Những tấm gương nghị lực vượt lên số phận

Thứ năm, 10/10/2019

Bị tai nạn điện giật phải cắt bỏ đôi tay, nhưng chàng thanh niên Lê Văn Tuấn đã vượt qua nghịch cảnh bằng chính nghị lực của mình.

Chàng trai vượt lên nghịch cảnh


Bị tai nạn điện giật phải cắt bỏ đôi tay, nhưng chàng thanh niên Lê Văn Tuấn đã vượt qua nghịch cảnh bằng chính nghị lực của mình.


Lê Văn Tuấn dùng đôi tay đã bị cắt cụt để sửa chữa, cài đặt điện thoại. Ảnh K.Hoan

Năm 2015, Lê Văn Tuấn (28 tuổi, ở xã Tào Sơn, H.Anh Sơn, Nghệ An) học nghề ở TP.Vinh sau khi vừa hoàn thành 2 năm nghĩa vụ quân sự và tai ương đã ập đến khi đang sửa điện.
 
Anh bị điện giật. “Khi tỉnh lại thì thấy mình đã không còn đôi tay, hai chân cũng có nguy cơ phải cắt bỏ, tôi suy sụp và thấy cuộc đời mình trở nên tối đen. Tôi nghĩ đến cái chết và nói với bố mẹ cho tôi được làm thủ tục hiến tạng”, Tuấn kể. Bố mẹ Tuấn dĩ nhiên không đồng ý để con trai đầu hàng và an ủi sẽ tìm cách để chữa trị cho Tuấn.

Sau 2 tháng điều trị ở Viện Bỏng quốc gia, Tuấn trở về với đôi tay bị cắt cụt gần đến khuỷu. Việc điều trị cho Tuấn cũng tiêu tốn gần 400 triệu đồng đã khiến gia đình Tuấn trở nên khó khăn. Không còn tay, không thể tự phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của mình mà phải nhờ người khác.

Vài tháng sau khi trở về từ bệnh viện, Tuấn chọn công nghệ thông tin và bắt đầu lập nghiệp từ đôi tay bị cụt, dù không có đồng nào. Tuấn nhờ bố mẹ vay tiền rồi xuống TP.Vinh theo học sửa chữa, cài đặt máy tính, điện thoại. Người dạy thấy đôi tay cụt của Tuấn ban đầu cũng ái ngại nhưng vẫn nhận lời. 4 tháng sau, Tuấn trở về nhà thuê ki ốt ở trước chợ trung tâm của xã để mở tiệm sửa chữa điện thoại, bán sim điện thoại, chuyển tiền...

Tiệm internet, bán và sửa chữa điện thoại... của Tuấn ra đời trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Đôi tay không còn bàn tay của Tuấn đã khiến mọi người sững sờ vì có thể cài phần mềm, sửa được phần cứng. Với 2 cái cùi tay, Tuấn chụm lại để “cầm” tuốc nơ vít và mở các ốc vít bé xíu trong điện thoại một cách khá dễ dàng. Để làm được những việc tỉ mỉ này, Tuấn đã phải khổ luyện đến tứa máu.

Sau 3 năm gầy dựng, cửa hàng của Tuấn đã trở thành địa điểm quen thuộc của người dân ở xã Tào Sơn khi cần sửa điện thoại, máy tính hay chuyển tiền. Mấy năm qua, Tuấn cũng là tấm gương tiêu biểu tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện tại địa phương. “Trong lúc khó khăn, các anh chị ở Chi hội LHTN thường đến thăm, động viên ủng hộ tôi cả vật chất lẫn tinh thần, vận động tôi tham gia các hoạt động phong trào để bản thân có thêm nghị lực vượt qua khó khăn. Các hoạt động đó đã giúp tôi vượt lên được chính mình và tạo được niềm tin vào cuộc sống”, Tuấn nói.
 

