Thanh niên làm kinh tế giỏi

Chủ nhật, 08/09/2019

Đông trùng hạ thảo được xem là loại dược liệu quý, tốt cho sức khỏe. Loại dược liệu này chỉ có thể được tìm thấy ở những vùng có điều kiện thời tiết lạnh giá, thế nhưng hiện nó đã được nuôi thành công trong các phòng thí nghiệm.

Chàng trai ngành công nghệ say mê sản xuất Đông trùng hạ thảo


Đông trùng hạ thảo được xem là loại dược liệu quý, tốt cho sức khỏe. Loại dược liệu này chỉ có thể được tìm thấy ở những vùng có điều kiện thời tiết lạnh giá, thế nhưng hiện nó đã được nuôi thành công trong các phòng thí nghiệm.

Trong số những người đã sản xuất thành công đông trùng hạ thảo có chàng trai trẻ Trương Quang Ninh, 27 tuổi, ở thôn Phong Niên Thượng, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo của mình, Ninh được coi là mô hình đầu tiên ở huyện Sơn Tịnh được nhiều người biết đến và có uy tín trên thị trường.

Là con trai thứ trong gia đình, bố mẹ đều làm nông nghiệp nhưng Ninh có niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Ninh thi đỗ vào trường Đại học Công nghệ thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù chưa tốt nghiệp nhưng Ninh đã cùng với một sinh viên trong trường tự mày mò, tìm tòi, nghiên cứu và thành lập công ty riêng với mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo - loại nấm dược liệu vốn được coi là quý hiếm và khó tính nhất trong các loại nấm.

Thời gian đầu Ninh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tìm kiếm nguồn tài liệu về nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Lúc ấy tài liệu tiếng Việt rất hiếm, chủ yếu bằng tiếng Anh nên Ninh đã chịu khó tìm dịch và nghiên cứu lâu dài. Ngoài ra Ninh còn đi tham quan các mô hình sản xuất đông trùng hạ thảo có hiệu quả ở các thành phố lớn như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Lạt...

Nấm đông trùng hạ thảo sinh trưởng và phát triển tốt trong mô hình khép kín, theo Trương Quang Ninh, để nấm phát triển tốt, đảm bảo chất lượng cần chú ý nguồn nguyên liệu thực hiện nuôi trồng phải sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm và không có chất độc hại. Ninh chia sẻ: "Khâu quan trọng nhất là làm giống, nó ảnh hưởng tới 80% sản phẩm. Nếu làm không đạt, nấm sẽ không phát triển được, bị mốc xanh, màng nhầy. Do đó, Công ty phải sử dụng tới tủ cấy vô trùng để nấm không bị nhiễm khuẩn, môi trường nuôi được khử trùng, được kiểm soát qua hệ thống tự động như máy lạnh, hệ thống phun ẩm". Còn nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng là yếu tố quan trọng để đông trùng hạ thảo phát triển tốt, mang lại dược tính cao.

Với mô hình nuôi nấm đông trùng hạ thảo khép kín, có quy mô nuôi 2.000 lọ/lứa, với đầy đủ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, gồm phòng vô trùng, phòng lạnh, phòng cấy nấm. Ninh cho biết, để hoàn thành lứa nuôi đông trùng hạ thảo cần phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, mà công đoạn nào cũng yêu cầu sự chính xác cao, từ việc sử dụng các nguyên liệu đảm bảo chất lượng đến việc đưa lọ vào hấp vô trùng với nhiệt độ 1.2100C trong khoảng 30 phút. Sau khi để nguội sẽ được cấy truyền giống đông trùng hạ thảo rồi đưa vào ủ trong phòng tối từ 10 đến 15 ngày. Đến khi giống bắt đầu mọc tơ nấm thì đem ra kích sách, nuôi trồng trong phòng kín với nhiệt độ 17-220C, độ ẩm 70-80%, sau 3 tháng sẽ có sản phẩm đông trùng hạ thảo hoàn thiện.
       

