Sống đẹp, đem lại giá trị cho cuộc sống

Thứ tư, 16/01/2019

Đó là những hành động thiết thực, ý nghĩa, góp ích cho cuộc sống

1. Đội thợ xây... 0 đồng


Bốn năm sửa chữa, xây mới hơn 40 căn nhà cho hộ nghèo, hộ neo đơn, gia đình liệt sĩ, đội thợ nề tại xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình không hề nhận đồng tiền công nào.



"Tụi mình đều khó khăn nhưng có sức trẻ, sức khỏe nên có thể giúp được những người khó khăn hơn. Đây cũng là việc thực tế nhất mà những người trẻ có thể làm để san sẻ với người khác", anh Trần Thanh Phúc nói.
"Đội thợ thanh niên" là cái tên chính thức của nhóm. Nhưng chính vì luôn giúp không công nên dân trong xã lại quen gọi đó là "đội thợ 0 đồng".

Sửa nhà giúp hộ nghèo

Gia đình bà Đặng Thị Châu, ở thôn Đức Môn, xã Đức Ninh thuộc diện hộ nghèo. Bà Châu đã ngoài 60 tuổi, chồng bỏ đi nên một mình bà phải gồng gánh nuôi bốn người con ăn học. Ngôi nhà tạm bợ vắng bóng đàn ông lâu ngày trở nên xập xệ trước những đợt mưa gió liên tiếp.

Cuối năm 2018, Hội chữ thập đỏ tỉnh quyết định hỗ trợ gia đình bà số tiền 75 triệu đồng để sửa lại ngôi nhà cho vững chãi. Có chừng đó tiền, bà loay hoay tính toán đủ hết các phương án để cân đối chi phí. Ngoài vật liệu, chỉ riêng chi phí công thuê thợ làm cũng đã ngốn một con số kha khá. Đang chưa biết làm cách nào thì anh Trần Mạnh Hoàng, bí thư Xã đoàn Đức Ninh, xuất hiện.

Một quyết định nhanh chóng được đưa ra. Xã đoàn sẽ huy động thanh niên đến sửa nhà giúp. Vài hôm sau, 20 thanh niên áo xanh của Đoàn đã có mặt tại nhà bà. Sau khi tính toán, nhóm thanh niên tập trung tháo dỡ toàn bộ phần mái và phần khung cũ đã quá xuống cấp của ngôi nhà để thay mới. 

Mất gần hai ngày để hoàn thành công việc này. Những ngày sau đó, nhóm cắt cử mỗi ngày hai người rành nghề xây dựng sửa chữa nhà. Hơn tuần sau thì ngôi nhà hoàn thành. 

Bà Châu níu tay anh Hoàng lí nhí hỏi chuyện tiền công. Anh Hoàng lắc đầu: "Chúng cháu giúp miễn phí". Bà Châu chỉ biết nắm chặt bàn tay người cán bộ Đoàn rưng rưng không nói nên lời.

Anh Hoàng nói đây không phải là ngôi nhà đầu tiên nhóm thợ thanh niên này nhận sửa giúp. Trước nhà bà Châu, đã có hơn 40 ngôi nhà khác của các hộ nghèo, hộ neo đơn, gia đình liệt sĩ trên địa bàn xã được nhóm đến sửa.
"Khi lập ra nhóm này, chúng tôi xác định là để hỗ trợ những gia đình nghèo khó. Những gia đình này thường không thể tích cóp đủ tiền sửa nhà mà chỉ trông chờ các khoản hỗ trợ của các tổ chức xã hội. Những khoản hỗ trợ này thường chỉ ở mức tương đối. Nếu phải thuê thợ thầy nữa thì gần như không thể đủ tiền chi trả những khoản chi phí khác", anh Hoàng nói.

Nhận lại nụ cười

Không chỉ giúp sửa nhà, đội thợ đặc biệt này đã không ít lần nhận xây mới hoàn toàn cho một số hộ có hoàn cảnh đặc biệt. Anh Hoàng vẫn nhớ rất rõ hoàn cảnh của ba hộ gia đình đã được đội xây nhà mới bốn năm qua. 

