Khi những chàng trai khởi nghiệp

Thứ hai, 13/04/2020

Trong tình hình khó khăn chung của Covid-19 nhưng Nguyễn Văn Hải, 22 tuổi, chàng trai mới xuất ngũ vẫn có thể kiếm hơn 10 triệu đồng/tháng từ món bánh mì kẹp thịt.

Chàng trai khởi nghiệp... bánh mì kẹp thịt


Trong tình hình khó khăn chung của Covid-19 nhưng Nguyễn Văn Hải, 22 tuổi, chàng trai mới xuất ngũ vẫn có thể kiếm hơn 10 triệu đồng/tháng từ món bánh mì kẹp thịt.


Nguyễn Văn Hải, bạn trẻ mới xuất ngũ khởi nghiệp với bánh mì. Ảnh: Lê Thạch


Cho tới nay, bánh mì của Hải bắt đầu bán được chưa đầy 40 ngày, nhưng anh đã nhớ mặt nhiều khách quen, có khi một ngày 5 lần ghé tiệm để mua.

Nguyễn Văn Hải tốt nghiệp THPT ở Bình Phước, sau đó trúng tuyển một trường cao đẳng tại TP.HCM liên quan kỹ thuật ô tô, song học vài tháng Hải thấy đây không phải là con đường mình muốn gắn bó lâu dài. Anh xung phong nhập ngũ. Đơn vị của Hải đóng quân là Đại đội bộ binh 31 Lộc Ninh, Bình Phước…

Xuất ngũ về quê hương, nhiều người thân trong gia đình nghĩ rằng Hải nên xin làm công nhân trong một khu công nghiệp nào đó ở gần nhà nhưng Hải muốn làm cái gì đó thử thách hơn. Tình cờ lên mạng anh thấy giới thiệu về mô hình nhượng quyền với bánh mì tam giác kẹp thịt nướng kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, ăn cùng rau và nước xốt, anh tìm hiểu và thấy đây là cái mình muốn làm.

“Tôi ký hợp đồng nhượng quyền, sau đó được tham gia khóa học về chế biến bánh mì, từ ướp thịt heo, nướng bánh, tới chế biến nước xốt, làm rau củ quả tươi ngon cho một ngày bán. Tôi cũng tham khảo nhiều cửa hàng bánh mì kẹp thịt nướng khác phục vụ khách hàng ra sao, một thời gian ngắn sau là tự đúc kết cho mình kinh nghiệm và bắt tay làm”, Hải chia sẻ.

Vì là món ăn mới, lạ miệng với thực khách, trước đó chưa từng có bán ở TX.Bình Long, Bình Phước nên mới khai trương tiệm bánh mì của Hải đã có rất đông người tới mua. Để khách không bị ngán, Hải khéo léo thay đổi mỗi ngày một chút gia vị để món ăn luôn tươi mới, đồng thời anh cho thêm bắp Mỹ đóng hộp vào cùng phần rau bắp cải tím, bắp cải trắng và xà lách để khách thấy phần rau ăn kèm hấp dẫn hơn.

Tiệm ở gần nhiều trường học, ngân hàng, công sở nên Hải thường nhận được đơn đặt hàng mỗi lần số lượng lớn. Bán từ 6 - 20 giờ, thời điểm đắt khách nhất, mỗi ngày Hải bán được 500 bánh, thu nhập có thể hơn 1 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, để có ngày hôm nay, không phải mọi thứ đều suôn sẻ ngay từ đầu, Hải còn nhớ mãi những ngày đầu chưa quen cách sử dụng tủ lạnh bảo quản bánh mì khiến sáng hôm sau mở ra thì bánh mì nổi mốc hết. May mắn là có nguồn bánh mì từ một người bạn hỗ trợ kịp thời, nên buổi bán hàng sáng hôm đó không bị gián đoạn. Rồi đông người xếp hàng mua quá khiến phục vụ không xuể, chờ mãi không tới lượt cũng “giận”, khiến Hải phải thay đổi bằng cách phát số thứ tự cho khách.

Vì tình hình dịch Covid-19, hiện tại tiệm của Hải chỉ bán cho đơn đặt hàng trên mạng và cho khách mang về, số bánh bán ra cũng bị giảm tới 2/3 so với thời điểm đắt hàng nhất. Thu nhập bây giờ của anh từ món bánh mì đạt 300.000 - 500.000 đồng/ngày (hơn 10 triệu đồng/tháng), đó cũng là sự động viên rất lớn trong tình hình khó khăn chung.

