Tỏa sáng những tấm gương thanh niên

Thứ năm, 17/08/2017

Mỗi thanh niên là một tấm gương, sự cố gắng của các anh đã mang đến cho thanh niên những hình ảnh mới, đó là những ngọn lửa của sự đam mê, hăng say sáng tạo góp phần tô thắm hơn màu cờ của tuổi trẻ.
Mỗi thanh niên là một tấm gương, sự cố gắng của các anh đã mang đến cho thanh niên những hình ảnh mới, đó là những ngọn lửa của sự đam mê, hăng say sáng tạo góp phần tô thắm hơn màu cờ của tuổi trẻ.

Giữ lửa đam mê sáng tạo

Kỹ sư Nguyễn Văn Quyết  về công tác tại Khoa An toàn - Môi trường, Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí (PVMTC) từ năm 2011, trong quá trình giảng dạy, kỹ sư Quyết thấy một số hạn chế của cơ cấu nạp và xả khí của chai khí CO2 sử dụng trên các áo phao hàng không cho các khóa đào tạo an toàn. Hạn chế của cơ cấu này là làm tốn nhiều thời gian và chi phí trong quá trình sử dụng. Do đó, kỹ sư Quyết đã nghiên cứu tìm giải pháp và thử nghiệm trong khoảng thời gian 3 tháng đã khắc phục thành công hạn chế trên.

Trong quá trình hướng dẫn học viên sử dụng áo phao hàng không, đặc biệt là kỹ năng kích hoạt áo phao trong module HUET là một yêu cầu bắt buộc trong tiêu chuẩn. Trên mỗi áo phao có gắn một chai khí CO2 chứa khoảng 33g khí CO2 hóa lỏng, khi kích hoạt áo phao lượng khí này làm phồng áo phao giúp cho người mặc áo phao có thể nổi được trên mặt nước.


Trước khi có sáng kiến của kỹ sư Quyết, mẫu kích hoạt chai khí để bơm phồng áo phao và khi thực hành học viên làm phồng áo phao phải qua hình thức tự thổi chứ  không kích hoạt chai khí CO2. Có 3 hạn chế của thiết bị khi học viên làm theo hình thức cũ. Thứ nhất, do chai khí CO2 dùng cho việc kích hoạt áo phao là loại chỉ dùng một lần với giá thành cao; thứ hai, dao kích hoạt chai khí gắn sẵn trên áo phao bị hư hỏng nhanh, dễ gãy lưỡi dao và tuổi thọ của áo phao giảm khi bị bơm căng tối đa.

Nếu như cổ chai khí trên thị trường có một lớp màng bọc ngoài, sau khi lớp màng này bị rách, khí sẽ xì ra làm phồng áo phao. Do đó, chai khí sau khi sử dụng sẽ không dùng được nữa. Để có thể nạp lại khí, tái sử dụng nhiều lần, cơ cấu ở cổ chai được thay đổi. Lớp màng bọc được thay thế bằng van bi một chiều gắn bên trong cổ chai. Sau khi sáng kiến của kỹ sư Nguyễn Văn Quyết được áp dụng thì van một chiều này cho phép khí nạp đi vào và khí bên trong chai đi ra khi có cơ cấu đẩy van bi đi xuống. Ở trạng thái bình thường không hoạt động van bi được đóng nhờ lò xo bên trong. Điều này giúp cho khí bên trong không rò rỉ gây tụt áp suất chai khí. Cơ cấu van một chiều được thiết kế chế tạo nằm gọn trong cổ chai, bên ngoài chai khí không thay đổi kết cấu hình dạng, điều này đảm bảo chai khí vẫn kết nối được với cụm van trên áo phao.



