Trí thức trẻ Việt Nam hiến kế vì sự phát triển bền vững

Thứ năm, 28/11/2019

Chiều 27/11, các đại biểu trí thức trẻ Việt Nam trên toàn cầu đã tập trung thảo luận 4 chủ đề của Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ hai – năm 2019, gồm: Các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Công nghệ và quản lý trong nền kinh tế số; Bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; Nâng cao năng suất hệ thống và đảm bảo công bằng xã hội.
Chiều 27/11, các đại biểu trí thức trẻ Việt Nam trên toàn cầu đã tập trung thảo luận 4 chủ đề của Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ hai – năm 2019, gồm: Các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Công nghệ và quản lý trong nền kinh tế số; Bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; Nâng cao năng suất hệ thống và đảm bảo công bằng xã hội.
 

Chủ đề “Các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”


“Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” là một vấn đề được dư luận quan tâm và quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thông qua trải nghiệm và nghiên cứu của chính các nhân lực chất lượng cao của Việt Nam trên toàn thế giới, nhiều giải pháp đã được đưa ra tại diễn đàn để các đại biểu chia sẻ, phân tích.
 

 
Tại phiên thảo luận này, nhiều đại biểu đã chia sẻ các công trình nghiên cứu có tính ứng dụng như: Dự án Học bổng “Việt Nam Quê hương tôi”; “Giải pháp Thiết kế, chế tạo máy phát hiện thiết bị công nghệ cao sử dụng gian lận trong thi cử”; “Phát triển mô hình học tập trải nghiệm sáng tạo có định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ trong giai đoạn giáo dục ở Việt Nam"…
 
Giải pháp thúc đẩy môi trường khởi nghiệp ở trường đại học

Qua tham luận “Phát triển giáo dục khởi nghiệp tại Việt Nam”, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh Huyền (Nghiên cứu sinh tại St. Petersburg National Research University of Information Technologies, Nga) khẳng định, trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, khởi nghiệp là hoạt động được quan tâm đặc biệt. Theo đánh giá của Thanh Huyền, sinh viên là đối tượng tiềm năng của khởi nghiệp và trường đại học là môi trường khởi nghiệp quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, giáo dục khởi nghiệp ở Việt Nam lại chưa được quan tâm đúng mức, đa số các trường đại học của Việt Nam chưa đưa giáo dục khởi nghiệp vào giảng dạy chính thức, đặc biệt là ở các trường kỹ thật, dạy nghề.
 

 
Giải pháp Thanh Huyền đưa ra là đưa giáo dục khởi nghiệp vào tiêu chí kiểm định chất lượng đại học. Tăng cường cơ chế tự chủ để nâng cao tính cạnh tranh của trường. Xây dựng vườn ươm doanh nghiệp trong trường Đại học. Có như vậy mới thúc đẩy được hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Bởi, thông qua chương trình học của giáo dục khởi nghiệp, sinh viên không chỉ được tiếp cận với kiến thức vận hành doanh nghiệp mà còn nhận được một tổ hợp kiến thức, kỹ năng phù hợp với khả năng thực tế của nhà trường và nhu cầu, trình độ của sinh viên như: kỹ năng đối mặt với thất bại, kỹ năng giao tiếp, nắm bắt cơ hội, giải quyết vấn đề,… Khởi nghiệp không chỉ tạo ra những doanh nhân mà còn tạo ra nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng.

Với đề tài nghiên cứu, chế tạo thành công “Máy dò phát hiện thiết bị công nghệ cao trong gian lận thi cử” cùng các cộng sự, Giảng viên Tôn Thất Trường Nam, Trường Đại học Tây Nguyên cho biết: Sản phẩm này có ưu điểm dễ vận hành, sử dụng, giúp phát hiện, phòng chống gian lận trong các kỳ thi tại Trường Đại học Tây Nguyên và nhiều cơ sở sát hạch đạt hiệu quả, được đánh giá cao.

