Những bạn trẻ khiếm thị đầy nghị lực

Thứ hai, 07/10/2019

Với điểm tổng tích lũy 3.71/4.0, Nguyễn Thị Hồng (ngành công tác xã hội, khoa xã hội học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) xuất sắc đạt danh hiệu thủ khoa đầu ra, hoàn thành chương trình học sớm hơn thời hạn.

Nữ thủ khoa khiếm thị được ghi tên tại Văn Miếu


Với điểm tổng tích lũy 3.71/4.0, Nguyễn Thị Hồng (ngành công tác xã hội, khoa xã hội học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) xuất sắc đạt danh hiệu thủ khoa đầu ra, hoàn thành chương trình học sớm hơn thời hạn.
 

Nữ thủ khoa Nguyễn Thị Hồng, ngành công tác xã hội, khoa xã hội học, Trường ĐH KHXH & NV (ĐHQG Hà Nội) đạt tổng điểm tích lũy 3.71/4.0 chỉ sau 3,5 năm học - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Đồng thời, Hồng đã ghi tên mình vào sổ vàng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Cô gái khiếm thị có nụ cười rạng rỡ nhớ lại giai đoạn khó khăn - thời điểm đi nộp hồ sơ rất nhiều trường đại học và bị từ chối vì trường không đủ trang thiết bị cũng như kinh nghiệm giảng dạy cho người khiếm thị.

"May mắn tôi đã được Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội mở rộng cánh cửa chào đón" - Hồng kể.

Học không bao giờ là muộn

Hồng trở thành tân sinh viên với các sinh viên cùng lớp kém Hồng tận 9 tuổi. "Mình khá lớn tuổi, cách suy nghĩ khác xa với các bạn trẻ, rất khó để hòa nhập. Nhưng khi làm quen, hòa nhập được rồi, các bạn nhiệt tình giúp đỡ mình nhiều việc như tìm tài liệu chẳng hạn" - Hồng xúc động chia sẻ.

Đọc giáo trình là một trong những khó khăn lớn nhất với Hồng. Cách giải quyết của Hồng là ghi âm bài giảng của giảng viên, song song việc viết chữ nổi ghi lại những từ khóa quan trọng. Không dừng lại ở việc học trên lớp, Hồng đăng ký học tiếng Anh miễn phí do Tổ chức từ thiện của Úc vì trẻ em Việt Nam mở lớp cho các bạn khiếm thị ở Hà Nội. 

Sau một năm Hồng được nhận vào làm trợ giảng với nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu cho giáo viên nước ngoài cũng như chuẩn bị tài liệu chữ nổi cho học viên. Ở lớp có bạn nào không theo học được chương trình, Hồng còn dành thời gian kèm cho các bạn.

Hồng học "cuốn chiếu" và chỉ sau ba năm rưỡi đã ra trường trước thời hạn. Cô còn xuất sắc đạt danh hiệu thủ khoa đầu ra của khoa xã hội học, á khoa của toàn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn khóa 60.

"Học không bao giờ là muộn, nhất là với người khuyết tật như tôi" - Hồng bộc bạch.

Quan trọng là thái độ tiếp nhận

Tai nạn đến với Hồng khi bạn 14 tuổi khiến đôi mắt của Hồng không còn phân biệt được ngày với đêm. Đau đớn, thất vọng về cuộc sống, Hồng khép mình lại, không bước chân ra khỏi nhà. Sau vụ tai nạn, Hồng ngừng việc học.

Tình cờ trong một lần nghe đài, cô lắng nghe được câu chuyện của một người đàn ông bị liệt tay chân, ngồi xe lăn nhưng vẫn vui tươi ca hát, đi bán vé số. Người đàn ông này nói trên radio: "Nếu như tôi khóc mà có thể tốt hơn thì tôi sẽ khóc. Còn nếu tôi khóc mà không thể thay đổi được điều gì thì tại sao tôi không cười?". Chính câu nói đó cứu Hồng thoát ra khỏi bóng đêm cuộc đời.

Hồng vực dậy, may mắn có mẹ luôn cạnh bên giúp cô làm quen với cuộc sống. Mẹ dạy cô cách tự chăm sóc bản thân, dạy cô biết nấu nướng, giặt giũ. "Thời điểm đấy mình rất giận mẹ, cảm thấy bản thân không may mắn mà mẹ còn bắt mình làm, nấu ăn bị đứt tay, bị bỏng, cắm cơm bị điện giật - Hồng cười nhớ lại - Nhưng mẹ nói bố mẹ không thể sống mãi với con, con phải học cách tự chăm sóc bản thân mình".

"Trước đây mình từng trách số phận nhưng bây giờ thì không - cô gái khiếm thị Nguyễn Thị Hồng quả quyết - Đây là số phận của mình, mình phải học cách chấp nhận. Mình nghĩ điều gì đến sẽ phải đến, quan trọng là thái độ tiếp nhận. Không thay đổi được số phận, mình nghĩ cần phải vui bởi khi vui sẽ thoải mái tư tưởng, sức khỏe tốt, có đủ năng lực, đủ tự tin để làm những việc khác".

Nhiều người tốt trong cuộc đời

Ở tuổi 20, Hồng xin vào Trung tâm giáo dục thường xuyên học những ngày cuối tuần. Vừa học, cô vừa làm xoa bóp, bấm huyệt nhận 600.000 đồng/tháng.

Hoàn thành chương trình lớp 12, đến năm 28 tuổi Hồng đăng ký xét ưu tiên vào đại học. Nay thì cô gái khiếm thị tự đi học, đi làm bằng xe buýt.