Kỹ sư Nguyễn Văn Quyết (đứng giữa) nhận Bằng khen Lao động sáng tạo giai đoạn 2012-2017

Sáng kiến của Kĩ sư Quyết áp dụng đã giải quyết các nhược điểm trên, đó là chai khí có thể nạp lại và được dùng nhiều lần, giảm được giá thành mua chai khí chứ không dùng một lần rồi bỏ như trước đây. Đồng thời sáng kiến đã khắc phục được các nhược điểm hỏng dao trên áo phao, kéo dài tuổi thọ sử dụng áo phao…

Là người đam mê sáng tạo, sau sáng kiến “Thiết kế cơ cấu nạp và xả khí của chai khí CO2 sử dụng trên các áo phao hàng không cho các khóa đào tạo an toàn” kỹ sư Quyết đang ấp ủ và tâm đắc với sáng kiến tiếp theo: “Chế tạo mô hình bè hàng không phục vụ cho công tác đào tạo an toàn tại Khoa An toàn - Môi trường”. Tuy nhiên, sáng kiến này còn trong giai đoạn chờ xét nên kỹ sư Quyết cũng chưa bật mí nhiều. Nhưng anh tin rằng, sáng kiến “Chế tạo mô hình bè hàng không phục vụ cho công tác đào tạo an toàn tại Khoa An toàn - Môi trường” nếu áp dụng sẽ giúp cho khoa chủ động hơn về trang thiết bị trong công tác đào tạo và giúp giảm chi phí mua sắm trang thiết bị mà vẫn đáp ứng được yêu cầu đào tạo.

Sau khi được vinh danh trong lễ tuyên dương những cá nhân xuất sắc trong phong trào Lao động sáng tạo giai đoạn 2012-2017, kỹ sư Quyết cảm thấy đầy tự hào khi những thành quả lao động nhỏ bé được ghi nhận. Kỹ sư Quyết cho rằng, thật may mắn khi được làm việc, học tập, rèn luyện dưới mái nhà PVMTC và bản thân thấy cần cố gắng hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu này.

Phong trào Lao động sáng tạo do Tập đoàn và Công đoàn Dầu khí Việt Nam tổng kết 5 năm một lần đã tạo động lực giúp cho người lao động trong toàn Tập đoàn phát huy các sáng kiến - cải tiến kỹ thuật, động viên kịp thời đến người lao động, giúp mỗi người lao động vững tin hơn vào công việc của mình, tiếp tục nuôi dưỡng các sáng kiến. Đồng thời, đây còn là một sân chơi trí tuệ rất bổ ích, để những người lao động có đam mê cải tiến kỹ thuật giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, mà nói như kỹ sư Nguyễn Văn Quyết, sau mỗi lần được vinh danh, khen thưởng, những người làm chuyên môn như các anh có thêm động lực sáng tạo.

Về hiệu quả kinh tế thì với số lượng học viên các khóa đào tạo tại Khoa An toàn - Môi trường PVMTC dự kiến khoảng 1.000 người/năm, số tiền tiết kiệm được khi áp dụng sáng kiến khoảng nửa tỉ đồng/năm.

Đội trưởng ngoại tuyến mưu trí
 
 
Đại uý Nguyễn Văn Cường luôn chủ động học tập, nghiên cứu tài liệu nâng cao trình độ chuyên môn
 
Nhiều năm liền đạt danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua” cấp cơ sở, Gương mặt tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2016; bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì... là những thành tích nổi bật mà Đại uý Nguyễn Văn Cường (SN 1985) nhận được trong hơn 10 năm công tác tại Phòng Ngoại tuyến, Công an tỉnh.

Với trí tuệ, bản lĩnh và nghiệp vụ của một chiến sĩ trinh sát được đào tạo, rèn luyện bài bản, Đại uý Nguyễn Văn Cường luôn chủ động nắm bắt tình hình tội phạm, nhanh chóng phát hiện những hình thức, thủ đoạn mới của các loại tội phạm để xây dựng kế hoạch đấu tranh hiệu quả. Năm 2016, anh đã tham mưu, đề xuất phương án và trực tiếp triển khai 22 yêu cầu trinh sát với 89 đối tượng tại nhiều địa bàn phức tạp, nhạy cảm. Điển hình trong đó phải kể đến các chuyên án hình sự như: Chuyên án C416 đấu tranh với đối tượng Vũ Đại Dương cùng đồng bọn trong đường dây cướp tài sản tại TP Hạ Long và TX Đông Triều gây nhiều bức xúc trong nhân dân; chuyên án GC-0916 với đối tượng Doãn Trung Dũng trong vụ án sát hại 4 bà cháu tại TP Uông Bí...

