Chàng thanh niên bại liệt mang “cần câu cơm” cho trẻ em cùng cảnh ngộ

Thứ tư, 14/11/2018

Ngay từ lần gặp đầu tiên, anh đã tạo ấn tượng cho chúng tôi bởi sự hiểu biết và tự tin không giống như hầu hết những người khuyết tật khác. Tuy bị bại liệt chân trái ngay từ nhỏ nhưng bao năm nay anh Nguyễn Hồng Hà (sinh năm 1981, Phó chủ tịch Hội người khuyết tật TP Hà Nội) vẫn đi khắp nơi “thu gom” trẻ em khuyết tật về dạy nghề cho các em.
Ngay từ lần gặp đầu tiên, anh đã tạo ấn tượng cho chúng tôi bởi sự hiểu biết và tự tin không giống như hầu hết những người khuyết tật khác. Tuy bị bại liệt chân trái ngay từ nhỏ nhưng bao năm nay anh Nguyễn Hồng Hà (sinh  năm 1981, Phó chủ tịch Hội người khuyết tật TP Hà Nội) vẫn đi khắp nơi “thu gom” trẻ em khuyết tật về dạy nghề cho các em.
 

Gian nan con đường đến trường của cậu học trò khuyết tật


Sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em nhưng thật thiệt thòi cho anh Hà khi mới sinh ra anh đã bị bại liệt mất chân trái. Không thể vui đùa như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác, anh Hà phải làm bạn với nạng và xe lăn ngay từ nhỏ. Chiếc chân trái của anh không lớn lên tự nhiên như bao bộ phận khác trên cơ thể mà chỉ như khúc gỗ bất động. Tuổi thơ anh rất tự ti và mặc cảm, luôn cho rằng đây là số phận mình phải gánh chịu cả đời, đến những năm đầu đi học bạn bè học nhanh hơn, giờ ra chơi được nô đùa dưới sân còn anh vẫn ngồi im một chỗ trong lớp khiến cho bố mẹ anh đi đón anh về không khỏi xót xa cho con.

Gia đình vốn thuần nông ở Thôn 8, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức nhưng anh học rất giỏi và tiến bộ rõ rệt lên sau mỗi năm học, đặc biệt ở môn tiếng Anh, dường như việc bất tiện trong việc đi lại làm cho anh có nhiều thời gian hơn cho học tập, anh nhờ anh chị đi mua sách về cho mình tự học. Đến năm lớp 10, phải đi học phổ thông xa nhà thật sự là một trở ngại với anh khi hằng ngày cứ bố đưa đi mẹ đưa về bằng xe đạp 6 7km kẽo kẹt, trời thì nắng chang chang như đỏ lửa nhưng với chí học tập, anh đã có nghị lực vươn lên mạnh mẽ khi giành cả học bổng của Chính phủ Australia cho học sinh phổ thông du học. Tuy giành được học bổng nhưng anh Hà không đi, anh tự nhận mình là người hướng nội thích được ở gần bố mẹ, gia đình và quê hương.

Học hết phổ thông, anh thi đậu vào trường Đại học Hà Nội ngành tiếng Anh với ước mơ trở về quê hương dạy tiếng Anh cho trẻ em. Cuộc sống xa nhà và một mình tự túc nơi đất khách xa nhà đối với anh rất vất vả, đã có lúc anh định bỏ về với gia đình nhưng nghị lực của một người khuyết tật đã vươn lên. Và ước mơ đó dần trở thành hiện thực khi anh có thành tích học tập xuất sắc, có thể tự đi dạy thêm để có tiền nuôi sống bản thân, năm 2007, anh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại Giỏi.
 

