Sinh viên sáng tạo

Thứ sáu, 31/01/2020

Đây là 1 trong 3 ý tưởng vượt qua gần 30 dự án để giành giải thưởng chung cuộc tại vòng chung kết cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng, thu hút hơn 150 sinh viên tham dự.

Dép massage giúp giảm stress, kích thích trí nhớ do sinh viên sáng tạo


Đây là 1 trong 3 ý tưởng vượt qua gần 30 dự án để giành giải thưởng chung cuộc tại vòng chung kết cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng, thu hút hơn 150 sinh viên tham dự.


Bộ thiết bị massage được đặt trong đôi dép giúp người dùng có thể thư giãn đôi chân - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Chia sẻ về dép massage, Đoàn Thị Thanh Thảo, sinh viên năm 4 Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, cho biết qua khảo sát, nhóm nhận thấy hiện nay không ít người làm nghề phải đứng nhiều như thầy cô giáo, tiếp tân, nhân viên bán hàng... thường gặp các vấn đề về đau nhức chân, nhất là nữ giới thường đi giày cao gót.

Trong khi đó bàn chân có nhiều huyệt đạo quan trọng tác động đến não bộ, nếu được chăm sóc đúng cách có thể giúp giảm stress, kích thích trí nhớ, giúp ngủ ngon…

Từ đó, nhóm 5 sinh viên từ nhiều ngành khác nhau như cơ khí, điện tử, hóa thực phẩm… của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng bắt tay vào thiết kế giải pháp.

Ban đầu nhóm lên ý tưởng làm hệ thống massage đặt bên trong những chiếc vớ, tuy nhiên có hạn chế là thiết bị điện tử nhanh hư nếu người dùng ra mồ hôi chân nhiều. Nhóm chuyển sang làm dép kẹp, bên trong chứa bộ thiết bị đặc biệt có thể tạo ra độ rung đủ lớn để tác động vào các huyệt đạo dưới lòng bàn chân cho người dùng cảm giác thư giãn.

Chế độ rung cũng có thể được điều chỉnh phù hợp với trạng thái của mỗi người. "Dùng 15-20 phút mỗi ngày có thể giúp thư giãn cho chân và cơ thể. Nhóm mình cũng đưa ra khuyến cáo không nên quá lạm dụng thiết bị bởi có thể gây tác dụng ngược đến các huyệt" - Thảo nói.

Thảo cho biết trong tương lai nhóm sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm theo hướng tạo ra các đôi dép với nhiều kích cỡ khác nhau, phù hợp với nhiều người với các vị trí huyệt đạo khác nhau.

"Nhóm sẽ nghiên cứu dùng các loại vật liệu để giảm giá thành xuống dưới 500.000 đồng cho nhiều người có thể tiếp cận sản phẩm. Hiện tại, những loại massage chân trên thị trường khá đắt" - Thảo nói.


Bộ dép massage của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Cũng tại cuộc thi, nhiều ý tưởng khác của sinh viên cũng được đánh giá cao như robot hỗ trợ người bệnh ăn uống (FeedBot), mô hình chống ngập cho Đồng bằng sông Cửu Long, ổ khóa thông minh, thiết kế áo mưa - dù "2 trong 1", máy phun thuốc trừ sâu dạng xe đẩy…

Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS) lần đầu được giới thiệu trên thế giới vào năm 1995, là mô hình giáo dục trong đó học sinh, sinh viên sẽ làm việc với một tổ chức cộng đồng nhằm thiết kế, xây dựng và triển khai các hệ thống để giải quyết các vấn đề dựa vào các giải pháp kỹ thuật.

Trong mô hình EPICS, học sinh, sinh viên được hướng dẫn từ khâu ý tưởng, giải pháp đến thiết kế, trong nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, năng lượng và phát triển bền vững… Hiện tại, giáo dục theo mô hình EPICS được nhiều trường trên thế giới áp dụng và đánh giá cao.

Năm 2019 - 2020, cuộc thi EPICS do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ, được triển khai bởi ĐH Bang Arizona (Mỹ) cho nhiều trường đại học trên khắp Việt Nam như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Cần Thơ…
 

Sinh viên sáng tạo thiết bị giữ ấm chân cho người già


Tấm lót chân hồng ngoại của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM là một trong những sản phẩm được đánh giá có khả năng ứng dụng cao tại cuộc thi sáng tạo do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ cùng ĐH bang Arizona tổ chức.


Cụ bà trải nghiệm tấm lót chân hồng ngoại của nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM trong một tháng chia sẻ về sản phẩm tại cuộc thi - Ảnh: TRỌNG NHÂN


Bạn Nguyễn Thị Kim Thy - sinh viên năm 4 Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, thành viên dự án - chia sẻ qua những quan sát thực tế ngay từ ông bà, các bạn nhận thấy không ít người già thường khổ sở với tình trạng lạnh hai chân, nhất là vào ban đêm, mà các giải pháp thông thường như ngâm nước nóng, xoa dầu chỉ làm ấm bề ngoài và mang hiệu quả nhất thời.

Từ đó, nhóm dành hơn 1 năm nghiên cứu làm ra một tấm lót chân, có gắn các bóng đèn LED màu đỏ bên trong cùng một nguồn phát ra bức xạ hồng ngoại. 

Khi sử dụng, người dùng chỉ cần đặt chân cố định trên tấm lót, rồi điều chỉnh thiết bị cho phù hợp. 

Ánh sáng đỏ từ bóng đèn tạo nhiệt làm ấm bề ngoài chân, kết hợp bức xạ hồng ngoại có thể xuyên thấu và giữ ấm cả bên trong.

Kim Thy cho biết hiện tại chi phí để sản xuất một sản phẩm của nhóm rơi vào khoảng 150.000 đồng, chủ yếu chi cho các thiết bị. 

"Nhóm mình đang tìm các loại vật liệu mới để có thể đặt tấm lót, cho người già được làm ấm ngay cả khi di chuyển mà không làm hư sản phẩm - Kim Thy nói - Cũng trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục giai đoạn thử nghiệm tấm lót tại các phòng khám y học cổ truyền".


Nhóm sinh viên trình bày ý tưởng sản phẩm từ rác thải hữu cơ - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Ngày 22-11, vòng chung kết cuộc thi Từ sáng tạo đến khởi nghiệp: Mô phỏng kinh doanh năm 2019 được tổ chức tại American Center, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, thu hút 12 đội thi từ nhiều trường ĐH tại TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng…

Ngoài tấm lót hồng ngoại, nhiều ý tưởng độc đáo cũng được đánh giá cao như thiết bị chống trộm di động, gậy thông minh cho người cao tuổi, phân bón hữu cơ năng suất cao từ phế thải nông nghiệp…

Thanh Thanh tổng hợp (Theo Tuổi trẻ)
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×