Khởi nghiệp nông nghiệp

Thứ năm, 08/11/2018

Khởi nguồn từ nông nghiệp, những chàng kỹ sư đều đã có những ý tưởng đam lại lợi nhuận và kinh tế cho bản thân và xã hội

1. 9 năm theo đuổi nông nghiệp sạch của CEO 8x


Phạm Quốc Liêm chọn làm nông nghiệp sạch lúc khái niệm này còn mới mẻ tại Việt Nam, từng bước xây dựng thương hiệu trong và ngoài nước. 

11h, cơn nắng cực đỉnh của mùa hè miền Nam phả xuống trang trại hơn 411 ha ở Bình Dương. Núp dưới nhà kính kiên cố, những quả dưa lưới không cho thấy dấu hiệu bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Không có gì lạ bởi đây đã là năm thứ 8 tổng giám đốc Phạm Quốc Liêm “chơi đùa” cùng loại trái cây này. Từ khởi điểm khiêm tốn, giấc mơ của anh lớn dần khi diện tích ngày càng lấp đầy với nhiều loại cây mới mà trong đó chủ lực là chuối với tỷ lệ phân phối nội địa và xuất khẩu là 50:50. 

Tốt nghiệp ngành hải quan, có trong tay bằng cử nhân về ngoại ngữ và quản trị kinh doanh, Liêm lại từ bỏ những cơ hội công việc tốt tại thành thị để đến vùng sâu làm nông nghiệp - nơi mà nhiều trí thức cùng thời của anh ngại ngùng với “chân lấm tay bùn” và một viễn cảnh không rõ ràng về tương lai. Nhưng mặc tất cả, Liêm đã xung phong được dấn thân khi nhìn thấy bản thảo dự án “nông nghiệp công nghệ cao” đặt trên bàn ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch U&I Group. 

Câu chuyện bắt đầu vào một ngày mùa thu năm 2009.

Người thầy Israel

Aviel Sade bước giữa những bụi tre ngập đầy nắng của vùng đất Phú Giáo, Bình Dương. Đứng bên cạnh, Liêm giải thích về một mô hình nông nghiệp chưa định hình nhưng đầy hoài bão mà bấy giờ rất cần bàn tay của người đàn ông Israel cùng chung sức. Mảnh đất phía trước một bên trống trơn, một bên toàn tre, không gian hoang sơ và hoàn toàn thiếu bóng dáng con người. Nhưng một sức sống đã nảy lên từ cuộc ghé thăm định mệnh ấy. Aviel Sade quyết định bàn giao trang trại rộng lớn tại quê nhà để ở lại Việt Nam và giúp Liêm hiện thực hóa giấc mơ làm nông nghiệp sạch.

Năm 2009 ấy, sóng điện thoại và wifi là hai thuật ngữ xa xỉ tại vùng đất này. Ngoài một số người dân địa phương, bạn đồng hành của Sade và Liêm là cây cối, đường đất đỏ, sinh lầy. Không điện, không sóng điện thoại, không máy lạnh nhưng chẳng ai kêu ca lời nào bởi từ ngày quyết định chọn con đường này, họ đã lường trước mọi khó khăn và cho đó là thường tình. Họ thuê một căn nhà của người dân địa phương và bắt đầu tuyển nhân công. Tuy nhiên, cứ dăm bữa nửa tháng lại có người xin nghỉ vì giấc mơ của không ít sinh viên nông nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là có một chỗ đứng yên vị tại một viện nông nghiệp nào đó chứ không phải để ra làm nông dân, lái máy cày hay suốt ngày ở trên đồng.

“Chúng tôi chỉ cần những người thật sự yêu nông nghiệp, sẵn sàng ra đồng, nói được tiếng Anh càng tốt, còn có tốt nghiệp ngành nông nghiệp hay không cũng không sao”, anh kể về tiêu chí tuyển người thuở ban đầu.

“Ông thầy” Israel trực tiếp đưa Liêm ra đồng, hướng dẫn cày, xới, quần nát cả cánh đồng, chống nạnh theo dõi từng thao tác của “cậu học trò”. Một tuần 6-7 ngày, mỗi ngày ba bữa, hai người sát cánh như hình với bóng. Lúc chuyên gia nhớ nhà, Liêm cùng ông uống bia, tán gẫu. Lúc Liêm thắc mắc về các quy trình, ông tận tình hướng dẫn như một người thân. Đó là điều mà chỉ cách vài tháng trước người con đất Bình Dương chưa từng tưởng tượng ra. 


Phạm Quốc Liêm - Tổng giám đốc Unifarm. Ảnh: NVCC.
 
 
Aviel Sade là một chuyên gia nông nghiệp nổi tiếng, từng xây dựng thành công nông trại nhà kính trên vùng sa mạc Avara tại Israel mấy thập kỷ trước. Ông từng tham gia quân đội, có lúc làm thị trưởng, hiện là ông chủ của mấy chục ha nhà kính sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đi châu Âu. Liêm muốn nhờ ông giới thiệu một nông dân giỏi để giúp mình trong những bước chập chững đầu tiên. Người đàn ông đến từ “quốc gia khởi nghiệp” không đưa ra một cái tên nào, ông muốn đến Việt Nam để tìm hiểu thực tế những điều mà chàng trai sinh năm 1981 kể cho ông. Vị chuyên gia dường như bắt gặp lại chính mình của cách đây nhiều năm, thời điểm ông là một chàng thanh niên hơn 20 tuổi khởi nghiệp với tất cả đam mê giữa bủa vây khó khăn. Câu chuyện của Liêm với Unifarm đã thuyết phục ông dù lúc này đã hơn 60 tuổi. 

Họ bắt đầu triển khai các mô hình thí điểm, tận dụng công nghệ Israel để trồng cà chua, ớt chuông, dưa lưới. Chỉ sau ba tháng kể từ ngày xuống giống, lứa dưa đầu tiên ngay lập tức đạt tiêu chuẩn GlobalGap vì tất cả khâu triển khai đã tuân đúng quy chuẩn ngay từ đầu. 

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, khái niệm đạt chuẩn quốc tế, hay cụ thể là GlobalGap vẫn còn xa lạ với thị trường Việt Nam. “Khi tôi đưa những quả cà chua đẹp trong nhà kính đến các siêu thị thì họ nói nếu chúng tôi bán bằng giá với những nhà cung cấp khác thì mua, còn không thì thôi vì họ không quan tâm đến các tiêu chuẩn ấy. Rất may là dưa lưới được chấp nhận vì lúc ấy chúng tôi là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên trồng dưa lưới thành công”, CEO nhớ lại. 

Những quả cà chua bị từ chối trở thành món hàng cho không với người dân địa phương bởi không thể tiêu thụ ra thị trường. Liêm quyết định chỉ tập trung toàn lực vào dưa lưới, nhưng thách thức luôn chực chờ thử lửa đam mê.


Dưa lưới là sản phẩm thành công đầu tiên của Unifarm trước khi mạnh dạn thử nghiệm những loại trái cây khác. Ảnh: NVCC.
 
 
Khó khăn bủa vây

“Quỹ đất có 411 ha, nhiệm vụ của tôi là phải tìm được mô hình cây trồng phù hợp với khả năng đầu tư của những trang trại, nông hộ bình thường để có thể chuyển giao. Vì thế, mặc dù dưa lưới thành công nhưng tôi chỉ có thể đầu tư vài ha và nghiên cứu những mô hình khác”, Liêm giải thích. 

Trồng dưa lưới cần phải có nhà kính, trong khi đó đầu tư hạng mục này thời điểm 2009-2010 ngốn hàng chục tỷ đồng cho một ha nên rất khó có thể chuyển giao cho người dân. Bên cạnh đó, mảnh đất nông nghiệp của Liêm thành lập đứng dưới sự cam kết cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương là xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra giá trị cao và sau đó chuyển giao rộng rãi cho các tầng lớp nông dân. 

Liêm và cộng sự tiếp tục bắt tay triển khai những mô hình khác như cà tím, măng tây, các loại rau ăn lá... Thành công và thất bại cứ liên tục nối đuôi nhau, trong khi thị trường không ngừng biến động và giá cả lúc trồi, lúc sụt. Cần một khoảng thời gian dài để chọn cây trồng tốt và thị trường chấp nhận, cần một thời gian khác để mở rộng diện tích lớn, bỏ ra chi phí và trong suốt những khoảng thời gian đó thì phải đứng trước thách thức không có doanh thu. Liêm cho biết tại thời điểm đó, trên thực tế Unifarm có doanh thu nhưng không ổn định. Với mỗi ha nhà kính trồng dưa lưới thì cứ 75 ngày sẽ thu hoạch một lứa, tức chu kỳ có tiền sẽ diễn ra vào khoảng 2 tháng một lần. Trong khi đó, chi phí đầu tư và vận hành cao nên số tiền thu được hầu hết không bù đắp được chi phí.

Anh cho rằng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là đương nhiên trong ngảnh nông nghiệp, kể cả các tiêu chuẩn GlobalGap, điều quan trọng là phải dùng đúng thuốc, liều lượng, cách ly đúng thời gian quy định. Có thời gian Unifarm thử nghiệm cà tím và trong vòng 3-4 tháng dự kiến có thể cho doanh thu 300-400 triệu đồng. Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế thì liên tiếp gặp các bệnh hại, dịch hại từ côn trùng lạ, nếu muốn bảo quản tốt thì phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo tư vấn của khách hàng nước ngoài, trong khi yêu cầu là phải hái quả mỗi ngày để đảm bảo cung ứng cho nhà phân phối, có nghĩa không có khoảng thời gian cách ly nào. Vì vậy, Liêm quyết định từ bỏ vì muốn ứng dụng những gì tốt nhất của thế giới để chuyển biến nền nông nghiệp theo hướng an toàn hơn.

Đến 2011, sau gần 20 lần thử nghiệm, họ đã tìm ra được loại cây chủ lực có thể nhân rộng cho bà con sau này: chuối. Tiềm năng sẵn có khi thích hợp với khí hậu Việt Nam, chuối của Unifarm ban đầu vẫn không tìm được nguồn ra dù có sự hỗ trợ của chuyên gia Israel, công nghệ tưới nhỏ giọt, chăm sóc trái đẹp và đạt chất lượng không thua kém so với quốc gia vốn nổi tiếng xuất khẩu chuối là Philippines. 

“Tôi chỉ có thể bán cho các nhà máy chuối sấy nhưng họ cũng không cần số lượng lớn và đẹp như của mình mà tiêu chí rẻ được đặt lên hàng đầu. Tôi thì muốn làm sản phẩm chất lượng có thể bán ở các kênh hiện đại và phục vụ cho người dân Việt Nam vì Unifarm là đơn vị trồng chuối có chứng nhận GlobalGap đầu tiên và duy nhất của Việt Nam”, anh chia sẻ.

Sau hai năm liên tục thay đổi và cập nhật công nghệ mới, Liêm tự tin liên hệ và chính thức trở thành đối tác của Dole - một trong những công ty sản xuất và tiêu thụ trái cây lớn nhất thế giới có trụ sở chính ở Mỹ. Đến 2016, cuộc hợp tác tiến một bước mới khi Unifarm phát triển dự án 1.000 ha chuối cho Dole, trở thành đối tác độc quyền của hãng ngoại tại Việt Nam. Mặt khác, tại thị trường Việt Nam, công ty có thể bán chuối với cả hai thương hiệu: Dole và Unifarm.

“Nếu dùng Dole thì sẽ có lợi thế hơn để bán hàng nhưng cuối cùng thì cũng không ai biết đến mình. Việc phát triển một nhãn hàng của người Việt cho người Việt là rất quan trọng nên chúng tôi không thể từ bỏ”, anh nhớ lại.

Các điều khoản ấy trở thành rào cản cho cuộc đàm phán hợp tác giữa hai bên, thậm chí có lúc đi đến hồi bế tắc vì không tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì và một số thỏa thuận không được tiết lộ, cuối cùng Liêm và cộng sự đã đạt được ý nguyện về một vị trí trang trọng ở kệ hàng siêu thị, bên cạnh Dole, dù xét về nguồn gốc thì đến từ cùng một công ty với cùng quy trình chăm sóc. 


Hiện chuối là sản phẩm chủ lực của Unifarm, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật, Trung Đông, Trung Quốc và nhiều nhất là Hàn Quốc. Ảnh: NVCC.
 
 
Thách thức không chỉ đến về mặt sản phẩm và sự chấp nhận của thị trường hay đối tác, mà còn đến từ nội bộ nhân sự. Những năm đầu, họ tuyển hàng loạt bạn trẻ với mong muốn chuyển giao kiến thức của chuyên gia Israel nhưng nhiều người không thể trụ lại vì chưa tưởng tượng những khó khăn khi làm nông nghiệp mà chỉ mơ về những viễn cảnh màu hồng. Đến khi tìm được vài người tâm huyết cũng là thời điểm nông nghiệp được quan tâm hơn, nhiều doanh nghiệp lôi kéo người của Unifarm. 

“Mỗi khó khăn đều có giải pháp, vậy thì phải đào tạo nhiều người, có suy nghĩ tích cực rằng Việt Nam cần những người như thế để phát triển, đóng góp cho đất nước, chứ không thể bi quan rằng người ta đến học của mình rồi lại làm cho người khác”, ngoài sự lạc quan ấy, Liêm còn cho rằng khó khăn là cơ hội để làm cái gì đó mới, tốt hơn nên khái niệm bỏ cuộc chưa bao giờ xuất hiện trong tâm trí anh. 

Giấc mơ nông nghiệp tử tế

Không bỏ cuộc cũng bởi Liêm có nhiều cơ hội đi nước ngoài tham quan các mô hình và học hỏi công nghệ hiện đại được sử dụng trong nông nghiệp khắp nơi trên thế giới. Những chuyến đi đã khẳng định mạnh mẽ với anh rằng nếu không được chỉ đơn giản vì mình làm chưa tới, còn thiếu cái gì đó. “Bởi tôi tận mắt chứng kiến thành công của rất nhiều dự án. Nếu sống mãi ở một làng quê nào đó và đầu tư công nghệ rồi thất bại và nản chí thì có lẽ tôi đã bỏ cuộc từ lâu rồi”, anh chia sẻ. 

Đó cũng là lý do mà mỗi năm Liêm đều đặt mục tiêu phải có ít nhất hai chuyến đi trải nghiệm với mong muốn được chuyển giao các kiến thức mới. Với anh, sáng tạo hay đột phá là điều rất hay nhưng trước đó cần phải nghĩ đến chuyện học hỏi những gì các nước tiên tiến có mà mình chưa có. “Trước khi nghĩ làm gì khác hơn thì hãy nghĩ đến việc làm như người ta”, CEO 8x khẳng định. 

Hiện tại chuối vẫn là sản phẩm chủ lực của Unifarm với số lượng phân phối trong nước và xuất khẩu ở tỷ lệ 50:50. Tháng 8 mới đây, công ty cũng vừa xuất khẩu thành công một container dưa lưới đi Singapore. Tổng giám đốc Unifarm thường không thoải mái khi ai đó hỏi đâu là tiêu chí để xuất khẩu, đâu là dành cho thị trường nội địa.

“Tất cả đều cùng một chuẩn. Không lý gì lại có chuyện lấy cái ngon đi xuất khẩu, cái dở để lại trong nước cho người Việt Nam ăn, đây là tư tưởng cực kỳ lạc hậu. Chúng tôi xác định nội địa là thị trường quan trọng vì kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng, người dân ngày càng có nhu cầu sử dụng sản phẩm tốt, từ nhu cầu ăn no trở thành ăn ngon và từ ăn ngon thành ăn khỏe, an toàn”, anh cho biết.

Dù thành công với chuối, nhiều năm qua, công ty luôn tập trung đầu tư song song những loại cây trồng mới. Từ 2013, trang trại Unifarm có những khoảng đất riêng ứng dụng trồng các loại cây có múi như bưởi, cam, quýt theo phương pháp truyền thống của người nông dân Trà Vinh là thả kiến vàng bắt sâu. Với những người làm nông nghiệp, ai cũng hiểu trong tự nhiên không phải động vật nào cũng hại cây mà có thể tận dụng những loại “thiên địch” để giảm thiểu sử dụng phân bón hay thuốc hóa học, bảo vệ môi trường. Công ty cũng đã trồng thành công giống bơ có thể chịu nhiệt và ra trái với khí hậu đặc thù của miền Đông Nam Bộ.


Các loại cây có múi như bưởi, cam... cũng đang được Tổng giám đốc Phạm Quốc Liêm thử nghiệm và sắp tới sẽ tung ra thị trường những lứa sản phẩm đầu tiên. Ảnh: Thành Nhạn.
 
 
Ngồi trước khu nhà ở dành cho nhân viên, dưới bóng mát của tán cây bàng trong một buổi trưa hè nắng gắt, Tổng giám đốc Phạm Quốc Liêm đang nghĩ đến một loạt giấc mơ về những sản phẩm cây trái chất lượng trước nhất là dành cho người Việt. Còn xa hơn chút nữa, anh đã phác thảo sơ bộ về những chuyến du lịch thăm nông trại. Giấc mơ bây giờ đã vượt khỏi những đam mê thiếu thời hay vấp ngã vỡ lòng của 9 năm trước, cái thời anh lao vào chỉ đơn giản là yêu và thích trồng cây. 
 

2. Mô hình nông nghiệp thông minh của kỹ sư 8x


Phạm Cao Kỳ cùng cộng sự sáng tạo nên hệ thống nông nghiệp công nghệ cao giúp người dân trồng nông sản có thể làm chủ nông trại.

Tốt nghiệp Đại học năm 2003 với tấm bằng kỹ sư Cơ điện tử, Phạm Cao Kỳ tự hứa với bản thân: “Nhất định phải tạo ra một sản phẩm có giá trị cho xã hội trước khi tuổi trẻ qua đi”, đồng sáng lập MrFarm - công ty chuyên cung cấp sản phẩm và giải pháp toàn diện về nông nghiệp thông minh nhớ lại.

3 năm ấp ủ cho một sản phẩm

Năm 2015, khi còn là vị trí trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển (R&D) cho một công ty công nghệ Việt Nam, trong chuyến đi nghiên cứu thị trường nông sản, Cao Kỳ cùng hai đồng nghiệp được tiếp cận với nhiều hộ dân nuôi trồng. Anh nhận thấy hầu hết hộ dân làm theo lối thủ công, tự phát là chính, chưa theo quy trình chuẩn. Điều này khiến hộ dân giảm năng suất, khi xảy ra sự cố về cây trồng không có giải pháp xử lý, ngoài ra còn tốn thêm chi phí khi thuê nhân công ngoài.

Với khát vọng tạo cho mình một con đường riêng cộng với niềm đam mê tự động hóa, anh cùng hai cộng sự thân thiết nghỉ việc để bắt tay phát triển hệ thống nông nghiệp thông minh có thể giải quyết những vấn đề trên. MrFarm ra đời từ đó.

Trải qua 3 năm, anh cho ra đời hệ thống MrFarm i4. Đây là sản phẩm dành cho các hộ dân sản xuất nông sản vừa và nhỏ, diện tích 2-15 héc-ta và có thể triển khai được hệ thống tự động hóa ở khâu trồng trọt.
Theo chàng kỹ sư xứ Quảng, sản phẩm giúp cho nhiều hộ dân chuẩn hóa quy trình trồng nông sản (chế độ tưới tiêu thích nghi theo thời tiết, chăm sóc, bón phân chính xác từ giai đoạn cây con đến khi thu hoạch), tự động hóa hoàn toàn khâu nuôi trồng suốt mùa vụ, chống trộm qua điện thoại.

"Với 10 héc-ta trồng xà lách, hộ dân chỉ cần lắp đặt một bộ duy nhất, chi phí khoảng hơn 10 triệu đồng một bộ. Thay vì phải thuê nhân công ngoài tốn khoảng 2,5 triệu đồng mỗi tháng, hộ dân vừa tiết kiệm chi phí vừa cải thiện năng suất lao động", Cao Kỳ chia sẻ.

Một sản phẩm mới tung ra thị trường sẽ gặp nhiều con mắt e dè. Để tạo sự tin tưởng cho các hộ dân, anh cho chứng kiến tận mắt hệ thống của mình hoạt động như thế nào.

"Khách hàng nào cần thì tôi mang tới chạy tại chỗ cho xem. Họ thích thì mình lắp đặt, không ưng thì mình đem về. Chẳng sao cả", anh vui vẻ nói. Ưu điểm nổi bật nhất của hệ thống i4 chính là tưới tiêu thích nghi theo thời tiết. Đây cũng là tính năng mà khách hàng ưa thích khi lắp đặt i4. Theo đồng sáng lập MrFarm, nếu nhiệt độ bên ngoài 25-32 độ C, i4 có thể thiết lập thời lượng tưới nước 5-10 phút, trời mưa thì hệ thống sẽ không tưới.
Không chỉ cung cấp sản phẩm, MrFarm còn tư vấn giải pháp, cách xử lý vấn đề khi hộ dân gặp sự cố về cây bệnh hay bọ phấn, đảm bảo đầu ra chất lượng cho hộ dân.


Phạm Cao Kỳ - đồng sáng lập MrFarm, Ảnh: NVCC
 
 
'Lãnh đạo là phải đi được thăng bằng trên dây'

Ngoài hệ chuyên nông dành cho hộ dân nhỏ lẻ, anh và cộng sự sẽ phát triển thêm hệ chuyên gia MrFarm Agri phục vụ cho các đơn vị sản xuất nông nghiệp lớn, hoặc cho các kỹ sư nông học chuyên nghiên cứu về nông sản đặc biệt.

“Hiện tôi vẫn ưu tiên tập trung cho sản phẩm i4 vì đó là điều thị trường Việt Nam đang cần, bước tiếp theo sẽ là phân phối nông sản”, anh nói.

Điều mà kỹ sư 8x kỳ vọng ở tương lai là người dân được ăn một dĩa rau chất lượng, không lo nhiễm thuốc, biết nguồn gốc của rau, theo dõi từ lúc ươm mầm cho đến khi thu hoạch. “Muốn làm điều đó, tôi và đội ngũ của mình phải xây dựng hạ tầng thật vững, đó chính là hệ chuyên nông i4”, anh chia sẻ thêm.

Mỗi sáng, trước khi bắt tay vào công việc, Cao Kỳ sẽ lướt nhanh qua các báo để nắm bắt thị trường nông nghiệp. Sau đó, anh làm việc với 3 đội khác nhau: đội viết chương trình nhúng, đội về phần cứng, đội về dữ liệu. Để thiết kế ra một sản phẩm hoàn thiện về tự động hóa và công nghệ không dễ dàng. Toàn bộ sản phẩm MrFarm tạo ra đều do đội ngũ của anh nghiên cứu và phát triển.

"Tôi không xem đó là công việc khó khăn, nó cũng như mọi vấn đề hàng ngày cần giải quyết mà thôi. Khó khăn nhất vẫn là làm sao cải thiện sản phẩm của mình ngày một tinh gọn. Sản phẩm có nhiều tính năng mà khách hàng không dùng đến rất tốn công cho đội phát triển", anh nói.

Có những tháng anh chỉ ngủ có hai tiếng chỉ để kịp giao hàng cho khách, nhiều lúc đồng nghiệp làm mệt quá thì anh cũng là người gánh việc. “Người lãnh đạo phải đi được thăng bằng trên dây, đứng vững để tạo động lực cho người phía sau đi theo”, người sáng lập MrFarm chia sẻ.

Đến tháng 10/2018, hệ thống chuyên nông MrFarm i4 chính thức tung ra thị trường. Hiện tại khách hàng chủ yếu của anh là khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Từ đây đến cuối năm, anh và đội ngũ cố gắng hoàn thành 6 mô hình mẫu tại 3 vùng trên.

Hệ thống chuyên nông MrFarm i4 và hệ chuyên gia chỉ mới là bước khởi đầu, thị trường vẫn đang hình thành, nhưng anh tin tưởng vào những điều anh và cộng sự đang làm. “Tạo ra sản phẩm ‘made in Vietnam’, một sản phẩm có giá trị được xã hội công nhận trước khi tuổi trẻ mình qua đi”, anh hào hứng chia sẻ tầm nhìn trong tương lai.
Mai Anh tổng hợp (Theo Vnexpress)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×