Quy trình trồng và chăm sóc cây bưởi tại Tuyên Quang

Thứ ba, 21/05/2019

Chọn đất trồng bưởi trong vùng quy hoạch phát triển bưởi tập trung của tỉnh Tuyên Quang.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc


1. Kỹ thuật trồng

1.1. Chọn đất

- Chọn đất trồng bưởi trong vùng quy hoạch phát triển bưởi tập trung của tỉnh Tuyên Quang.

- Cây bưởi rất phù hợp với loại đất cát pha, đất phù sa, đất thịt nhẹ đến trung bình, tầng canh tác dày từ 1m trở lên, giàu mùn, thoát nước tốt, gần nguồn nước tưới, độ pH đất thích hợp từ 5,5 - 6,5, độ dốc trung bình <15o.

1.2. Thời vụ trồng

- Vụ xuân trồng từ tháng 2 đến tháng 4.

- Vụ thu trồng từ tháng 8 đến tháng 10.

* Chú ý: Có thể mở rộng thời vụ trồng nếu cây ghép hoặc cành chiết đã được sử lý giâm trong bầu to ổn định và phát triển tốt.

1.3. Mật độ, khoảng cách                      

Tùy vào từng giống bưởi, loại đất, địa hình, và điều kiện thâm canh để xác định mật độ trồng bưởi cho thích hợp.

- Đối với đất bằng, đất có độ dốc dưới 5o, thiết kế trồng theo băng, theo hàng; bố trí trồng nanh sấu. Khoảng cách cây 5 m x 5 m, mật độ 400 cây/ha.

- Đối với khu đất dễ bị úng, cần thiết kế hệ thống mương thoát nước đảm bảo tiêu úng kịp thời. Khoảng cách trồng cây 6m x 5m, mật độ 335 cây/ha.

- Đất đồi thường bị hạn, nên thiết kế trồng theo đường đồng mức, có rãnh giữ nước. Khoảng cách 6m x 6 m, mật độ 280 cây/ha.



1.4. Làm đất, đào hố

- Trước khi trồng khoảng 2 tháng tiến hành làm đất. Phát dọn thực bì, cày bừa kỹ để làm sạch cỏ, gốc và rễ cây tạp.

- Thiết kế vị trí trồng cây so le (nanh sấu). Đào hố theo kích thước: 60cm x 60 cm x 60 cm, khi đào lớp đất mặt để riêng, lớp đất dưới để riêng một bên. Phơi đất từ 20 - 25 ngày, sau đó bón trộn đều phân lót, lấp hố trước khi trồng từ 25 đến 30 ngày để hạn chế nguồn sâu, bệnh hại.

1.5. Phân bón

- Bón phân lót trước khi trồng 1 tháng, lượng phân bón cho 1 hố như sau: Phân hữu cơ hoai mục 30 - 40 kg; phân lân 1 kg; phân đạm Urê 0,1 đến 0,15 kg; phân kali 0,15 đến 0,2 kg; vôi bột 1 kg.

- Cách bón: Lấy vôi bột trộn đều với lớp đất phía đáy hố (khoảng 1/3 hố), dùng toàn bộ lượng phân bón lót trộn đều với lớp đất mặt và đổ vào hố, sau đó bổ sung đất màu vun cao hơn mặt đất từ 5 - 10cm (trộn phân, lấp hố trước khi trồng 25 - 30 ngày).

* Cách ủ phân chuồng, phân xanh hoai mục: Là biện pháp cần thiết trước khi trộn phân lấp hố, vì trong phân chuồng tươi thường có lẫn hạt cỏ dại và nhiều ấu trùng, bào tử của nấm, xạ khuẩn, vi khuẩn, tuyến trùng gây bệnh. Ủ phân vừa có tác dụng sử dụng nhiệt độ tương đối cao trong quá trình phân hủy chất hữu cơ để tiêu diệt hạt cỏ dại và mầm mống côn trùng, nấm bệnh hại cây vừa thúc đẩy phân hủy chất hữu cơ, đẩy nhanh quá trình khoáng hóa để khi bón vào đất phân hữu cơ có thể nhanh chóng cung cấp chất dinh dưỡng cho cây.

Để cây trồng phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu mầm mống sâu bệnh gây hại cho cây, phân hữu cơ trước khi sử dụng phải được ủ hoai mục.

+ Nguyên liệu gồm: (bổ sung mem Trichoderma)

- Phân chuồng: 400 - 500 kg (phân trâu, bò, lợn, gà...)

- Cây phân xanh, vỏ trấu, rơm rạ, bèo...: 400 - 500 kg

- Nấm Trichoderma: 1 kg.

- Phân Super lân: 20 - 30 kg.