Hải sống cùng mẹ, là trụ cột kinh tế trong gia đình, dưới anh còn có một cậu em trai 5 tuổi. Niềm vui bình dị của anh là mỗi ngày được cùng với mẹ chuẩn bị rau củ, nướng thịt và gói bánh mì cho khách. “Công việc bận bịu thế nào, lắng nghe những lời khen của khách hàng là thịt ngon, nước xốt thơm, ăn 2 cái cũng không ngán, tôi cảm thấy vui vô cùng”, chàng trai trẻ chia sẻ.
 

Từ tài xế xe tải tới ông chủ chuỗi mì cay khắp miền Tây


Anh Nguyễn Hồng Ân không nghĩ có một ngày trở thành chủ của chuỗi hơn 30 cửa hàng mì cay khắp miền Tây, vì trước đây anh chật vật với công việc làm công nhân rồi chuyển nghề tài xế, lương chỉ vài triệu đồng/tháng.


Từ tài xế xe tải, bốc vác cho đến ông chủ chuỗi mì cay. Ảnh Lê Nam

Gặp Nguyễn Hồng Ân,  27 tuổi, ông chủ chuỗi mì cay vào một ngày cuối tháng 2.2020, khi Đồng Tháp nắng chói chang và nhiều người vẫn còn ngại ra đường vì dịch Covid-19, quán mì cay của Ân ở Đồng Tháp vẫn tấp nập người ra vào từ sáng đến tối.

Nghiện món mì cay, học việc và trở thành quản lý
 
Gương mặt thư sinh, dáng người nhỏ nhắn, không ai nghĩ rằng trước đây anh từng là một công nhân, một tài xế chở hàng, bốc vác. Học xong THPT, Ân thi 3 trường đại học nhưng đều không đậu, anh xin làm công nhân ở công ty chế biến thủy hải sản. Sau đó, anh học bằng lái và chuyển sang nghề tài xế xe tải. Công việc bắt đầu từ 7 rưỡi sáng cho đến 17 giờ , không chỉ lái xe mà Ân còn kiêm luôn bốc vác hàng hóa theo yêu cầu của chủ; làm đổ mồ hôi sôi nước mắt nhưng lương chỉ khoảng hơn 4 triệu/tháng.


Ông chủ chuỗi mì cay ở miền Tây từng làm tài xế xe tải kiêm bốc vác. Ảnh Lê Nam
 
Một lần tình cờ, Ân thấy tờ rơi đăng tuyển lái xe riêng, anh ứng tuyển và làm tài xế riêng cho một người chủ lớn tuổi trong tỉnh. Công việc mới giúp anh được đi đây đi đó, từ các tỉnh miền Tây cho đến TP.HCM. Trong dịp ghé Cần Thơ, anh hiếu kỳ bước vào một quán mì cay khi thấy khách hàng đông đúc.

“Lần đầu tiên ăn món mì này, mình thấy hương vị rất lạ so với các món khác, nhất là nước dùng đậm đà. Mình ăn nhiều thành nghiện, mỗi lần ghé qua phải mua về 4 -5 phần, vừa ăn vừa nghiên cứu xem tại sao nó lại hấp dẫn thế”, anh Ân chia sẻ. Từ đó, anh ấp ủ mang món ăn này trở về quê hương.

Nghỉ lái xe, Ân xin làm nhân viên cho quán. Anh cũng nói rõ mong muốn được học nghề, chủ quán vui vẻ chấp nhận. Hơn 2 tháng làm tại đây, Ân được học từ việc làm bếp cho đến phục vụ. Sau đó anh được phân công làm mảng quản lý cửa hàng.
Khởi nghiệp với vài triệu đồng
 
Sau hai tháng, anh trở về Cao Lãnh lên kế hoạch mở quán đầu tiên. Cậu thanh niên khi ấy chỉ chừng 20 tuổi cần số tiền khoảng 200-300 triệu đồng để có thể mở một quán mì cay theo mô hình đã học hỏi. Tuy nhiên, lúc ấy trong tay anh chỉ có vài triệu đồng. Ân quyết định “gọi vốn” từ ba mẹ, nhờ ba mẹ vay mượn họ hàng để khởi nghiệp.

“Lúc đầu xin mở quán ba mẹ cản nhiều làm, thậm chí còn không cho mình làm”, Ân kể anh phải thể hiện sự quyết tâm rất lớn để thuyết phục ba mẹ. Mặc dù nghe theo lời con nhưng ai nấy đều nghi ngại, chẳng biết thành bại ra sao... 
 
