Khởi nghiệp nơi đất khách

Thứ hai, 12/11/2018

Trong khi một số bạn trẻ tại Việt Nam có phong cách rề rà, sáng ngồi đồng quán cà phê rồi mới tới công sở, chiều bỏ về sớm ra quán nhậu thì các bạn trẻ Việt Nam đang bước những bước đầu tiên trong hành trình lập nghiệp nơi đất khách quê người, lại chọn cách làm khác. Hãy nghe họ chia sẻ…
Trong khi một số bạn trẻ tại Việt Nam có phong cách rề rà, sáng ngồi đồng quán cà phê rồi mới tới công sở, chiều bỏ về sớm ra quán nhậu thì các bạn trẻ Việt Nam đang bước những bước đầu tiên trong hành trình lập nghiệp nơi đất khách quê người, lại chọn cách làm khác. Hãy nghe họ chia sẻ…

Anh Thư theo học và làm việc tại Melbourne, Australia đã gần 9 năm. Có thể xem cô cử nhân chuyên ngành tư vấn rủi ro và định phí bảo hiểm này là một trong số ít những bạn trẻ Việt tại Australia may mắn trong bước đầu lập nghiệp. Vừa ra trường, cô gái người Biên Hòa được nhận vào làm ngay tại công ty cô từng thực tập. Anh Thư cho biết, cô tốt nghiệp đúng vào thời điểm công ty thiếu vị trí tư vấn tài chính.

Quản lý công ty ưng Anh Thư vì thái độ cũng như khả năng chuyên môn mà cô thể hiện trong 3 tháng thực tập. Công ty toàn người nước ngoài, đa số là người Australia, nhưng đều là người trẻ nên bầu không khí làm việc rất thoải mái. 8 giờ có mặt ở công ty nhưng quản lý không kiểm soát chặt về giờ giấc. “Công việc nhiều nên sếp em bận rộn lắm, không có thời gian để giám sát nhân viên. Mọi thứ đều được đánh giá dựa trên kết quả và hiệu quả công việc”, Anh Thư chia sẻ.


Còn với Nguyễn Hà Sơn, một cử nhân công nghệ thông tin đang làm việc tại Pháp, những bước đầu khởi nghiệp cũng không gặp nhiều trắc trở. Học được 1 năm tại khoa Toán - Tin ĐH Bách khoa (Hà Nội), Hà Sơn xin được học bổng tại Pháp. Hà Sơn quyết định bỏ việc học tại Việt Nam để theo đuổi đam mê từ nhỏ, một việc làm mà Hà Sơn cho biết khiến “bố, mẹ lo đến mất ngủ”.

Đến nay, Hà Sơn hoàn thành việc học và hiện có công việc ổn định tại một công ty tin học ở Pháp. Theo Hà Sơn, một giáo sư ở trường đại học đã giới thiệu cho cậu công ty này. Người thầy của Hà Sơn quý và để ý đến cậu học trò người Việt vì đức tính chịu khó. Từ đó, ông dìu dắt Hà Sơn trong thời gian học và sau này giới thiệu Hà Sơn chỗ làm.

Anh Thư luôn nhớ về những tuần đầu tiên đi làm của mình. Cô gái 23 tuổi cho biết do đang quen với nếp sinh hoạt của sinh viên, cô cảm thấy mệt mỏi khi “gò” mình 8 giờ trong văn phòng công ty. Anh Thư cho biết phải mất gần 1 tháng cô mới làm quen được với nhịp công việc. Anh Thư cho biết ý thức tự giác, nghiêm túc trong công việc rất quan trọng. Có lần phải đi thi, Anh Thư xin phép quản lý cho cô nghỉ 3 giờ buổi sáng. Mấy ngày sau, cô tự động đi làm sớm để bù lại 3 giờ đã nghỉ. Theo Anh Thư, mọi người trong công ty ai cũng tự rèn cho mình tính kỷ luật trong công việc cũng như tôn trọng thời gian biểu nơi làm việc.

