Nghị lực vươn lên để đạt được ước mơ

Thứ tư, 19/08/2020

Với những ai sinh ra vốn đã kém may mắn thì bản thân họ phải khổ luyện nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn mới có thể về đích cùng bạn bè trang lứa.

Ước mơ của Minh, cậu học trò khuyết tật đầy nghị lực


Với những ai sinh ra vốn đã kém may mắn thì bản thân họ phải khổ luyện nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn mới có thể về đích cùng bạn bè trang lứa. Với em Đỗ Công Minh, học sinh lớp 9/1, Trường THCS Đồng Phú, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) dù bị khuyết tật hệ vận động ngay từ khi mới sinh ra, thế nhưng 9 năm liền em luôn là học sinh giỏi.
 
Nghị lực của em được vun đắp từ tình thương của mẹ, sự quan tâm của thầy cô, bạn bè và từ chính ước mơ, hoài bão không bao giờ nguôi. Ngay từ khi chào đời, cậu bé Đỗ Công Minh đã không được may mắn như các bạn bè cùng trang lứa do bị khuyết tật bẩm sinh. Vì cuộc sống mưu sinh, bố em phải đi làm ăn xa, mẹ là công nhân vệ sinh môi trường nên thường đi sớm, về muộn. Vì vậy, mọi hoạt động từ sinh hoạt cho đến học tập Minh đều phải tự mình làm lấy.
 

Đỗ Công Minh ước mơ sẽ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin trong tương lai

 
Khi nhắc tới quãng đường 15 năm nuôi em ăn học, chị Dương Thị Thợi, mẹ của em Đỗ Công Minh vô cùng xúc động: “Khi cháu mới 4 tháng, cháu lên cơn hen suyễn, mỗi tháng đi viện hết 20 ngày. Vì hoàn cảnh gia đình, khi đi làm phải để con ở nhà một mình. Nhiều khi về thấy con rơi từ trên võng xuống hay ngủ dưới nền nhà mà thương con lắm”.

Đối với Minh, được đi học là niềm hạnh phúc không gì bằng. Chặng đường đi học của em gắn với chiếc xe lăn do nhà trường hỗ trợ. Em là một trong số ít những học sinh khuyết tật được học hòa nhập tại cộng đồng. Khó khăn, vất vả, thế nhưng thành tích học tập của Minh khiến mọi người phải khâm phục. Với thầy cô, bạn bè, em luôn là một học sinh chăm ngoan, học giỏi. Với gia đình, Minh là niềm tự hào, là hy vọng. Còn với những ai từng gặp gỡ, tiếp xúc và nghe đến câu chuyện của Minh thì đó là tấm gương về nghị lực vươn lên, vượt qua mặc cảm để chiến thắng hoàn cảnh.

Cô giáo Đoàn Thị Thu Hằng, Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Đồng Phú cho biết: “Trong những năm qua, nhà trường luôn đồng hành cùng em Đỗ Công Minh trong học tập cũng như sinh hoạt. Nhà trường cũng đã kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng để hỗ trợ xe lăn cũng như các suất học bổng nhằm giúp em không cảm thấy thiệt thòi cùng bạn bè trang lứa”.

Chặng đường học tập của Đỗ Công Minh tuy không bằng phẳng như bao đứa trẻ khác, nhưng em vẫn luôn lạc quan và yêu đời. Minh chia sẻ rằng, em muốn trở thành kỹ sư công nghệ thông tin trong tương lai. “Người mà em thần tượng và vô cùng ngưỡng mộ, đó chính là Giáo sư Nguyễn Ngọc Ký. Mặc dù bị liệt cả hai tay nhưng ông đã vượt lên chính mình, dùng đôi chân để viết nên những “kỳ tích”. Chính nghị lực đó đã giúp em cố gắng và cố gắng hơn mỗi ngày để có thể hiện thực ước mơ của mình”.

Chiếc máy tính hằng ngày của Minh luôn có hình ảnh người mà em thần tượng. Đó cũng là cách để tiếp thêm động lực, giúp em hiện thực hóa giấc mơ của mình. Bằng đôi chân khuyết tật, bằng thái độ sống tích cực, Minh đang viết nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống, để truyền tiếp năng lượng cho những ai kém may mắn như em.
 

