Hãy sống trọn vẹn cuộc đời

Thứ năm, 12/08/2021

Đó là những câu chuyện nghị lực, cảm động và đầy nước mắt của các bạn trẻ không may mắc bệnh ung thư khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường với nhiều ước mơ còn dang dở....
Đó là những câu chuyện nghị lực, cảm động và đầy nước mắt của các bạn trẻ không may mắc bệnh ung thư khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường với nhiều ước mơ còn dang dở....
 
Phạm Khôi Nguyên phát hiện mình bị ung thư máu khi vừa bước vào lớp 12. Chàng trai độ tuổi đôi mươi, sau một lần xét nghiệm, bỗng cảm thấy “như mất tất cả”.

“Mình vẫn còn nhiều ước mơ dang dở, vẫn chưa làm được gì cho bố mẹ. Mình không biết mình sẽ sống được bao lâu nữa, nhưng với mình giờ đây, bài tập cuối cùng không có thời hạn: Hãy sống thật hạnh phúc”, Nguyên nói.


Chào các bạn, mình là Phạm Khôi Nguyên, 18 tuổi, là tân sinh viên Trường ĐH Phenikaa.

Theo mọi người đánh giá, mình là một người vui vẻ, hòa đồng, luôn muốn mang niềm vui tới cho mọi người. Mình có tính cách hướng ngoại. Nếu cho mình chọn một nơi thư giãn, mình sẽ không thích chỗ quá yên tĩnh. Trên hết, mình xin tự nhận là một thanh niên có cá tính rất... bản lĩnh.

Gia đình mình có hai anh em, mình là con cả. Bố mẹ mình đều là cán bộ công chức nhà nước nên từ nhỏ hai anh em mình không phải quá lo về vấn đề học tập.

Đùng một cái, cuộc đời mình rẽ sang ngang sau xét nghiệm ung thư.

Ngày 24/10/2020, mình được chẩn đoán ung thư sau khi cấp cứu tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Gia đình giấu không để mình biết. Nhưng rồi bố mẹ cũng đã chấp nhận sự thật và chia sẻ với mình về tình trạng bệnh.

Mình bắt đầu tụt huyết áp, tay run run nhưng vẫn nghĩ là bố mẹ đang đùa, nên vài phút sau cũng quên tuột lời đùa định mệnh ấy. Ngồi xuống bên giường bệnh, mẹ cầm tay mình nói không nên lời. Khoảnh khắc đó mình đã nghĩ thầm trong bụng: “Vậy là hết, mình thật sự bị ung thư rồi. Chuyện gì đang xảy ra vậy. Bình tĩnh, không được khóc, không được khóc”.

Mẹ thông báo mình bị ung thư máu, cấp dòng tủy thể M3. Thú thật, mình chẳng hiểu hay nghe rõ mẹ nói gì nữa. Mình bước đi thẫn thờ khỏi phòng, loạng choạng ngoài hành lang. Mình lặng đi một lúc: “Tại sao lại là mình? Tại sao lại ung thư máu?”.

Còn nhiều điều nuối tiếc

Mình xin chia sẻ một cách chân thành, việc các bạn thức khuya, sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử, công nghệ quá nhiều, đặc biệt là sử dụng về đêm, trong bóng tối; việc các bạn lười vận động, ăn quá nhiều thức ăn chế biến sẵn tràn lan trên thị trường hoặc ăn không đủ bữa;… tất cả đều đang tiệm cận tới ung thư, chỉ là chưa biết ngày nào sẽ phát tác.


Gia đình luôn là nguồn động viên tinh thần lớn cho Khôi Nguyên

Người ta vẫn hay nghĩ, ung thư là án tử, là cái chết. Mình cũng vậy thôi. Điều tiếc nuối nhất có lẽ là mình vẫn muốn dành thật nhiều thời gian hơn để tham gia các hoạt động tình nguyện cho cộng đồng. Dĩ nhiên, ở giây phút sinh tử, mình tiếc nuối vì còn quá nhiều điều chưa thực hiện được. Mình muốn đi chơi với bố mẹ nhiều hơn nữa, bởi với mình gia đình là quan trọng nhất.