Ninh kiểm tra quá trình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo
 
Một lứa nuôi đông trùng hạ thảo có thời gian khoảng 3 tháng. Hiện tại, mỗi lứa nuôi, Ninh duy trì số lượng khoảng 2.000 lọ, với tỷ lệ thành công đạt 80-90%, mỗi lứa có khoảng 1.500 - 1.800 lọ cho thu hoạch. Sau khi thu hoạch, sấy khô thu khoảng 7- 8 kg. Với giá bán khoảng 40 triệu đồng/kg thì mỗi lứa có tổng doanh thu từ 280- 300 triệu đồng.

Hiện tại, mô hình nấm đông trùng hạ thảo của công ty Ninh vẫn đang trên đà phát triển. Thị trường tiêu thụ nhiều như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Hà Nội… Công ty cung cấp ra thị trường các loại đông trùng hạ thảo gồm dạng tươi nguyên trong lọ thủy tinh, dạng khô được sấy hút chân không và sản phẩm được chiết xuất thành rượu các loại, mật ong. Trong đó, nấm khô được tiêu thụ quanh năm, rượu chủ yếu được tiêu thụ vào các dịp Lễ, Tết. Một ký nấm vào thời điểm này cũng giảm hơn trước đây nhưng lợi nhuận mỗi năm của công ty cũng từ 200 - 300 triệu đồng.

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và bảo đảm sự phát triển bền vững của mô hình, trong thời gian tới Trương Quang Ninh có ý định mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm các kệ nuôi cấy nấm, tạo thêm các sản phẩm đông trùng hạ thảo, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường. Với ý chí quyết tâm của tuổi trẻ, lòng đam mê nghiên cứu, mô hình nấm đông trùng hạ thảo của Ninh đã gặt hái được nhiều thành công. Năm 2017, Trương Quang Ninh đã vinh dự nhận được giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng.
 

Chàng thanh niên người Dao biến vùng đất cằn cỗi thành một giải rừng trù phú


Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương đầy khó khăn, Ngô Văn Hổ, thôn 4, Khe Phầy, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã không ngừng cố gắng phấn đấu vươn lên để có cuộc sống ngày một tốt hơn.

Là một thanh niên người dân tộc Dao, với bản chất thật thà, chịu khó, cộng với sự nhanh nhẹn tháo vát nên Ngô Văn Hổ đã biết nắm bắt cơ hội. Năm 1995, Đảng và Nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng tới hộ, gia đình Hổ mạnh dạn nhận 5 ha đất để bắt tay vào làm kinh tế. Lúc đầu đồng vốn còn ít, Hổ thực hiện theo phương thức lấy ngắn nuôi dài. Ngày ngày anh đi làm thuê kéo lưới ở hồ, vợ  ở nhà lên rừng chặt bỏ cây tạp, trồng mới những cây trồng có chu kỳ kinh doanh ngắn, dễ tiêu thụ như bồ đề, mỡ, keo… Tận dụng lúc rừng chưa khép tán, gia đình anh trồng xen các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như: ngô, sắn, đậu đỗ các loại.