Không chỉ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, Đại uý Nguyễn Văn Cường còn là một Bí thư Chi đoàn năng động, cùng Chi đoàn giữ vững danh hiệu “Chi đoàn vững mạnh” trong nhiều năm liền. Bằng tinh thần nhiệt huyết, xung kích, anh luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các công trình, phần việc thanh niên tại đơn vị và vận động ĐVTN tham gia hiệu quả các cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hoá vì nhân dân phục vụ”; phong trào “Xây dựng hình ảnh đẹp người chiến sĩ Công an Quảng Ninh”. Cùng với đó, Chi đoàn đã duy trì tổ chức thường xuyên các buổi sinh hoạt chính trị; chương trình giao lưu thể thao, văn nghệ; các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng... Qua đó, góp phần tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh để ĐVTN rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Phó Bí thư Chi đoàn nhiều sáng kiến
 
 
Trung uý Nguyễn Văn Hoàn tuyên truyền tác hại và các biện pháp phòng chống ma tuý cho học sinh Trường THPT chuyên Hạ Long
 
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát, Trung uý Nguyễn Văn Hoàn (SN 1989) được phân về công tác tại Công an Quảng Ninh. Hiện anh giữ cương vị Phó Đội trưởng Đội Tham mưu, Phó Bí thư Chi đoàn Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Công an tỉnh (PC47).

Xác định rõ nhiệm vụ được giao trong công tác phòng, chống tội phạm ma tuý, Trung uý Nguyễn Văn Hoàn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc các mặt công tác. Trong năm 2016, Trung uý Nguyễn Văn Hoàn cùng cán bộ, chiến sĩ Phòng PC47 tham gia bắt giữ, xử lý hình sự tổng số 57 vụ/170 đối tượng phạm tội về ma tuý, đặc biệt là chuyên án 716-L triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển heroin với số lượng lớn từ Lào về Việt Nam để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ.

Với vai trò là thủ lĩnh Đoàn, Trung uý Nguyễn Văn Hoàn tích cực vận động ĐVTN trong đơn vị hăng hái tham gia các phong trào, hoạt động Đoàn. Đặc biệt, anh đã cùng ĐVTN trong Chi đoàn đảm nhiệm 2 công trình, phần việc thanh niên hiệu quả là Tổ tuyên truyền phòng, chống ma tuý trong thanh thiếu niên và Tổ đấu tranh với tội phạm ma tuý trên mạng xã hội. Trong đó, Tổ tuyên truyền do anh đề xuất và phụ trách thực hiện được đánh giá là một trong những điểm sáng trong phong trào thanh niên xung kích, lập công thực hiện Nghị quyết liên tịch 03 về phối hợp hành động phòng, chống ma tuý trong thanh thiếu niên giai đoạn 2016-2020. Từ tháng 5-2016 đến nay, tổ đã thực hiện 30 buổi tuyên truyền cho hơn 19.500 lượt người nghe. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về tác hại, các biện pháp phòng, chống ma tuý và ý thức chấp hành pháp luật cho các tầng lớp nhân dân nói chung và thanh thiếu niên nói riêng.

Ghi nhận những đóng góp trong công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý, Trung uý Nguyễn Văn Hoàn đã được trao nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành. Năm 2016, anh vinh dự là một trong 20 gương mặt “Tài năng trẻ” tỉnh Quảng Ninh.
Thành Long tổng hợp (Nguồn Baoquangninh.com.vn, doanthanhnien.vn)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×