Mình là người sống khá lành mạnh và thường xuyên chơi thể thao nhưng vẫn không tránh khỏi bệnh ung thư. Do đó, các bạn dù có sức khoẻ tốt cũng đừng quên chú ý và chăm sóc bản thân mình.

Mình vẫn tâm niệm: “Chẳng biết ông bà, bố mẹ có sống được 30 hay 50 năm nữa, vậy số lần gặp mặt họ chỉ đếm được trên đầu ngón tay”. Nhưng mình không nghĩ là có một ngày, mọi người lại làm điều ngược lại đó với mình. Thật cay đắng và vô cùng đau khổ!

Mình còn chưa học đại học, chưa tốt nghiệp, chưa được mặc bộ áo cử nhân hằng mơ ước. Mình không biết còn sống được bao lâu nữa, mình có quá nhiều điều tiếc nuối.

Hãy sống trọn vẹn cuộc đời

Khi truyền hóa chất, mình bị rất nhiều tác dụng phụ, đó là điều hiển nhiên của bệnh nhân ung thư.

Hành trình cận tử, mình cảm nhận về cái chết sau đó rất nhiều. Hóa chất khiến mình lả đi, thiếp dần. Nó giống như một loại axit đang cố gắng ăn mòn ruột của bạn. Mỗi lần truyền hóa chất từ sáng sớm hôm trước đến tận chiều hôm sau, mình gần như không được ngủ và thậm chí không đủ sức để kêu.

Nhưng mình vẫn nhớ câu nói của một người bạn, rằng: “Mọi bệnh nhân ung thư đều lạc quan cho đến khi họ đứng trước cái chết”, và mình cũng không ngoại lệ.

Quãng thời gian khi cái chết gần kề, mình đã tự nhủ rằng không thể chết một cách vô ích như vậy. Hành trình chiến đấu với ung thư, những người luôn bên cạnh động viên an ủi mình nhất là bố mẹ và em trai. Mình không muốn quên đi một gia đình hạnh phúc

Những cơn đau thắt dữ dội khiến mình quỳ xuống sàn nhà vệ sinh ôm bụng. Để có thể sống sót, mình phải ăn bất chấp kể cả khi buồn nôn. Mình bịt mũi, vừa ăn vừa khóc.

Bạn cứ tưởng tượng một cơ thể vừa buốt tủy lưng, vừa đau đầu, đau bụng, buồn nôn, táo bón, sưng lợi, mọc răng số 8 phải ngồi ăn cơm sẽ như thế nào. Cảnh tượng đó đã diễn ra suốt gần một năm trong sự chống chọi giành giật sự sống.

Đã có những ngày ngồi lặng lẽ bên ô cửa sổ của bệnh viện, cầm viên thuốc giảm đau trong tay, mồ hôi toát ra nhễ nhại sau một ngày vật lộn, mình thầm cầu xin ông trời được giải thoát!


Khôi Nguyên trong lần chụp ảnh kỷ yếu với các bạn cùng lớp

Nhưng cho đến bây giờ mình vẫn không thể tin được là mình lạc quan đến vậy. Tổng thời gian khóc lóc và buồn bã hoảng loạn của mình chỉ trong đúng một ngày. Mình khóc đúng 10 phút rồi gọi bố mẹ đi ăn cơm. Mình vẫn nhớ bố vừa ăn vừa đỏ mắt nói: “Ăn đi con, con của bố mạnh mẽ mà, kệ nó, không sao cả”. Nếu không có bố mẹ và em trai tuyệt vời như vậy, có lẽ mình đã chết từ lâu rồi.

Tốt nghiệp đại học là điều mình sẽ cố gắng làm để hoàn thành nốt chặng đường mình sẽ đổ công sức học tập suốt 4 năm tới, nhưng kế hoạch quan trọng với mình bây giờ có lẽ sẽ không giống những bạn khác.

