Thông tin Khoa học công nghệ
"Nhiều người làm nội dung xấu để có nhiều quảng cáo hơn"
Thứ năm, 28/03/2024
Nhiều YouTuber, TikToker chuyển sang làm nội dung xấu vì kiếm được nhiều tiền hơn nội dung sạch, nên cần siết chặt quảng cáo, theo Cục trưởng Lê Quang Tự Do.
Tại hội nghị về quảng cáo trên mạng chiều 26/3 ở Hà Nội, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, công bố một số kết quả đạt được sau thời gian triển khai việc quảng cáo với Black List và White List.
Cục trưởng Lê Quang Tự Do phát biểu tại hội nghị chiều 26/3. Ảnh: Đức Huy
Black List là danh sách kênh mạng xã hội, website có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật và các nhãn hàng bị yêu cầu cấm quảng cáo trên đó, trong khi White List là danh sách đơn vị hoạt động có giấy phép, nội dung sạch, được khuyến nghị quảng cáo. Đây là giải pháp được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra cuối năm 2022 và triển khai trong 2023.
Theo Cục trưởng, việc triển khai đã tăng cường nhận thức của doanh nghiệp quảng cáo, nhãn hàng và người làm nội dung, tuy nhiên chưa thể ngăn chặn hoàn toàn nội dung xấu độc, nhảm nhí, câu view phản cảm trên không gian mạng.
Một trong những nguyên nhân là nội dung này có nguồn tiền nuôi từ các nhà quảng cáo. Ông Do nêu hiện tượng có nhiều người làm nội dung trên YouTube, TikTok thời gian đầu xây dựng nội dùng "sạch", có ích, nhưng ít người xem, nhận về ít quảng cáo. Nhưng khi chuyển qua nội dung nhảm, câu view, quảng cáo lại nhiều hơn.
"Việc này dần truyền đi thông điệp rất xấu cho những nhà sáng tạo nội dung là làm nội dung xấu để nhận nhiều quảng cáo", ông nói.
Sẽ mở rộng White List và Black List
Trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lập danh sách đen gồm 47 trang và tài khoản Facebook, 102 kênh YouTube, 403 trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng nhãn hàng tiếp tục để quảng cáo ở các trang vi phạm. Nhiều doanh nghiệp lớn bị cơ quan quản lý xử phạt liên tiếp 2-3 lần.
Theo Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, điều này là do những người quảng cáo chủ quan, chạy theo hiệu quả và lợi nhuận, chưa ứng dụng triệt để giải pháp BlackList và White List mà Bộ khuyến nghị. Nhiều nền tảng xuyên biên giới chưa phối hợp, sau khi kênh xấu độc bị khóa, chủ kênh "mở kênh mới dễ dàng trong năm phút".
Tại hội nghị, một số nhà quảng cáo, nhãn hàng lớn tại Việt Nam cho biết ủng hộ giải pháp của Bộ. Tuy nhiên, họ cũng nêu ra một số thách thức, như White List còn hẹp, không đảm bảo chỉ tiêu về quảng cáo cho nhãn hàng, hay người làm nội dung có thể "hôm nay white, ngày mai black", khiến họ có thể bị phạt dù đã lọc kỹ.
Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cũng đồng ý với ý kiến này, cho biết ngoài danh sách cơ quan báo chí được cấp phép, nhóm kênh mạng xã hội White List mới ở mức 2.000. Trong khi đó, các đại lý quảng cáo nói họ cần ít nhất 15-20 nghìn kênh cho các chiến dịch.
Để cải tiến, Cục đưa ra giải pháp White List mở rộng, nhằm cung cấp danh sách các kênh sạch đủ lớn để nhãn hàng và đại lý quảng cáo.
Một số bất cập, hạn chế trong triển khai White List và Black List được Cục PTTH&TTĐT nêu.
Để xây dựng White List mở rộng, ông Do cho biết sẽ tiến hành ba biện pháp gồm: mời các mạng đa kênh (MCN) tại Việt Nam gửi danh sách kênh mình quản lý lên để bổ sung; nhãn hàng cũng có thể đề xuất danh sách đối tác quảng cáo; và Bộ cũng mở một cổng đăng ký để người làm nội dung chủ động đăng ký vào danh sách.
"Chúng tôi ước tính sẽ có vài chục nghìn kênh mạng xã hội được đưa thêm vào danh sách. Khi chúng tôi đổi mới rồi mà các nhà quảng cáo vi phạm, sẽ có biện pháp mạnh", ông Do nói.
Theo đề xuất của Cục, với những trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có cơ chế phối hợp với Bộ Công an để xử lý.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh White List và Black List là cách ghi nhận rằng kênh nội dung đó, trong thời gian được kiểm tra, có nội dung sạch hay nội dung xấu. Danh sách sẽ liên tục được đánh giá lại, để nhà sáng tạo nội dung duy trì việc làm nội dung lành mạnh. Những nội dung trước đây thuộc "vùng xám", tức chưa đến mức vi phạm pháp luật, nhưng phản cảm, cũng được đề nghị đưa vào Black List.
Với nền tảng xuyên biên giới, Thứ trưởng Lâm cho biết nếu họ nhận ăn chia doanh thu quảng cáo với nhà sáng tạo nội dung thì cũng cần có biện pháp bảo vệ an toàn cho nhãn hàng, giúp nhãn hàng không đặt quảng cáo lên kênh vi phạm.
"Họ nói họ đã đầu tư cho an toàn nhãn hiệu, nhưng ai là người chứng minh việc đó có thật?", ông Lâm đặt câu hỏi. Nhắc đến việc có nền tảng nhận 45% tiền quảng cáo, trả cho người làm nội dung 55%, trong khi không chịu trách nhiệm về an toàn nhãn hiệu, ông cho rằng đó là mức giá "quá cao và không thể chấp nhận", đồng thời đề nghị cần có buổi làm việc với các bên để thay đổi con số này.
Theo VNExpress
Bài viết cùng chuyên mục
- Công nghệ AI giúp dựng lại chân dung gần như tạc chỉ từ giọng nói
- AI vừa đạt trình độ con người ở một bài kiểm tra quan trọng
- Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10/2024: Việt Nam tiến mạnh trong xếp hạng chuyển đổi số...
- Trợ lý Kiki và hành trình cùng các thương hiệu 'Việt hóa' sản phẩm
- Lấy chuyển đổi số làm động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
- Tinh thần 5 "bảo đảm" trong chuyển đổi số
- AI của Meta tạo clip chấn động
- AI hỗ trợ ra đề thi, chấm điểm, soạn bài, giáo viên liệu có nguy cơ bị thay thế?
- Đông Nam Á, mặt trận mới của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây
- Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024: Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để...
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận