Khởi nghiệp bằng lòng đam mê

Thứ bảy, 13/04/2019

Anh Vũ Văn Lực ở thôn Kỳ Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) đã bỏ ngang về quê đào ao thả nuôi cá Koi-loài cá được xem như là quốc ngư của Nhật Bản.

1. Kỹ sư bỏ lương cao về quê khởi nghiệp với nghề nuôi cá Koi


Anh Vũ Văn Lực ở thôn Kỳ Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) đã bỏ ngang về quê đào ao thả nuôi cá Koi-loài cá được xem như là quốc ngư của Nhật Bản.

Đang làm việc cho một công ty xây dựng với mức thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, kỹ sư Vũ Văn Lực (30 tuổi) ở thôn Kỳ Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) đã bỏ ngang về quê đào ao thả nuôi cá Koi-loài cá được xem như là quốc ngư của Nhật Bản.

Kỹ sư về quê.... nuôi cá Koi
​​​​​​
Anh Vũ Văn Lực sinh ra và lớn lên tại thôn Kỳ Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng). Sau khi tốt nghiệp khoa kỹ thuật cơ khí, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên vào năm 2012, anh Lực được nhận vào làm việc tại Công ty xây dựng hàng không ACC (thuộc bộ Quốc Phòng) với mức lương 15 triệu đồng/tháng.


Chàng kỹ sư trẻ Vũ Văn Lực bỏ lương cao về quê đào ao thả nuôi cá Koi-loài cá được xem như là quốc ngư của Nhật Bản.

Học hành bài bản, công việc lương cao và ổn định là niềm vui không chỉ của riêng anh Lực mà còn là niềm tự hào của gia đình, làng xóm, những tưởng anh sẽ theo nghề kỹ sư suốt cuộc đời. Ai ngờ, đùng một cái, anh rẽ ngang, bỏ việc về quê nuôi cá cảnh.

Vậy là đầu năm 2017, Lực khăn gói về quê, mặc cho bạn bè “sốc”, rồi gia đình họ hàng ra sức khuyên ngăn. Mặc dù bị nhiều người phản đối, bàn tán xì xầm, cho là bị "chập mạch, ẩm ương" nhưng anh vẫn kiên quyết theo đuổi đam mê, đi theo con đường mình đã chọn, về quê cùng gia đình xây dựng trang trại nuôi cá cảnh.

Nhận thấy, thời buổi kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng lên, đời sống ngày càng khá giả, Lực nhận định, nghề nuôi cá kiểng, nhất là ươm nuôi con cá chép Koi có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nên anh Lực quyết tâm đầu tư công sức và tài chính để xây dựng mô hình nuôi cá chép Koi hiện đại, quy mô lớn.

Để có đất mở trang trại nuôi cá cảnh, anh Lực mạnh dạn thuê 10 mẫu đất trồng lúa kém hiệu quả của thôn Kỳ Sơn để cải tạo thành ao nuôi cá.

Sau khi đã có đất và nắm được kỹ thuật nuôi cá chép Koi trong tay, anh Lực bỏ ra hơn 50 triệu đồng để mua 5 vạn cá chép Koi giống về nuôi thử. Dù mới đưa vào nuôi thử nghiệm nhưng con cá chép ngoại quốc có nguồn gốc từ Nhật Bản này phát triển rất tốt tại quê hương Hải Phòng của anh.


Cá Koi có thể sống tới cả trăm năm tuổi, bình thường nuôi trong hồ nhân tạo nó cũng thể sống tới 25 - 35 năm, trọng lượng của cá Koi có thể lên tới hàng chục kg mỗi con.
​​​​​​
Vừa thỏa niềm đam mê vừa có thu nhập

Sau khi nuôi cá chép Koi được một năm, đàn mỹ ngư của anh Lực cũng đến ngày "gả chồng", nhưng chớ trêu thay bán chẳng có mấy ai mua. Dù anh có đi rong ruổi khắp các đại lý cá cảnh ở thành phố Hải Phòng để chào hàng, nhưng kết quả cũng gần như bằng không. Anh Lực ngậm ngùi quay đầu, chở đàn "mỹ ngư" về với tâm trạng gần như chán nản vì tuyệt vọng.

Cá đẹp thì không bán được mà chi phí thức ăn mỗi ngày lại tăng lên khiến Lực rơi vào tình cảnh trớ trêu. Dù lấy sạch tiền trong nhà và thậm chí đi vay mượn cũng không thể nuôi nuổi đàn mỹ ngư mỗi ngày mỗi lớn, buộc anh phải mang cả sổ đỏ đi cầm cố ngân hàng vay 300 triệu đồng lấy tiền để đổ xuống ao nuôi cá.

“Ngày đó vì không bán được nên chỉ cho ăn cá Koi cầm cự để tìm đầu ra vậy mà mỗi ngày cũng ngốn cả hơn 1 triệu tiền cám. Trông ao cá đẹp ai cũng thích, nhưng vì nuôi chúng quá tốn kém mà tôi phải mang cả sổ đỏ của bố mẹ ra ngân hàng cầm cố để lấy tiền cho đàn cá ăn. Lúc đó chán nản vô cùng, nhiều lúc muốn bỏ nghề”, anh Lực nhớ lại.


Trang trại nuôi cá Koi của gia đình anh Vũ Văn Lực rộng đến 10 mẫu và mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn cá Koi.

Sau khi vay được tiền để nuôi cá, anh Lực lại tiếp tục rong ruổi khắp nơi tìm đầu ra cho đàn cá Koi của mình. Ông trời cũng chẳng phụ công người chịu khó, rồi dần dần, các mối bạn hàng cũng hình thành và việc tiêu thụ cá Koi cũng ngày càng thuận lợi. Rồi lứa cá chép Koi anh thả nuôi đầu tiên cũng có khách mua hết và tiếp tục đặt mua với số lượng lớn.

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, anh Vũ Văn Lực cho biết, hiện cơ sở của anh mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn cá chép Koi, mỗi kg cá chép Koi có giá trung bình 250 ngàn đồng. Sau khi trừ hết chi phí gia đình anh lãi khoảng 500 triệu đồng.

Lực cho hay, trung bình một năm nuôi được 2 lứa cá Koi, mỗi lứa nuôi từ 4-5 tháng là cá đạt trọng lượng khoảng 400g, lúc này có thể xuất bán được. Cá Koi nuôi càng lâu và có trọng lượng càng lớn thì có giá trị kinh tế càng cao.

“Nuôi cá chép Koi khá đơn giản và kỹ thuật nuôi cá Koi giống như nuôi các loại cá chép khác của Việt Nam nhưng giá bán lại cao gấp 3-4 lấn so với cá chép bình thường nên cho hiệu quả kinh tế rất cao “, anh Lực tiết lộ.


Nhờ nuôi cá Koi mà mỗi năm anh Lực bỏ túi khoảng 500 triệu đồng.

Theo anh Lực, cá Koi thuộc hạng mỹ ngư trong thế giới cá cảnh, biểu trưng cho sự giàu sang, may mắn, trường thọ. Trên thế giới có khoảng 70 dòng cá Koi. Trong một đàn cá Koi bao giờ cũng có một con cá thủ lĩnh dẫn đầu (gọi là dòng Chagoi). Các cá thể cá Koi trong đàn phải đủ ít nhất 3 màu sắc là đen, đỏ và vàng, bởi nó biểu trưng cho sự hài hoà âm - dương. Những con cá Koi đạt chuẩn có giá hàng trăm, thậm chí hàng ngàn đô la 1 cặp.
 

2. 8x khởi nghiệp với giấc mơ nuôi cá rồng làm giàu


Từ những thành công bước đầu, chàng trai mê loài cá “đế vương” đang ấp ủ kỳ vọng tìm chỗ đứng cho ngành cá cảnh Việt trong thị trường quốc tế.

Yêu thích cá rồng rồi trở thành đam mê, cho tới khi thử sức và thành công nuôi cá rồng sinh sản. Đó là câu chuyện về cái duyên với loài cá “đế vương” của Trần Thanh Nghị, chàng trai sinh năm 1989 với trang trại cá rồng ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Cái duyên với cá rồng
​​​​​​
Chàng trai 31 tuổi, Trần Thanh Nghị cho biết, mình may mắn được làm quen với loài cá rồng đã hơn hai chục năm. Vào khoảng năm 1995, một người bạn tặng cho bố anh một con thuộc loại kim long hồng vĩ, lúc ấy cũng chẳng biết con cá quý đến mức nào, chỉ nghe bố mẹ bảo có giá bằng 2 chiếc xe tải. Nhưng với cậu bé hơn 6 tuổi, ấn tượng lúc đó chỉ là một loài cá lạ và đẹp, đẹp hơn những loài cá cảnh cậu thường được nhìn thấy.


Trần Thanh Nghị với trang trại nuôi cá rồng sinh sản tại Trảng Bom, Đồng Nai

Đến năm 20 tuổi, Trần Thanh Nghị mới thực sự bị cuốn vào niềm đam mê cá rồng. Thời điểm đó, phong trào chơi cá rồng ở Việt Nam đang phát triển mạnh, Nghị bắt đầu tìm hiểu tới những giống cá rồng khác. Từ con kim long hồng vĩ đầu tiên của bố, những bể cá trong nhà cũng dần nhiều lên với những giống đẹp và đắt đỏ hơn như: hồng long, quá bối, cho tới những con có giá trị hàng chục triệu đồng như: kim long, huyết long.

Từ năm 2013 – 2014, Trần Thanh Nghị đã có tới 50 bể cá lớn nhỏ với hơn 100 con, tất cả đều là cá rồng. Vì lòng đam mê cá, đến nỗi anh còn đầu tư một hệ thống camera chỉ để… ngắm cá qua mạng khi phải xa nhà.

Học xong đại học ở Việt Nam ngành quản trị kinh doanh, Nghị tiếp tục xuất ngoại, du học tại Malaysia. Ở một những quốc gia hàng đầu về nuôi và xuất khẩu cá rồng, với niềm đam mê sẵn có, Trần Thanh Nghị thường đến những trang trại của người bản xứ, học hỏi được nhiều điều về cách nuôi, chăm sóc và đặc biệt là cho cá rồng sinh sản. Với khí hậu, nguồn nước tương đồng và biết rằng Việt Nam cũng có cá rồng trong tự nhiên, đặc biệt là lưu vực sông Đồng Nai, La Ngà và Vườn quốc gia Cát Tiên, nên Nghị tự đặt câu hỏi: Người Mã Lai làm được, vậy người Việt mình có làm được không?

