Tài năng trẻ
Câu chuyện khởi nghiệp – chia sẻ của những Starup 9X
Thứ ba, 29/01/2019

Không ngừng vươn lên, vượt qua những khó khăn, thử thách, biết nắm bắt cơ hội để lập nghiệp thành công. Đằng sau những thành công đó là cả một quá trình phấn đấu, tích lũy tri thức, kinh nghiệm, kể cả phải trải qua thất bại,…. Những câu chuyện về hành trình khởi nghiệp của họ đã nói lên những điều đó.
Không ngừng vươn lên, vượt qua những khó khăn, thử thách, biết nắm bắt cơ hội để lập nghiệp thành công. Đằng sau những thành công đó là cả một quá trình phấn đấu, tích lũy tri thức, kinh nghiệm, kể cả phải trải qua thất bại,…. Những câu chuyện về hành trình khởi nghiệp của họ đã nói lên những điều đó.
1. 9X chọn nghề nuôi thỏ để khởi nghiệp
Mê chăn nuôi từ nhỏ, chàng trai 9X ở Quảng Nam học ngành điện tử đã bỏ phố về quê, rẽ ngang lập nghiệp với mô hình chăn nuôi khép kín.
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp ngành điện tử Trường CĐ Đức Trí, Nguyễn Văn Thành (29 tuổi, ở thôn 7B, xã Tiên Cảnh, H.Tiên Phước, Quảng Nam) được nhận vào làm tại một công ty ở TP.HCM đúng với chuyên ngành gần 3 năm. Nhưng rồi, từ năm 2016, anh đã về quê và chọn nghề nuôi thỏ để khởi nghiệp.

Anh Thành chăm sóc thỏ trong trang trại; Ảnh Mạnh Cường
Ban đầu, Thành vay mượn gần 250 triệu đồng đầu tư chuồng trại trên khu đất hơn 200 m2, mua 50 con thỏ nái giống về nuôi thử nghiệm. Anh đã tìm đến các trại chăn nuôi lớn ở miền Trung để học hỏi kinh nghiệm thực tế và kết nối với các nhà hàng, thương lái để không bị động đầu ra. Cứ thế, sau hơn 2 năm, trang trại của anh đã có 100 con thỏ giống và hơn 600 con thỏ thịt. Mỗi năm, anh cung ứng ra thị trường khoảng 5 tấn thịt thỏ, giá 80.000 đồng/kg.
Công việc phát triển tốt, quy mô hiện tại 700 con thỏ/lứa nhưng trong quá trình nuôi Thành nhận thấy phân thỏ thải ra mỗi ngày khá nhiều, ảnh hưởng đến môi trường nên anh nảy ra ý định “tận dụng” luôn nguồn chất thải này để... nuôi trùn lai, tạo thức ăn cho gia cầm. Nguồn thức ăn từ trùn lai, anh “cung ứng” cho 2.000 con cút nuôi trong trại và 100 con gà ta thả vườn vừa đầu tư mới. Tính ra, anh tự tiết kiệm khoảng từ 30 - 50% thức ăn cho gia súc mà lại đảm bảo an toàn, giúp gà và cút có sức đề kháng tốt, đảm bảo sản phẩm sạch. “Cái khó của mô hình khép kín này là mình cần xử lý môi trường ổn định để hạn chế mầm bệnh gây hại cho thỏ”, Thành tâm sự
Ngoài ra, mỗi tháng Thành còn cung ứng ra thị trường 30 - 50 kg trùn tinh với giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Cũng nhờ vậy, mô hình chăn nuôi khép kín của Thành đã thu về tổng cộng hơn 200 triệu đồng/năm.
2. Cô giáo 9X chọn hoa làm trà để khởi nghiệp
Tận dụng nguồn hoa ở Sa Đéc, cô giáo trẻ đã tạo ra một bộ sưu tập trà hoa độc đáo, được nhiều người đón nhận và đánh giá cao.

Cô giáo Lương Thị Diễm Trinh tận dụng vườn nhà trồng hoa để làm nguồn nguyên liệu chế biến trà
Là giáo viên nhưng với niềm đam mê sưu tầm và chế biến các sản phẩm từ hoa, cô giáo Lương Thị Diễm Trinh (26 tuổi, ngụ ấp Tân Thành, xã Tân Quy Tây, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã chọn hoa để khởi nghiệp.
Năm 2014, Diễm Trinh tốt nghiệp cao đẳng ngành sư phạm sinh - hóa, sau đó được nhận vào công tác tại Trường THCS Trần Thị Nhượng (TP Sa Đéc), phụ trách giảng dạy môn sinh học và là tổng phụ trách đội. Ngoài công tác chuyên môn được phân công, vận dụng kiến thức đã học và tìm hiểu từ nhiều nơi, Diễm Trinh bắt đầu theo đuổi đam mê sưu tầm và chế biến ra các sản phẩm trà hoa. Ban đầu, chỉ là trà hoa hồng, hoa đậu biếc rồi đến trà hoa nguyệt quế, đinh lăng, trà vỏ bưởi… Diễm Trinh cho biết lúc đầu chỉ chế biến dùng trong gia đình, sau đó biếu bạn bè dùng thử và được nhiều người khen ngợi, từ động lực đó, cô quyết định làm ra số lượng lớn để cung cấp cho người tiêu dùng.
Đến nay, Diễm Trinh đã tự tạo ra bộ sưu tập trà hoa cho riêng mình và cung ứng số lượng lớn cho thị trường. Nói về niềm đam mê của mình, Diễm Trinh, chia sẻ: "Trước đây tôi rất thích ngành dược, được sinh ra ở làng hoa nữa nên thường sưu tầm và tìm hiểu về các công dụng của hoa qua một số bác sĩ đông y và tìm trong sách y dược tôi phát hiện ra hoa không chỉ làm đẹp mà còn có thể dùng trong thực phẩm, tốt cho sức khỏe nữa nên quyết định tạo ra các sản phẩm trà hoa".
Điều đáng quý ở cô giáo trẻ này là tinh thần học hỏi và say mê tìm tòi, những sản phẩm trà hoa phần lớn nguồn nguyên liệu để sản xuất trà đều do tự tay cô trồng. Tận dụng diện tích hơn 1.000 m2 đất vườn nhà, cô Diễm Trinh trồng hoa đậu biếc, đinh lăng, nguyệt quế,… tất cả đều được trồng theo phương pháp sinh học, không sử dụng phân bón hóa học để có nguồn nguyên liệu sạch.
Hiện, ngoài cung ứng cho khách hàng trong và ngoài TP Sa Đéc và bán hàng qua mạng đi khắp cả nước, thông qua những sản phẩm như thế đã phần nào giúp nhiều người hiểu thêm công dụng mà hoa mang lại. "Ban đầu làm cũng gặp không ít khó khăn nhưng qua những lần đó tôi tự rút ra bài học để làm tốt hơn. Giờ tôi đã tạo ra những sản phẩm như ý muốn. Tôi muốn truyền cảm hứng cho các em không chỉ là những kiến thức trong sách vở mà cả những kiến thức trong thực tế, đặc biệt là học sinh ở đây đều ở khu vực làng hoa. Lúc đầu các em nghĩ hoa chỉ trồng để bán thôi, các em chưa hiểu hết lợi ích mà hoa mang lại. Qua những giờ dạy sinh học trên lớp tôi cũng muốn các em hiểu hơn về hoa, một đặc sản của địa phương để sau này khi lớn lên các em có thể làm thêm điều gì đó cho làng hoa của mình" - Diễm Trinh chia sẻ.