Cô cho biết quá trình di chuyển luôn cần sự hỗ trợ của người xung quanh, có thể hỏi mọi người địa điểm mình xuống xe buýt, may mắn là trên đường luôn có người tốt sẵn sàng giúp đỡ Hồng.

Cô thủ khoa khiếm thị khiêm tốn nói kết quả xuất sắc sau ba năm rưỡi học là nhờ sự may mắn vì được thầy cô, bạn bè giúp đỡ. "May mắn vì mình được học trong môi trường nhân văn, học với các thầy cô, bạn bè hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện cho mình" - Hồng bày tỏ.
 
Lập trình viên khiếm thị người Việt ở Singapore

Nguyễn Hoàng Giang ở trạm xe buýt trên đường Tanjong Pagar chờ xe về nhà - Ảnh: LÊ NAM

Tôi nghĩ ai cũng có thế mạnh và năng lực riêng có thể cống hiến. Hãy tự đi tìm và gõ cửa cho mình, cửa này không mở thì tìm cửa khác
NGUYỄN HOÀNG GIANG

Nhấp ly cà phê nóng không đường, Giang thông báo với chúng tôi đã đặt vé máy bay để cuối tuần một mình sang Bangkok và Chiang Mai (Thái Lan) du lịch.

"Tôi chỉ đi một mình sang đó và nhập băng với các bạn. Hồi trước đi chơi lang thang trong nước, giờ khám phá thêm thế giới bên ngoài".

Với Giang, khiếm khuyết về thị lực không hề là cản trở của anh trong cuộc sống và công việc. Anh là một trong tám người được Grab chọn từ gần 400 ứng viên khác và là lập trình viên khiếm thị đầu tiên tính đến tháng 10-2017.

Một mình sang Singapore

Đến đầu tháng 8-2017, Giang đã vượt qua sáu tháng thử việc để trở thành nhân viên lập trình chính thức cho Grab Singapore, sau khi vài công ty khác từ chối đơn xin việc mà Giang đã nộp khi chỉ còn vài tháng mới tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Quốc tế TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Trong hồ sơ xin việc, Giang không muốn người tuyển dụng biết mình khiếm thị. Chỉ đến khi vượt qua vòng kiểm tra kiến thức trên mạng, bước vào vòng phỏng vấn trực tiếp, Giang mới xuất hiện và may mắn vượt qua rồi một mình thu xếp hành lý sang Singapore sinh sống và làm việc.

Ngoài việc lập trình thông thường với trải nghiệm bản thân, Giang cùng các đồng nghiệp nước ngoài phát triển thêm tính năng cho người khiếm thị để đặt xe mà không cần sự trợ giúp của người khác.

Dù tự thân vận động, làm việc, học hành, đi lại, thậm chí đi du lịch nhiều nơi ở VN nhưng môi trường sống mới ở Singapore cũng làm Giang có chút bỡ ngỡ: dùng toàn tiếng Anh, thứ ngôn ngữ mà Giang phần lớn tự học ở nhà và thời gian đi học ở trường.

Tự đi tìm thuê nhà, tự di chuyển và tranh thủ thời gian lang thang cùng bạn bè khám phá môi trường sống mới ở Singapore theo cách của mình, Giang thừa nhận nhiều lần đi lạc, vất vả tìm đường đi ở Singapore nhưng tất cả chưa từng được xem là trở ngại với Giang.

Dường như chàng thanh niên này đã luôn biết cách vượt qua nghịch cảnh đến với mình từ khi còn nhỏ, cuộc sống với Giang luôn tươi mới, "đầy màu sắc" và tự tin lạc quan, yêu đời.

Giang kể chúng tôi nghe các địa danh mà anh đã tự trải nghiệm: khu dự trữ MacRichee, núi Faber, đảo Sentosa... với nhiều cung bậc vui vẻ, hào hứng và đặc biệt hứng thú với thiên nhiên, chim chóc trong khu công viên thiên nhiên.

Trên đôi chân mình

Giang thực tập từ năm ĐH thứ ba và làm bán thời gian cho một công ty khởi nghiệp trước khi nộp đơn tìm việc và sang Singapore khi vừa nhận bằng tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành máy tính.

Suốt cuộc nói chuyện, chàng trai khiếm thị này chỉ muốn tìm cách được đối xử như người bình thường. "Nhiều người cứ nghĩ người khiếm thị thì chẳng làm được gì..." - có lúc Giang bỏ lửng câu nói.

Giang kể từng muốn thi TOEFL nhưng không được vì đề thi không có phần mềm đọc hỗ trợ cho người khiếm thị nên đã tìm mọi cách: điện thoại, email sang Mỹ nhờ hỗ trợ đặc biệt. Khi chúng tôi hỏi điều gì thôi thúc Giang nhiều như vậy, Giang trả lời ngoại ngữ và kiến thức sẽ giúp hội nhập nhiều hơn vào cuộc sống, giữ gắn kết với bạn bè và công việc. 

Giang đọc khá nhiều sách ngoại ngữ, sách nghiên cứu, kinh tế, công nghệ... "Nhờ vậy mà tôi nghĩ thế giới này còn nhiều thứ để khám phá và học hỏi" - Giang nói.

Giang giờ là kỹ sư phần mềm, lập trình viên khiếm thị duy nhất của Grab. "Tôi chỉ giúp cho người khiếm thị dễ tiếp cận hơn vì trước đó người khiếm thị vẫn dùng được, chỉ có điều hơi khó và chưa thân thiện lắm" - Giang khiêm tốn giải thích công việc mà Giang cho rằng rất bình thường này.
 
Hoa Mai tổng hợp (Theo Tuổi trẻ online)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×