Đoàn viên trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch
Thứ sáu, 25/12/2020
Với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã miệt mài xây dựng những mô hình khởi nghiệp nông nghiệp sạch hiệu quả.
Với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã miệt mài xây dựng những mô hình khởi nghiệp nông nghiệp sạch hiệu quả. Các mô hình đã thể hiện rõ nét sức trẻ và tinh thần xung kích trong lập nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Một trong những tấm gương thanh niên điển hình, khởi nghiệp thành công từ nông nghiệp chính là Hoàng Thu Trà (sinh năm 1997, dân tộc Nùng), Phó Bí thư Chi đoàn khối 10, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn.
Năm 2018, sau khi quyết định không theo học các trường Đại học như bao thanh niên khác dù đã trúng tuyển trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, Hoàng Thu Trà quyết định sống với đam mê trồng cây xanh và sản xuất nông nghiệp của mình. Trà quyết định tìm hiểu và học hỏi kiến thức thực tế từ chính những mô hình sản xuất nông nghiệp đã thành công ở các địa phương như: mô hình trồng dâu tây tại Mộc Châu, Cao Bằng, mô hình trồng dưa lưới tại Nghệ An… sau thời gian mày mò tự nghiên cứu và tích lũy những kiến thức đã thu được từ thực tế cùng với việc tận mắt chứng kiến cảnh người dân quê mình còn nhiều vất vả, lam lũ với mảnh ruộng. Quanh năm họ chỉ biết hai vụ lúa, sản lượng thấp và thu nhập không ổn định, lại luôn phải vay mượn khắp nơi để có tiền lo cho con đi học. Chính điều đó đã thôi thúc cô gái trẻ cần phải làm điều gì đó mà người dân ở quê mình không dám làm. Đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Dám nghĩ dám làm, Thu Trà quyết định khởi nghiệp tại mảnh đất Lạng Sơn và bắt đầu với cây dâu tây. Vừa mày mò, học hỏi, áp dụng kiến thức, ban đầu chỉ là trồng thử tại mảnh vườn nhỏ của gia đình tại xã Hải Yến, huyện Cao Lộc, với chỉ hơn 5.000.000 đồng tiền vốn đã được thu hồi nhanh chóng và đem lại một khoản thu nhập ngoài mong đợi, thêm vào đó là được sống với đam mê trồng và chăm sóc cây xanh rồi không biết từ lúc nào, Thu Trà đã thực sự hứng thú với giống cây trồng này.
Với số tiền tích cóp trong quá trình đi làm, cùng với việc bán các loại cây giống và quả thu được từ vụ trước qua mạng xã hội và bán hàng trực tuyến, Trà có được một số vốn. Cô kết hợp với một sô người bạn cùng chí hướng và sở thích đầu tư thuê đất trên diện tích 4.000 m2 để thực hiện ước mơ của mình.
Khi mới bắt tay trồng dâu, Trà phải thử trồng rất nhiều giống để lựa chọn loại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở Lạng Sơn. Năm đầu tiên thử nghiệm, vườn dâu chưa thật sự như ý khi vẫn còn có cây bị chết, quả nhỏ, chất lượng quả chưa đồng đều và lỡ mất thời gian mua sắm vào dịp cuối năm, nhưng khó khăn không làm cô gái trẻ nản chí. Thu Trà đã tìm tòi, tự học trên mạng, hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và mạnh dạn xây dựng thêm hệ thống nhà nilon trên diện tích 800 m2 với kinh phí trên 200 triệu đồng và vốn hỗ trợ mô hình cho thanh niên từ trung tâm Phát triển khoa học, công nghệ và Tài năng trẻ TW Đoàn cùng sự giúp đỡ của các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, qua một năm nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, chế độ chăm sóc nên vườn dâu tây của Thu Trà phát triển xanh tốt, sau 3 tháng đã cho thu hoạch trái ngọt. Vì trồng theo hướng nông nghiệp sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu nên trồng đến đâu thu hoạch tới đó. Trung bình mỗi ngày vườn cho thu từ 5 - 7 kg dâu.
Thu Trà chia sẻ: “Được sự động viên của gia đình và sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân nên em hiện thực hóa ước mơ của mình. Qua đó em mong muốn có cơ hội chia sẻ với nhiều bạn trẻ và có mong ước làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương”.
Thành công bước đầu, mạnh dạn mở rộng quy mô trồng dâu tây. Từ diện tích thử nghiệm hơn một trăm mét vuông, đến nay cô đã có khu vườn dâu với diện tích 1.600 m2 , đem lại doanh thu ổn định cho bản thân và một số lao động phổ thông.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Để có được thành công hiện tại, trong quá trình thực hiện Thu Trà cũng gặp rất nhiều khó khăn. Từ việc thiếu vốn, nhân công, đất sản xuất phải đi thuê của các hộ dân. Kỹ thuật ban đầu cũng còn hạn chế nên phải tự mình mày mò, tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, qua hình ảnh, video của bạn bè quốc tế chia sẻ...
Không chịu đầu hàng khó khăn, Thu Trà từng bước vượt qua và tiếp tục lên kế hoạch kết hợp sản xuất nông nghiệp gắn với kinh doanh du lịch trải nghiệm và du lịch sinh thái. Cô đang chuẩn bị cho ý tưởng xây dựng khuôn viên phục vụ khách du lịch đến trải nghiệm hái dâu tây. Đồng thời, nắm bắt được tâm lý của các bạn trẻ thích chụp ảnh, Thu Trà đã nghiên cứu trồng thêm hoa hồng cổ và hoa hồng nhập ngoại.
Mô hình du lịch nhà vườn của cô gái trẻ Hoàng Thu Trà như một điểm nhấn mới cho du lịch Lạng Sơn. Giờ đây, du khách đến với Lạng Sơn không chỉ bởi hấp dẫn bởi vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh, mà còn được trải nghiệm mới tại những nông trại, nhà vườn liền kề với khu danh thắng Nhị Tam Thanh – Thành Nhà Mạc.