Tấm gương vượt lên số phận của người công nhận điện lực khuyết tật

 

Anh Vũ Thanh Hồng công nhân Xí nghiệp dịch vụ Điện lực Nghệ An thuộc Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc tấm gương vượt lên số phận

Khi lên 5 tuổi Hồng bị sốt cao dẫn đến biến chứng khiến anh bị bại liệt toàn thân và 3 chi, anh chỉ có thể cử động được một cánh tay. Là người ham học và không đầu hàng số phận, đến tuổi đi học Hồng được các bạn bè thay nhau cõng đến trường bằng tất cả sự cảm phục và tình yêu thương của các bạn cùng trang lứa. Với sự thông minh và chăm học, kết quả học tập của Hồng luôn đạt thành tích cao. Năm 2003 Hồng đã đạt được Giải trong cuộc thi Tin học trẻ không chuyên của tỉnh Nghệ An.

Anh Hồng tâm sự: “Sinh ra từ một gia đình giàu truyền thống của ngành điện, từ nhỏ Hồng đã có nhiều ấn tượng tốt đẹp về ngành. Nhưng biết ngành điện là một ngành đặc thù, công việc nặng nhọc, nguy hiểm nên Hồng không dám ước mơ sẽ nối nghiệp của cha”.


Anh Hồng luôn tích cực có những ý kiến đổi mới khi trao đổi trong công việc với đồng nghiệp  

Với những điểm mạnh về máy tính và các môn tự nhiên, sau khi tốt nghiệp cấp 3 Hồng đã thi và theo học trường Trung cấp nghề của tỉnh Nghệ An với chuyên ngành về công nghệ thông tin.

Thế nhưng, món quà lớn đến với Hồng ngay sau khi tốt nghiệp, Hồng được nhận vào làm việc tại Công ty Điện lực Nghệ An. “Nếu không có sự quan tâm đặc biệt của Ngành điện đối với những hoàn cảnh éo le, đặc biệt là con em CBCNV, thì chắc hẳn những người khuyết tật như tôi không bao giờ được có cơ hội cống hiến cho sự nghiệp của Ngành điện và tự nuôi sống bản thân”.



Anh Vũ Thanh Hồng và vợ - chị Bạch Thị Hương - người phụ nữ vượt qua tất cả đến với anh Hồng bằng tình yêu chân thànhAnh Vũ Thanh Hồng và vợ - chị Bạch Thị Hương - người phụ nữ vượt qua tất cả đến với anh Hồng bằng tình yêu chân thànhĐể tạo điều kiện tốt nhất về điều kiện làm việc cho người công nhân khuyết tật, Lãnh đạo Công ty đã sắp xếp phòng làm việc của Hồng tại tầng 1 tòa nhà. Với công việc là lập dự toán, Hồng luôn hoàn thành tốt mọi công việc được giao, vượt thời gian so với nhiều đồng nghiệp khác.

Anh Hồng chia sẻ: “Hạnh phúc hơn, Hồng cũng có một gia đình đầm ấm đầy tình yêu với mẹ già, hai đứa con ngoan và người vợ hiền thục – chị Bạch Thị Hương. Tình yêu của chị Hương chính là liều thuốc đặc biệt đã giúp Hồng càng nỗ lực hơn để vượt qua chính mình”.
 

Anh Hồng luôn dành được sự quan tâm và hỗ trợ từ đồng nghiệp 

Ông Nguyễn Hồng Tuấn - Chủ tịch Công đoàn của Xí nghiệp dịch vụ Điện lực Nghệ An, Công ty dịch vụ Điện lực miền Bắc cho biết: “Mặc dù hoàn cảnh rất khó khăn, song với chuyên môn tốt, Hồng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đơn vị cũng luôn tạo điều kiện tốt nhất để Hồng được làm việc một cách thuận lợi nhất mà không để người đồng nghiệp cảm thấy mặc cảm hoặc tự ti.

Phó Giám đốc  Xí nghiệp dịch vụ Điện lực Nghệ An Đặng Phước Long cho rằng: “Mỗi một cán bộ ngành Điện sẽ tự hào hơn và yêu hơn công việc của mình khi được chứng kiến sự quan tâm của Lãnh đạo và các tổ chức đoàn thể đối với anh Hồng, đó chính là những việc làm thiết thực góp phần giúp những người khuyết tật hòa nhập cuộc sống, bớt đi những khó khăn trong cuộc sống đời”.
 
Thanh Mai tổng hợp (Theo Thanh niên, Lao động)
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×