Ngày khai trương quán mì cay đầu tiên tại TP.Cao Lãnh, Ân mất ăn mất ngủ, trong đầu suy nghĩ rất nhiều thứ. Vô tình, thời điểm đó cũng đúng lúc mì cay là món ăn hợp trào lưu, hợp gu của giới trẻ, chẳng ai ngờ, khách kéo đến rất đông. Anh không thể quên được hình ảnh nhiều bạn trẻ còn sẵn sàng ngồi đợi từ 15 phút đến nửa tiếng để được ăn một tô mì. Khi đó, Ân vừa cười vừa chảy nước mắt, không biết vì hương mì cay hay do quá hạnh phúc!

Lúc đầu, một ngày có khoảng 300-400 khách hàng ghé đến ăn. Hiện tại, con số này đã tăng lên tới khoảng 500-600 khách/ngày. Những ngày cuối tuần, quán mì cay của Ân có thể đón khoảng gần 1.000 khách hàng là chuyện thường.

Đi qua thời hoàng kim của mì cay nhưng quán của Ân vẫn tấp nập người ra vào. Bí quyết là gì? Tôi thắc mắc. Ân nói: “Ân hiểu khẩu vị của người Việt là món ăn phải đậm đà nên bí quyết của mình nằm ở nước dùng độc quyền. Ngoài nguyên liệu tươi ngon, tô mì khi bưng ra bàn vẫn phải sôi ùng ục để khách nhìn thật bắt mắt”. Tại quán, nhiều người rất tò mò về loại nước chấm đi kèm với tô mì, một loại sốt có màu đen xám đặc sánh nhưng rất thơm mùi tiêu và chanh. Ông chủ giải thích đây là món chấm do chính Ân và một người bạn sáng chế từ những nguyên liệu của địa phương, lấy tên là “muối hoa tiêu”. Không chỉ phục vụ cho cửa hàng mì cay của mình, anh còn ấp ủ đưa món chấm này phủ sóng rộng rãi khắp siêu thị.
 
 
Quán của anh phục vụ khoảng 4- 5 loại mì: Từ mì cay kim chi hải sản, kim chi bò, thập cẩm hay bò Mỹ… Giá khoảng 35- 40.000 đồng/tô. Ngoài ra, anh còn bổ sung thêm một số món ăn khác cho hợp thời với giới trẻ, chính vì vậy, quán vẫn luôn đông khách cho đến hôm nay.
 
“Sau khi trừ hết nguyên liệu, mặt bằng… mỗi một tô mì mình lãi từ 5-10.000 đồng. Doanh thu mỗi ngày dao động từ 30-50 triệu đồng/cửa hàng”, ông chủ trẻ chia sẻ.

Tính tới thời điểm hiện tại, chuỗi mì cay của Ân đã phát triển đến 36 chi nhánh. Trong số đó có khoảng 10 chi nhánh Ân có cổ phần, số còn lại hoạt động theo những hình thức nhượng quyền. Thương hiệu mì cay của anh tài xế năm nào giờ phủ sóng khắp các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, An Giang, Bến Tre, Rạch Giá, Long An… Đặc biệt tại Đồng Tháp, quán mì cay có mặt tại hầu hết các huyện Hồng Ngự, Sa Đéc, Lai Vung, Tân Hồng, Tam Nông.
 
Giúp cả nhà đổi đời
 
Nhớ lại những ngày còn làm tài xế vất vả, anh nói chẳng bao giờ nghĩ sẽ có ngày hôm nay: “Sau khi trượt đại học, mình chỉ ước ao xin được việc ở một công ty nào đó gần nhà với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng, đủ ăn đủ tiêu, chưa bao giờ dám mơ đến mức thu nhập như hiện tại”.

Khởi nghiệp với món mì cay không chỉ giúp cuộc sống của anh tài xế thay đổi, việc dám bứt phá ra khỏi vùng an toàn của bản thân còn giúp cả gia đình của anh "đổi đời".
 
“Nhà Ân có ba anh em, mình có một anh trai và một em trai. Điều đặc biệt, 3 anh em sinh cách nhau đúng một năm. Trước đây, anh trai Ân cũng làm lái xe, em trai cũng làm công nhân nuôi trồng thủy sản… Hiện tại thì anh trai đang quản lý chuỗi cửa hàng ở trên Hồng Ngự (Đồng Tháp) còn em trai đang quản lý khoảng 10 chi nhánh cho mình ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.
 
 
“Còn điều gì mà bạn muốn làm ở thời điểm hiện tại?”, tôi đặt câu hỏi. “Mong muốn của mình là xây được nhà cho ba mẹ để có một nơi ở khang trang, đầy đủ hơn. Ngôi nhà sẽ được khởi công trong tháng tới”, vừa nói ông chủ chuỗi mì cay vừa cười!
 
Ánh Mai tổng hợp (Theo Thanh niên)
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×