“Có lẽ là do đam mê. Đam mê rồi mình tìm tòi. Con cá nào cũng vậy, nó sinh trưởng rồi thì sẽ tới thời kỳ sinh sản. Mình đam mê, tìm hiểu về nó, và mình có một vài cơ sở vật chất để mình thả thử nghiệm, thì mới có được một vài kết quả như thời điểm bây giờ”, Trần Thanh Nghị chia sẻ.

Mơ về nền “công nghiệp” cá cảnh Việt

Du học xong và trở về Việt Nam, Trần Thanh Nghị bắt đầu thử nghiệm nuôi cá rồng trong môi trường tự nhiên, và “thử” cho cá sinh sản. Lúc này, gia đình có một trang trại rộng khoảng 7,5 hecta tại xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, trong đó có một số ao nước khoảng 2 hecta, trước đây vốn là hầm khai thác đá với độ nông sâu khác nhau. Nghị quyết định lựa chọn những con cá rồng “xấu nhất”, ít giá trị nhất thả thử nghiệm. Mất nhiều tháng ròng, chàng trai sinh năm 1989 loay hoay kiểm tra sức khỏe cá, đo độ nông sâu của ao, nhiệt độ môi trường, nồng độ PH, đo lượng mưa, tìm giải pháp về nguồn nước trong những tháng mùa khô…

Ban đầu chỉ vài con, rồi dần dần lên tới 30, 40 con cá rồng các loại được thả nuôi trong ao. Sau khoảng hơn 2 năm thử nghiệm, trong ao xuất hiện cá rồng con, vậy là Nghị biết, cá rồng hoàn toàn có thể sống tốt và quan trọng hơn có thể sinh sản trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam.


Trần Thanh Nghị đang ấp ủ kỳ vọng tìm chỗ đứng cho ngành cá cảnh Việt trong thị trường quốc tế


Sau đó, những kế hoạch về việc nhân giống cá rồng bắt đầu được Trần Thanh Nghị đưa vào triển khai đại trà. Trong ao nước vốn là hầm khai thác đá trước đây, các chỉ số môi trường đều cho thấy phù hợp với đặc tính sinh học của loài cá này. Nghị cho biết, mình có phần may mắn bởi khu ao này có các hốc đá hình thành trong quá trình khai thác và nhiều cây cối xung quanh, rất phù hợp với cá sinh sản.

Hiện trong ao có những cá thể huyết long khoảng 12 đến 13 tuổi, giá trị hàng trăm triệu đồng và nhiều giống quý khác như hồng long, kim long, ngân long… Cứ khoảng 3 tháng trang trại của Nghị xuất bán một lứa cá giống các loại, cung cấp cho các đại lý trong khu vực và cả khách lẻ với giá trị không thua kém cá nhập khẩu. Số tiền bán cá giống mỗi lứa lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng đều được quay vòng tái đầu tư cho ao cá. Nghị dự kiến thời gian tới sẽ mở rộng phần lớn diện tích 7,5 hecta trang trại gia đình tiếp tục vừa đầu tư, vừa thử nghiệm cho cá rồng sinh sản trên quy mô lớn hơn, đồng thời cải thiện chất lượng giống cá.

“Đối với dòng cá cảnh này, khi phát triển theo đường lối công nghiệp sẽ có giá trị cao hơn nhiều so với cá thịt. Nếu có đường lối phát triển một cách rõ ràng, mình kỳ vọng vào một thời điểm nào đó trong tương lai, những con cá giống của mình khi ra thị trường nó sẽ ngang ngửa với những quốc gia đầu ngành”, Trần Thanh Nghị cho hay.

Dù sản lượng cá chưa nhiều, nhưng việc nuôi thành công cá rồng sinh sản có thể coi như một bước tiến lớn đối với ngành nuôi cá rồng tại Việt Nam. Bởi từ trước tới nay, cá rồng được biết đến như là một loài cá nhập khẩu hoàn toàn. Rất ít người trong nước có thể nhân giống hay nuôi cá sinh sản được.

Có những thành công ban đầu nhưng Trần Thanh Nghị chưa dừng lại mà anh đang ấp ủ những ý tưởng lớn lao hơn, về một “nền công nghiệp” cá cảnh Việt Nam. Bởi theo anh, nước ta có thế mạnh về thủy sản nhưng chưa tập trung vào ngành sản xuất cá cảnh. Thế nên, từ những thành công bước đầu, chàng trai mê loài cá “đế vương” đang ấp ủ kỳ vọng làm sao “nâng tầm”, tìm chỗ đứng cho ngành cá cảnh Việt trong thị trường quốc tế./.
 

3. Nhóm 9X khởi nghiệp với nông sản sạch từ vườn quê lên kệ phố


Từ bỏ một công việc ổn định, nhóm 9X khởi nghiệp với dự án mở cửa hàng kinh doanh nông sản sạch, làm cầu nối từ vườn người nông dân đến tay khách hàng ở thành phố.

Đưa nông sản sạch từ vườn nông dân về thành phố

Đến của hàng “Tiệm rau của Ba” của anh Nguyễn Anh Thảo (sinh năm 1991 tuổi, quê Quảng Nam) nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP HCM) mọi người cảm nhận được việc trưng bày rau, củ, quả giống một góc chợ quê. Các mặt hàng ở đây được chủ tiệm gói bằng lá chuối xanh và đựng trong rổ tre trông khá giản dị, đẹp mắt và vô cùng thích thú.

Để có được cửa hàng này, anh Thảo cùng 2 cộng sự của mình là chị Nguyễn Thị Tố Nga (sinh năm 1991) và anh Nguyễn Đức Thuận (sinh năm 1999 ), cùng quê  đã bỏ công việc ổn định tại một công ty lớn, có mức lương khá ổn định.


Chủ của hàng nói không với túi nilông, góp phần bảo vệ môi trường.

Anh Thảo cho biết, xuất phát từ ý tưởng làm cầu nối đưa nông sản sạch từ vườn người dân đến với người dân tại TP.HCM, nhóm đã phải dày công đi tìm nguồn sản phẩm sạch.

Trong 3 tháng liền (từ 6 - 9/2018), nhóm phải nhiều ngược xuôi từ TP HCM lên chợ đầu mối Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), rồi về các vườn của người dân ở Đà Lạt để nguồn hàng có giấy chứng nhận đạt chuẩn, sản xuất đúng quy đình về nông sản sạch.


Một góc trưng bày rau, củ, quả được gói bằng lá chuối xanh tại cửa hàng anh Thảo.

“Khi bắt tay vào làm, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn từ vốn, nguồn sản phẩm và tìm kiếm khách hàng…Nhưng cái khó khăn lớn nhất là chất lượng nguồn hàng nông sản. Khi nông sản mình có đảm bảo sạch, chất lượng thì khách hàng mới tìm đến của hàng để mua”, anh Thảo chia sẻ.

Khi tìm được nguồn nông sản sạch, 12/2018, nhóm 9X này cho ra đời với cửa hàng nông sản sạch với tên “Tiệm rau của Ba”.

“Trước khi bắt tay vào làm, chúng tôi đã tìm hiểu nhiều dự án khởi nghiệp từ nông sản, nhưng ít có dự án thành công. Bởi kinh doanh nông sản sạch phải cạnh tranh từ khách hàng, giá cả và thị phần hàng hóa từ siêu thị và các chợ truyền thống”, anh Thảo cho hay.

“Còn nếu bảo quản không tốt có thể dẫn tới “sáng thì rau, chiều thành rác”, hao hụt rất nhiều” chị Nga chia sẻ thêm. 

Nói không với túi nylon

Dù khởi nghiệp với đồng vốn khoảng 150 triệu đồng, nhưng nhóm 9X này đã có ý tưởng vô cùng táo bạo. Đó là nhóm đã hướng đến việc sử dụng túi giấy kraft để đựng sản phẩm thay vì dùng túi nylon đại trà như hiện nay. Túi giấy vừa thân thiện, dễ sử dụng và giảm thiểu tác hại của túi nylon, góp phần bảo vệ môi trường.


Cùng với việc gói mặt hàng bằng lá chuối, cửa hàng này cũng dùng bao bì giấy thay vì túi nylon.
​​​​​​
“Lúc bắt tay vào kinh doanh, chúng tôi đã nói không với túi nylon mà thay vào đó tự làm mẫu bao bì bằng túi giấy kraft để dựng thực phẩm. Dù lúc đầu khách hàng hơi bỡ ngỡ nhưng thời gian sau mọi người ủng hộ và khuyến khích”.

Anh Thảo cho biết, việc sử dụng túi giấy kraft giá thành cao gấp 10 lần so với dùng túi nylon. “Mỗi túi giấy kraft có giá từ 1.500 – 2.000 đồng, tuy nhiên giá cả trên mỗi sản phẩm cửa hàng sẽ có giá thấp hơn hoặc bằng với so với thị trường”.

Cùng với đó, cửa hàng anh Thảo cũng bắt kịp xu thế khi những ngày gần đây một số siêu thị tại TP HCM đã thử nghiệm gói các mặt hàng nông sản, rau củ quả bằng lá chuối tươi.


Các mặt hàng nông sản được trưng bày vào các rỗ tre gợi nhớ về một góc chợ quê xa xưa.

Để những tàu lá chuối xanh và đảm bảo vệ sinh, lúc đầu nhóm đã cử người xuống tận Long An cắt mang về gói. Tuy nhiên việc đi lại hàng ngày trên quảng đường xa, nhóm quyết định mua lá chuối ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) với giá 25.000 đồng/kg, mỗi ngày nhóm phải mất vài trăm ngàn đồng cho việc mua lá chuối để gói hàng.

Cho dù chi phí từ việc dùng túi giấy kraft đến mua lá chuối xanh để gói hàng là rất cao, nhưng nhóm vẫn quyết tâm làm theo như mục ban đầu là không sử dụng túi nylon để gói hàng.

 “Nhiều khách hàng cùng có chung một cảm nhận, khi nhìn các loại rau được gói bằng lá chuối tự nhiên thấy thân thiện, cảm giác như rau củ vừa được hái rồi tiện tay lấy lá chuối quấn lại ngay vườn nhà”, chị Nga chia sẻ cho hay.

Sau hơn 4 tháng kinh doanh, mỗi ngày cửa hàng này cung cấp khoảng 30 – 40kg các loại rau củ quả đến tay người tiêu dùng.

“Trừ tất cả chi phí từ nhập hàng, mặt bằng, tiếp thị…của hàng chưa có lợi nhuận. Tuy nhiên, thời gian gần đây lượng khách hàng đã tìm đến cửa hàng tăng nhanh. Chúng tôi hi vọng thời gian tới sẽ có lợi nhuận và có thể đầu tư thêm một 1 số nông sản sạch khác, để làm phong phú sản phẩm cho cửa hàng”, anh Thảo cho biết.
 

4. Khởi nghiệp từ cỏ lúa mì


Nhận biết được lợi ích từ loại cỏ lúa mì, nhiều bạn trẻ đã sáng tạo ra những mô hình khởi nghiệp để đưa loại thực phẩm này đến gần hơn đến cộng đồng.


Đại với sản phẩm sô cô la xanh độc đáo và sữa từ cỏ lúa mì; Ảnh: Nữ Vương

Sô cô la xanh độc đáo

Chứng kiến bệnh tình của mẹ và những người khác phải vật vã chiến đấu với các căn bệnh ung thư, chàng trai Hậu Giang đã quyết tâm thay đổi thói quen chăm sóc sức khỏe mỗi ngày cho người dân Việt.

“Nhiều người nghèo khó, suốt đời chỉ biết kiếm tiền rồi cuối đời lại phải bơm tiền vào bệnh viện mà cũng không mua lại được sức khỏe. Chính vì thế, mình muốn tạo nên thói quen chăm sóc sức khỏe mỗi ngày cho mọi người”, Trần Đại, chủ nhân dự án Khu vườn của mẹ, nói.

Điều này đã thôi thúc Đại nghiên cứu ra những sản phẩm từ lúa mì tốt cho sức khỏe người dùng. Đó là những thanh sô cô la có thể bỏ trong tủ lạnh và ăn hằng ngày, là những ly sữa từ bột lúa mì… Anh chàng này muốn biến việc chăm sóc sức khỏe trở nên đơn giản nhất, ai cũng có thể làm được, không quá nặng nề, không quá tốn thời gian mà chỉ là như ăn một viên kẹo thư giãn mỗi ngày.

Lý giải về cái tên mộc mạc, gần gũi của dự án, Đại kể: “Ngày xưa mẹ hay sử dụng nhiều loại cây cỏ cho mình dùng và cho mẹ nữa. Mình luôn muốn có một khu vườn với đầy đủ cây thuốc, cây ăn trái bốn mùa. Đặc biệt, “Khu vườn của mẹ” luôn muốn tạo ra các sản phẩm sức khỏe và mang tình cảm ấm áp của gia đình”.

Hiện tại, từ cỏ lúa mì Đại làm thành những viên sô cô la Mascon xanh độc đáo, sữa thực vật và sản phẩm bột cỏ lúa mì.

Để làm được điều mà chưa ai từng làm, Đại đã gặp rất nhiều khó khăn, bao nhiêu tiền đều đổ dồn vào nghiên cứu và nguyên liệu. “Nguyên liệu muốn mua cũng không có nhiều, phải mua hạt giống để trồng thử nghiệm với khí hậu nắng nóng của miền Nam. Có được quy trình thì phải nghiên cứu cách xử lý nguyên liệu tươi thành nguyên liệu thứ cấp rồi lặp quy trình. Khi có được nguyên liệu thứ cấp rồi phải làm sao cho ra được viên sô cô la ngon; trong quá trình đó nguyên liệu hư phải bỏ rất nhiều. Hết nguyên liệu lại phải tích góp tiền mua tiếp để thử nghiệm sản phẩm…”, Đại nói.

Những sản phẩm của Đại đã được kiểm định an toàn chất lượng tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 TP.HCM.

Trồng cỏ lúa mì bằng hình thức thủy canh
​​​​​​
Cũng mong muốn chinh phục được loại cỏ lúa mì, hai sinh viên Nguyễn Hữu Tuấn và Lâm Thị Mỹ Ngọc, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đã nghiên cứu nhiều phương pháp để trồng loại cỏ này đạt năng suất cao.


Tuấn nhận giải đặc biệt với mô hình khởi nghiệp của mình

“Với niềm đam mê nông nghiệp, tụi mình đã tìm tòi học hỏi và nghiên cứu những điều mới và sáng tạo, những điều mà người khác chưa làm. Tụi mình biết được mầm lúa mạch không chỉ là nguồn nguyên liệu cho các dạng thực phẩm chức năng mà còn làm mỹ phẩm. Nguồn dinh dưỡng tuyệt vời có trong mầm lúa mạch giúp hỗ trợ quá trình điều trị nhiều căn bệnh dễ mắc nhưng khó điều trị, thế nhưng hiện nay người Việt vẫn còn xa lạ với loại thực phẩm này. Từ những lý do trên mà dự án trồng và phân phối cỏ lúa mì của tụi mình ra đời”, Tuấn nói.

Hiện nay, nhóm đã nghiên cứu và trồng thành công giống cỏ lúa mì theo phương pháp thủy canh.

Tuấn cho biết nghiên cứu áp dụng mô hình thủy canh để tiết kiệm chi phí về nguyên liệu trồng như giá thể, nhân công và quy trình xử lý chất thải. Bên cạnh đó, khi trồng bằng hình thức này, tỷ lệ nảy mầm cũng sẽ cao hơn và rút ngắn được thời gian trồng.

“Đầu tiên mình thấy ở trên thế giới đã có nơi trồng bằng hình thức không có giá thể, lúc đó mình nảy ra ý tưởng thử nghiệm trồng thủy canh. Hơn nữa, lúa là loài ưa nước, khi sử dụng phương pháp thủy canh, đến lúc thu hoạch cắt và thu phần lá thì có thể sử dụng phần hạt và rễ để nghiên cứu tạo ra sản phẩm khác như nước ép đóng chai, bột đắp mặt, hoặc trà… Bởi khi phát triển ở 15 - 20 cm thì thành phần chất dinh dưỡng trong hạt vẫn còn khoảng 40%”, Tuấn chia sẻ.

Tuấn cho biết lúc đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn vì khi trồng theo quy trình, những hạt không nảy mầm sẽ bị mốc do vi sinh vật tấn công, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng an toàn thực phẩm của cỏ lúa mì.

“Sau nhiều lần nghiên cứu thì mình nhận ra đây cũng là một loại rau mầm, nếu độ ẩm rau mầm trên 50% sẽ bị úng ngang thân và làm cho vi sinh vật phát triển. Chính vì vậy mình kết hợp các kỹ thuật công nghệ để có thể kiểm soát được độ ẩm bằng cách dùng quạt hút để giảm độ ẩm xuống, và quan trọng là cỏ lúa mì không phải lúc nào cũng bơm nước liên tục, mà phải bơm đúng thời điểm và đúng lượng nước cần thiết”, Tuấn chia sẻ cặn kẽ.

Với ý tưởng độc đáo này, nhóm của Tuấn cũng đã xuất sắc giành giải đặc biệt tại cuộc thi “Khởi sự kinh doanh nông nghiệp” do Trường ĐH Nông Lâm phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM và Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ VN tổ chức.
 

5. Khởi nghiệp với nghề làm bánh không phải “màu hồng”


Nhưng hành trình đến với nghề của Minh Hiển cũng cho thấy, từ sở thích đến theo đuổi và trở thành người làm bánh chuyên nghiệp là một khoảng cách rất xa.

Được đào tạo bài bản ở những cái nôi của ngành bánh ngọt, tốt nghiệp xuất sắc và sáng lập thương hiệu riêng, Nguyễn Minh Hiển là hình mẫu của nhiều bạn trẻ muốn theo nghề làm bánh. Nhưng hành trình đến với nghề của anh cũng cho thấy, từ sở thích đến theo đuổi và trở thành người làm bánh chuyên nghiệp là một khoảng cách rất xa.


Nguyễn Minh Hiển tại tiệm bánh Le Petit Roland do chính mình sáng lập.

Nghề làm bánh không phải “màu hồng”

Vẻ ngoài đáng yêu của những chiếc bánh ngọt tráng gương hoàn toàn đối lập với quá trình gian khổ để những người thợ bánh tạo nên chúng.

Lan Hà, chủ tiệm bánh ngọt Fleur de Lait (Hà Nội), chia sẻ, nếu muốn trở thành thợ bánh sau khi xem những thước phim đẹp lung linh về nghề bánh, thì bạn nên bỏ cuộc luôn từ bây giờ.

Vì đằng sau những thước phim ấy, theo Lan Hà, là một thực tế vô cùng khốc liệt.

“Khi xem các cảnh quay về thợ bánh, công việc có vẻ rất nhẹ nhàng, nhưng không ai cho bạn thấy, phía sau đó là hàng chục năm rèn luyện; là những tháng năm đứng và chạy mười mấy tiếng mỗi ngày, đến cuối ngày, chân bạn không còn là của mình; là khi chân tay bạn đau rã rời vì quấy hàng chục kilogram kem; là rất nhiều mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cả máu...”, Lan Hà chia sẻ.

Hành trình để chàng trai Nguyễn Minh Hiển (sinh năm 1992) đến với nghề bánh ngọt và mang loại bánh ngọt trái cây mới nổi về Việt Nam cũng vậy.

Với Hiển, để thành công, đòi hỏi cả sự khẩn trương và kiên nhẫn. Khẩn trương trong từng nỗ lực và kiên nhẫn đợi chờ kết quả.

Theo học chuyên ngành ẩm thực ở Trường cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn, đến năm 2013, Hiển chuyển tiếp sang học tại Culinary Arts Academy (Học viện Nghệ thuật ẩm thực Thụy Sỹ), ngành quản lý nhà hàng, khách sạn. Thời gian học tại đây, Hiển dường như bị mê hoặc bởi ngành bánh.

“Đứng ngoài cửa xem các bạn thực hành trong bếp, thích quá, tôi giả chữ ký của bố mẹ để làm đơn xin chuyển sang học ngành nghệ thuật sô-cô-la và bánh ngọt”, Hiển nhớ lại lần nói dối đã đưa anh đến quyết định bước ngoặt của mình.

Sau khi tốt nghiệp, tự thấy cần trau dồi thêm về chuyên môn, Hiển tiếp tục đến Học viện Le Cordon Bleu (Pháp) - một trong những trường danh tiếng bậc nhất thế giới về ngành giáo dục nhà hàng, khách sạn, du lịch, ẩm thực - để theo học ngành bánh, thay vì trở về Việt Nam mở tiệm bánh ngọt.

“Được học những kiến thức căn bản, thực tập thường xuyên tại trường ở Thụy Sỹ, nên khi học tại Le Cordon Bleu, tôi tiếp thu kiến thức khá dễ dàng”, Hiển nói và cho rằng, đây là lý do giúp anh đạt kết quả tốt nghiệp cao nhất về lý thuyết và đứng thứ 2 tại Le Cordon Bleu trong môn thực hành.