Trước đây, mình đã từng đặt rất nhiều mục tiêu cho tương lai, hầu hết với mục đích kiếm tiền và thành đạt, nhưng ngày hôm nay khi thoát khỏi tử thần, mình cần thay đổi một chút. Mình có cái nhìn khác về ý nghĩa và mục đích của cuộc đời.

Mình chỉ muốn nói rằng, ung thư không phải là dấu chấm hết. Chúng ta bị bệnh vì đã không yêu thương và trân trọng cơ thể của mình. Chỉ cần các bạn nâng niu và bảo vệ nó, các bạn sẽ thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.

Dù chuyện gì xảy ra và có tệ đến đâu, quan trọng nhất vẫn là cách bạn chấp nhận, đối mặt và vượt qua nó. Khi bạn không coi bệnh tật là một vật kiểm soát thì nó chắc chắn sẽ không thể kiểm soát bạn nữa. Và, hãy cố gắng sống sao cho thật hạnh phúc.

Nữ sinh ung thư giành giải Miss truyền cảm hứng

Trong đêm chung kết cuộc thi "Duyên dáng Ngoại Thương 2019", Đặng Trần Thuỷ Tiên (19 tuổi) - nữ sinh mắc ung thư vú giai đoạn 2 đã giành danh hiệu "Miss truyền cảm hứng" sau một hành trình dài chiến đấu không mệt mỏi.



"Em đến với cuộc thi thật tình cờ, nhưng ngẫm lại đó lại như một cơ duyên. Mọi thứ bắt đầu chỉ với một con số 0 khi cả gia đình phản đối quyết liệt vì lý do sức khoẻ. Là cô bé đầu trọc, em đi thi chỉ với ước mong có thể truyền cảm hứng tới mọi người và cũng muốn bản thân có thể sống hết mình, làm điều mình thích trong cuộc đời hữu hạn này", nữ sinh 19 tuổi chia sẻ câu chuyện của mình khi đến với cuộc thi khiến nhiều người xúc động.



Nghị lực và năng lượng tích cực ấy đã giúp Thủy Tiên giành danh hiệu "Miss truyền cảm hứng". "Em đã chiến thắng chính bản thân, chiến thắng nỗi tự ti ban đầu và viết nên câu chuyện cuộc đời mình bằng màu sắc riêng. Em còn trẻ, còn cả chặng đường phía trước để phấn đấu và hoàn thiện bản thân", Tiên nói.



Thủy Tiên biết đến căn bệnh của mình khi đang ở độ tuổi rực rỡ nhất. Cũng từng trải qua những cảm xúc sợ hãi, bất lực, nhưng cuối cùng cô gái trẻ chọn cách đứng lên "tuyên chiến" với bệnh tật bằng sự lạc quan. "Em buồn nhưng không cho bản thân được phép gục ngã", Tiên nói.

Cô gái xinh xắn quyết định đăng ký tham gia cuộc thi Duyên dáng Ngoại thương khi vẫn phải đi xạ trị, truyền hoá chất. Tuy nhiên, Tiên luôn xuất hiện với nụ cười tươi tắn cùng tinh thần lạc quan, bản lĩnh không chịu đầu hàng với số phận.


 
Dù không giành được vương miện cao quý nhất trong cuộc thi, nhưng Tiên đã viết nên câu chuyện thật đẹp về cuộc đời của chính mình. "Dù là một bệnh nhân ung thư nhưng hoàn cảnh hiện tại chưa bao giờ làm em gục ngã. Trái lại, em thấy mình phải sống tiếp và sống thật hạnh phúc, ý nghĩa. Em muốn mọi người biết rằng ung thư không phải là án tử hình".



"Ung thư không đáng sơ, thứ đáng sợ nhất chính là việc bản thân coi nó là dấu chấm hết. Ung thư dạy em trân trọng cuộc đời, vì em hiểu, cuộc đời này là hữu hạn".



Được xướng tên là người giành giải "Miss truyền cảm hứng", Tiên xúc động chia sẻ: "Em tự hào khi nhận được giải thưởng này. Em mong rằng bản thân sẽ truyền cảm hứng tới những người con gái giống mình, tới những ai còn đang hoài nghi ở bản thân. Hãy tự tin, trân trọng và tôn vinh sự khác biệt".
 
Nữ sinh 21 tuổi đột ngột mắc ung thư: “Em muốn mặc áo cử nhân, nhưng sợ không thể…”

Trên giường bệnh của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Vân Anh đặt lên đó một chú gấu nhỏ, một chiếc gương và vài cuốn sách.

Vân Anh năm nay vừa tròn 21 tuổi. Ở độ tuổi ấy, cô vẫn chất chứa nhiều ước mơ và khát khao về tình yêu đôi lứa. Từ khi biết mình mắc chứng bệnh Lơ xê mi cấp thể M2 (ung thư máu), Vân Anh đọc nhiều hơn những cuốn sách về kinh Phật. Cô bảo: “Bạn em nói rằng đọc kinh Phật để sám hối. Có thể do kiếp trước em làm những điều chưa tốt”.

Cô gái tuổi đôi mươi thi thoảng ngưng quãng cuộc trò chuyện để nhìn mẹ. Mẹ cô ngồi cạnh con, nước mắt vẫn không ngừng rơi. Nhưng Vân Anh tuyệt nhiên không khóc.

Xung quanh cô, 15 bệnh nhân khác cũng nằm co quắp bên những chai truyền dịch. Mũi tiêm lớn dùi vào những cánh tay đầy gân xanh khiến Vân Anh thoáng chốc rùng mình. “Nhiều người truyền xong cứ sốt li bì như thế đấy! Họ là những người đã được truyền hóa chất nhiều lần rồi”.

Vân Anh cũng thích trang điểm. Chiếc gương đặt ở đầu giường bệnh thi thoảng được cô lấy ra soi như bao cô gái ở cùng độ tuổi. “Từ khi truyền dịch da em xấu đi nhiều quá!” – Cô than thở.

Vân Anh còn thích nghe nhạc. Thần tượng của cô là G-Dragon. Vân Anh bảo: “Mỗi khi nghe nhạc  của BigBang, em lại có thêm động lực”. Nhưng từ khi vào viện, cũng chưa lần nào cô mở điện thoại ra nghe bài hát từ nhóm nhạc yêu thích.
 

Vân Anh cũng từng là cô gái xinh đẹp và rất năng động
 
Trong phòng bệnh chỉ có Vân Anh là người duy nhất chưa được hóa trị. Đối với những người nhiều lần vượt qua cửa ải này, cái chết không còn gì quá đáng sợ. Sau bữa cơm chiều, người khỏe ngồi ngân nga theo giai điệu của một vài bài hát quen thuộc. Người yếu hơn lại nằm nói chuyện về gia đình, con cái. Vân Anh ước mình cũng lạc quan được như những người ở đây.

Năm 2015, Vân Anh thi đỗ vào Trường ĐH Ngoại thương với bao ước mơ và hoài bão. Cô là lớp trưởng của một lớp tín chỉ, say mê với các hoạt động tình nguyện. Ngoài việc học trên trường, Vân Anh còn đi làm thêm. Có những tháng cao điểm, cô kiếm được hơn 10 triệu đồng.

Số tiền này được Vân Anh gửi về quê để mẹ lo cho em trai nhỏ. Em trai cô sinh năm 2005. Cậu bé không may mắn bị bại não, không thể đi lại được. Ước mơ lớn nhất của Vân Anh là thay mẹ chăm sóc cậu em nhỏ.

Thế nhưng ngày 9/8, khi đang chuẩn bị cho kỳ thi hè, Vân Anh bỗng cảm thấy tim mình đập nhanh và đầu đau nhói. Sau khi làm các xét nghiệm chọc dò dịch tủy và máu, bác sĩ kết luận cô bị ung thư máu.

“Cả bầu trời phía trước dường như sụp đổ. Tai em ù đi, tay chân run lẩy bẩy. Nhưng em không rơi một giọt nước mắt trong khi mắt bố đã đỏ hoe. Mẹ em khóc rất nhiều. Em không dám nhìn vào mắt mẹ. Sau đó em xin ra ngoài đi vệ sinh. Lúc ấy em mới khóc. Em khóc sưng húp mắt lên mà ở bệnh viện, ngoài cái nhà vệ sinh ra thì chẳng còn chỗ nào có thể trốn vào nữa” – Vân Anh kể lại những ngày phát hiện bệnh.

Với cô, tất cả những gì xảy ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi vừa qua chỉ như một giấc mơ. “Em chưa từng nghĩ rằng cuộc đời mình lại giống như những thước phim Hàn Quốc đến thế. Tiếc rằng, những thước phim ấy kết thúc lại không có hậu”.


Vân Anh chuẩn bị bước vào đợt hóa trị đầu tiên
 
 Vân Anh từng dự định sẽ học thật nhanh để kết thúc chương trình vào tháng 10 này. Ước mơ gần của cô là được mặc áo cử nhân, xa xôi hơn là khoác lên mình một bộ váy cưới. Tất cả những điều đó lẽ ra sẽ thành hiện thực, trong một tương lai không xa.

“Thế nhưng…” - Cô gái trẻ ngưng lại.

Vừa nói, Vân Anh vừa vuốt mái tóc mới được cắt ngắn gọn gàng. “Tóc em ngày trước cũng dài hơn đây đấy. Nhưng sắp tới phải truyền hóa chất rụng đi chắc trông sẽ xấu xí lắm!”.

Người mẹ ngồi bên nghe vậy bất giác run lên bần bật, nước mắt giàn dụa.

Từ khi biết con mắc bệnh, bố mẹ Vân Anh bỏ đi chợ, từ Thái Bình lên Hà Nội để lên chăm sóc con. Chiếc giường chỉ đủ cho hai bệnh nhân nằm nên cả hai vợ chồng phải ngủ ngoài hành lang bệnh viện.

“Đột ngột và đau đớn quá! Nhà cô có một em bị bệnh rồi. Tưởng rằng hai em đầu sẽ là động lực để cô chú cố gắng. Thế mà lại đau lòng quá!”

Nói rồi, người mẹ vội cầm lấy tay con, cánh tay đầy những vết ven thâm tím. “Cô vẫn nói với con rằng, Vân Anh ơi, hãy cố gắng vượt lên cùng mẹ chiến đầu với căn bệnh này. Chỉ cần con cố gắng vượt qua, bằng giá nào mẹ cũng tìm cách cứu con”. Nước mắt người mẹ lại tiếp tục rơi lã chã.

Hiện tại, thu nhập của gia đình Vân Anh chỉ phụ thuộc vào lương bộ đội của ông nội và người chị cả mới ra trường 2 năm. Chị Phạm Thị Nhung, mẹ Vân Anh động viên con rằng, “Con cứ yên tâm chữa trị. Khi nào ra viện, bố mẹ sẽ lên đây chăm con và cùng con đi học”.

Lời động viên ấy dẫu xa xôi nhưng cũng là một nguồn động lực mạnh mẽ để cô con gái nhỏ bước vào một cuộc hành trình mới. Ngày mai, Vân Anh sẽ bước vào cuộc chiến lần đầu tiên với căn bệnh quái ác này.

“Em chỉ mong lần trị xạ này sẽ hợp thuốc. Ở viện, em đã từng chứng kiến cảnh nhiều người sau khi truyền hóa chất bị sốt rét, phải kéo cả giường chạy đi cấp cứu. Em rất sợ. Một phần vì sợ đau, phần vì sợ phải thấy mọi người khóc.
Ước mơ của em là cầm được tấm bằng tốt nghiệp Ngoại thương. Có thể em sẽ không dùng tới nó nữa, nhưng dù sao em đã đi một quãng đường dài rồi.”
 
Nhật Anh tổng hợp (theo Vietnamnet)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×