Gương sáng về nghị lực

Thứ sáu, 26/06/2020

Bẩm sinh bị mù một mắt, Rơ Châm Ling vẫn nỗ lực trong học tập để giành học bổng nhằm có tiền đi học. Ước mơ của Ling là trở thành một giáo viên tiếng Anh dạy cho các em học sinh buôn làng mình.

Bị mù một mắt, nữ sinh Jrai nỗ lực vượt khó để trở thành cô giáo tiếng Anh


Bẩm sinh bị mù một mắt, Rơ Châm Ling vẫn nỗ lực trong học tập để giành học bổng nhằm có tiền đi học. Ước mơ của Ling là trở thành một giáo viên tiếng Anh dạy cho các em học sinh buôn làng mình. 
 
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cô học trò người dân tộc Jrai Rơ Châm Ling (lớp 12A, trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai) lại bị mù bẩm sinh một mắt. Tuy nhiên, em luôn vượt lên nghịch cảnh và giành nhiều thành tích khiến các bạn trong trường nể phục.

Vượt khó để đến trường

Chúng tôi đến khu nội trú trường PTDT Nội trú tỉnh Gia Lai vào một chiều tháng 6. Trong khuôn viên, các bạn học sinh đang nô đùa vui vẻ dưới bóng cây phượng già nhưng ở góc phòng vẫn có một nữ học sinh chăm chú đọc cuốn sách đã ngả sang màu vàng ố. Lâu lâu, em lại nhìn các bạn nô đùa với một ánh mắt buồn rười rượi…

Đó là cô bé Rơ Châm Ling, sinh ra ở làng Grút, một làng nghèo của xã Ia Khươl (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Từ nhỏ, Ling đã phải chịu nghịch cảnh khi sinh ra đã bị mù một mắt. Gia đình khó khăn nên từ nhỏ em phải lên nương làm rẫy cùng với bố mẹ, chiều về đi hái rau rừng, lá đắng, bắt cá suối…


Em Rơ Châm Ling (bên trái) đã nỗ lực vượt khó và giành nhiều giải thưởng cấp tỉnh.


Nơi đây, đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số nên việc đến trường của các em chưa được quan tâm. Hầu hết, các em chỉ học hết cấp 2 là nghỉ học để lên rẫy hoặc đi làm thuê kiếm sống. Vốn tính ham học, nuôi ý chí “thoát cái nghèo”, cô gái nhỏ Ling đã hết mực xin bố mẹ tiếp tục cho đi học.

Tâm sự với chúng tôi, em Ling chia sẻ: “Em không may mắn như bao bạn bè cùng trang lứa vì một bên mắt bị mù bẩm sinh. Còn mắt kia liên tục tăng độ loạn do vậy mà việc học cũng gặp nhiều khó khăn. Ngày trước còn nhỏ, ngoài giờ đến trường, em còn theo cha mẹ lên nương. Việc nhà một tay em quán xuyến, lo liệu, em luôn cố gắng học tập để thoát nghèo. Đồng thời, em muốn kiếm tiền để nuôi ước mơ đi phẫu thuật mắt, dù hi vọng rất nhỏ nhoi”.


Em Ling luôn cố gắng học tập để thoát nghèo. 


Vượt qua những khó khăn đầu đời, cô học trò người Jrai luôn giành được những điểm số nhất nhì trường. Từ một ngôi trường làng, em Ling đã phấn đấu vào ngôi trường nội trú huyện để san sẻ bớt gánh nặng của gia đình. Không những thế, trong năm học lớp 9 Ling đã nhận được học bổng của quỹ học bổng Vừ A Dính.

Mong trở lại buôn làng nuôi chữ

Bước vào ngôi trường PTDT Nội trú tỉnh Gia Lai, Rơ Châm Ling tiếp tục khẳng định mình với thành tích đầu bảng và giành nhiều suất học bổng, giải thưởng cấp tỉnh trong suốt các năm học. Chính vì vậy, các bạn trong trường đều coi em như “bông hoa Pơ - Lang” giữa đại ngàn

Ling bộc bạch: “Gia đình nghèo nên em xác định chỉ có con đường học mới có thể giúp được gia đình và cho bản thân em. Tuy một mắt không nhìn thấy và mắt kia cũng đang loạn nặng vì những đêm dài ngồi học bài nhưng cánh cửa đại học chỉ còn cách mấy tháng nữa nên em sẽ cố gắng hết sức mình để vượt qua kì thi tốt nghiệp THPT".


Rơ Châm Ling mong muốn mình sẽ đậu đại học và trở thành một cô giáo dạy môn tiếng Anh


Khác với những học sinh vùng khó, cô gái Jrai lại rất thích môn Tiếng Anh và xem đây như ngôn ngữ thứ ba của mình (tiếng Jrai, tiếng Việt và tiếng Anh). Trước cuộc vượt vũ môn sắp em, Ling mong rằng ba môn sở trường là: Văn - Toán - Tiếng Anh sẽ đạt điểm cao nhằm giúp em đặt chân vào được ngôi trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ngành Ngôn ngữ Anh.

“Nếu em đậu đại học thì quỹ học bổng Vừ A Dính sẽ tiếp sức cho em theo đuổi ước mơ thêm 4 năm nữa. Vì vậy, em đang dốc hết sức mình cho kì thi sắp tới. Em mong ước thi đậu đại học để làm một giáo viên tiếng Anh. Lúc đó, em sẽ quay về buôn làng để dạy cho những em học sinh và kể cho các em những điều thú vị sau cánh cổng làng”, Ling chia sẻ.

Chia sẻ về cô học trò Jrai, thầy Rmah Kmă - Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú tỉnh Gia Lai cho biết: “Nhiều năm qua, dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nhưng em em Rơ Châm Ling đã rất nỗ lực vươn lên, đạt các thành tích tốt trong học tập. Ling cũng là một tấm gương điển hình tiêu biểu cho sự nỗ lực, vượt qua nghịch cảnh vươn lên trong cuộc sống và là tấm gương về tinh thần hiếu học cho các bạn noi theo”.
 

Cậu học trò nghèo khuyết tật sáng chế máy phơi đồ tự động


Dù mất đi bàn tay phải, tập viết bằng bàn tay trái nhưng cậu học trò nghèo Trần Kế Tuấn Vương (lớp 11A1, THPT Lương Thế Vinh, huyện Kbang, Gia Lai) vẫn đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Không những thế, Vương còn đam mê nghiên cứu, sáng chế ra nhiều máy móc phục vụ cho gia đình. 
 
Chúng tôi vừa về huyện nghèo Kbang (tỉnh Gia Lai) giữa lúc trường THPT Lương Thế Vinh đang tổ chức cuộc thi Sáng tạo kĩ thuật. Hàng chục mô hình sản phẩm được trưng bày để các giáo viên đánh giá và học sinh trong toàn trường cùng học hỏi. Trong đó, chúng tôi rất ấn tượng với chiếc máy phơi đồ tự động - sản phẩm của em Trần Kế Tuấn Vương (học sinh lớp 11A1).


Cậu học trò nghèo Trần Kế Tuấn Vương và niềm đam mê với sáng tạo kỹ thuật

Trò chuyện với chúng tôi, em Vương chia sẻ: “Từ xưa, em đã thích các môn Vật lý và các môn về khoa học kĩ thuật. Cũng từ đam mê này nên em muốn áp dụng những kiến thức đã học về làm các sản phẩm phục vụ cho chính gia đình mình”.

“Trong số sản phẩm đó thì em đầu tư nhiều nhất vào máy phơi đồ tự động. Em bắt đầu nghiên cứu từ năm 2018. Lúc đầu, em lên các mạng xã hội để học hỏi những sản phẩm tương tự. Bên cạnh đó, áp dụng những kiến thức trong môn Vật lý để thực hiện bảng mạch, đấu nối dòng điện. Em cũng tìm linh kiện về cảm ứng thời tiết trên mạng để chiếc máy có thể thực hiện tự động thu đồi vào”, em Vương chia sẻ thêm.


Chiếc máy phơi đồ tự động của cậu học trò khuyết tật trên miền quê nghèo


Theo đó, sản phẩm máy phơi đồ của học trò nghèo Trần Kế Tuấn Vương thực hiện một cách tự động. Cụ thể, chiếc máy có một giá phơi quần áo, mái che và một hệ thống cảm ứng thời tết. Khi trời nắng thì máy sẽ tự động đưa đồ ra phơi và trời mưa thì hệ thống cảm ứng tự động báo khiến giá kéo tự thu đồ vào cho gia đình.

“Do em bị mất một bàn tay nên những công việc từ hàn khung đến vác nặng được một bạn trong lớp đến giúp. Sau khi lên ý tưởng và hình thành bảng mạch hoạt động thì em có nhờ các cô giáo bộ môn đánh giá và hướng dẫn những sai sót để hoàn chỉnh mô hình sản phẩm”, Vương bộc bạch.


Trong chiếc máy phơi đồ có hệ thống cảm biến thời tiết để tự động đưa đồ ra và thu đồ vào


Cô Tạ Thị Hạnh - giáo viên môn Vật lý, Trường THPT Lương Thế Vinh cho sẻ: “Trong lớp, Vương luôn là một học sinh nổi trội về môn Vật lý. Đặc biệt, em luôn có say mê sáng tạo các sản phẩm kĩ thuật. Tuy thiếu một bàn tay nhưng em Vương vẫn quyết tâm làm nhiều mô hình phục vụ cho bản thân và gia đình. Chính vì vậy, tôi rất nhiệt tình ủng hộ, khuyến khích em để nâng cao, hoàn thiện các sản phẩm”.

Mẹ Vương - chị Phạm Thị Duyến (SN 1966, tổ 2, thị trấn Kbang, huyện Kbang) chia sẻ: “Từ nhỏ, Vương bẩm sinh đã mất đi bàn tay phải. Cũng từ đó, Vương bắt đầu tập viết tay trái mới có thể theo đuổi con đường học hành."
Do gia đình hoàn cảnh khó khăn, nên những công việc nhà đều do Vương gánh vác để bố mẹ yên tâm đi làm. Trong học hành, Vương luôn tự giác học. Trong 10 năm học qua, em luôn giành danh hiệu học sinh giỏi. Đặc biệt, Vương còn nằm trong đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý và năm vừa qua đã giành giải Nhì cấp huyện.

Hiện nay, Vương đang nỗ lực học tập với mục tiêu đậu vào trường Bách khoa TPHCM và có thể thực hiện ước mơ làm một kĩ sư về mảng công nghệ kĩ thuật.

Hoàng Nhật tổng hợp (Theo Dân trí)


 

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×