+ Cách ủ: Trộn đều các nguyên liệu đã nêu ở trên. Sau đó hòa men (nấm) Trichoderma tưới đều vào nguyên liệu đến khi độ ẩm trong đống lớn hơn 60%. (để đống ủ đạt độ ẩm tiêu chuẩn, bà con nắm chặt 1 nắm nguyên liệu thấy nước rỉ ra ở kẽ tay là đạt). Sau đó dùng bạt, ny lon phủ kín để gữi nhiệt và che mưa nắng . Sau 4 - 6 ngày, nhiệt độ trong đống ủ có thể đạt 60 đến 700C, các loài vi sinh vật phân giải chất hữu cơ phát triển nhanh, mạnh, tạo nhiệt độ trong đống ủ cao làm ức chế sự nảy mầm của hạt cỏ cũng như tiêu diệt các loại vi sinh vật có hại trong phân chuồng.

- Sau 15 - 20 ngày tiến hành đảo trộn phân từ trên xuống, từ ngoài vào trong cho đều. Tiếp tục đánh thành đống, phủ bạt kín và để ủ khoảng 25 - 30 ngày là có thể sử dụng tốt cho cây.

1.6. Cách trồng

 Tạo 1 lỗ giữa hố trồng có độ sâu và rộng hơn bầu cây (độ sâu, rộng tùy theo bầu cây giống), xé bỏ vỏ bao ngoài bầu cây rồi đặt nhẹ cây vào giữa tâm hố, khi trồng nên đặt thẳng đối với cây ghép hoặc cây chiết có nhánh phân bố đều; đặt nghiêng đối với cây ít cành nhánh, giúp mầm ngủ mọc lên để tạo cành cấp 1, trồng thẳng hàng và lấp đất nhỏ, ấn nhẹ xung quanh bầu cây, không được để phân tiếp xúc trực tiếp với rễ cây, lấp đất cao hơn cổ rễ từ 2 - 3 cm, dùng tay ấn nhẹ lớp đất quanh bầu từ ngoài vào trong, không ấn trực diện lên mặt bầu cây dẫn đến vỡ bầu, đứt rễ.

Trồng xong cắm cọc, dùng dây mềm buộc thân cây vào cọc để cố định cây (tránh các tác động làm lay gốc đứt rễ) và tưới đẫm nước cho cây ngay sau khi thực hiện các bước trên, những ngày sau tưới nước vừa đủ và phủ cỏ hoặc rơm rạ quanh gốc để giữ  ẩm cho cây

2. Chăm sóc

- Trồng giặm: Trong những tháng đầu sau trồng, thường xuyên theo dõi vườn cây, nếu thấy cây bị chết, cây sinh trưởng chậm, còi cọc, sâu bệnh gây hại nặng, cần loại bỏ và trồng thay thế ngay.

- Trồng xen: Có thể trồng xen cây ổi để xua đuổi rầy chổng cánh hạn chế sự truyền bệnh greening (vàng lá gân xanh). Khi cây còn nhỏ có thể bố trí trồng xen các cây họ đậu để chống sói mòn, rửa trôi, làm tốt đất và tăng thu nhập.

- Xới đất làm cỏ: Xới đất làm cỏ xung quanh gốc theo hình chiếu của tán cây, kết hợp bón bổ sung phân theo định kỳ, không nên làm cỏ trắng vườn, chủ động phát cỏ (thủ công hoặc cơ giới) ở phần đất ngoài tán cây để giữ ẩm và tránh xói mòn đất (không nên dùng chất hóa học diệt cỏ để phun trừ cỏ dại, sẽ ảnh hưởng rất lớn cho bộ rễ của cây, gây độc hại cho con người và ảnh hưởng đến môi trường).

- Tưới nước: Đối với cây mới trồng cần tưới nước đảm bảo giữ ẩm đất thường xuyên. Đối với vườn bưởi ở thời kỳ kinh doanh dùng nưới tưới khi nắng hạn kéo dài trong các tháng 01, 02 và tháng 11, 12 hàng năm. Khi tưới cần tưới ngấm xung quanh vồng tán; trong năm, cần áp dụng các biện pháp giữ ẩm cho đất (dùng rơm rạ, thân lá cây họ đậu dải đều lên mặt đất, cách gốc cây từ 0,3 đến 0,5m hoặc trồng cây họ đậu để che phủ đất).

Vườn cây luôn phải được thoát nước tốt, không ngập úng hoặc đọng nước sẽ gây thối rễ và tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập và gây hại.

- Bón phân:

* Lượng phân bón cho cây hàng năm
 
Tuổi cây (năm) Phân chuồng (kg) Lân
(kg)
Vôi bột (kg) Đạm
(kg)
Kali
(kg)
Vật liệu tủ gốc (kg)
1 - 3 20 - 40 0,8 - 1,0 1,0 0,4 - 0,6 0,2 - 0,3 20 - 30
4 - 5 40 - 55 1,2 0,5 0,7 - 0,8 0,4 - 0,5 30 - 40
6 - 7 55 - 60 1,3 - 1,5 1 0,9 - 1 0,6 - 0,7 40 - 50
8 - 10 70 1,6 - 1,8 1,2 1,1 - 1,2 0,8 - 1,0 60
Trên 10 Trên 70 1,9 - 2,2 1,5 1,3 - 1,5 1,1 - 1,2 70
 
* Có thể sử dụng các loại phân tổng hợp NPK và phân vi sinh để bón nhằm thúc đẩy sự phát triển của cây và cải tạo đất.

+ Thời kỳ bón:

- Bón phục hồi cây: Sau khi thu hoạch quả vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 (tùy theo từng giống bưởi và thời gian thu hoạch quả), bón 100% phân chuồng + Lân + Vôi + 10% đạm + 20% Kali.

- Bón thúc lần 1(thúc hoa, quả non): Vào tháng 1, tháng 2 với lượng: 30% phân đạm + 30% phân kali.

- Bón thúc lần 2: Vào tháng 4, với lượng: 25% phân đạm + 25% phân kali.

- Bón thúc lần 3: Vào tháng 6, bón toàn bộ lượng phân còn lại.

+ Cách bón: Phân chuồng + lân, vôi đào rãnh vòng theo hình chiếu tán cây, rộng 20-40 cm, sâu 25-40 cm bón phân vào rãnh rồi lấp đất. Đạm và Kali rắc đều quanh tán, xăm nhẹ, tưới đủ nước làm tan phân.


 

Tỉa cành, tạo tán


1. Tỉa tạo tán

Công việc tỉa tạo tán trong thời kỳ kiến thiết cơ bản sẽ quyết định bộ khung tán cây sau này phát triển cân đối và khỏe, nên phải thực hiện thường xuyên; với cây trồng bằng ghép mắt, ghép đoạn cành phải tiến hành ngay từ trong vườn ươm. Chú ý: Loại bỏ kịp thời các chồi mọc phía dưới mắt ghép.

2. Tạo cành

Thời kỳ kiến thiết cơ bản của vườn cây, cần cắt tỉa tạo hình, loại bỏ những cành nhỏ gầy yếu, mọc không đúng vị trí, cành sâu bệnh để tạo bộ khung cành cấp 1, cấp 2 vững chắc, tán cân đối, loại bỏ kịp thời những chồi mọc phía dưới của mắt ghép.
Mỗi cây nên để từ 3-4 cành cấp I, phân đều các hướng; tính từ mối ghép đến  chỗ phân cành cấp I khoảng từ 25- 30 cm, góc cành cấp I so với trục thân từ 35-40o.

Mỗi cành cấp I nên để 2-3 cành cấp II, từ chỗ phân cành chính đến chỗ phân cành cấp II đầu tiên có độ dài khoảng từ 40-60 cm, góc tạo giữa cành cấp I và cấp II từ 30-35o. Cành cấp III không hạn chế số lượng nhưng cần khống chế về chiều dài cành không quá 50cm, đồng thời loại bỏ các cành mọc quá dầy, yếu.

3. Tỉa cành

Thời kỳ cho quả, thường xuyên cắt tỉa những cành khô, cành bị sâu bệnh, cành gãy, cành vượt, cành phía trong tán, để tạo sự thông thoáng và phân bố đều ánh sáng.  

Sau khi thu hoạch tiến hành tỉa loại bỏ những cành đã cho quả nhưng già cỗi, đoạn cuống ở cành đã mang quả, cành sâu bệnh, cành yếu, cành nằm bên trong tán, cành đan chéo nhau, cành tăm hương... trong thời gian cây mang quả cũng cần thường xuyên loại bỏ những cành vượt.
 

Thụ phấn bổ sung


- Các bước tiến hành thụ phấn bổ sung cho một số giống bưởi: Hiện tượng rụng hoa, quả non gây mất mùa liên tục đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự tồn tại cũng như phát triển một số giống bưởi. Để khắc phục tình trạng này, kỹ thuật thụ phấn bổ sung có khả năng nâng cao năng suất, đặc biệt trong điều kiện thời tiết bất thuận. Biện pháp thụ phấn bổ sung đúng cách không làm ảnh hưởng đến mẫu mã và chất lượng quả. Tiến hành thụ phấn bổ sung gồm các bước sau:

+ Chuẩn bị phấn: Phấn được lấy từ những hoa bưởi khác dòng (tốt nhất là hoa bưởi chua) nên ngắt những hoa có 4 cánh, cả cuống và ở nách của chùm hoa mới nở dày, còn tươi. Phấn hoa được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ bình thường, có thể sử dụng trong 48 giờ nhưng tốt nhất nên sử dụng trong ngày.

+ Phương pháp thụ: Dùng kéo hoặc panh loại bỏ cánh và nhụy hoa, để lại nhị. Sau đó dùng nhị hoa này chấm nhẹ lên đầu nhụy của hoa cần thụ phấn, với những hoa thấp có thể dùng tay để thụ phấn, đối với các hoa trên cao có thể dùng sào tạo một đầu nhỏ, nhọn để cắm được vào cuống hoa, mỗi hoa có thể thụ phấn cho 5 - 7 bông hoa trên cây; thời gian thụ phấn từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều, nhưng tốt nhất trong khoảng 9 - 10 giờ sáng.
 
Trích tài liệu tập huán chuyển giao KHCN Đông Bắc Bộ 2019 (TL)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×