Thanh niên vươn lên dạy nghề cho người cùng cảnh ngộ


Là một người khuyết tật bẩm sinh, Hà hiểu được rằng người khuyết tật rất muốn hòa nhập với xã hội nhất thông qua lao động, đặc biệt đối với trẻ em, khuyết tật làm cho các em dễ bị bạn bạn bè xa lánh và mặc cảm lớn lên cùng thời gian. Người khuyết tật muốn tự đôi bàn tay, trí óc của mình tạo ra được miếng cơm manh áo chính vì vậy với khả năng tiếng Anh của mình anh Hà đã đi dạy tiếng Anh khi còn là sinh viên cho rất nhiều người khuyết tật cùng cảnh ngộ và không lấy tiền.


anh Hà (đứng thứ 2 từ trái sang, hàng trên) hiện đang là Phó chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội

Nhưng nhận thấy trẻ em khuyết tật ở tuổi vị thành niên nếu được học một số nghề phổ thông sẽ dễ có việc làm hơn học tiếng, năm 2006 anh Hà đã thành lập Trung tâm May công nghiệp trẻ em khuyết tật, trẻ em cơ nhỡ, mồ côi tại xã Yên Sở (huyện Hoài Đức). Ban đầu khi mới thành lập trung tâm, Hà gặp rất nhiều khó khăn nhưng anh không nản lòng và luôn biết tranh thủ mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ các cấp hội chính quyền từ trung ương đến địa phương. Sau gần 9 năm hoạt động, Trung tâm May công nghiệp của Hà đã phát triển thành Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồng Hà và hình thành thêm một cơ sở nữa tại quận Long Biên. Đến giờ, Công ty đã dạy nghề cho nhiều trẻ em khuyết tật và người nghèo, trở thành địa chỉ tin cậy trong tìm kiếm việc làm của nhiều thanh niên khuyết tật trên địa bàn TP Hà Nội. Hiện công ty có trên 40 lao động, đa số là người khuyết tật, trẻ mồ côi và con nông dân nghèo, thu nhập bình quân mỗi tháng của họ dao động từ 5 đến 7 triệu, một số người thạo nghề có nguyện vọng về nhà tự mở cửa hàng được anh Hà hỗ trợ vốn mua máy khâu. Đặc biệt, tất cả các lao động khuyết tật, trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương được ăn ở miễn phí tại khu trọ công ty thuê.

Đến năm 2013, Công ty của anh Hà hợp tác với Dự án Thirrve Hà Nội, dự án cho vay không lãi suất và hỗ trợ cộng đồng đã mở rộng quy mô đào tạo nghề của công ty nhận và đào tạo nghề cho gần trăm người khuyết tật. Công ty của anh Hà còn tặng trên 700 chiếc áo rét cho trẻ em khuyết tật các huyện trong thành phố và 50 chiếc áo rét cho xã vùng cao Hà Giang. Đối với việc dạy tiếng Anh cho trẻ em khuyết tật anh không xao nhãng, hiện tại anh đang mở các lớp dạy tiếng Anh tại nhà và đối với các bạn khuyết tật anh đều không lấy tiền, quan trọng nhất chính là anh tạo được cảm hứng và niềm vui cho họ hoà nhập với cộng đồng.

Tất bật với công việc xã hội, chuyện tình duyên đến với anh Hà cũng không êm xuôi gì. Yêu nhau 10 năm, đến ngày ngỏ lời cưới vợ thì bị cha mẹ người yêu ngăn cấm vì cho rằng “Hà là người khuyết tật đẻ con ra dễ cũng khuyết tật” lúc đó anh vô cùng đau đớn. Nhưng tình yêu đã chiến thắng tất cả khi anh và chị đã thuyết phục được gia đình hai bên để đến với nhau, đến nay anh chị đã có 2 cháu khỏe mạnh, thông minh. Năm 2010, anh nhận được học bổng tiến sĩ ngành công tác xã hội ở nước ngoài nhưng vì không muốn xa gia đình và đặc biệt là không muốn dở dang công việc “nhặt nhạnh” người khuyết tật về đào tạo nghề, anh quyết định ở lại Việt Nam và không đi du học cho dù đó là ước mơ của rất nhiều người.
 