Tuy nhiên, điều làm Anh Thư mất nhiều thời gian thích nghi nhất là khác biệt về văn hóa. Người Australia thích bóng bầu dục và cricket. Nhiều hôm đến nhà đồng nghiệp chơi, mọi người hào hứng xem một trận bóng bầu dục hoặc cricket, trong khi Anh Thư chỉ biết ngồi yên vì không hiểu gì cả. Lúc đó, cô cảm thấy lạc lõng vô cùng. Hay sự khác biệt xuất phát chỉ từ món ăn. “Người nước ngoài không thích mùi mắm nên nhiều khi muốn ăn mắm chưng, ở nhà có, mà không dám mang theo đến chỗ làm”, Anh Thư cho biết.

Hà Sơn cũng cho rằng việc thích nghi, hòa đồng với cuộc sống, văn hóa của người dân bản địa là điều khó khăn nhất khi bước chân vào làm cho một công ty ở nước ngoài. “Chỉ cần vô ý một chút trong lời ăn tiếng nói hoặc hành động có thể dẫn đến hiểu lầm, thậm chí xích mích với đồng nghiệp”, Hà Sơn chia sẻ.

“Có năng lực, giỏi thích nghi, tôn trọng kỷ luật lao động…” là những yếu tố cần có nơi những bạn trẻ chọn làm việc ở nước ngoài.
 

9x khởi nghiệp với mô hình chăm sóc người cao tuổi ở Singapore

 

Tống Nhật Dương cùng cộng sự kết nối lực lượng chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp với người cao tuổi, giúp nâng cao cuộc sống của đối tượng này. 

Hơn 10 năm xa Việt Nam, số lần về thăm nhà của Dương rất ít bởi cuộc sống tại Singapore của chàng trai sinh năm 1991 quá bận rộn. Ngày còn trên giảng đường, ngoài giờ học, anh đi làm thêm, tham gia nhiều hoạt động xã hội. Khi ra trường, Dương đã là đồng sáng lập công ty kết nối chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Homage. Quỹ thời gian ngày càng eo hẹp nhưng anh luôn mô tả cảm giác của mình là “đong đầy” vì theo đuổi con đường mang đến những giá trị ý nghĩa cho cộng đồng. Đầu năm nay, anh có mặt trong danh sách 30 Under 30 của Forbes châu Á. 

Năm lớp 10, khi đang là học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Dương trúng tuyển học bổng toàn phần chương trình hỗ trợ hàng năm của Chính phủ Singapore. Cậu học sinh hoàn toàn bất ngờ với kết quả bởi chỉ nghĩ tham gia ứng tuyển cho vui, thậm chí không biết đó là chương trình gì. 

“Trường mời bố mẹ tôi đến nói chuyện và bảo chuẩn bị tháng sau sang Singapore. Trước đó tôi chưa hề có ý niệm gì về việc đi du học”, Dương nhớ lại.

Hành trang sang nước bạn là vốn tiếng Anh sẵn có từ thời trung học, mọi thứ còn lại hoàn toàn mới trong mắt cậu bé 16 tuổi, từ lối sống, cách sinh hoạt đến trường lớp. Tuy nhiên, Dương nhanh chóng thích nghi bởi môi trường giáo dục cởi mở trong khi anh lại có sở thích ở nhiều môn học như toán, văn, sinh học, giáo dục công dân... Trước ngưỡng cửa đại học, Dương nhận thấy đam mê với những vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh doanh và kỹ thuật nên thi vào Đại học Quản lý Singapore. Lúc đó, ý nghĩ về việc khởi nghiệp cũng chưa từng xuất hiện trong đầu chàng du học sinh.

Dương tự nhận có tính cách dễ thích nghi, chỉ cần thấy cơ hội thì sẽ bước chân vào. Vì vậy ban đầu anh quyết định làm việc tại ngân hàng Singapore mới mức lương mấy nghìn USD một tháng. Trong thời gian này, anh tham gia vài chương trình khởi nghiệp trong trường và bắt đầu cảm thấy hứng thú. 

“Điều quan trọng nhất về khởi nghiệp là bạn cảm thấy dự án của mình đang cố gắng giải quyết một vấn đề của người dùng và rất thực tế”, với ý nghĩ đó, Dương quyết định dừng công việc ở ngân hàng bởi cảm thấy giá trị bản thân mang lại chỉ là một phần nhỏ trong tổ chức lớn. “Tôi không thể nói là cái nào hay hơn bởi mỗi công việc đều giải quyết một vấn đề nào đấy, đó là lựa chọn. Nhưng nếu bắt đầu dự án của riêng mình thì bạn sẽ có đủ sự tự do để xác định cái mình muốn làm, yêu thích và đam mê để có thể tạo tác động cho xã hội”, anh giải thích. 