Dù sửa hay xây mới, đội thợ đều nhận làm miễn phí. Thậm chí thành viên trong đội còn đi kêu gọi đóng góp thêm từ các tổ chức xã hội để ngôi nhà được xây kiên cố hơn.

Bà Đặng Thị Ba, trú thôn Đức Môn, xã Đức Ninh, vốn ở chung với gia đình một người chị gái. Sau một biến cố ở gia đình người chị, bà buộc phải ra ở riêng. Bà được người chị cho một mảnh đất nhỏ trong vườn cùng khoản tiền 55 triệu đồng hỗ trợ từ Thành ủy Đồng Hới. Đang loay hoay không biết làm sao để dựng được một ngôi nhà từ chừng đó tiền thì bà Ba được đội thợ thanh niên của xã gật đầu xây nhà giúp không công. Tròn một tháng quần quật thì xong.

Bà không có chồng con, nên coi luôn những người thợ áo xanh như con mình. Anh Hoàng kể, thi thoảng anh em trong đội ghé qua thăm bà và kiểm tra xem ngôi nhà có vấn đề gì không để sửa giúp. Mỗi lần thấy anh em trong đội qua, bà Ba cười đến híp mắt.

"Anh em đã tham gia đội thì không tính toán nhiều. Nụ cười của người nghèo chính là điều anh em trong đội thấy việc mình làm có ý nghĩa nhất và là động lực để tiếp tục duy trì hoạt động của đội" - anh Hoàng nói.
Dành vài ngày trong tháng đi làm miễn phí

Thành viên của đội từ khi thành lập đến nay luôn giữ mức ổn định là 30 người, trong đó có 15 người chủ chốt. Họ đều là những thanh niên làm nghề thợ nề, thợ sơn ở địa phương.

Anh Trần Thanh Phúc, đội trưởng của đội thợ này, góp mặt từ những ngày đầu. Anh làm thợ nề nhiều năm. Cuộc sống cũng khá vất vả. Nhiều lúc cũng chật vật chạy ngược chạy xuôi theo các công trình mới đủ lo cơm áo. Nhưng khi nghe xã đoàn thông báo về việc tìm thành viên có tay nghề tham gia nhóm thợ đặc biệt này, anh đăng ký ngay. Bình thường mỗi tháng mỗi người trong đội luôn xác định sẵn sẽ dành ra vài ngày để đi sửa nhà miễn phí.
 

2. Chuyện của những người trẻ đi gom rác


"Nhiều người đặt câu hỏi tại sao lại làm những điều dường như vô ích, vì cứ mỗi lần dọn xong là rác lại xuất hiện. Nhiều khi mới dọn xong thì 5 - 10 phút sau quay lại rác còn tệ hơn lúc chưa dọn. Nhiều người đã nghĩ tụi mình điên, dở hơi…"



Đó là một trong những tâm sự của người trẻ chuyên đi gom rác kể trong chương trình “Gom chuyện rác” do Tổ chức Let’s Do It TP.HCM vừa tổ chức.

Mặc kệ người ta nghĩ mình dở hơi

Lê Thị Diễm Ái (thành viên của Let’s Do It) là người thường xuyên tổ chức những chiến dịch nhặt rác để nhiều bạn trẻ TP.HCM tham gia, cô cho biết: “Tụi mình thực hiện những chiến dịch gom rác để cùng kết nối mọi người tham gia chứ không phải là sẽ dọn sạch hết rác”.

Diễm Ái lý giải, nhiều bạn trẻ có tình yêu rất lớn với môi trường nhưng lại không thể hành động một mình, vì thế những chiến dịch gom rác sẽ kết nối họ với nhau. Không những thế, việc nhặt rác sẽ giúp các bạn trải nghiệm nhiều câu chuyện về rác. Như nhiều bạn khi nhặt rác sẽ không ngờ lại có nhiều rác đến vậy. Từ việc ngạc nhiên, không thể tin được vào những gì mình đang trải nghiệm, mỗi bạn sẽ tự ý thức và đi đến hành động cho chính bản thân, gia đình mình.

Nguyễn Thị Thanh Chi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đã dành thời gian rảnh vào cuối tuần, thay vì ngủ đến trưa sẽ thức dậy thật sớm để đi nhặt rác. “Khi đi nhặt rác, có những hành động của một số người khiến tụi mình rất buồn, như có người ném rác ngay chỗ mình đang dọn, có người còn nói tụi mình rảnh... Nhưng tụi mình vẫn làm vì đây là điều ý nghĩa nhất mà tụi mình cống hiến”, Chi kể.


 
Thành lập câu lạc bộ hoạt động vì môi trường từ khi học lớp 8, Chế Thị Hoài Thương, sinh viên Khoa Y ĐH Quốc gia TP.HCM, đã có nhiều năm thực hiện các chương trình nhặt rác. Không những thế, cuối tuần các thành viên còn đi nhặt ve chai để bán gây quỹ làm từ thiện. Đặc biệt, trong các chiến dịch đó họ đều đi bằng xe đạp để bảo vệ môi trường.

Trở về trong kỳ nghỉ lễ, Bùi Ngọc Thảo Nguyên, sinh viên Trường ĐH University of California Berkeley (Mỹ), kể câu chuyện bảo vệ môi trường ở nơi Nguyên đang theo học. Bên Mỹ, Nguyên tham gia đội môi trường của ký túc xá và nhà ăn. Nhóm của Nguyên hướng dẫn cho các đầu bếp và người làm bếp biết cách phân loại rác và xử lý để rác hữu cơ thành phân bón.

“Chúng mình tạo một cuộc tranh đua giữa các nhà ăn để xem ai phân loại rác tốt nhất. Mình còn làm báo cáo cho cả 5 ký túc xá của trường rồi gửi lên cấp trên để đánh giá hệ thống thùng rác hữu cơ. Từ báo cáo này, tụi mình nộp cho các nhà tài trợ để có tiền phát triển hệ thống thùng rác hữu cơ”, Nguyên chia sẻ.

Để cuộc sống bớt rác

Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM - blogger của fanpage Viết cho đỡ chán được giới trẻ rất yêu thích, đặt câu hỏi: “Nhặt rác là khi đã xả rác rồi, xử lý rác là khi đã tạo ra rác. Vậy nếu mình không tạo ra rác thì sẽ như thế nào?”.

Let's Do It là một tổ chức phi lợi nhuận của những bạn trẻ yêu môi trường, thành lập từ năm 2015 để thực hiện các hoạt động dọn rác và phân loại rác. Năm qua tại TP.HCM, nhóm đã tổ chức được 9 chiến dịch lớn để nhặt rác ở TP.HCM và các tỉnh thành lân cận.

“Đối với mình, bằng cách nào đó chúng ta đang tạo ra rác. Vì bạn thấy cái túi vải này, ống hút bằng tre này… nó thân thiện với môi trường quá và bạn mua. Nhưng đâu phải như thế là không tạo ra rác, từ quá trình sản xuất của doanh nghiệp sáng chế ra sản phẩm này là đã tạo ra rác rồi. Vì thế, khi bạn mua một sản phẩm nào đó thì cũng góp phần tạo ra rác”. Vậy làm thế nào để ta bớt đi lượng rác, bớt việc tạo ra rác? Theo Hương, đó là bớt sử dụng những thứ không thật sự cần thiết.

Đồng quan điểm này, bạn Thái Mẫu chia sẻ: “Lúc đầu, khi đến với việc sống xanh mình thấy rất “ngầu” vì hôm nay vào quán uống trà sữa, mình cắm một ống hút bằng tre vào ly trà sữa. Nhưng càng về sau, mình nhận ra để làm được cái ống hút đó cũng phải tạo ra rất nhiều rác. Từ đó mình nghĩ những gì không cần thiết thì không xài, dù là vật liệu thay thế và thân thiện hơn với môi trường. Vì không có ống hút mình vẫn có thể uống. Trừ khi nếu không dùng cái này, mình phải dùng đến nhựa hay ni lông thì lúc đó mới nên dùng”.
 
Minh Trang tổng hợp (Theo doanthanhnien)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×