịt giống
Tùy theo mục đích sản xuất thịt hay trứng mà chọn giống cha mẹ có năng suất phù hợp với yêu cầu của người chăn nuôi. Chú ý chọn những giống từ những đàn vịt khỏe mạnh, không xảy ra dịch bệnh, trứng có tỷ lệ ấp nở tốt. Chọn vịt cái và vịt đực từ 2 đàn khác nhau để tránh đồng huyết.

b. Nuôi dưỡng và chăm sóc
Vịt con giống và vịt hậu bị được nuôi dưỡng như phần nuôi vịt đẻ thả đồng, chọn giống kỹ lúc vịt được 2 - 3 tháng tùy theo năng suất của giống, hướng sản xuất. Chọn con cái có trọng lượng trung bình của giống, phát triển tốt, không dị tật ở mỏ và chân. Con đực chọn những con có trọng lượng cao nhất trong đàn, số vịt đực bằng 20 - 25% số vịt cái.
Vịt hậu bị cha thả đồng vịt sẽ có bộ khung xương chắc, tích lũy dầy đủ Ca để giúp tạo vỏ trứng sau này. Với các giống kiêm dụng nuôi thả đồng giảm chi phí thức ăn nên hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn nuôi nhốt.
Khi vịt đẻ chế độ dinh dưỡng phải cao hơn vịt đẻ trứng thương phẩm nhất là vitamin ADE và B tổng hợp, premix vi khoáng cũng phải cung cấp thường xuyên cho vịt giống để đảm bảo phôi phát triển tốt, vịt con khỏe mạnh.

c. Thu và bảo quản trứng ấp
Thu lượm và bảo quản trứng giống có ý nghĩa quan trọng cho quá trình phát triển của phôi trong lúc ấp. Ổ đẻ phải luôn khô và sạch, nhặt trứng sớm và thường xuyên. Thả vịt muộn sau 8 giờ để tránh mất trứng do đẻ muộn. Trứng thu xếp vào rổ hay cần xé lót rơm, chọn những trứng có trọng lượng trung bình của giống để ấp. Trứng tốt vỏ láng đều, dày với màu đặc trưng của giống. Những trứng bị dơ bẩn phải rửa ngay bằng nước ấm khoảng 37 - 38°c có pha chlorine 0,5% trước khi đưa vào kho bảo quản. Loại bỏ những trứng rạn, dập vỏ, trứng, quá to hoặc quá nhỏ phôi phát triển không bình thường, trứng dị dạng, méo hoặc có vòng khấc, trứng có nhiều cặn Ca trên vỏ.
Trứng bảo quản ở nhiệt độ mát có thể bảo quản trong vòng 1 tuần, thời gian bảo quản tốt nhất là 3 - 4 ngày. Phôi phát triển ở nhiệt độ 21°c nên nhiệt độ bảo quản trứng dưới 20°c, ẩm độ tương đối trong kho bảo quản là 75 - 80 %. Theo TS Nguyễn Văn Diện không nên bảo quản trứng vịt ờ nhiệt độ thấp hơn vì sẽ xuất hiện tụ hơi nước trên vỏ trứng tạo điều kiện cho vi trùng phát triển và xâm nhập vào trứng.
Nếu có điều kiện nên đảo trứng khi bảo quản trong kho hàng ngày, phôi phát triển tốt hơn. Kho để trứng phải luôn sạch, định kỳ xông sát trùng kho và đụng cụ đựng trứng.
Ấp trứng vịt hiện nay đã có máy ấp do trại giống Vigova thiết kế với chế độ ấp tự động hoàn toàn cho tỷ lệ ấp khá cao.

Thành Long tổng hợp

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×