Tống Nhật Dương nằm trong danh sách 30 Under 30 của Forbes châu Á năm nay. Ảnh: NVCC


Quyết định nghỉ việc không đến tức thời hay một ý nghĩ viễn vông từ trên trời rơi xuống mà còn bởi Dương đã nảy trong đầu một dự án thật sự ý nghĩa xuất phát từ chính gia đình anh với những khó khăn trong chăm sóc người thân lớn tuổi. Anh muốn tạo một nền tảng giúp kết nối những người chăm sóc chuyên nghiệp với nhóm đối tượng đặc thù này để người già được chăm lo sức khỏe tốt nhất, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho gia đình của họ. Nhận thấy sản phẩm phù hợp cho các quốc gia phát triển với dân số già hơn là tại Việt Nam, mặt khác đang sinh sống và làm việc tại Singapore, Dương quyết định khởi nghiệp tại đảo quốc sư tử - một trong những nơi có môi trường khởi nghiệp được đánh giá tốt nhất thế giới.

Chàng trai trẻ cho biết tại Singapore, Chính phủ rất quan tâm và có nhiều hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp startup. Ngay trong các trường đại học đã hình thành các trung tâm khởi nghiệp, không gian làm việc chung được trang bị cơ sở vật chất giúp những người có ý tưởng có thể ngay lập tức hiện thực hóa. “Nếu không có những nguồn lực ấy thì có lẽ tôi đã không thể bắt đầu. Tôi rất cảm kích vì tất cả những điều đó”, anh nói.
Tuy nhiên, dù đã sống nhiều năm tại quốc gia này nhưng Dương vẫn không phải là người bản địa nên sự hậu thuẫn cũng nằm trong những giới hạn nhất định và chặng đường startup đòi hỏi nhiều hơn thế. 

Giữa năm 2015, Dương và cộng sự ra mắt Homage. Đến tháng 3 năm ngoái, dự án nhận được 1,2 triệu USD đầu tư từ quỹ 500 Startup Đông Nam Á, Golden Gate Ventures và SeedPlus. Tháng 12 cùng năm, công ty giới thiệu ứng dụng trên di động cho người dùng. Mùa hè năm nay, Golden Gate Ventures tiếp tục rót vốn cùng một số nhà đầu tư khác trong vòng series A với giá trị 4,15 triệu USD. Tính đến nay, chỉ trong vòng hơn ba năm, Homage đã được đầu tư hơn 5 triệu USD với mục tiêu sắp tới là mở rộng ra các thị trường mới. Startup từng được Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vinh danh tại Lễ quốc gia năm 2017 vì sử dụng công nghệ để “mang đến sự an tâm cho người cao tuổi và gia đình thông qua những dịch vụ chăm sóc theo yêu cầu”. 

Thông qua nền tảng do Dương và cộng sự phát triển, nhiều người cao tuổi tại Singapore nhận được sự hỗ trợ chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp, gia đình họ cũng yên tâm hơn để làm những công việc khác. Nhà đồng sáng lập trẻ tuổi vẫn nhớ câu chuyện về một người vợ mắc phải căn bệnh suy giảm trí nhớ, bà không còn nhận ra chồng của mình. Ở tình huống đó, người thân trong gia đình cảm thấy rất khó chấp nhận, thậm chí là sốc khi bà bỗng nhiên trở thành một người xa lạ. Họ không biết phải giải quyết như thế nào và rất cần sự giúp đỡ.

“Khi có chúng tôi, họ cảm thấy như có thêm một cánh tay nên rất cảm kích. Những phản hồi như thế khiến tôi rất hạnh phúc”, 9x nói đó cũng là lý do mà công ty luôn tìm hiểu rất nhiều thông tin, càng cụ thể càng tốt với hy vọng có thể cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, cải thiện môi trường chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Nhiều khách hàng lớn tuổi thậm chí còn viết thư tay cảm ơn bởi họ không sử dụng công nghệ thông tin. 


Dương cùng các cộng sự tại Homage. Ảnh: NVCC

 
Mặc dù vậy, chàng trai trẻ thừa nhận startup không chỉ toàn những màu hồng như thế, thậm chí những khoảnh khắc xuống dốc chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Ban đầu, Dương luôn phải giải quyết bài toán làm thế nào để với tất cả những nguồn lực hạn chế có thể đưa giá trị của công ty tăng nhanh nhất có thể. Anh thừa nhận ai khởi nghiệp cũng có những giai đoạn khó khăn đến mức muốn bỏ cuộc. Những lúc như thế, Dương thường cố gắng tạo ra những thành quả nhỏ để giúp mình có động lực trong hành trình dài.

“Startup là cuộc chạy đường dài chứ không phải cự ly ngắn, bạn không thể áp dụng chiến thuật chạy 100 m như Usain Bolt mà bung hết tất cả sức lực trong một lúc”, anh diễn giải. Ý nghĩ về một con đường dài hơi đã giúp Dương vượt qua những thời khắc khó khăn khi khựng lại, giảm bớt phần nào nỗi thất vọng, mệt mỏi không tránh khỏi bởi ngay từ đầu đã vạch ra một bức tranh và kỳ vọng rõ ràng về con đường mình đi. 

“Tôi luôn nghĩ rằng nếu tạo ra những cột mốc nhỏ như có khách hàng đầu tiên, khách hàng thứ 10, thứ 100 thì sẽ có động lực nhiều hơn, trong đầu sẽ tự bảo là mình đang đi đúng hướng và từ đó dần dần đạt được những thành quả tốt hơn. Đó là cách đã giúp tôi vượt qua khó khăn”, anh nói thêm.

Khi lần lượt vượt qua những khó khăn ấy, Dương đồng thời cảm thụ niềm vui với từng cột mốc nhỏ. Xây dựng công ty của riêng mình mang đến hạnh phúc khó cưỡng với chàng trai 9x tại nơi đất khách khi anh biết nỗ lực của mình có thể mang lại cho ai đó cuộc sống tốt đẹp hơn. Hiện nay Dương bận rộn cùng cộng sự xây dựng những kế hoạch mở rộng ra các vùng lãnh thổ khác dù Việt Nam hiện vẫn chưa xuất hiện trong bản đồ mục tiêu của dự án bởi đặc thù vẫn là một quốc gia đang phát triển với dân số trẻ chiếm chủ yếu. Tuy nhiên, anh chàng 9x không loại trừ một ngày nào đấy sẽ trở về quê hương cùng Homage hay thậm chí là một dự án hoàn toàn mới. 

Ngoài làm startup, Dương cũng dành nhiều thời gian với vai trò là cố vấn và nhà đầu tư cho một số dự án. Anh thường chia sẻ kinh nghiệm của bản thân để giúp đỡ các công ty khởi nghiệp mới có thể tránh những sai lầm trong giai đoạn đầu và hiểu hơn các khía cạnh như xây dựng mô hình kinh doanh hợp lý, tạo ra doanh thu hay gọi vốn. Chàng trai gốc Phú Thọ hiện đầu tư vào một startup tài chính ở Singapore, cung cấp nền tảng cho việc chuyển tiền quốc tế một cách dễ dàng, an toàn và giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí giao dịch. Anh cũng mong muốn có cơ hội hợp tác và hỗ trợ các startup ở Viêt Nam.

Còn mỗi ngày của những ngày thường nhật bây giờ với Dương chỉ có những mục tiêu đơn giản là “cứ mỗi giờ cung cấp dịch vụ cho người già thì đó là dịch vụ tốt nhất”. Anh giải thích điều này có nghĩa là làm hết sức mình để mỗi giờ người già được phục vụ là tốt và an toàn nhất, người cung cấp dịch vụ phải nồng nhiệt và giúp người cao tuổi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống của họ. “Chỉ cần 1.000 giờ, 100.000 giờ như thế thì mình đã cảm thấy rất mãn nguyện, kết quả tự động sẽ đến”, chàng trai Việt tự tin vào hành trình hơn 3 năm qua tại đảo quốc sư tử.
Minh Hoa tổng hợp (Theo Vnexpress)
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×