Cô học trò nghèo giàu nghị lực


Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng em Lê Thị Ni, ở thôn 2, xã Điền Hải, huyện Phong Điền đã nỗ lực vươn lên đạt thành tích cao trong học tập.
 
 
Nhà có 3 người con, ba mẹ Ni đều là công nhân, để lo đủ cái ăn cái mặc cho các con đã là sự nỗ lực. Ngoài việc cố gắng sắp xếp gia đình thật tỉ mỉ, ngày nghỉ ba mẹ em cố tìm việc làm thêm. Đó chính là động lực để chị em Ni cố gắng hơn trong học tập để không phụ tấm lòng của ba mẹ và cũng là con đường duy nhất để có tương lai tốt.
 

 Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng em Lê Thị Ni, ở thôn 2, xã Điền Hải, huyện Phong Điền đã nỗ lực vươn lên đạt thành tích cao trong học tập.
 
Nhà không có điều kiện nên chẳng bao giờ Ni nghĩ đến chuyện học thêm, ở nhà em tự ôn bài cũ, nghiên cứu bài mới và rủ các bạn học nhóm để cùng nhau thảo luận, tìm ra những đáp án khó… Nhà không có máy tính, em tận dụng những giờ nghỉ để tiếp cận máy tính của trường, vừa luyện công nghệ thông tin, vừa tìm tài liệu để mở rộng kiến thức. Nhờ sắp xếp lịch học khoa học, hàng ngày Ni vẫn có thời gian phụ giúp bố mẹ làm việc nhà, kèm các em học. Các em của Ni đều rất ngoan và học giỏi.

Từ lớp 1 đến lớp 9, năm nào Ni cũng là học sinh giỏi toàn diện, nhưng văn học là môn em yêu thích nhất. Theo em, mỗi bài văn, mỗi câu chuyện được viết lại giúp em hiểu thêm một góc nhỏ về cuộc sống, về vốn từ và hơn hết là cho em những nhận thức đúng để nhận được sự hưởng ứng của ba mẹ và thầy cô giáo. Bốn năm ở trung học cơ sở, Ni đều tham gia và đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện môn văn.

Khi hỏi về cách để học giỏi văn, Ni trả lời: “Say mê đọc sách và ngẫm nghĩ. Trên lớp, em thích nhất là khi thầy cô đưa dẫn chứng thực tế vào bài giảng, điều này giúp chúng em hiểu vấn đề nhanh và nhớ rất lâu”. Tìm đọc các tác phẩm văn học để có thêm vốn từ giúp mỗi bài văn được mềm mại hơn. Đặc biệt, những đề thi học sinh giỏi qua các năm với Ni là những tài liệu quý, giúp em nắm vững kiến thức và học được cách trình bày bài tốt. Với phương pháp học này, suốt 4 năm trung học cơ sở em đã 5 lần đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện.

Thầy Dương Mỏng, giáo viên chủ nhiệm của Ni năm lớp 9, cho biết: “Học giỏi, nhưng Ni là học sinh khiêm tốn và hòa đồng; em rất nhiệt tình khi các bạn trong lớp cần giúp đỡ nên được thầy cô thương yêu, bạn bè xem như tấm gương quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để vững bước đến trường”.

Ngoài ra, Ni cũng rất năng nổ với các phong trào do nhà trường tổ chức, như “Uống nước nhớ nguồn”, “Rung chuông vàng”, “Hội thao nghi thức đội”, “Làm sạch, đẹp sân trường”… Với vai trò Liên Đội phó, phụ trách học tập của trường, em sẵn sàng giải thích cặn kẽ bài tập khi các bạn cần.

“Tôi tin rằng, em Ni sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa ở cấp học mới ”, thầy giáo Hoàng Văn Ứng, Hiệu trưởng Trường THCS Điền Hải nói.
 
Hoàng Hải tổng  hợp (Theo Đoàn Thanh niên)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×