Sáng tạo với Thanh Long
Thứ hai, 14/10/2019

Từ chuyến đi thực tế tại Long An, nhóm sinh viên đã xây dựng một quy trình chế biến nụ thanh long – một sản phẩm bỏ đi để tạo ra một loại thực phẩm muối chua mới lạ.
Nhóm sinh viên tận dụng nụ thanh long bỏ đi làm…thực phẩm muối chua
Từ chuyến đi thực tế tại Long An, nhóm sinh viên đã xây dựng một quy trình chế biến nụ thanh long – một sản phẩm bỏ đi để tạo ra một loại thực phẩm muối chua mới lạ.
Sản phẩm này là của nhóm sinh viên Lê Thị Thúy Dung, Trần Thị Ngọc Hòa, Nguyễn Dương Huy Hiếu, Nguyễn Thùy Dung, cùng là sinh viên ĐH Công nghệ TP.HCM.

Nhóm sinh viên ĐH Công nghệ TP.HCM đã tìm ra giá trị mới cho nụ thanh long. Ảnh: NVCC.
Nụ thanh long bị bỏ đi khá nhiều
Lê Thị Thúy Dung, trưởng nhóm kể trong một chuyến đi thực tế về Long An về quê một người bạn thân, người dân trồng rất nhiều thanh long. Song, nụ thanh long bị bỏ đi rất nhiều.
Gặng hỏi ra, Dung mới biết là người ta vặt bỏ bớt nụ để tập trung nuôi trái tốt hơn. Những nụ bỏ đi đó người dân nơi đây chế biến thành các món ăn như chiên, hầm canh,…
Tuy nhiên, lượng nụ bỏ đi quá nhiều nên hầu như sau khi vặt bỏ thì sẽ làm thức ăn cho cá, làm phân bón hoặc bỏ đi. Từ đó, Dung suy nghĩ là tại sao không biến nụ thanh long thành nguyên liệu trong công nghệ chế biến thực phẩm.
Cách làm này vừa tận dụng nguồn nguyên liệu sạch, rẻ và đặc biệt là mới lạ đối với thị trường cũng như người tiêu dùng.
“Theo tìm hiểu thì chúng em thấy rằng nụ thanh long chỉ được biết đến bởi một số ít người dân trồng thanh long còn đa số mọi người đều chưa biết đến nụ thanh long có thể chế biến thành món ăn và trên thị trường hiện nay chưa có sản phẩm nào chế biến từ nguyên liệu nụ thanh long”- Dung nói.