Thực tế cho thấy ở mỗi mùa thi, các loại thiết bị gian lận thi cử đều được phát hiện trong và ngoài phòng thi. Nhờ sử dụng thiết bị công nghệ cao này, các thiết bị gian lận sẽ dễ dàng bị phát hiện. Theo anh Nam thì hiện nay, các thiết bị này được quảng cáo, mời bán rộng rãi trên các trang mạng xã hội Facebook với giá từ 200.000 đồng đến hai triệu đồng một bộ, nếu không có tiền mua, sinh viên cũng dễ dàng thuê các thiết bị này tại các cơ sở photocopy để sử dụng. Qua nghiên cứu cho thấy, các thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao có đặc điểm chung là dùng sóng vô tuyến để truyền thông tin, hình ảnh của đề thi ra bên ngoài phòng thi cho người hỗ trợ giải. Điện thoại được cài đặt chế độ tự động bắt máy khi có cuộc gọi đến, thí sinh có thể đọc đề thi ra bên ngoài hoặc để micro thu âm trong lúc giám thị đọc đề thi. Sau đó người ngoài truyền bài giải vào phòng thi và thí sinh nghe để làm bài.
 

Giảng viên Tôn Thất Trường Nam, Trường Đại học Tây Nguyên

 Xuất phát từ thực tế đó, khi bắt tay vào nghiên cứu, nhóm của anh Nam bắt đầu từ việc phân tích cấu tạo, tìm hiểu nguyên lý hoạt động của các thiết bị công nghệ cao do Phòng Thanh tra - pháp chế, Trường Đại học Tây Nguyên thu được từ các kỳ thi. Tuy nhiên, các linh kiện trong mạch điện của thiết bị công nghệ cao thu được đều bị xóa thông số để bảo mật. Để tìm ra nguyên lý hoạt động của các thiết bị, nhóm đã tiến hành bóc tách từng linh kiện, đo đạc thông số bằng máy chuyên dụng, vẻ sơ đồ mạch, phân tích được nguyên lý hoạt động của các thiết bị. Từ thực tiễn nghiên cứu tính năng các thiết bị công nghệ cao dùng để gian lận trong thi cử, nhóm đã nghiên cứu chế tạo ra máy dò các thiết bị trên.

Anh Nam chia sẻ: “Việc sáng chế nên thiết bị này chủ yếu là hướng đến việc răn đe sinh viên hạn chế gian lận trong thi cử để chú tâm học tập cho tốt hơn. Thời gian tới, nhóm tiếp tục nghiên cứu, cải tiến thiết bị nhỏ, gọn, nhạy hơn. Nguyện vọng của nhóm sẽ hỗ trợ các trường đại học, các Sở Giáo dục và Đào tạo sử dụng máy trong kỳ thi được minh bạch, đặc biệt là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
 
Dự án tạo quỹ học bổng tiếp sức cho học sinh nghèo tại Việt Nam

Đến với Diễn đàn, Hoàng Hà Thi (Tiến sĩ y khoa, Đại học Harvard, Mỹ) và Võ Kim Thảo (CEO DDC Education) mang đến Diễn đàn Dự án học bổng kết nối du học sinh Việt Nam toàn cầu “Việt Nam quê hương tôi”. Đây là một sáng kiến được triển khai thành dự án nhân ái kết nối các du học sinh Việt Nam trên toàn cầu đóng góp tạo quỹ học bổng tiếp sức cho học sinh nghèo học giỏi tại Việt Nam được tiếp tục đến trường.
 

Tiến sĩ Hoàng Hà Thi (ĐH Harvard, Mỹ) và Nghiên cứu sinh Võ Thị Kim Thảo

 Dự án của Hà Thi và Kim Thảo sẽ giúp kết nối và hình thành mạng lưới người Việt khắp thế giới với tinh thần hướng về quê hương nguồn cội. Chỉ tính riêng số lượng du học sinh Việt Nam tham gia dự án (130 nghìn người, theo thống kê năm 2016). Mỗi du học sinh chỉ cần trích 1 EUR mỗi ngày - 30 EUR mỗi tháng – 360 EUR mỗi năm (tương đương 9 triệu đồng) sẽ đủ học phí cho 1 học sinh tại Việt Nam. Và chỉ cần 1% du học sinh tham gia Dự án, sẽ có 1300 học sinh tại Việt Nam được đến trường.

Dự án đang được triển khai với các định hướng là: Hình thành mạng lưới liên kết người Việt khắp 5 châu; Tinh thần hướng về quê hương nguồn cội; Mô hình crowdfunding: Đóng góp nhỏ mỗi người – tạo sức mạnh lớn, ai cũng đều có thể chung tay; Trao cơ hội và động lực vươn lên cho các em học sinh yếu thế trong xã hội; Truyền cảm hứng về một xã hội sẻ chia và lan tỏa yêu thương.
 
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút, gìn giữ nhân tài

Đến với diễn đàn lần này, Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Sao Ly (Johns Hopkins School of Medicine, Mỹ) mong muốn được chia sẻ về chương trình giáo dục mô hình SARE đến các chương trình trung học tại Việt Nam. Mô hình SARE nhắm đến các em học sinh cấp 3 có gia đình thuộc diện khó khăn, thu nhập thấp tại Baltimore. Đây là mô hình đã được ứng dụng thành công tại TP Baltimore của Mỹ. SARE kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức và nhà hảo tâm, đồng thời, mang đến cho học sinh sự hỗ trợ học tập chất lượng cao.
 

Nghiên cứu sinh Johns Hopkins School of Medicine (Mỹ) Nguyễn Thị Sao Ly

 Sao Ly chia sẻ: Từ nguồn kinh phí tài trợ, SARE lên kế hoạch tổ chức chương trình, chọn ra các em học sinh tham gia. Tại các đơn vị đào tạo, các em sẽ được thực hành các môn khoa học, được dạy bởi những người có chuyên môn và trực tiếp thực hành. Thông qua chương trình, các em học sinh sẽ nhận được kiến thức về môn khoa học, ngành nghề mà mình quan tâm, được đào tạo kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng thực hành. Từ đó, các em sẽ có được định hướng cụ thể cho sự phát triển bản thân trong tương lai.

Với chủ đề "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao", chị Sao Ly cho rằng SARE là một mô hình phù hợp để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam, đặc biệt là giáo dục trước đại học. Tôi tin nếu được áp dụng, chương trình sẽ mang lại mộ cú hích nhỏ trong công tác đào tạo khoa học tại Việt Nam, chị mong muốn áp dụng nó tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ những đối tượng học sinh yếu kém.

Cũng tại diễn đàn, các đại biểu trí thức trẻ  đã chia sẻ thảo luận về chủ đề “Sử dụng game mô phỏng (simulation) trong đào tạo và huấn luyện về Phát triển Bền vững” của ThS. Nghiên cứu sinh Nguyễn Viễn Thông; “Phát triển mô hình học tập trải nghiệm sáng tạo có định hướng nghiên cứu KH&CN trong giai đoạn giáo dục ở Việt Nam" của Thạc sĩ Hoàng Thị Kim Khuyên. Đây là nghiên cứu nhằm thúc đẩy sự quan tâm và trải nghiệm liên quan tới khoa học dành cho các bạn học sinh nhỏ tuổi, từ đó tạo ra thói quen và sự yêu thích đối với nghiên cứu khoa học từ khi còn nhỏ.

Phiên thảo luận về “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” đã thảo luận sôi nổi đã đi trực tiếp vào các giải pháp và đề xuất xoay quanh chủ đề bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực. Không chỉ giới hạn phạm trù nguồn nhân lực ở đối tượng người đi làm và sinh viên sắp tốt nghiệp, yếu tố bền vững được nhấn mạnh khi phạm vi thảo luận mở rộng đến cả đối tượng học sinh từ tiểu học trung học phổ thông, không phân biệt học lực, hoàn cảnh. Cụ thể, phiên thảo luận đã trao đổi sâucác sáng kiến nhằm hỗ trợ bồi dưỡng về khía cạnh tài chính (Quỹ học bổng), triển khai các chương trình mới (đào tạo khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học, chương trình gap year), các giải pháp mới (hoạt động mô phỏng, đảm bảo chất lượng giáo dục). Để phát triển nguồn nhân lực, các đại biểu đã chia sẻ về nguyện vọng kết nối các tổ chức, nguồn lực, sáng kiến nhằm lan toả các giá trị sâu, rộng hơn.

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng kiến nghị, đề xuất Trung ương Đoàn xây dựng nền tảng số/diễn đàn nhỏ thường kỳ nằm liệt kê, kết nối các nguồn lực (bao gồm nhân lực; sản phẩm trí tuệ; các nhà tài trợ; các địa phương sẵn sàng chào đón trí thức về triển khai nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu); kết nối để hỗ trợ về vấn đề pháp lý cho các giải pháp, sáng kiến của trí thức trẻ. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất thành lậpmạng lưới các trường đại học, trung học đang triển khai môn Khởi nghiệp để chia sẻ khung chương trình, cách thức thực hiện và kết nối các nguồn lực.

Các nghiên cứu và ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu này sẽ được Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu tổng hợp và gửi tới Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan để có thể áp dụng vào thực tế.
 

Chủ đề “Công nghệ và quản lý trong nền kinh tế số”


Chuyển đổi số doanh nghiệp, Khung pháp lý số, Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng hết thống giám sát trong nền kinh tế số, Ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý giáo dục... là những chủ đề góp ý của các trí thức trẻ đề xuất tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2019.

Tại phiên thảo luận “Công nghệ và quản lý trong nền kinh tế số", các tri thức sôi nổi tranh luận cùng nhau về vấn đề Ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý giáo dục. Người nghiên cứu và trình bày đề xuất này là Tiến sỹ Vũ Ngọc Huy, Đại học Bách khoa Odessa, Ukraine.

Theo TS Vũ Ngọc Huy, Ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý giáo dục có một ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao tính an toàn, minh bạch, tin cậy của dữ liệu. Đồng bộ đơn giản hoá quá trình xử lý dữ liệu tiến tới số hoá giáo dục và các lĩnh vực khác.
 

Phiên thảo luận "Công nghệ và quản lý trong nền kinh tế số" trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II, năm 2019.

TS Vũ Ngọc Huy cũng cho biết, xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số là yêu cầu cấp bách của đất nước để phát triển và bắt kịp với xu hướng mới của thế giới. Nền tảng công nghệ Blockchain đang mở ra cơ hội lớn cho chúng ta trong việc nhanh chóng số hoá và kết nối đồng bộ các lĩnh vực trong cuộc sống. Do vậy, Nhà nước, Chính phủ nghiên cứu đánh giá tầm quan trọng của Blockchain đối với Việt Nam trong thời điểm hiện nay
“Nhà nước nên khuyến khích tạo điều kiện xây dựng ứng dụng thí điểm công nghệ Blockchain trong các lĩnh vực. Tập hợp các nhà khoa học các lập trình viên kết nối cùng các tập đoàn lớn trong nước nghiên cứu xây dựng mô hình nền tảng Blockchain chuẩn Việt Nam – Một máy tính chung cho cả nước”, Giảng viên Đại học Bách khoa Odessa, Ukraine đề xuất.

Sau khi TS Vũ Ngọc Huy trình bày và đề xuất, đại diện Ban cố vấn phiên thảo luận ông Nguyễn Trúc Lê, PGS.TS, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) phản hồi.
Hiệu trưởng Trường Đại Học Quốc Gia cho biết, ông rất đồng cảm với các chia sẻ của các trí thức trẻ bởi ông cũng từng có thời gian học ở nước ngoài rồi trở về nước với những ấp ủ nhưng đề xuất để đất nước thay đổi và phát triển.  

“Sau khi nghe chia sẻ của bạn, tôi thấy rằng sử dụng công Blockchain trong ngành giáo dục rất là tốt, vấn đề này đã được nhiều bên đề cập và trường tôi- Trường Đại học Kinh tế  cũng đã áp dụng nhưng mới chỉ đến bước tập hợp data nhưng đã vô cùng khó. Cái khó không phải chúng ta không có công cụ mà cái khó là tất cả con người tham gia vào quá trình ứng dụng Blockchain khó. Thêm nữa, không phải mọi người không muốn tham gia là cái khó tiếp là mọi người có một cái trình độ khác nhau. Do vậy, tôi muốn hỏi rằng, làm thế nào để tôi có thể nói với các cán bộ trong trường tôi và hơn 5.000 sinh viên cùng nói chung một ngôn ngữ - ứng dụng công nghệ? ”, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế đặt vấn đề.
 

Ông Nguyễn Trúc Lê, PGS.TS, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đặt câu hỏi.

Sau khi Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế đặt câu hỏi cả phòng thảo luận đều xôn xao, mỗi người đều đang suy nghĩ về đáp án cho câu hỏi đó. Cầm mic trả lời, TS Vũ Ngọc Huy cho rằng, nếu những ai đã hiểu và đã sử dụng công nghệ Blockchain thì sẽ thấy rất dễ sử dụng. Tuy nhiên hiện nay, số lượng này vẫn còn ít, do vậy chúng ta phải tuyên truyền và thuyết phục.

"Để làm tốt đươc khâu này, cần sự vào cuộc của các bộ ngành chúng ta cần phải ngồi với nhau để lên một kế hoạch triển khai. Chúng ta có quy trình tập thể. Sự kiện hôm nay là buổi liên kết, kết nối, sau sự kiện chúng ta có thể ngồi cùng nhau bàn về những khó khăn và cùng nhau giải quyết cụ thể", TS Vũ Ngọc Huy nói. 

Tiếp nối vấn đề Ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý giáo dục, các trí thức trẻ cũng cùng nhau trao đổi các vấn đề khác như: Chuyển đổi số doanh nghiệp, Khung pháp lý số, Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng hết thống giám sát trong nền kinh tế số, Robot mềm: Tiềm năng phát triển trong công nghệ...
 

Chủ đề “Bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu”


Các nhà khoa học trẻ tiên phong nghiên cứu về ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường đã thảo luận sôi nổi về các vấn đề: thực trạng về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường tại Việt Nam; các giải pháp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại Việt Nam; đưa ra đề xuất, khuyến nghị để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.


Toàn cảnh Tọa đàm


Báo cáo cho thấy, trái đất đang nóng hơn bao giờ hết trong hơn 800.000 năm qua; phát thải khí nhà kính đang ở mức cao nhất mọi thời đại; hơn 1 triệu loài phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ không thể cứu vãn được vào năm 2030. Việt Nam hiện đang là 1 trong 10 quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu; Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải nhựa không được xử lý, có 787 đô thị với 300.000 m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý.

Chia sẻ tại tổ thảo luận TS Khưu Thùy Dương cho biết: 97% nhà khoa học trên thế giới khẳng định, hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế, xã hội của con người là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Từ thực tế đó, TS Khưu Thùy Dương kêu gọi: “Chúng ta không muốn Trái đất kết thúc bởi biến đổi khí hậu, các loài bị tuyệt chủng, xã hội bị chia cắt. Nếu chỉ tập trung phát triển kinh tế thôi chưa đủ, chúng ta cần phải có sự công bằng xã hội và môi trường trong sạch”.

Anh Nguyễn Duy Tâm, nghiên cứu sinh tại Singapore cho rằng để bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu có hai xu hướng chính, gồm: Tiết kiệm năng lượng và tìm năng lượng mới, trong đó có năng lượng tái tạo. Đưa ra nhận định năng lượng tái tạo dồi dào và theo đuổi năng lượng tái tạo là sự cần thiết trong xu hướng hiện nay; tuy nhiên, theo anh Tâm, chúng ta không nên quá lạc quan vào tiềm năng của năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Bởi việc khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo đều có mặt tính hai mặt lợi và hại. Ví dụ như khai thác năng lượng thủy điện gây tác động tới thiên nhiên như thay đổi dòng chảy, thay đổi chất lượng nguồn nước sinh hoạt; hay khai thác năng lượng mặt trời phải phụ thuộc thời tiết, có thể gây ra ô nhiễm nếu không cẩn thận trong khai thác sử dụng…

Đồng thời, anh Tâm cũng đưa ra các giải pháp để khai thác và sử dụng có hiệu quả năng lượng tái tạo: Kết hợp các nguồn năng lượng với nhau; kết hợp công nghệ;...

Tại tổ thảo luận các đại biểu trí thức trẻ đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp, nghiên cứu mới nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu như: Ứng dụng chế phẩm nano trong xử lý kim loại nặng ở môi trường nước; Chiết tách collagen từ vảy cá nước ngọt bằng phương pháp hóa sinh,..


Chủ đề “Nâng cao năng suất hệ thống và đảm bảo công bằng xã hội”


Nhóm thảo luận về nội dung đảm bảo công bằng xã hội cũng là chủ đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu dự Diễn đàn năm nay, với những chia sẻ về các công trình nghiên cứu có tính ứng dụng như: “Sử dụng game mô phỏng (simulation) trong đào tạo và huấn luyện về phát triển bền vững”, “Các nhân tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của người lao động trong doanh nghiệp: Nghiên cứu trường hợp các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại Việt Nam”, “”, “Các nhân tố thành công cốt lõi (CSFs) trong việc phát triển bền vững nhà ở xã hội ở Việt Nam”, “Xây dựng và đẩy mạnh chế định về điều kiện làm việc linh hoạt trong pháp luật lao động Việt Nam”…

 Nói về đảm bảo quyền bình đẳng trong cơ hội tiếp cận việc làm của người lao động yếu thế tại Việt Nam, thạc sĩ Lê Quỳnh Mai, giảng viên Học viện An ninh nhân dân cho rằng: Mặc dù Hiến pháp năm 2013, Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Bộ luật Lao động năm 2012 đều khẳng định mục tiêu không phân biệt đối xử trên cơ sở giới, bao hàm cả yếu tố cơ hội việc làm.
 

 
Tuy nhiên, Bộ luật Lao động hiện hành vẫn bao hàm một số quy định vô hình chung có tính phân biệt đối xử trên cơ sở giới, như những quy định về các nhóm ngành nghề lao động nữ không được phép thực hiện, chưa có các quy định cụ thể về đào tạo lao động nữ…

“Lực lượng lao động ở Việt Nam rất dồi dào. Hiện tại có 55,4 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng có tới 1,1 triệu người bị thất nghiệp. Trong số lao động có việc làm thì nữ giới chiếm 47,7%, lao động nữ ít được đào tạo so với lao động nam, và dễ dàng bị sa thải hơn. Đáng chú ý hơn là số lao động nữ trong nhóm lao động thất nghiệp có trình độ đại học lên tới 55,4%. Cùng với đó là thu nhập bình quân của nữ là 4,7 triệu đồng/tháng, thấp hơn 1,4 lần so với nam giới”, thạc sĩ Lê Quỳnh Mai nói.
 

 
Thạc sĩ Mai cũng chỉ ra nguyên nhân việc khoảng 30% người khuyết tật ở Việt Nam có khả năng lao động nhưng chưa tham gia lao động, chưa có việc làm. Điển hình như khó tiếp cận vốn vay ưu đãi để học nghề và mở rộng cơ sở sản xuất dành cho người khuyết tật; 80% người khuyết tật sống ở nông thôn, trình độ văn hoá thấp, thiếu thông tin việc làm; người sử dụng lao động không sẵn sàng tiếp nhận người khuyết tật bởi nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan…

 Thuyết trình vấn đề năng suất lao động nhìn từ khía cạnh giới, thạc sĩ Nguyễn Quốc Định (Trường chính sách và quản lý Schar thuộc ĐH George Mason, Mỹ) nói: “Nghiên cứu của tôi tập trung tìm hiểu sự khác biệt về năng suất lao động giữa hai loại hình doanh nghiệp có chủ là nữ và nam, nhằm đưa ra khuyến nghị là kinh nghiệm đóng vai trò rất lớn đối việc việc nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp có chủ là nữ. Trong đó phải nhờ tới sự hỗ trợ chính sách của nhà nước như thủ tục vay vốn, thay đổi định kiến của mọi người đối với phụ nữ…”.



Mang tới buổi thảo luận đề tài “Nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên năng suất lao động - Hướng tới phát triển bền vững”, nghiên cứu sinh Thái Thị Hồng Minh (Văn phòng Tỉnh uỷ Quảng Trị) chia sẻ: Năng suất lao động Việt Nam giai đoạn 2011-2018 tăng bình quân 4,8% một năm và có sự cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách với các nước trong khối ASEAN. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế như quy mô nền kinh tế nhỏ, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực còn chậm, máy móc thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Từ những hạn chế trên, chị Minh đưa ra 7 giải pháp nhằm tập trung tăng trưởng quy mô nền kinh tế, rà soát, sửa đổi phù hợp các chính sách liên quan…


 
Tại buổi thảo luận, các đại biểu còn tập trung thảo luận nhiều vấn đề như môi trường làm việc và những yếu tố liên quan tới sức khoẻ của công nhân khu công nghiệp; Xây dựng và đẩy mạnh chế định về điều kiện làm việc linh hoạt trong pháp luật lao động; Chính sách hạn chế tình trạng tảo hôn trong cộng đồng dân tộc thiểu số; Đi học sớm ở bậc mầm non có giúp phát triển kỹ năng tốt hơn không? Minh chứng từ phương pháp Double Machine Learning…
 
Đức Anh tổng hợp (theo Đoàn Thanh niên, Đầu tư, Tiền Phong)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×