Chia sẻ về hướng phát triển của mình trong thời gian tới, Thu Trà cho biết: “Xu hướng hiện nay là phát triển nông nghiệp hữu cơ, bảo vệ môi trường, gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nắm bắt xu hướng đó, tôi cũng vạch rõ hai định hướng cho trang trại của mình. Đó là tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để phát triển một số loại cây trồng mới, phù hợp với điều kiện vùng, cho năng suất chất lượng ổn định, đồng thời tăng hiệu quả kinh tế và mở rộng diện tích đất đang sử dụng kết hợp với du lịch trải nghiệm và các dịch vụ đi kèm”.
Cùng với đó, Thu Trà cũng hướng vườn dâu của mình sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp an toàn và hiện nay đang hoàn tất các thủ tục để thành lập HTX từng bước ứng dụng công nghệ 4.0, nông nghiệp thông minh vào sản xuất để giảm chi phí công lao động.
Cụ thể, Thu Trà cho biết, mô hình của cô đã ứng dụng việc sử dụng các máy móc thông minh như: Hệ thống tưới châm phân tự động; hệ thống cảm biến dự báo thời tiết; các loại máy, hệ thống tưới nhỏ giọt thông minh...
Từ những thành công trong khởi nghiệp bằng nông nghiệp, vừa qua đoàn viên Hoàng Thu Trà và các cộng sự đã vinh dự nhận giải nhì cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên” năm 2020 do Tỉnh đoàn tổ chức. Trà chia sẻ: “Tôi rất tự hào và xúc động khi những kết quả và nỗ lực của mình và các cộng sự được Tỉnh Đoàn và Đoàn thanh niên các cấp quan tâm và ghi nhận. Bản thân tôi sẽ luôn cố gắng để không phụ lòng tin của mọi người đã giành cho mình”.

Lớp tập huấn chuyển giao công nghệ do Tỉnh đoàn tổ chức

Trao giải cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên ”
Thành Long
Bài viết cùng chuyên mục
- Công nghệ lò hơi tầng sôi giải bài toán chất thải ngành giấy
- Nhà khoa học Việt làm thiết bị quan trắc không khí di động
- Thông báo kết quả xét chọn mô hình ứng dụng khoa học công nghệ năm 2022
- Kết nối, trao đổi giải pháp phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tại các dự án làng TNLN
- Cử nhân nuôi heo ky làm giàu
- Vườn dưa hấu vàng ruột đỏ thu hút bạn trẻ đến 'check-in'
- Thầy trò vùng cao sáng chế máy "biến" tỏi trắng thành tỏi đen giá trị
- Cô gái 9X nuôi lươn sạch thu lãi nửa tỉ đồng mỗi năm
- 9X Ninh Thuận khởi nghiệp với giống ngô "lạ", cho năng suất cao
- Tiết kiệm hàng chục tỷ đồng nhờ làm chủ công nghệ sản xuất hạt giống
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận