Khi người trẻ dám nghĩ, dám làm

Thứ hai, 08/06/2020

Đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng là phong trào đang được Đoàn xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) phát huy hiệu quả. Nhờ đó, nhiều thanh niên trong xã đã mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, đầu tư phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương.

Đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng là phong trào đang được Đoàn xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) phát huy hiệu quả. Nhờ đó, nhiều thanh niên trong xã đã mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, đầu tư phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương.

Trong khi nhiều thanh niên chọn cách đi làm ăn xa hoặc vào các công ty làm việc thì chị Hoàng Thị Nhung (SN 1990), thôn 2 Thanh Tân lại lựa chọn mô hình nuôi chim cút. Năm 2019, được sự động viên của người thân, chị Hoàng Thị Nhung quyết định vay vốn, đầu tư trang trại gần 200m2 nuôi chim cút.

Ban đầu, chị mua 2.000 con giống chim cút để nuôi thử, do chưa có kinh nghiệm dẫn đến chim bị chết nhiều. Không nản chí, chị tiếp tục tham khảo, học hỏi kinh nghiệm trên sách báo, mạng Internet và những người đã nuôi trước để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục.
 

Chị Hoàng Thị Nhung thu về 400.000-500.000 đồng/ngày tiền lãi từ mô hình nuôi chim cút
 
Khi đã có kinh nghiệm, chị tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại. Đến nay, chị Nhung đang nuôi hơn 4.000 con với nhiều lứa nuôi gối nhau. Theo chị Nhung, nuôi chim cút chi phí thấp mà lãi cao. Từ con giống mới nở cho đến lúc đẻ trứng chỉ có 45-50 ngày. Đặc biệt, chim cút đẻ liên tục, sau 9-10 tháng, người nuôi lại bắt đầu thay con giống khác để cho sản lượng trứng cao hơn.

“So với các mô hình chăn nuôi khác, mô hình nuôi chim cút ổn định hơn rất nhiều, lại đầu tư vốn không nhiều, đầu ra luôn ổn định, nguồn vốn quay vòng nhanh, trong 1 năm là có thể thu hồi vốn”, chị Nhung cho biết. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, chị thu được khoảng 3.000 quả trứng, với giá bán giao động từ 45.000-47.000 đồng/100 quả trứng, sau khi trừ chi phí, chị Nhung thu số tiền lãi khoảng 400.000-500.000 đồng/ngày.

Giống như chị Nhung, với quyết tâm làm giàu trên quê hương, anh Nguyễn Văn Châu (SN 1988) thôn 1 Thanh Tân quyết định phát triển kinh tế vườn kết hợp chăn nuôi. Trên hơn 1,5 ha đất vườn, anh đầu tư 8 sào trồng hoa thiên lý, kết hợp trồng bí đao. Phần đất còn lại, anh đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi dế và rắn mối. Nhờ tìm hiểu các mô hình thành công khác cùng sự linh hoạt trong áp dụng và thay đổi kỹ thuật, anh đã thành công. Đến nay, trang trại của anh có đến 50 buồng nuôi dế, 2.300 con rắn mối, 8 sào hoa thiên lý và bí đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình.

Không chỉ anh Châu, chị Nhung mà còn có rất nhiều đoàn viên thanh niên khác cũng mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Trong đó, phải kể đến các mô hình: kinh doanh dịch vụ của đoàn viên thanh niên Phan Văn Cường, Lê Xuân Sỹ ở thôn 1 Thanh Tân; nuôi chim cút của đoàn viên thanh niên Huỳnh Văn Khánh ở thôn 4 Thanh Tân…
 

Nuôi rắn mối và dế là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Nguyễn Văn Châu
 
Anh Bạch Văn Trung, Bí thư Đoàn xã Thanh Thủy cho biết: "Thời gian qua, Đoàn xã luôn đồng hành cùng thanh niên trong phong trào lập thân, lập nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho thanh niên. Trong đó, Đoàn xã cũng có nhiều hoạt động điển hình, như: làm cầu nối hỗ trợ thanh niên học nghề, tư vấn việc làm và phát triển kinh tế tại địa phương".

Đoàn xã tích cực phối hợp các tổ chức hội, như: Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh xã... và làm "cầu nối" để thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, nguồn quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm do Trung ương Đoàn phân bổ quản lý trên địa bàn xã cũng góp phần giúp thanh niên vay vốn phát triển kinh tế. Đoàn xã còn phối hợp với Huyện đoàn hỗ trợ thanh niên tiếp cận khoa học-kỹ thuật áp dụng vào sản xuất thông qua những buổi hội thảo, tập huấn, chuyến đi học tập kinh nghiệm thực tế từ các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao trong, ngoài tỉnh; tuyên truyền vận động đoàn viên tham gia xuất khẩu lao động. Đến nay, 72 đoàn viên thanh niên tham gia học tiếng đi xuất khẩu lao động và đã có 52 đoàn viên thanh niên được tuyển dụng đi xuất khẩu lao động tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc…

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, các đoàn viên, thanh niên của xã còn gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy tinh thần xung kích của thanh niên trên mọi mặt trận. Tuổi trẻ Thanh Thủy còn tình nguyện tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, phát triển cộng đồng, như: tham gia giữ gìn an toàn giao thông; phối hợp với đơn vị viễn thông lắp đặt 128 thiết bị truyền hình kỹ thuật số mặt đất cho hộ nghèo, cận nghèo; đồng thời, tổ chức các buổi dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm…

Sự giúp sức của Đoàn xã và sự chủ động, nghị lực vươn lên của các đoàn viên thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên, đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn cơ sở, mở rộng khối đoàn kết, tập hợp thanh niên vào tổ chức hội.

Ươm sắc lan rừng

Từ niềm đam mê, anh Nguyễn Ngọc Thiện (SN 1985) ở thôn Trung, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã trồng hàng nghìn giỏ hoa phong lan trong nhà màng. Khu vườn đầy hương sắc đã mang lại nguồn lợi kinh tế cao.

Một niềm đam mê

Ngay từ khi học THCS, anh Thiện đã yêu thích vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh tao cùng hương thơm quyến rũ của những loài hoa phong lan. Không ít lần anh theo chân các bác, các chú đi tìm hiểu về loài hoa này và ấp ủ mơ ước về một khu vườn có đủ các loại hoa lan do mình làm chủ.
 

Anh Nguyễn Ngọc Thiện (bên trái) hướng dẫn cách chăm sóc phong lan cho khách hàng.
 

Tốt nghiệp cao đẳng rồi đi làm ở một doanh nghiệp tư nhân, hằng tháng lĩnh lương, anh đều dành tiền mua vài giò lan về chăm sóc để được thưởng lãm vẻ đẹp của loài hoa ấy. Cứ vậy, đến năm 2012, khu vườn nhỏ đã có khoảng trăm giỏ phong lan các loại. “Niềm đam mê quá lớn nên tôi đã xin nghỉ việc ở công ty, về nhà phát triển mô hình trồng lan rừng. Mới đầu bố mẹ tôi phản đối gay gắt nhưng cuối cùng đành đồng ý vì thấy tôi quyết tâm thực hiện”, anh Thiện kể.

Sau này, có điều kiện tham quan nhiều mô hình nông nghiệp, nhất là trồng rau, hoa chất lượng cao trong nhà màng, nhà lưới, anh Thiện nghĩ đến việc áp dụng đối với hoa phong lan. Được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí (từ chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao) và vay vốn ngân hàng, anh Thiện đầu tư xây dựng nhà lưới, lắp giàn cùng hệ thống phun tưới tự động. Khu vườn hơn 2 nghìn m2 được chia thành 3 khu với khoảng 9 nghìn giỏ lan các loại gồm: Phi điệp, trầm, cáo, hồ điệp, thủy tiên...

“Giá trị mỗi giỏ lan phụ thuộc vào độ khác biệt, đẳng cấp về đài hoa, màu sắc, độ dài, khỏe của thân cây. Một giỏ lan rừng quý có giá vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng” - anh Thiện cho biết. Hiện nay, ngoài bán phong lan, anh Thiện còn kinh doanh các sản phẩm phục vụ việc trồng, chăm sóc hoa như: Chậu, phân bón, ống nhựa làm giàn… Nhiều khách hàng tìm đến đây mua hoa lan. Vườn lan cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chăm chút những nhành hoa

Người trồng phong lan cần đức tính cẩn thận và kiên nhẫn. Nhìn anh Thiện chăm chút, nâng niu từng mầm cây nhỏ bé mới thấy niềm đam mê của anh đối với loài hoa này thật lớn. Chỉ vào những giỏ lan vừa được nhân giống, anh cho hay: Chỉ cần tạo cho phong lan môi trường sống gần giống nơi chúng sinh ra thì sẽ không tốn công chăm sóc, bón phân nhiều.

Quá trình chăm sóc phải quan tâm tới 3 yếu tố quan trọng là độ ẩm, ánh sáng và gió. Bao quanh khu vườn lan anh lắp hệ thống lưới che nắng mưa, giúp giảm nhiệt độ và ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Bên trong là những giàn treo, giá thể và quạt gió. Một góc nhỏ trong vườn được đào ao nuôi cá tạo độ ẩm tự nhiên.

Ông chủ vườn lan còn tích cực tham gia các hội, nhóm về phong lan, thường xuyên giao lưu để học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc hoa từ mọi người. Theo anh Thiện, để cây ra hoa và sinh trưởng tốt, phải chọn được cây giống sạch bệnh, thân khỏe. Khi làm giá thể, sử dụng vỏ dừa ủ theo phương pháp vi sinh thành phân hữu cơ để bổ sung dưỡng chất vào thời điểm cây phát triển.

Trong nhiều dòng lan quý, dòng đột biến được đông đảo người chơi yêu thích là lan phi điệp vì nó có dáng vẻ độc đáo khác tự nhiên về màu sắc, hình dạng hoa, độ dày của cánh...

Nhưng mỗi loại, mỗi thời điểm lại có cách chăm sóc khác nhau để tạo ra những biến thể phong phú. Loài hoa này cũng ưa nắng, gió và độ ẩm hơn, nếu không cân bằng sẽ dễ héo, chết rũ. Dịp hè thu cây phát triển mạnh nên cần tưới nước 2 lần/ngày vào sáng sớm và lúc tắt nắng, đến mùa đông thì chỉ từ 1-2 lần/tuần.

“Phải yêu hoa mới giúp bạn kiên trì chăm sóc chúng. Để mỗi cây sống khỏe và ra hoa, người trồng sẽ phải mất bao công sức, thời gian. Thế nhưng chỉ cần khi lan phi điệp nở hoa, xòe những cánh trắng kiêu sa, hương thơm nồng nàn vương vấn thì mọi vất vả sẽ tan biến”- anh Thiện bộc bạch.

Minh Trang tổng hợp (Theo Đoàn Thanh niên)
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×