Thông qua những gói trà, cô giáo Diễm Trinh đã góp phần giới thiệu hoa Sa Đéc đến với bạn bè gần xa
Làng hoa Sa Đéc có tuổi đời hơn trăm năm với hơn 2.500 hộ sản xuất hoa kiểng, nơi đây có hơn 2.000 loài hoa nhưng việc tạo ra các sản phẩm từ hoa vẫn chưa được khai thác. Do đó, việc tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ hoa để sản xuất ra trà đã góp phần làm tăng thêm giá trị cho hoa Sa Đéc, quảng bá thương hiệu hoa Sa Đéc đến gần hơn với mọi người vì thế dự án sản xuất trà hoa của Diễm Trinh đang được địa phương đánh giá cao.
Theo bà Lê Thị Ánh Quyên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP Sa Đéc, dự án trà hoa của cô Trinh đã được đưa vào dự án khởi nghiệp năm 2019 của Hội LHPN thành phố để có những chính sách hỗ trợ trong thời gian tới. "Chúng tôi đánh giá đây là mô hình rất hiệu quả, hướng tới hội LHPN thành phố phối hợp với Hội LHPN xã Tân Quy Tây sẽ hỗ trợ cho mô hình này đăng ký về an toàn thực phẩm, nhãn hiệu, thương hiệu, giấy phép kinh doanh cũng như sẽ hỗ trợ cô Trinh tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức về kinh doanh, về khởi nghiệp cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã sản phẩm để tìm hướng phát triển rộng hơn. Ngoài ra, hội LHPN TP cũng như Hội LHPN xã Tân Quy Tây sẽ hỗ trợ tìm hiểu và mở rộng thị trường cho sản phẩm trà từ các loài hoa" - bà Quyên nói.
Ông Nguyễn Thanh Sương, Phó Hiệu trưởng trường THCS Trần Thị Nhượng, nhận xét: "Tuy cô Trinh tuổi đời còn rất trẻ nhưng rất giỏi giang, ngoài phụ giúp kinh tế gia đình, khởi nghiệp với trà hoa, trong công việc chuyên môn ở trường cô luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đối với học sinh của trường thì nhìn chung các em rất quý mến cô".
Với niềm đam mê và tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, Diễm Trinh cho biết chưa thỏa mãn với những gì mình đang có mà đang tiếp tục tìm tòi, học hỏi để chế tạo ra thêm nhiều sản phẩm từ hoa để góp phần mang hoa Sa Đéc đến gần hơn với mọi người, để hoa trở thành món quà ý nghĩa dành cho mọi người, bởi với cô được sống và làm việc với niềm đam mê của chính mình.
3. Kinh doanh xà phòng làm từ sữa bò tươi: Khởi nghiệp không dễ dàng
Nhóm bạn ở Việt Nam và Singapore thực hiện dự án làm xà phòng từ sữa bò tươi bằng phương pháp thủ công, nguyên liệu chọn lọc.
Là sinh viên năng động, mỗi ngày của Võ Thị Tình thường kín lịch với những buổi học trên lớp, họp nhóm, tham gia các dự án xã hội. Nhưng các buổi tối trong tuần cô đều dành thời gian cho những bánh xà phòng thủ công. Lúc thì tra cứu lại công thức, khi thì tìm hiểu thông tin trên mạng rồi "luyện" video hướng dẫn, có ngày ngồi thực hiện mấy tiếng đồng hồ để cho ra lò những bánh xà phòng "nóng hổi".

Thành phẩm xà phòng thủ công do nhóm sinh viên tự thực hiện.
Đã gần tròn một năm ngày cô sinh viên Đại học Kinh Tế TP HCM tham gia dự án này - khởi nguồn từ bài tập kết hợp với một trường ở Singapore. Nhưng bây giờ, Tình không xem đó chỉ là một trải nghiệm kinh doanh tùy hứng mà muốn theo đuổi lâu dài.
Trở về với phương pháp tắm cổ xưa
Cuộc sống hiện đại, các phòng nghiên cứu khắp nơi trên thế giới liên tục giới thiệu những sản phẩm phục vụ cho đời sống của công dân thế hệ mới. Nhưng Tình và các bạn của mình lại muốn đưa mọi người quay trở về cách tắm nguyên sơ bằng bánh xà phòng. Nguyên liệu được làm từ sữa bò tươi, qua các công đoạn thủ công, sản phẩm không có chất hóa học, an toàn, nhẹ nhàng và mềm mịn cho da.
Cách đây vài năm, bắt nguồn từ chương trình liên kết giữa các trường đại học, một nhóm sinh viên từ Singapore đã đến Củ Chi. Nhiệm vụ của họ là phải tìm hiểu thực tế, dựa trên những nguồn lực mình đang có mà tìm ra ý tưởng, giải pháp phù hợp và thiết thực giúp ích cho cộng đồng tại đây. Họ nhận thấy ở vùng đất ngoại thành TP HCM nguồn sữa bò rất dồi dào nhưng còn hạn chế trong khâu phân phối, giá cả bán từ đầu nguồn rất rẻ. Vài sinh viên quyết định thực hiện dự án làm xà phòng thủ công từ nguồn nguyên liệu này. Trải qua một số lần thay đổi nhân sự, đến nay dự án còn lại bốn thành viên tại Singapore, hai thành viên tại Việt Nam là Tình và bạn cùng trường Trần Vân Nhi.
"Ban đầu, nhiều lúc cũng lo không biết dự án có thành công hay không nhưng cứ nghĩ là đi theo sẽ học được các kỹ năng vận hành", nữ sinh chuyên ngành Kinh doanh quốc tế chia sẻ.
Nhưng càng làm nhiều, đi sâu, Tình càng thấy mình thuộc về dự án này bởi không chỉ đơn thuần là kinh doanh sản phẩm tốt cho sức khỏe mà cô và cộng sự còn có thể giúp đỡ cho các hộ kinh doanh sữa bò tại Củ Chi.
Phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế của Đại học Kinh tế cũng chủ động đề xuất giải pháp và đề cử chuyên viên Trần Cẩm Bình phụ trách về mảng dự án hợp tác quốc tế. Biết các bạn sinh viên còn thiếu nhiều kinh nghiệm, Bình thường tận dụng quỹ thời gian rảnh của mình để sát cánh với Tình và Nhi.
"Xà phòng handmade là sản phẩm không nhiều người dám làm và các bạn sinh viên tham gia dự án phải thật sự rất kiên trì và chịu khó", Bình nhận định và cho biết đó là lý do thúc đẩy cô hỗ trợ cho các bạn trẻ nhiều đam mê, nhiệt huyết.
Công thức làm xà phòng được chuyển giao sau quá trình nguyên cứu từ các sinh viên ở Singapore. Ngoài ra, Tình còn tìm hiểu thêm thông tin từ Internet. Cách làm thủ công tiêu tốn gần một giờ đồng hồ để hoàn thành một bánh xà phòng lớn mà từ đó có thể cắt ra thành 10 bánh nhỏ để cung ứng cho thị trường. Quá trình khuấy khó nhất vì đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ và chịu khó khi thực hiện liên tục và đều tay, đồng thời trộn hỗn hợp các loại dầu thiên nhiên như dầu dừa, cọ hoặc hạt cải từ các nhà cung cấp uy tín ở Việt Nam và Malaysia. Tình và các bạn của mình trực tiếp dùng trà xanh, bột đất sét, than tre, cám gạo... để tạo ra màu tự nhiên dù thừa nhận sắc diện không tươi tắn bằng phẩm màu hóa học.
"Giai đoạn đầu chỉ lấy công làm lời, giữ mức độ kinh doanh không quá lớn vì muốn tập trung trước nhất vào chất lượng", nữ sinh cho biết.
Hiện các sản phẩm của Fairé bán chủ yếu tại Singapore, do Tình và cộng sự trực tiếp thực hiện, thông qua đối tác là nơi bán hàng, khách sạn và trực tiếp tại các sự kiện cũng như qua website. Tại Việt Nam, lượng tiêu thụ mới ở mức sơ khai với những người thân, bạn bè và một số đối tác biết đến thương hiệu.
Khởi nghiệp không dễ dàng
Giá mỗi sản phẩm của Fairé hiện ở mức 12 SGD, đây là một trong những thách thức lớn của dự án, đặc biệt với các bạn sinh viên vốn chưa nhiều kinh nghiệm. Tình và Nhi đều đại diện cho thế hệ trẻ năng động khi thường xuyên trúng tuyển các chương trình giao lưu quốc tế và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên, việc kinh doanh thực tế thì lại là một chuyện khác. Lần đầu khởi nghiệp, cả hai đều bỡ ngỡ và vỡ ra nhiều bài học.