Khát vọng xóa mặc cảm cho trẻ em khuyết tật


Tự nhận mình là một trong số ít người khuyết tật có thể tự tin trong cuộc sống  và hoà nhập tốt với xã hội, anh Hà không khỏi trăn trở cho hầu hết người khuyết tật khác trong xã hội, đặc biệt là trẻ em. Anh bảo “khuyết tật là nỗi đau cả đời với con người đó không phải là bệnh mà có thể chữa khỏi vậy nên làm sao để người khuyết tật tự tin hoà nhập với cộng đồng là điều mà cả xã hội nên làm”. Anh kể lại một trường hợp một cô bé câm điếc làm việc ở trung tâm anh hồi tháng trước, cô bé quê Thái Bình được anh nhận vào dạy nghề nhưng vì mặc cảm với số phận vì không giao tiếp được với mọi người cô bé đã bỏ đi biết tích mấy ngày liền. Không liên lạc được bằng mọi cách, cả trung tâm đi tìm sau đó báo cho công an phường cuối cùng cũng tìm ra cô bé đang lang thang trên một con phố trong tình trạng mấy ngày không có gì ăn.

Khi nhận em về, anh Hà bèn đưa em đi học lớp ngôn ngữ ký hiệu ở trường Xã Đàn để lấy ‘công cụ” giao tiếp giúp em hoà đồng với các bạn cùng trung tâm để cảm thấy vui vẻ khi làm việc. Anh khẳng định, trẻ em có thể bị khuyết tật một phần trên cơ thể nhưng trí thông minh và trái tim của các bạn không bao giờ khiếm khuyết, các bạn cần được yêu thương và chia sẻ như những người bình thường.


Anh Hà cùng với các trẻ em mồ côi tại trung tâm

Nói về công việc hiện tại, anh Hà kể ra một loạt dự án đang ấp ủ. Với vai trò là Phó chủ tịch Hội, anh hiểu hơn ai hết sự mất mát, tủi cực của trẻ em khuyết tật đang phải chịu đựng. Hiện tại với khoảng 10.000 nghìn hội viên hội đang duy trì các câu lạc bộ như: học tiếng Anh, học chữ nổi, học âm nhạc, học thủ công nghiệp…cho trẻ em khuyết tật, anh Hà còn đang hướng đến tổ chức hội sẽ lan đến cơ sở tức là sẽ triển khai thành lập hội ở cấp xã để người khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, mồ côi có nơi sinh hoạt gần gũi nhất mà không phải đi xa.

Thời gian rảnh rỗi, anh kết hợp với các tổ chức từ thiện quốc tế đi trao quà, tặng sách chữ nổi cho trẻ em khiếm thị, người khuyết tật tại nhiều nơi trong cả nước. Niềm vui với anh là giúp đỡ những người cùng chịu thiệt thòi để họ có được công việc, sinh hoạt, vui chơi, giải trí như người bình thường. Anh mong muốn người khuyết tật luôn tự ý thức vươn lên trong cuộc sống, không để mình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bạn Hoàng Ngọc Định, công nhân của xưởng may đã gắn bó nhiều năm ở trung tâm cho biết: “Ở trung tâm mọi người coi nhau như anh em ruột thịt, đa phần đều là người khuyết tật, trẻ mồ côi nhưng không ai mặc cảm vì số phận của mình. Anh Hà giống như một người anh đối với tôi và như một người cha với các em nhỏ khuyết tật, mồ côi, anh luôn quan tâm, động viên và giúp đỡ hết sức những gì có thể. Bản thân tôi gắn bó ở đây từ lúc còn là một cậu bé, hiện nay tôi đã có thu nhập ổn định, trung tâm chính là mái nhà thứ 2 của tôi”.


anh Hà và gia đình hạnh phúc của mình

Với những gì đã đóng góp cho cộng đồng đặc biệt là người khuyết tật, anh Hà được thành phố tặng danh hiệu Người tốt việc tốt giai đoạn 2010 – 2015 và Công ty TNHH Hồng Hà của anh được các tổ chức xã hội tặng chứng nhận doanh nghiệp vì cộng đồng có nhiều đóng góp cho trẻ em khuyết tật. Nhưng hơn cả, anh là động lực là hình tượng cho trẻ em khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, hoà nhập với cộng động bằng chính bàn tay khối óc của mình.
Nguyễn Văn Công

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×