Sau khi tốt nghiệp Le Cordon Bleu, bố mẹ Hiển muốn anh tiếp tục thực tập tại một vài tiệm bánh ở Pháp 4 - 5 năm, trước khi quay trở về Việt Nam và tự kinh doanh. Nhưng khác với lần trước, Hiển trở về nước ngay lập tức vì cho rằng, đây chính là thời điểm thích hợp nhất để khởi nghiệp.

“Mang loại bánh trái cây của Chef (đầu bếp) Cédric Grolet, đầu bếp bánh ngọt hàng đầu thế giới năm 2017 về Việt Nam là hoài bão của tôi. Nếu chậm trễ, tôi không thể trở thành người đầu tiên ở Việt Nam khi nhắc đến loại bánh này được nữa”, Hiển nhớ lại quyết định về nước và mở tiệm bánh Le Petit Roland vào cuối năm 2017.

Tự tạo nên bí quyết

Quãng thời gian được đào tạo tại Le Cordon Bleu không chỉ dạy Hiển những kỹ thuật làm ra những chiếc bánh ngọt ngon nhất của Pháp, mà còn tạo nền tảng để anh trở thành một doanh nhân.

Lúc nhỏ, Nguyễn Minh Hiển chỉ ước được tự tay làm chiếc bánh kem bơ tặng ba mẹ mỗi dịp sinh nhật. Bây giờ, anh đã có thể làm được nhiều hơn thế. Bánh trái cây được xem là sản phẩm đặc trưng nhất của Hiển cũng như của tiệm bánh Le Petit Roland. Mỗi chiếc bánh trái cây của Le Petit Roland có giá 130.000 - 160.000 đồng, tùy kích cỡ và loại quả.

Hiện tại, Le Petit Roland có nguồn doanh thu ổn định từ bán lẻ tại tiệm và cung cấp cho 7 đối tác là các nhà hàng cà phê, bánh ngọt tại TP.HCM. Tuy nhiên, để có được điều đó, Hiển cũng trải qua bước khởi đầu đầy khó khăn. Có những lúc, cả ngày, chỉ có 2 khách vào tiệm mà không mua một cái bánh nào. Tình trạng lỗ kéo dài, nhiều khi Hiển cũng muốn bỏ cuộc, nhưng mẹ anh đã động viên để anh tiếp tục bám trụ.

“Tôi không nghĩ 100% người Việt Nam sẽ thích loại bánh này, có lẽ chỉ khoảng 50%. Nhưng ở 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội, chắc chắn sẽ có rất nhiều khách nước ngoài ưa chuộng”, Hiển chia sẻ.

Đây cũng là lý do tiệm bánh Le Petit Roland được đặt tại đường Ngô Văn Năm (quận 1, TP.HCM), khu vực có nhiều người Nhật Bản và Hàn Quốc thường xuyên lui tới.

Nghe Hiển miêu tả các công đoạn làm ra những chiếc bánh ngọt trái cây 4 lớp, khó có thể tưởng tượng rằng, một chiếc bánh được làm nên bởi sự công phu và tỉ mỉ đến vậy.

Thực tế, Hiển không thể tham dự lớp học của Chef Cédric Grolet về cách làm bánh trái cây, mà chỉ tự mua sách hướng dẫn về học. Ban đầu, mọi sản phẩm anh làm ra đều không thành công.

“Một bánh ngọt quả táo của Chef Cédric Grolet bán ở khách sạn có giá từ 17 - 20 euro, trong khi giá quyển sách hướng dẫn chỉ có 54 euro. Sau rất nhiều lần không thành công, tôi nhận ra rằng, sẽ không ai chia sẻ bí quyết giá trị nhất, mà chính mình phải tự làm nên bí quyết đó”, Hiển gọi đó là hành trình tự nghiên cứu mà anh đã dành gần 10 tháng, trải qua vô số lần thất bại để giờ đây có thể làm ra một số loại bánh trái cây giống với bánh của đầu bếp Cédric Grolet từ 90 - 95%.

“Khi 4 quả táo đầu tiên thành công, tôi mừng quá và đã vung tay làm rớt cả 4 quả”, Hiển cười vui và chia sẻ, anh sẽ thay đổi nguyên liệu làm ngọt từ đường kính sang mật ong hay đường ăn kiêng Isomalt để phù hợp hơn với nhu cầu đa dạng của khách hàng.
 

6. Cựu sinh viên Điện lực khởi nghiệp với đèn gỗ


Ấp ủ ước mơ trở thành ông chủ, Thắng khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng, với sản phẩm độc lạ kết hợp từ gỗ và đèn...

Tốt nghiệp Đại học Điện lực nhưng Đinh Đức Thắng (sinh năm 1991) không đi theo chuyên ngành mình đã học. Ấp ủ ước mơ trở thành ông chủ, Thắng khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng, với sản phẩm độc lạ kết hợp từ gỗ và đèn...

Xưởng sản xuất của Công ty cổ phần AKZ của Thắng có trụ sở đặt tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ngắm nhìn những chiếc đèn hình hoa sen, hoa cúc, chiếc nơm, cái đó… tôi khá bất ngờ khi được biết những chiếc đèn lung linh, mềm mại đó được tạo nên từ vật liệu thô cứng là gỗ. Thú vị hơn nữa, những chiếc đèn gỗ đó được tạo ra từ bàn tay và trí tuệ của một chàng kỹ sư tự động hóa. Chàng trai có gương mặt thư sinh cởi mở chia sẻ: “Mình chọn tên AKZ vì tham vọng muốn vươn mình tới những dự định lớn hơn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng từ A đến Z cho người tiêu dùng”.

Tốt nghiệp đại học năm 2013, Thắng trải qua 2 năm va vấp trường đời với nhiều ngành nghề khác nhau, từ nhân viên kinh doanh bất động sản, kinh doanh thời trang, bán hàng online đến bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Tích lũy được kinh nghiệm, Thắng bắt đầu ấp ủ mong muốn xây dựng một sự nghiệp của riêng mình với một ý tưởng mang tính đột phá.

Trong một lần đi du lịch ở Mai Châu, Thắng tình cờ nhìn thấy chiếc đèn lồng trong một quán cà phê. Anh nảy ra ý tưởng thú vị sẽ kết hợp giữa đèn và gỗ. Sau một thời gian tìm hiểu sản phẩm tương tự của một số nước, năm 2016 Thắng quyết định bắt tay vào sản xuất đèn gỗ với việc thành lập Công ty cổ phần AKZ.


Đinh Đức Thắng

Đinh Đức Thắng chia sẻ: “Qua internet, mình thấy sản phẩm đèn gỗ khá phổ biến ở các nước phát triển như Mỹ nhưng lại chưa thấy ở thị trường Việt Nam. Quyết định thành lập công ty được cho là một sự mạo hiểm và dũng cảm của Thắng vào thời điểm bấy giờ. Bởi đây là một sản phẩm mới trên thị trường Việt Nam, mặt khác Thắng lại chưa có kiến thức về quản lý doanh nghiệp.

“Thời gian đầu, mình gặp rất nhiều khó khăn, luẩn quẩn trong mớ bòng bong không biết phải bắt đầu từ đâu, làm gì và làm như thế nào” – Thắng tâm sự.

Vốn ít, kinh nghiệm chưa nhiều, anh bắt đầu bằng những que gỗ, sau đó đầu tư máy móc. Thắng dành nhiều thời gian đi đến các vùng nguyên liệu ở Hữu Bằng (Thạch Thất), Long Biên... để tìm hiểu, lựa chọn loại gỗ phù hợp nhất. Với lợi thế là một kỹ sư điện lực chuyên ngành tự động hóa, Thắng đã làm quen với công việc khá nhanh, bắt tay vào thiết kế, sau đó là ứng dụng tự động hóa để tạo hình. Quy trình tự động hóa được lập trình sẵn từ khâu tạo mẫu sản phẩm, thiết kế trên phần mềm 3D, sau đó máy cắt laser sẽ cắt. Bằng sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quy trình sản xuất, sản phẩm đạt chất lượng cao nhưng vẫn đảm bảo về số lượng lớn để cung cấp cho thị trường.

Sau khi giải quyết xong bài toán về sản phẩm, Thắng lại phải đối mặt với việc bán sản phẩm như thế nào. Ban đầu, với quan niệm “khách hàng là những người mua hàng”, anh tìm đến tất cả các cửa hàng, đại lý để xin ký gửi đại trà sản phẩm.

“Tuy nhiên, đây là một sai lầm khi đã lựa chọn sai đối tượng khách hàng. Bởi, muốn làm chuyên nghiệp cần phải xác định lại đối tượng khách hàng, xác định lại mục tiêu tiếp cận khách hàng. Khi khách hàng không phải bỏ vốn ra đầu tư thì họ sẽ không có tâm huyết bán sản phẩm và chỉ coi đó là một cuộc dạo chơi” – Thắng cho hay.

Sau 6 tháng đưa hàng ra thị trường, hàng không bán được, vốn tồn đọng ở hàng trưng bày khá nhiều đã khiến doanh nghiệp của Thắng rơi vào khủng hoảng. Lúc này Thắng mới ngồi lại và rút ra rằng, cần phải thay đổi mục tiêu tiếp cận khách hàng, tìm hiểu kỹ khách hàng trước khi ký gửi sản phẩm.

Theo đó, đối tượng “khách vàng” mà Thắng hướng tới không phải nhóm khách lẻ mà là những nhóm kiến trúc sư, cửa hàng bán đèn và đội thợ thi công. Đây sẽ là những khách hàng tiềm năng, bởi họ là người trực tiếp tiếp cận và định hướng sự lựa chọn cho khách hàng của họ. Khi có nhóm khách hàng chất lượng, lúc này Thắng sử dụng chiến lược tặng sản phẩm cho khách hàng hoặc bán cho khách hàng với giá thấp và luôn trưng cầu ý kiến đóng góp của khách hàng để cải tiến sản phẩm.

Với sự kết hợp giữa 2 thế mạnh đó là giá trị văn hóa Việt trong từng sản phẩm và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, sản phẩm đèn gỗ mang thương hiệu AKZ đã tìm được cho mình chỗ đứng trên thị trường.

Hiện trung bình mỗi ngày công ty có thể sản xuất ra từ 300 – 500 sản phẩm. Công ty đã xây dựng được hơn 20 đại lý ở các tỉnh, thành phía Bắc, tạo công ăn việc làm cho 6 công nhân. Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, Thắng cho biết sẽ tiếp tục nâng công suất lên khoảng 2.000 sản phẩm/ngày và phát triển đại lý ở 63 tỉnh trên cả nước. Mục tiêu xa hơn mà Thắng hướng tới là xuất khẩu sản phẩm đèn gỗ của mình ra nước ngoài.
 
Đông Trần tổng hợp (theo: Khoinghiep/Danviet/VOV)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×