Thành phẩm nụ thanh long muối chua của nhóm. Ảnh: NVCC.
Nhóm còn nhiều nghiên cứu cần làm
Dung và các thành viên nhóm thử làm sản phẩm muối chua từ nụ thanh long. Thức ăn này từ lâu đã quen thuộc với người dân Việt Nam
“Chúng em nghĩ rằng sẽ thay thế nguyên liệu truyền thống như cải bẹ, cà pháo, dưa chuột,… thành nụ thanh long sẽ làm mới một sản phẩm đã cũ, sẽ tạo nên sự tò mò đối với người tiêu dùng và sự khác biệt trên thị trường. Từ đó, chúng em đã tiến hành nghiên cứu sản phẩm nụ thanh long muối chua”- Trần Thị Ngọc Hòa, thành viên nhóm nói.
Quy trình chế biến nụ thanh long muối chua đơn giản và khá giống với quy trình chế biến cải muối chua thông thường. Tuy nhiên, vì là nguyên liệu mới nên nhóm đã tiến hành chạy một số thí nghiệm như khảo sát hàm lượng đường, hàm lượng muối trong dung dịch muối chua kết hợp khảo sát thời gian lên men phù hợp để cho ra sản phẩm có giá trị cảm quan màu, mùi, vị tốt nhất.
Do nụ thanh long chưa được biết đến như nguồn thực phẩm nên chưa có tài liệu nào nghiên cứu về thành phần dinh dưỡng. Vì thế nhóm chỉ tiến hành nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của trường nên chưa đủ điều kiện để kiểm tra về thành phần dinh dưỡng có trong nụ thanh long.
Trong quá trình nghiên cứu vừa là khó khăn vừa là kỉ niệm vui đối với nhóm là những lần kiểm tra kết quả thí nghiệm rất hào hứng và kết quả là sản phẩm bị hư, không đạt cảm quan rồi phải làm lại.
“Nếu có điều kiện thì chúng em sẽ kiểm tra thành phần dinh dưỡng, hóa học có trong nụ thanh long trước và sau khi muối chua để xem có sự biến đổi nào gây nguy hiểm cho người tiêu dùng hay không”- Nguyễn Dương Duy Hiếu, thành viên nhóm nói.
TS Nguyễn Lệ Hà, Viện trưởng Viện khoa học ứng dụng ĐH Công nghệ TP.HCM đánh giá cao về sự mới lạ của sản phẩm nụ thanh long muối chua vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu sạch, vừa giúp người dân thêm thu nhập nếu sản phẩm được chế biến ở quy mô lớn.
“Nhóm cần thực hiện những nghiên cứu sâu hơn về sản phẩm để đạt mục tiêu sản phẩm sẽ được thực hiện ở quy mô lớn hơn, đưa sản phẩm ra thị trường”- TS Hà nói.
Sản phẩm nụ thanh long muối chua của nhóm đã xuất sắc đoạt giải Nhì cuộc thi “Công nghệ chế biến sau thu hoạch” do Thành đoàn TP.HCM phối hợp với ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM tổ chức mới đây.
"Hô biến" trái thanh long thành mứt - giải pháp nâng cao giá trị nông sản Việt
Thêm một tín hiệu tích cực giúp người nông dân trồng thanh long vơi đi nỗi lo “được mùa, mất giá”, đó là dự án khởi nghiệp với sản phẩm “Mứt thanh long Đức Thuận” của sinh viên Mã Phú Cường (ngành Công nghệ sinh học, Đại học HUTECH).
Đây cũng là dự án vừa giành ngôi Quán quân cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp HUTECH Startup Wings 2019, đồng thời được đặc cách vào thẳng cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia Vietnam Startup Wheel 2019 (do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp - BSSC và Hội doanh nhân trẻ TP.HCM - YBA) tổ chức.
Trăn trở tìm giải pháp từ câu chuyện buồn ở “thủ phủ thanh long”
Năm 2018, nông nghiệp Việt Nam đối diện một thực trạng buồn khi thanh long rớt giá thê thảm, người trồng thanh long phải bán với giá rẻ như không, cho gia súc ăn hoặc thậm chí đổ bỏ, mà nguyên nhân chủ yếu là do phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Từ thực trạng đó, Phú Cường luôn trăn trở làm sao để người nông dân Đức Thuận quê mình - thủ phủ thanh long Bình Thuận - có thể chủ động hơn trên “sân nhà”.
Nhiều tháng liền, Cường lấy phòng thí nghiệm của trường làm nhà, lấy máy móc thiết bị làm bạn để “đồng hành” qua các công đoạn nghiền, lọc, phối chế, cô đặc, tạo đông dịch quả,… Bạn chia sẻ: “Nhìn nông dân quê mình khóc ròng vì thua lỗ, thanh long đổ đỏ vườn nên càng muốn cố gắng. Không chỉ có phòng thí nghiệm ở trường, mình còn được các thầy cô và các anh chị khóa trước giúp đỡ, cố vấn để mình khắc phục những sai sót, hoàn chỉnh các công đoạn sản xuất”.

Quán quân HUTECH Startup Wings 2019 vẫn đang ấp ủ ý tưởng cho nhiều sản phẩm khác từ thanh long
Với lợi thế kiến thức của một sinh viên ngành Công nghệ sinh học, Mã Phú Cường đã thành công với sản phẩm mứt thanh long chứa nhiều dưỡng chất như các vitamin C, B1, B2, canxi, photpho,... và đặc biệt là anthocyanin - một chất chống ô-xy hóa mạnh giúp làm chậm quá trình lão hóa, giảm nguy cơ bệnh tim mạch và ngăn ngừa ung thư.
Một quá trình, nhiều sản phẩm - cơ hội cho trái thanh long Việt giữ vị thế trên sân nhà
Không chỉ giành giải thưởng với sản phẩm mứt thanh long thơm ngon, giàu dinh dưỡng, quá trình nghiên cứu trái thanh long làm mứt của Mã Phú Cường còn phát hiện ra nhiều công dụng khác của loại trái này. Cụ thể, mỗi trái thanh long chứa 75% dịch quả, ngoài làm mứt có thể sản xuất nước ép hoặc rượu vang; các loại omega 3, 6, 9 có trong 15% bã có thể làm kẹo dẻo hoặc làm bột thanh long; 10% vỏ có thể nghiên cứu làm màu thực phẩm hoặc phân bón dùng trong nông nghiệp...
Như vậy, quy trình làm thành phẩm mứt thanh long không chỉ tạo ra một sản phẩm mà là tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau. Không dừng lại ở mứt, hiện tại Quán quân HUTECH Startup Wings 2019 Mã Phú Cường vẫn đang ấp ủ ý tưởng cho nhiều sản phẩm khác như kẹo thanh long, bánh thanh long, bột thanh long, màu thực phẩm từ vỏ thanh long,... Nếu tận dụng tốt các thành phần nguyên liệu sẽ có thể nâng cao đáng kể giá trị kinh tế của trái thanh long, giúp người nông dân nâng cao thu nhập.
“Chàng trai thanh long” và ước mơ khởi nghiệp từ nông sản quê hương
Được biết, trước khi giành giải cao nhất của HUTECH Startup Wings 2019, Mã Phú Cường đã cùng nhóm bạn từng giành giải ba tại Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2018 với dự án “Trà búp thanh long Đức Thuận”. Đây cũng là “viên gạch” đầu tiên để cậu sinh viên năm hai ngành Công nghệ sinh học HUTECH tự tin theo đuổi ước mơ khởi nghiệp với những sản phẩm từ trái thanh long do chính bản thân nghiên cứu tạo nên.

Mã Phú Cường đã cùng nhóm bạn (thứ 6 từ trái sang) từng giành giải ba tại Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2018 với dự án “Trà búp thanh long Đức Thuận”
Tại vòng Chung kết HUTECH Startup Wings 2019, ông Trần Văn Liêng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Ca cao Việt Nam (Vinacacao) nhận xét: “Với giá trị dinh dưỡng cao, sản phẩm mứt thanh long rất có triển vọng, trước hết ở thị trường trong nước. Mặt hàng này dễ đi vào hệ thống phân phối và được người tiêu dùng ưa chuộng”. Thế mạnh du lịch mà địa phương đang có cũng đem đến cho sản phẩm thị trường tiêu thụ nhiều tiềm năng, bên cạnh đối tượng khách hàng chính là nhân viên văn phòng và người Âu - Mỹ đang sống và làm việc tại Việt Nam, vốn có thói quen dùng mứt trong bữa ăn sáng.
Từ một dự án khởi nghiệp đến những đặc sản từ trái thanh long Đức Thuận là một hành trình dài. Nhưng với đam mê, sáng tạo cùng thương hiệu bước đầu tạo dựng từ chính những sân chơi khởi nghiệp, cậu sinh viên Công nghệ sinh học HUTECH vẫn tự tin tiếp tục hành trình tạo nên giá trị cho trái thanh long quê hương.
Mai Phương Trang tổng hợp (Theo khampha.vn, thanh niên online)
Tags
Bài viết cùng chuyên mục
- Việt Nam có thuốc y học cổ truyền đầu tiên điều trị Covid-19
- Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2023: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
- Na Uy mở đường hầm dài nhất thế giới cho xe đạp
- Ngày mai có thể quan sát nhật thực lai hiếm gặp
- Phó giáo sư Việt làm hệ thống sạc không dây cho ôtô điện
- Thủ tướng: 'Tập trung nhân lực cho công nghệ chip, vi mạch là hướng đi đúng'
- Tuổi Trái Đất được tính như thế nào?
- Ngoại trưởng Mỹ xem trình diễn robot tại Đại học Bách khoa Hà Nội
- Vì sao khi huấn luyện mô hình ChatGPT cần tới 700.000 lít nước?
- Ảnh chụp chưa từng có về 'tinh vân con cua'
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận