Thông tin Khoa học công nghệ


'Biến dữ liệu thành kim cương'

Thứ sáu, 05/01/2024

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng C06, Bộ Công an cho biết hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ là "vàng, kim cương" khi trở thành các giải pháp phục vụ cuộc sống người dân, phát triển đất nước.
Ngày 4/1, vòng chung kết cuộc thi Data For Life đã diễn ra tại Đài Truyền hình Việt Nam, 43 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.
 
Cần biến dữ liệu thành vàng, kim cương
 
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng C06, Bộ Công an phát biểu khai mạc. Ảnh: Tùng Đinh
 
Phát biểu khai mạc, Đại tá Vũ Văn Tấn, Trưởng ban tổ chức nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu. Ông cho biết, sau một thời gian triển khai Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống đã được tạo lập được 104 triệu người dân thực và hàng ngày đang quản trị trên hệ thống; xấp xỉ 84 triệu căn cước công dân; khoảng 30 triệu tài khoản định danh điện tử. Đặc biệt, có hơn 1 triệu tài khoản VNEID sử dụng mỗi ngày.
 
"Qua đó, chúng ta thấy được tầm quan trọng của dữ liệu. Tuy nhiên, khi dữ liệu có rồi, phải làm sao đưa nó thành sản phẩm có giá trị thực tiễn cho người dân, doanh nghiệp và phục vụ Chính phủ", Đại tá nhấn mạnh.
 
Đó cũng là lý do C06 phối hợp các đơn vị tổ chức cuộc thi Dữ liệu với cuộc sống - Data For Life với mong muốn tìm kiếm nhiều giải pháp, ý tưởng mới mẻ, sáng tạo phục vụ tiến trình chuyển đổi số quốc gia; đồng thời tìm ra những thí sinh, người đam mê dữ liệu và chuyển hóa dữ liệu đó thành sản phẩm kim cương. Những thí sinh này sẽ có cơ hội làm việc ở các doanh nghiệp lớn hoặc nghiên cứu tại trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư trên nền sản phẩm.
 
Cũng tại sự kiện, các thành viên ban giám khảo đều nhận định, giải pháp của các đội đã đáp ứng tốt yêu cầu cuộc thi, khi ứng dụng triệt để dữ liệu vào sản phẩm để phục vụ chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
 
Đơn cử, đội 95Lab, DoubleMQV, Công an tỉnh Sơn La đã dựa vào công nghệ và dữ liệu dân cư để đưa ra các giải pháp thuộc phân ban giao thông - một chủ đề nóng với nhiều vấn đề cần được giải quyết, như ách tắc giao thông, biển số giả...
 
Cần biến dữ liệu thành vàng, kim cương - 1
 
Công an tỉnh Sơn La giành giải nhất Data For Life 2023. Ảnh: Tùng Đinh
 
Trong đó, đội Công an tỉnh Sơn La với giải pháp "Ứng dụng AI trong việc phát hiện biển số ôtô giả đang lưu hành trên các tuyến đường giao thông công cộng" đã xuất sắc vượt qua 9 đội thi còn lại, giành giải nhất với giải thưởng trị giá 200 triệu đồng. Đội thi đã giải quyết tốt yêu cầu của bài toán phát hiện biển số giả lưu thông trên đường bằng bằng cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI.
 
Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, dự án còn có khả năng mở rộng không chỉ giới hạn ở phương tiện giao thông mà còn có thể quản lý con người thông qua việc phát triển các địa điểm di chuyển của các phương tiện.
 
Thuộc phân ban AI và chuyển đổi số có đội W1.Shark và Kino. Cũng giải quyết bài toán giao thông dựa trên công nghệ AI, đội Kino với giải pháp Vehicle Facts - Dữ liệu phương tiện giao thông dành cho người Việt đã giật giải khuyến khích trị giá 10 triệu đồng.
 
Nền tảng Vehicle Facts cung cấp 4 nhóm tính năng chính là tra cứu thông xe; báo cáo đánh giá phương tiện chuyên sâu; hệ thống chấm điểm và trung gian giữa người mua và bán xe cũ.
 
Ban giám khảo nhận định, đây là ý tưởng hay, thiết thực và có ý nghĩa kinh tế xã hội. Tuy nhiên bài thi chưa đưa ra được phương hướng, phương pháp tiếp cận dữ liệu cũng như các bên đồng ý tham gia vào Hub dữ liệu. Các ứng dụng trên nền tảng dữ liệu (giả định là có) chưa nhiều, mới dừng lại ở mức cơ bản.
 
Cần biến dữ liệu thành vàng, kim cương - 3
 
Các thành viên CCCD.IO (áo trắng) nhận giải nhì. Ảnh: Tùng Đinh
 
Trong khi đó, W1.Shark giành giải ba trị giá 50 triệu đồng với phương pháp phát triện website lừa đảo dựa trên học sâu đa phương thực kháng mẫu trốn tránh bảo vệ người dùng cuối.
 
Đến từ phân ban chính phủ số và xã hội số là các đội thi Công an tỉnh Thanh Hóa, StarDustAI, Vinatim, CCCD.IO, iHub.
 
Cần biến dữ liệu thành vàng, kim cương - 2
 
W1.Shark giành giải ba trị giá 50 triệu đồng. Ảnh: Tùng Đinh
 
CCCD.IO giành giải nhì trị giá 100 triệu đồng nhờ giải pháp định danh điện tử bằng công nghệ AI. Đội thi cung cấp nền tảng định danh kỹ thuật số toàn diện giúp xác thực danh tính khách hàng tự động. Đặc biệt, đội thi đã có sản phẩm hoàn thiện và trong quá trình triển khai thực tế cho khách hàng doanh nghiệp.
 
"Hiệu quả của việc giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội khi ứng dụng các sản phẩm của đội rất đáng chú ý, bởi giúp tăng sự tin cậy trong quá trình giao dịch trực tuyến, giảm thiểu rủi ro gian lận và xâm nhập cũng như tăng tốc độ xác thực và cải thiện trải nghiệm người dùng", đại diện ban giám khảo nhận định.
 
Cần biến dữ liệu thành vàng, kim cương - 4
 
Hai đội đồng giải khuyến khích là Công an tỉnh Thanh Hóa và Kino. Ảnh: Tùng Đinh
 
Công an tỉnh Thanh Hóa với giải pháp ứng dụng cơ sở dữ liệu căn cước công dân gắn chip trong phòng, chống mua bán trẻ sơ sinh và mang thai hộ trái quy định của pháp luật cũng giành giải khuyến khích trị giá 10 triệu đồng.
 
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, thành viên ban giám khảo đánh giá cao đề tài này về mặt thực tiễn, và cho biết đề tài cần được lan tỏa, tuyên truyền rộng. Trong khi đó ông Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập FUNiX cho biết rất thích đề tài này vì phù hợp với chủ đề cuộc thi. "Chưa bàn về công nghệ bởi chúng ta không thiếu công nghệ, mà thiếu các vấn đề thật như thế này", ông nói.
 
Top 5 đội đạt giải Data For Life 2023:
 
STT Tên đội Bài dự thi Giải
1 Tổ công nghệ cao và giải pháp cộng đồng Công an tỉnh Sơn La Ứng dụng AI trong việc phát hiện biển số ôtô giả đang lưu hành trên các tuyến đường giao thông công cộng Nhất
2 CCCD.IO Giải pháp định danh điện tử bằng công nghệ AI Nhì
3 W1.Shark Phương pháp phát hiện website lừa đảo dựa trên học sâu đa phương thức kháng mẫu trốn tránh bảo vệ người dùng cuối Ba
4 Công an tỉnh Thanh Hóa Giải pháp ứng dụng cơ sở dữ liệu căn cước công dân gắn chip trong phòng, chống mua bán trẻ sơ sinh và mang thai hộ trái quy định của pháp luật Khuyến khích
5 Kino Vehicle Facts - dữ liệu phương tiện giao thông dành cho người Việt Khuyến khích

Trong khuôn khổ vòng chung kết còn diễn ra tọa đàm với sự tham gia của Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an; ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng Đại học FPT, ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch Công ty FPT IS; ông Đỗ Viết Hà, Giám đốc Công nghệ thông tin, MK group; ông Nguyễn Tiến Thắng, Tổng giám đốc Tecapro. Các diễn giả đã cùng thảo luận về dữ liệu với cuộc sống và các giải pháp công nghệ.
 
Cuộc thi Dữ liệu với cuộc sống (Data for Life 2023) do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an công tổ chức từ 7/8, với sự phối hợp của Đại học Bách khoa Hà Nội, Đài truyền hình Việt Nam và Báo VnExpress.
 
Cuộc thi với mục tiêu thu hút nguồn lực từ cộng đồng tài năng trẻ đồng hành cùng Bộ Công an và Chính phủ để phát huy tính sáng tạo, hình thành những ý tưởng và sản phẩm công nghệ thông tin thiết thực. Các giải pháp xoay quanh ba trụ cột là chính phủ số - giải pháp thúc đẩy dịch vụ công hiệu quả, xã hội số - thúc đẩy dịch vụ an sinh xã hội, và kinh tế số - thúc đẩy phát triển kinh tế.
 
Theo VNExpress

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×