Từ trái qua: Tình và Nhi - hai thành viên của dự án tại Việt Nam.
Với Tình, thời gian đầu cô gặp nhiều rào cản trong văn hóa giữa hai nước. Không bị động về mặt ngôn ngữ nhưng sự khác nhau trong suy nghĩ và cách làm việc khiến những cuộc tranh luận thường xuyên diễn ra. "Tuy nhiên, theo thời gian chúng tôi dần hiểu và có những cách giải quyết đúng hơn", cô nói.
Trong thời gian này, cô gái trẻ cũng dần nhận thấy các bài học trên lớp phát huy tác dụng một cách tự nhiên mà không phải gò ép theo kiểu học thuộc lòng. Hai mảnh ghép trong cuộc đời của cô sinh viên phối trộn với nhau khiến Tình ngày càng say mê và không muốn phải đánh đổi một trong hai mà phải hoàn thành thật tốt mọi thứ.
Còn Nhi sau hơn một tháng gia nhập đội ngũ Fairé bắt đầu chuyển từ trạng thái ban đầu là lo lắng cho Tình trong vai trò một người bạn thành lạc quan khi là một phần của dự án. Cô học được cách bước qua những ý kiến tiêu cực từ mọi người xung quanh vì khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trên hành trình ấy, Nhi liên tục phải đứng trước những lời nói và ánh mắt nghi ngờ từ bạn bè, người thân, hơn là những sự đồng cảm, lắng nghe và chia sẻ.
"Nhưng tôi dần nhận ra ý kiến của mọi người đôi khi hơi khó nghe nhưng cũng đáng để chọn lọc và tiếp thu, tất cả dạy cho tôi rằng phải làm việc chăm chỉ và cố gắng nhiều hơn chứ không phải lúc nào cũng chỉ nghĩ về một tương lai màu hồng", cô đúc rút.
Đều là sinh viên năm cuối, Tình và Nhi bận rộn với nhiều kế hoạch nhưng họ chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ Fairé. Dự án đã không chỉ là một bài tập trải nghiệm mà đã trở thành con đường họ muốn theo đuổi lâu dài. Dù thừa nhận chưa thể dành 100% thời gian cho việc làm xà phòng thủ công, tiếp thị sản phẩm, họ không muốn dừng lại khi nhìn thấy giá trị mình có thể mang đến cho cộng đồng từ dự án. Một là cung cấp cho thị trường một lựa chọn thuần khiết trong phương pháp tắm, hai là giúp nông dân ở Củ Chi có đầu ra cho sản phẩm và tương lai là chuyển giao cách làm để họ tự thực hiện.
Từ xà phòng, Tình và cộng sự dự định mở rộng các sản phẩm khác về chăm sóc da và sức khỏe từ những nguồn cung sẵn có, nhắm đến những thị trường khác. Tất cả mới chỉ là giai đoạn đầu nhưng đã mang đến nhiều khó khăn và thách thức, song cả Tình và Nhi đều khẳng định "sẽ theo tới cùng, chứ không bỏ dở giữa chừng".
4. Câu chuyện khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng của CEO thuyền Lucky
CEO thuyền Lucky - 1 trong những sản phẩm chủ đạo của Hahawave lại quyết bỏ ngang để lập nghiệp.

Quyết tâm tạo dựng thương hiệu Việt trong ngành Hàng hải
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ Đóng tàu, trường Đại học Hàng hải (Hải Phòng), Nguyễn Đức Thoan trải qua nhiều công ty từ nhà nước như Vinashin đến tư nhân. Đến khi đang làm cho tập đoàn nước ngoài như Palfinger AG (Áo) với mức lương ngàn đô, anh xin nghỉ việc trước sự ngỡ ngàng của gia đình, bạn bè và người thân để khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng trong lĩnh vực sản xuất thuyền, nhiều người bảo anh “khùng”.

Sau nhiều đêm trăn trở, anh Thoan đã quyết định đi theo tiếng gọi của những con thuyền
“Trong gần 8 năm làm việc tại tập đoàn nước ngoài cùng với nhiều chuyến công tác khắp đó đây, tôi nhận thấy cảnh nước non Việt Nam đẹp quá và rất còn tiềm năng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định rời đi để lập nghiệp với quyết tâm làm được cái gì đó bằng tình yêu đất nước và thế mạnh kinh nghiệm cùng chuyên môn nhiều năm tích lũy. Cái tên Hahawave là sự kết hợp chữ “wave” – sóng nước - là những ngành nghề liên quan sông nước tôi sẽ theo đuổi, chữ “Haha” - quan điểm cuộc sống của tôi là luôn vui cười tích cực dù khó khăn thế nào đi nữa. Hahawave chính là con đường tôi tìm hạnh phúc trong công việc, trở thành người có giá trị trong xã hội và muốn tạo dựng thương hiệu Việt trong ngành hàng hải” - Anh Thoan chia sẻ.
Đắng cay rồi sẽ tới ngày hái quả ngọt
Thất bại trong lần đầu tiên khởi nghiệp là cú sốc lớn nhưng không làm anh từ bỏ đam mê lập nghiệp từ những con thuyền. Để lại sau lưng tất cả khuyên ngăn của gia đình và bạn bè, anh quyết định gây dựng lại công ty của riêng mình với số vốn ban đầu ít ỏi.
Kinh nghiệm sau nhiều năm làm thuê và lần đầu khởi nghiệp thất bại, anh nhận ra một điều: Muốn xây dựng thương hiệu Việt trong ngành hàng hải phải có rất nhiều yếu tố, trong đó dòng tiền được xem là yếu tố hàng đầu. Do đó, anh quyết định sản xuất những chiếc mô hình tàu thuyền mang ý nghĩa phong thủy để làm sản phẩm chủ đạo xâm nhập vào thị trường và làm đòn bẩy cho Hahawave phát triển.