Ngoài trồng trọt, gia đình Hổ còn chăn nuôi thêm. Trong chuồng của anh thường nuôi từ 2- 3 lợn nái, mỗi nái cho 2 lứa đẻ/năm, mỗi năm xuất bán được trên 4 tạ lợn giống, từ 100 -150 con gia cầm các loại như gà, vịt, ngan phục vụ sinh hoạt gia đình và cung cấp thực phẩm sạch cho bà con quanh vùng. Ngoài ra, Hổ còn vay vốn để nuôi 3- 4 con trâu sinh sản và cày kéo, mỗi năm thu nhập từ đàn trâu được trên 10 triệu đồng. Lợi dụng địa hình gần hồ Thác Bà, Hổ đắp được 2 ha diện tích mặt nước để nuôi cá, cho thu nhập trên 40 triệu đồng/năm. Trừ mọi khoản chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi 60- 70 triệu đồng từ chăn nuôi. Không những thế chăn nuôi đã cung cấp nguồn phân hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Khi đã có được nguồn vốn đáng kể từ các nguồn thu trên, anh tiến hành mua thêm diện tích đất rừng để đầu tư trồng mới, đồng thời mua thêm rừng ở nhiều độ tuổi, đưa diện tích rừng hiện có của gia đình lên trên 40 ha, trong đó có 5 ha bồ đề, 30 ha keo lai, 4 ha bạch đàn, 1 ha quế và trên 200 gốc măng tre Bát độ… Hàng năm trừ mọi chi phí, thu nhập từ rừng mang lại cho anh 200 triệu đồng/năm. Sau nhiều năm cần cù lao động, số tiền dư ra anh đầu tư xây nhà ở, mua máy cày, máy bừa, máy tuốt lúa, máy cắt gỗ, vừa phục vụ gia đình đồng thời làm thêm dịch vụ phục vụ cho bà con quanh vùng.

Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Ngô Văn Hổ đã và đang làm thay đổi cả một vùng đất cằn cỗi năm xưa thành một rải rừng trù phú với màu xanh bạt ngàn của các loại cây trồng. Từ chỗ khó khăn, bấp bênh lúc đầu lập nghiệp, nay gia đình anh đã có của ăn của để và mua sắm được nhiều tiện nghi phục vụ sản xuất và đời sống gia đình. Đồng thời anh còn giúp bà con lối xóm về khoa học kỹ thuật, cây con giống để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao đời sống cho bà con trong xã. Một vinh dự đã đến với anh là được đi báo cáo điển hình về phát triển kinh tế trang trại tại Hội nghị Lao động giỏi do UBND tỉnh tổ chức. Anh là tấm gương sản xuất giỏi của xã Phúc Lợi trong nhiều năm qua và thực sự là một địa chỉ để bà con gần xa đến tham quan và học tập./.
 

Giám đốc trẻ muốn xóa bỏ tư tưởng: Phải học đại học mới thành công
 

Theo học chuyên ngành Thiết kế web nhưng Trần Thanh Phúc (sinh năm 1992 tại Bắc Giang) lại đi theo nghề quảng cáo, tổ chức sự kiện. Sáu năm sau ngày tốt nghiệp, giờ đây, Phúc đã trở thành một doanh nhân thành đạt, nắm trong tay 3 công ty về quảng cáo - tổ chức sự kiện, thu nhập hơn 7 tỷ đồng/năm

Sinh năm 1992 tại Bắc Giang, bố mẹ nhiều năm làm nghề lắp đặt biển hiệu quảng cáo. Kinh tế gia đình không quá giàu nhưng có của ăn của để, bố mẹ Phúc muốn đầu tư những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Khi Phúc học xong lớp 12, gia đình hướng cho anh đi du học tại Canada. Nhưng khi đó, nghĩ đến việc sống xa bố mẹ nửa vòng trái đất, tại một đất nước xa lạ khiến chàng trai 18 tuổi không khỏi hoang mang, lo lắng. Sau đó, Phúc quyết định ở lại Việt Nam học tập để có thể gần gũi gia đình hơn. Phúc đăng ký theo học ngành Thiết kế website tại trường CĐ thực hành FPT Polytechnic Hà Nội.

"Mình chọn ngành Thiết kế website vì từ trước đó đã thích tìm hiểu về máy tính, website. Hơn nữa, gia đình có nghề quảng cáo và bố mẹ muốn sau này mình tiếp quản cửa hàng. Theo ngành Thiết kế website, mình vừa có thể tìm hiểu về máy tính như mơ ước, vừa được học về thiết kế để sau này hỗ trợ công việc cho gia đình", Thanh Phúc chia sẻ về quyết định của mình nhiều năm về trước.


Phúc  quản lý 3 công ty, kiếm 7 tỷ đồng/năm

Rời nhà xuống Hà Nội học tập, chàng trai 18 tuổi như bước vào một thế giới khác mới mẻ và rộng lớn hơn xưa rất nhiều. Nhờ kết quả học tập tốt, từ kỳ 2, Phúc đã được được làm trợ giảng. Đây là cơ hội giúp anh học hỏi thêm rất nhiều điều, rèn luyện thêm các kỹ năng quan trọng để ứng dụng vào cuộc sống và công việc về sau.

Tháng 6/2013, Trần Thanh Phúc cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp của trường CĐ thực hành FPT Polytechnic và chính thức bước vào cuộc sống. Muốn tích lũy kinh nghiệm để sau về hỗ trợ công việc của gia đình, Phúc đi làm tại một công ty quảng cáo - tổ chức sự kiện tại Hà Nội. Sau đó, vì công ty của bố mẹ thiếu người, Phúc trở về cùng bố mẹ điều hành công ty.

Khi đó, công ty của gia đình anh là một đơn vị thi công lắp đặt quảng cáo theo mô hình truyền thống. Từ ngày Phúc tiếp quản, với việc áp dụng kiến thức học được ở nhà trường cùng kinh nghiệm từ thời gian đi làm, anh phát triển công ty theo hướng quy mô, chuyên nghiệp hơn. Đến nay, công ty thi công quảng cáo Trần Tiến của gia đình anh đã trở thành doanh nghiệp lớn nhất Bắc Giang về lĩnh vực quảng cáo, gồm 25 nhân sự, thu về hơn 2 tỷ đồng/năm.

Ngoài công ty Trần Tiến chuyên về quảng cáo, hiện Phúc còn quản lý 2 doanh nghiệp khác là công ty Tổ chức sự kiện Tân Phúc tại Bắc Giang và PanoMap - công ty "startup" về ứng dụng quảng cáo, doanh thu của cả 3 doanh nghiệp đạt 7,2 tỷ đồng/năm. Dù mới ra mắt hơn 6 tháng nhưng hiện ứng dụng PanoMap đã có hơn 500 điểm lắp đặt quảng cáo trên toàn quốc. "Sử dụng ứng dụng này, khách hàng - các nhãn hàng đang có nhu cầu lắp đặt biển hiệu quảng cáo ở ngoài trời, nơi công cộng - sẽ có được cái nhìn toàn diện nhất, được xem phân tích số liệu người xem... mà không cần đến tận nơi. Trong thời gian tới, công ty mình sẽ nâng số điểm quảng cáo lên con số hơn 1.000, trải khắp tại Hà Nội, TP. HCM và nhiều tỉnh, thành khác", Thanh Phúc nói về "đứa con tinh thần" mình đang phát triển.

Thời gian này, Phúc đang sống tại Hà Nội để tiện giải quyết công việc của PanoMap, hai công ty quảng cáo và tổ chức sự kiện tại Bắc Giang được anh quản lý, điều hành từ xa. Chia sẻ lời khuyên với các thế hệ đàn em, chàng giám đốc trẻ cho rằng, điều quan trọng nhất là các bạn phải xác định được rõ ràng mục tiêu mà mình theo đuổi: "Ví dụ, các bạn muốn sau này làm kinh doanh thì phải trau dồi kiến thức gì, muốn làm công việc văn phòng thì cần đào tạo thêm kỹ năng gì... Ngoài ra, các bạn có thể sắp xếp, cân đối thời gian để đi làm thêm. Đó là một trải nghiệm khá hay ho thời sinh viên, giúp các bạn vừa có thêm thu nhập, lại rèn luyện những kỹ năng công việc cần thiết trong tương lai".
 
                                          ĐH tổng hợp (Nguồn: TTKNQG; thanhgiong.vn)
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×