Cô giáo 9x bị ung thư với khát khao sống đẹp

Thứ sáu, 21/07/2017

Hành trình khát sống của cô giáo Nguyễn Lữ Thu Hồng ở Gia Lai bị ung thư tám năm nay, từ khi học lớp 12 như thách thức với thời gian ngắn ngủi của người mang trọng bệnh. Bác sĩ chẩn đoán em bị ung thư tụy và thời gian sống không được bao lâu vì khối u đã lớn...
Hành trình khát sống của cô giáo Nguyễn Lữ Thu Hồng ở Gia Lai bị ung thư tám năm nay, từ khi học lớp 12 như thách thức với thời gian ngắn ngủi của người mang trọng bệnh. Bác sĩ chẩn đoán em bị ung thư tụy và thời gian sống không được bao lâu vì khối u đã lớn...
 

Cô giáo Nguyễn Lữ Thu Hồng

Cuộc đời phải là tươi sáng, căng tràn
Tình cờ chúng tôi đọc được những dòng trạng thái cảm động trên Facebook của nhà thơ Văn Công Hùng ở Gia Lai về trường hợp một cô giáo 25 tuổi bị ung thư, lạc quan “chiến đấu” với trọng bệnh suốt tám năm qua.
Vừa mới đây thôi, chính ông cũng bất ngờ khi tác giả Lữ Hồng, người viết nên những dòng thơ trong sáng, lạc quan ấy tiết lộ với ông về căn bệnh ung thư tụỵ 
“Tôi đọc thơ của cô bé và tôi thấy được người mới viết như thế là đã tương đối thành công. Check mail, nhận cái thư của Lữ Hồng. Tôi đọc, vừa đọc vừa hồi hộp, rồi xúc động. Chính xác ra, tôi không thể diễn tả nổi cảm xúc của mình lúc ấy. Tôi nhắn lại cho cô bé: Ôi cháu, vừa kỳ lạ vừa xúc động. Chú rất xúc động và cảm phục khi đọc cháu ạ. Cháu thật kiên cường. Bình an cháu nhé. Chú tin là ngành giáo dục sẽ tự hào về cháu!”, nhà thơ Văn Công Hùng chia sẻ.
Hung tin bắt đầu từ những tháng cuối của năm học 12, năm học 2008 – 2009 Hồng bỗng nhiên bị đau bụng dữ dội. Ra siêu âm, bác sĩ nói là có một khối u trong ổ bụng. Vậy là cả nhà bỏ việc, đưa em vào Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Khi có kết quả sinh thiết, mẹ của em xỉu tại chỗ.
Các bác sĩ  chẩn đoán em bị ung thư tụy và thời gian sống không được bao lâu vì khối u đã lớn, không thể can thiệp bằng phẫu thuật. Thời gian đó thật sự đáng sợ đối với gia đình của Hồng với tâm thế là em có thể ra đi bất cứ khi nào.
Thầy cô giáo, bạn bè Trường THPT Hoàng Hoa Thám, xã Biển Hồ, TP Pleiku (Gia Lai) năm ấy ai cũng nghĩ cô học sinh luôn đạt học sinh tiên tiến này sẽ dở dang việc học.
“Hồi đó đến giờ em chỉ khóc một lần. Đó là lúc em nghĩ mình phải nghỉ học. Còn nhớ lúc đó đang làm hồ sơ thi đại học. Ước mong từ nhỏ được làm cô giáo nung nấu trong em. Và em chỉ làm duy nhất một hồ sơ thi vào Khoa văn Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn”, Hồng kể.
Suốt một tháng rưỡi, cô bé có dáng người nhỏ xinh mắc trong mình trọng bệnh vẫn không rời bài vở ôn thi. Thật may em vẫn kịp dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm đó. Và cũng thật tuyệt vời khi Hồng đỗ vào đúng chuyên ngành mình đăng ký, nhiều hơn ba điểm so với điểm sàn. Riêng môn văn Hồng đạt 8 điểm.
Ngày nhập học, hành trang của bạn bè là lương thực, áo quần và đủ thứ này nọ thì Hồng phải mang cả một thùng to cây thuốc để sắc uống hằng ngày.
Hồng nói: “Suốt bốn năm học đại học chỉ bốn đứa bạn thân biết em đang mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác. Thầy cô, bạn bè luôn thấy em là một cô gái nhí nhảnh, hay đầu têu nhiều trò vui, sống hồn nhiên. Cứ mỗi tháng em phải về nhà một lần mang thuốc để sắc uống. Em phải dậy từ 3 giờ sáng, sắc thuốc uống rồi đi học. Suốt tám năm nay em phải sống chung với những liều thuốc nam như thế. Còn lại em cũng không uống bất cứ một loại thuốc tây nào để điều trị ung thư. Em quan niệm cuộc sống là phải tươi sáng, căng tràn. Nếu có dip gặp lại những bác sĩ ngày xưa, chắc họ phải rất ngạc nhiên. Chắc họ nghĩ cô bé ngày xưa chắc đã…xanh cỏ rồi. Ai ngờ! Cuộc đời lấy đi của em đủ thứ nhưng ban cho em nụ cười.  Khối u của em đã di căn sang gan và có to hơn. Không biết tương lai ra sao. Khi con người đứng giữa lằn ranh sống – chết, thì khát sống mới trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.
 

Cuộc sống luôn phải căng tràn

Khát khao sống đẹp
4 năm đại học trôi nhanh như cơn mưa rào mùa hè, cô gái ngày nào còn bỡ ngỡ chưa quen với việc xa gia đình đã cầm trên tay tấm bằng cử nhân đại học. Nhưng, ước mơ trở thành giáo viên không dễ dàng như chị nghĩ.
Ra trường chưa xin được việc làm, chị Hồng dạy kèm các em trong xóm. Chị vẫn khát khao trở thành cô giáo thuộc một ngôi trường cụ thể. Cơ hội cũng đến với chị, năm vừa qua trong đợt thi tuyển công chức giáo dục, chị Hồng trúng tuyển. Chị về làm giáo viên cấp 2 ở xã Ia Pia, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.
Đó là một ngôi trường mà học sinh còn nhiều khó khăn, kinh tế người dân nơi đây còn nghèo nàn. Bất tiện hơn, ngôi trường đó cách nhà chị 50 cây số.
Ngày hôm nay, nhìn lại quãng thời gian qua, chị Hồng bảo mình đang có cuộc sống rất tốt. Chị thấy hạnh phúc vì có gia đình là chỗ dựa tinh thần, có những người bạn, người anh em thật sự. Và có một công việc mà mình yêu, lao động bằng trái tim.
Chị Hồng cho biết: " Tôi không đặt cuộc đời mình cạnh cuộc đời những người khỏe mạnh để thấy mình bất hạnh mà tôi đặt mình cạnh những số phận đã ra đi vì ung thư để thấy mình là người may mắn”.
Bên cạnh công việc của một giáo viên, chị Hồng làm thơ, cộng tác viết bài cho báo và tạp chí của tỉnh. Cô giáo trẻ đó sống và làm việc hết mình.
Từ ngày biết mình mắc bệnh, ở mỗi chặng đường tôi đi đều có những người đồng hành và họ biết rõ câu chuyện của tôi. Tôi không cố tình giấu vì không ngại nhận mình là bệnh nhân ung thư.
Ung thư là căn bệnh khủng khiếp rồi nhưng quan trọng là người ta đối mặt như thế nào thôi. Tôi không đặt cuộc đời mình cạnh cuộc đời những người khỏe mạnh để thấy mình bất hạnh mà tôi đặt mình cạnh những số phận đã ra đi vì ung thư để thấy mình là người may mắn”, chị Hồng cho biết.
Chị Hồng muốn bản thân sống có ý nghĩa, sống hết mình. Chị cũng suy nghĩ nhưng không dành chỗ cho nỗi buồn nữa. Nếu một ngày phải rời xa cuộc sống này, chị chỉ tiếc vì không còn được gặp lũ học trò nhỏ, được nói chuyện với những ánh mắt trong veo nữa, và tiếc cho những dự dịnh dang dở của riêng mình.
 
Sống lạc quan, làm điều mình thích
Cô giáo Nguyễn Lữ Thu Hồng có lẽ là trường hợp đặc biệt và bí ẩn đối với khoa học. Vượt lên bạo bệnh để thực hiện những kế hoạch của mình như trở thành cô giáo, trở thành một người “đáng sống” với tâm thế vui sống, lạc quan.
Ngôi trường vùng xa nơi Hồng dạy học cách trung tâm TP.Pleiku (Gia Lai) hơn 50 km còn nhiều khó khăn. Học sinh, rất nhiều em là người bản địa tỏ ra quấn quýt cô giáo. Nhiều em khi hè về còn nhắn theo: “Sang năm cô lại dạy em nhé!”. Có lẽ, sự hồn nhiên, nhí nhảnh và những lời giảng hay của cô giáo trẻ đã thấm vào tâm hồn thơ ngây của các em.
Những ngày hè, rảnh rỗi, Lữ Hồng thích tìm cho mình những khoảng không gian yên tĩnh. Ở đó, cô có thể ngồi chiêm nghiệm lại cuộc sống, viết lên những điều mình thích. Cô nói rằng: “Dạo này em viết được nhiều hơn anh à! Có thêm những bài thơ mới! Em sẽ nói về cuộc đời, về con người... và đặc biệt là không nói đến ung thư bằng nước mắt”.
Dạy học, làm thơ. Đó là cách giữ những cảm xúc chân thành nhất của mình, như Lữ Hồng nói. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Ung bướu, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, chia sẻ: “Hầu hết những thành viên trong câu lạc bộ 4T là những người mắc bệnh ung thư, khi giao lưu với nhau thế này sẽ giúp ích cho các bệnh nhân. Họ như tin tưởng hơn về quá trình điều trị sắp tới và luôn lạc quan sống vui vẻ, yêu đời”.
Cô giáo trẻ cười tự tin và nói rằng: “Chúng ta đừng nói về ung thư bằng nước mắt. Để tạo niềm tin, thì không dùng nước mắt để nói với nhau. Hãy nói về ung thư bằng nụ cười, bằng những gì căng tràn sức sống nhất, tươi vui nhất, nhằm tạo niềm lạc quan vực dậy chúng ta khỏi ung thư”.
Hoài Nam (Tổng hợp theo Thanhnien.vn)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×