3 Yếu tố may mắn trong mỗi thuyền Lucky là: con thuyền, chữ Lucky và thông điệp được in trên cánh buồm có thể làm tăng độ nhận diện công ty
Trong văn hóa phương Đông, hình ảnh con thuyền được xem là biểu tượng những khát khao, hoài bão, lý tưởng đi tìm và chinh phục đỉnh cao và là biểu tượng của sự may mắn, của “thuận buồm xuôi gió”, thành công trong kinh doanh và cuộc sống. Đó cũng chính là nguồn gốc của cái tên “Lucky”. “Thuyền phong thủy Lucky cao cấp không chỉ là vật phẩm phong thủy ý nghĩa mà còn có thể truyền cảm hứng cho doanh nhân, thương gia và những người trẻ qua những câu nói in trên cánh buồm” - Anh Thoan chia sẻ thêm.

Một trong những mẫu cánh buồm Lucky được yêu thích, để bàn có thể tích hợp đẻ dụng cụ VPP như bút, name card…
Sau một năm, thuyền phong thủy Lucky đã mang lại nhiều “quả ngọt” cho “đại gia đình” Hahawave khi trở thành hiện tượng trong ngành quà tặng. Thuyền Lucky được nhiều cá nhân/doanh nghiệp chọn làm quà tặng cho đối tác/khách hàng, quà tặng tết, quà tặng tân gia, quà tặng khai trương, quà tặng sinh nhật,...
Sau gần 3 năm dành trọn thời gian và tâm sức cho quyết định táo bạo, Hahawave của chàng giám đốc 8X đã vào guồng quay ổn định và thu được những thành quả nhất định. Hahawave hiện đang cung cấp các sản phẩm/dịch vụ như Thuyền phong thủy Lucky, ván chèo đứng SUP, sửa chữa vỏ cano, cầu phao nổi Floating dock và gia công sản phẩm composite theo yêu cầu.
Thuyền Lucky - hiện tượng của ngành quà tặng

Một trong những mẫu thiết kế cánh buồm độc quyền mà dự án thuyền Lucky đã thực hiện gần đây
Thuyền phong thủy Lucky trở thành hiện tượng trong ngành quà tặng cũng là điều dễ hiểu bởi đây là sản phẩm đẹp, độc, sử dụng chất liệu cao cấp, mang nhiều ý nghĩa lại có tính tùy biến cao. Nhiều đơn vị/cá nhân đã thiết kế và in ấn cánh buồm mang dấu ấn đặc trưng của riêng mình để làm quà tặng, quà biếu.
Sau nhiều năm làm thuê và những lần khởi nghiệp thất bại, anh Thoan nhận ra điều quan trọng nhất của khởi nghiệp là: Cần xây dựng cho bản thân một niềm tin và động lực để theo đuổi đến cuối con đường khởi nghiệp. Hahawave không chỉ được lập ra để thỏa mãn ước mơ của mình mà còn là cầu nối, là động lực người khác cũng đạt được ước mơ của họ. Hy vọng rằng trong thời gian tới, hình ảnh của thuyền phong thủy Lucky chở may mắn cùng bao hy vọng sẽ xuất hiện nhiều hơn trên bàn việc của những chủ doanh nghiệp, những người khởi sự và Việt Nam - quốc gia khởi nghiệp sẽ đạt được những thành tựu lớn.
Đông Trần tổng hợp (nguồn: Khoinghiepsangtao/khampha)
Tags
Bài viết cùng chuyên mục
- Sản xuất axit lactic từ phần hạt mít thải bỏ
- Chàng trai miền Tây thu nhập tiền triệu/ngày nhờ trồng sen bán bông
- Khởi nghiệp OCOP từ tình mẫu tử và hạnh phúc gia đình
- 'Bún ngũ sắc' thắng giải khởi nghiệp nông nghiệp
- Khởi nghiệp từ 4 con heo giống, 8X làm chủ trang trại tiền tỷ
- Khởi nghiệp từ 5 triệu đồng, cô gái Nam Định mua nhà, mua ô tô trước năm 30 tuổi
- 8X cất bằng kỹ sư, liều nuôi chim nhả 'vàng trắng', không ngờ trúng lớn
- Cô giáo 8X khởi nghiệp với xà phòng bồ ngót
- Khởi nghiệp thành công với nghề trồng rau quả hữu cơ ở các buôn làng
- Dự án khởi nghiệp cung cấp người giúp việc gia đình
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận