Khởi nghiệp thành công ở mọi độ tuổi – Chia sẻ của những nhà nông lập nghiệp

Thứ ba, 12/03/2019

Khởi nghiệp hay lập nghiệp không chỉ dành cho những người trẻ, mà việc khởi nghiệp hay lập nghiệp có thể thành công ở mọi độ tuổi với những con người nghị lực, năng động và dám nghĩ dám làm. Những thành quả lao động của họ đã khẳng định điều đó.
Khởi nghiệp hay lập nghiệp không chỉ dành cho những người trẻ, mà việc khởi nghiệp hay lập nghiệp có thể thành công ở mọi độ tuổi với những con người nghị lực, năng động và dám nghĩ dám làm. Những thành quả lao động của họ đã khẳng định điều đó.
 

1. Khởi nghiệp thành công từ 300 con gà lai chọi làm vốn


Khởi nghiệp từ 300 con gà lai chọi làm vốn, nhận thấy giống gà này cho hiệu quả kinh tế cao, anh Trọng tiếp tục mở rộng mô hình.
 
Nhờ nắm vững kỹ thuật và được đầu tư bài bản, trang trại nuôi gà lai chọi sinh sản của gia đình anh Nguyễn Văn Trọng (xóm 11, xã Kim Tân, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) luôn đẻ khỏe và đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trước khi bén duyên với nghề nuôi gà sinh sản, anh Trọng từng làm cán bộ thú y trong một thời gian dài, trong quãng thời gian đó anh được tiếp xúc nhiều mô hình hay và đồng thời cũng nắm bắt được kĩ thuật chăn nuôi gà trong tay. Từ đó, anh luôn ấp ủ sẽ gây dựng riêng cho mình một trang trại chăn nuôi quy mô.


Nhận thấy thị trường thường xuyên khan hiếm gà lai chọi giống nên đầu năm 2009, anh bắt tay vào gây dựng mô hình nuôi gà lai chọi sinh sản. Trong quá trình nuôi, anh Trọng vẫn không ngừng đi học hỏi kinh nghiệm hay từ các mô hình chăn nuôi gà lai chọi sinh sản thành công khác.


Nhờ nuôi gà lai chọi sinh sản mà mỗi năm gia đình anh Nguyễn Văn Trọng có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Khởi nghiệp từ 300 con gà lai chọi làm vốn, nhận thấy giống gà này cho hiệu quả kinh tế cao, anh Trọng tiếp tục mở rộng mô hình. Sau gần 10 năm chăn nuôi, đến nay quy mô trang trại nuôi gà đẻ trứng của gia đình anh Trọng đã tăng lên tới hơn 16.000 con. Trong đó, gà mái đẻ luôn duy trì khoảng 16.000 con và hơn 300 con gà đực.

Với khoảng 16.000 con gà mái đẻ, trung bình mỗi tuần trang trại của anh Nguyễn Văn Trọng cung cấp ra thị trường gần 2 vạn con gà giống. Với giá gà lai chọi giống trên dưới 11.000 đồng/con, sau khi trừ hết chi phí mỗi năm gia đình anh Trọng có lãi hơn 300 triệu đồng.


Gà lai chọi sinh trưởng phát triển, thích nghi được với cả thời tiết nắng nóng hay lạnh giá.

Dẫn chúng tôi đi thăm quan mô hình nuôi gà đẻ trứng của gia đình, anh Trọng tâm sự, những ngày mới vào nghề anh cũng chỉ nuôi khoảng hơn 300 con gà bố mẹ và vẫn nuôi theo cách truyền thống là thả ngoài vườn. Trong quá trình nuôi, anh nhận thấy cách nuôi này bộc lộ nhiều hạn chế như không thể nuôi với số lượng lớn, nhất là gà đực hay đánh nhau nên không thể nuôi theo cách này.

Sau nhiều lần tính toán, nghiên cứu và tìm hiểu, anh liền chọn phương pháp nuôi con gà lai chọi sinh sản theo mô hình công nghiệp. Đầu năm 2014, anh quyết định mang sổ đỏ của gia đình đi cầm cố và vay mượn được khoảng 2 tỷ đồng đầu tư xây dựng chuồng trại một cách bài bản. Theo đó, để đàn gà phát triển, sinh trưởng khỏe mạnh, anh lắp đặt hệ thống thông gió, dàn lạnh, chuồng nhốt, máng ăn, uống...


Nhờ nuôi gà lai chọi để bán giống mà mỗi năm gia đình anh Trọng thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Những năm đầu nuôi theo phương pháp mới, anh Trọng không khỏi bỡ ngỡ và cũng gặp không ít khó khăn về kĩ thuật nuôi, đặc biệt về kĩ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà.

"Ngày đó, dù đã tìm hiểu khá kĩ về kĩ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy khó, trứng sau khi đi cho ấp tỷ lệ nở không được như ý muốn, dẫn đến không có lãi”, anh Trọng nhớ lại.

Anh Nguyễn Văn Trọng cho hay, giống gà lai chọi có tỷ lệ sống đạt cao, tăng trưởng nhanh, dễ nuôi cũng như chăm sóc, thức ăn tận dụng từ các phụ phẩm của địa phương nên tiết kiệm chi phí, hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều giống vật nuôi khác. Chất lượng thịt của giống gà chọi lai rất ngon, nuôi với trọng lượng vừa phải nên dễ bán.


Cận cảnh mô hình nuôi gà lai chọi sinh sản của anh Nguyễn Văn Trọng ở xóm 11, xã Kim Tân, huyện Kim Sơn.

Gà lai chọi là giống gà sinh trưởng, phát triển, thích nghi được với bất kì thời tiết, môi trường hẹp và mật độ dày nên rất dễ phát triển chăn nuôi tại hộ gia đình. Nếu có điều kiện chăn nuôi quy mô trang trại thì đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Chính vì thế, nhu cầu về con giống của thị trường rất lớn, nhiều lúc gia đình tôi không có gà giống để bán”, anh Trọng tiết lộ kinh nghiệm nuôi gà lai chọi.

Chia sẻ về kĩ thuật giúp đàn gà luôn đẻ khỏe, anh Trọng chia sẻ, chuồng trại nuôi gà cần được vệ sinh hàng ngày, đảm bảo tránh các bệnh tật sinh ra do điều kiện chuồng trại bẩn. Ngoài ra, cần chú ý đến dịch bệnh nên phải thường xuyên khử trùng chuồng nuôi và phòng bệnh, tiêm vaccine đầy đủ cho gà.
 

2. Khởi nghiệp thành công với nghề nuôi chim cút, thu hơn 2tỷ/năm


Mô hình nuôi chim cút đã mang lại thu nhập cao cho hộ gia đình anh Hạ Văn Nam ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), mỗi năm thu về hơn 2 tỷ đồng.

Bám sát xu hướng thị trường, mạnh dạn đầu tư mở rộng chăn nuôi, mô hình nuôi chim cút đã mang lại thu nhập cao cho hộ gia đình anh Hạ Văn Nam ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Từ nuôi hàng vạn con chim cút, mỗi năm gia đình anh Nam thu về hơn 2 tỷ đồng, tạo hướng làm giàu ở nông thôn.

Gia đình anh Hạ Văn Nam là một trong những hộ tiên phong trong việc xây dựng mô hình nuôi chim cút ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Tìm hiểu được biết, khoảng năm 2005, sau một thời gian tìm hiểu thị trường, anh Hạ Văn Nam đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng của con chim cút và quyết định mua giống chim cút về nuôi thử.


Lúc đầu, anh Nam mua trên 1.000 con chim cút còn nhỏ về làm giống. Nhận thấy chim cút là loại vật nuôi không quá khó, gia đình anh Nam đã mạnh dạn đầu tư phát triển số lượng chim và mở rộng diện tích chuồng nuôi. Từ năm 2011, anh Nam đầu tư cả hệ thống máy chế biến thức ăn cho chim và lò ấp trứng nên rất thuận tiện cho việc chăm sóc và quá trình ấp nở chim giống.


Anh Hạ Văn Nam kiểm tra trứng cút trước khi xuất bán.

Bắt nhịp kịp với nhu cầu của thị trường, anh Nam vừa nuôi chim cút thịt, vừa nuôi chim cút đẻ trứng và ấp trứng, bán chim giống. Thời gian để một con chim cút trưởng thành và đẻ trứng là khoảng 35 - 40 ngày; số lượng chim đẻ trứng khoảng 90 - 95%. Ưu thế nổi trội của chim cút là liên tục cho trứng trong vòng 7 - 9 tháng.

Theo kinh nghiệm nuôi chim cút của anh Hạ Văn Nam, nuôi chim cút đòi hỏi phải chăm sóc, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, đảm bảo đủ ánh sáng. Mật độ nuôi không quá dày (40 - 50 con/m2).

Mùa hè, thời tiết nắng nóng, nên vệ sinh chuồng thông thoáng, giữ nhiệt độ mát mẻ; còn mùa đông, do thời tiết lạnh, chim sinh sản chậm nên cần đảm bảo ánh sáng và tăng độ ấm, nhiệt độ thích hợp cho chim cút phát triển là 20 - 30°C.

Theo anh Nam, mô hình nuôi chim cút có ưu điểm là nhanh thu hồi lại vốn, chi phí đầu tư không cao, ít bị dịch bệnh, ít tốn công chăm sóc, rất phù hợp với các hộ nông dân. Người chăn nuôi có thể tranh thủ thời gian nông nhàn để làm mô hình này. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm cũng khá thuận lợi bởi nhu cầu của thị trường về chim cút thịt và trứng chim cút là khá lớn.

Hiện nay, với 2 khu chuồng nuôi rộng gần 2.000 m2, anh Nam và gia đình thường xuyên duy trì đàn chim cút với số lượng dao động khoảng 15 - 16 vạn con. Trong đó, anh cho trên 10 vạn con đẻ lấy trứng lộn, còn lại là cho đẻ lấy trứng thường.

Cứ mỗi ô chuồng được anh Nam ghép 30 con chim mái với 10 con chim trống. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn chim cút nhà anh đẻ rất đều. Với giá bán chim cút giống mới nở là 700 đồng/con; 5.000 - 5.500 đồng/chục quả trứng cút lộn, 3.500 đồng/chục quả trứng thường; 12.000 đồng/1 chim bố mẹ thải loại… bình quân mỗi năm anh Nam thu về khoảng trên 2 tỷ đồng.

Nhờ đó, mô hình trang trại nuôi chim cút ủa anh Nam đã trở thành một trong những mô hình nuôi chim cút lớn nhất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Từ phát triển nuôi chim cút, anh Nam đã có nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi, con cái học hành đến nơi đến chốn. Ngoài ra, anh còn đang thuê hơn 2,5 ha ao đầm của xã để nuôi thêm thủy sản các loại.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, nhờ có kinh nghiệm nhiều năm nên ai có nhu cầu nuôi chim cút, anh Hạ Văn Nam đều nhiệt tình chia sẻ. Vì thế, hiện nay trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã có khá nhiều hộ phát triển mô hình nuôi chim cút.

Nhìn chung, các hộ nuôi chim cút đều cho thu nhập khá ổn định. Bên cạnh đó, trang trại nuôi chim cút của gia đình nhà anh Nam cũng tạo việc làm thường xuyên và việc làm thời vụ cho hàng chục lao động là người địa phương với thu nhập bình quân 200 - 250 nghìn đồng/người/ngày.

Anh Nam chia sẻ, điều làm anh vui nhất đó là đã tìm ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả, hướng làm giàu ở nông thôn và thực sự phù hợp với điều kiện của quê hương.
 

3. 7X khởi nghiệp thành công từ 3 con bò sữa


Khởi nghiệp từ 3 con bò sữa, sau hơn 12 năm gắn bó với nghề nuôi bò sữa, đến anh Lê Minh Nghĩa ở xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã có tổng đàn 23 con.
 
Ở thời kỳ khai thác sữa, bình quân mỗi ngày đàn bò của anh Nghĩa cho 200 lít sữa cho thu nhập ổn định 2 triệu đồng/ngày.

Người tiên phong từ mô hình nuôi bò sữa

Từ năm 2006, do kinh tế gia đình khó khăn, anh Lê Minh Nghĩa đã mạnh dạn vay mượn tiền của người thân mua 3 con bò sữa để nuôi. Những năm đầu do chưa nắm vững được kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và tiếp cận các tiến bộ KHKT nên những năm đầu 3 con bò sữa của gia đình chỉ cho thu nhập đủ trang trãi cho cuộc sống hàng ngày.

Không bằng lòng với kết quả đã đạt được, thời điểm đó anh Nghĩa hàng ngày rong ruổi đến các trang trại trên địa bàn huyện học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; đồng thời anh tìm hiểu qua sách báo về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa. Khi đã lĩnh hội được kỹ thuật, anh Lê Minh Nghĩa mạnh dạn bàn với vợ tiếp tục đầu tư xây chuồng trại, vay mượn thêm vốn mua thêm con giống, trồng cỏ chăn nuôi bò sữa theo hướng hàng hóa.


Để chăm sóc, nuôi dưỡng 23 con bò sữa của gia đình, anh Lê Minh Nghĩa đã mạnh dạn đầu tư trồng hơn 1 ha cỏ để cho bò đủ dinh dưỡng hàng ngày. Ảnh: CT

Sau một thời gian đầu tư, chăn nuôi bò sữa theo hướng KHKT bắt đầu năm 2016 gia đình anh làm ăn có lãi. Hiện nay, tổng đàn bò sữa của gia đình anh 23 con, trong đó có 12 con bò cho mỗi ngày hơn 200 lít sữa, với giá bán 14 ngàn/lít, sau khi trừ chi phí gia đình còn thu lãi trên 2 triệu đồng/ngày. Để có thêm dinh dưỡng cho bò sữa anh Lê Minh Nghĩa còn trộn ngô, đầu cá khô vào cỏ để cho đàn bò ăn.
 
Anh Lê Minh Nghĩa, trú tại xóm Quán Mít, xã Nghĩa Tân chia sẻ: “Trước đây mình chăn nuôi nhỏ lẻ nên thu nhập không ổn định, từ năm 2015, được tham gia các lớp tập huấn của hội nông dân xã và huyện cũng như được Hội đứng ra thế chấp vay vốn ngân hàng, gia đình mạnh dạn nuôi số lượng lớn để tăng thêm thu nhập.

 “Nuôi bò sữa kỹ thuật không khó lắm, đòi hỏi người nuôi phải siêng năng chịu khó mỗi ngày tắm cho bò ít nhất 3 lần sáng, trưa, chiều và cần làm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ trước khi vắt lấy sữa 1 lần vào buổi sáng. Đặc biệt chú trọng việc chăm sóc cho ăn hàng ngày, ngoài thức ăn chính như cỏ, cây bắp, hàng ngày, gia đình còn cho bò ăn thêm ngô trộn với đầu cá khô xay nhỏ; vào buổi trưa cho bò uống nước pha với cám xay 1-2 kg/con để tăng dinh dưỡng.

Tuy nhiên, muốn bò cho sản lượng sữa cao nhất, chất lượng tốt nhất, đạt yêu cầu của kiểm định nhà máy sữa trước hết chuồng trại phải luôn thông thoáng, sạch sẽ. Khi chọn con giống, phải có nguồn gốc rõ ràng, cao lớn đặc biệt là khi nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt về chế độ dinh dưỡng, tiêm phòng dịch bệnh cũng như thời gian cho ăn hằng ngày. Mỗi con bò lấy sữa chỉ kéo dài 9 tháng, nếu kéo dài hơn nữa sẽ ảnh hưởng đến dinh dưỡng bò mẹ về lâu dài và chất lượng sữa cũng kém đi, giá sữa sẽ thấp...”. anh Nghĩa cho biết thêm thêm.

Điển hình về thu nhập “khủng” từ bò sữa

 
Nghề nuôi bò sữa tuy không mới với người dân xã Nghĩa Tân nói riêng và huyện Nghĩa Đàn nói chung nhưng để nuôi thành công thì không phải ai cũng làm được.

Bởi nghề này đòi hỏi người nuôi phải đảm bảo những yêu cầu khắt khe như: Diện tích chuồng trại, công tác về sinh môi trường, không sử dụng chất kháng sinh, sữa sau khi vắt xong phải giao cho công ty để đảm bảo tươi, nguyên chất… Đặc biệt, gia đình đã đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại hỗ trợ trong việc vắt sữa, giúp rút ngắn thời gian vắt, bảo đảm vệ sinh và tránh được bệnh cho bò.

Trao đổi với ông Cao Ngọc Chỉnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) thì được biết: “Trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thời gian qua, Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động bà con nông dân. Từ đó, đã có nhiều nông dân đã mạnh dạn làm giàu trên chính mảnh đất của gia đình mình như mô hình nuôi bò sữa của anh Lê Minh Nghĩa, chúng tôi xem đây là mô hình điển hình để hội viên nông dân trong xã tham quan học tập và nhân rộng.


Để đảm bảo vệ sinh cho nguồn sữa, anh Lê Minh Nghĩa còn đầu tư máy vắt sữa để đảm bảo tiêu chuẩn sữa nhập cho nhà máy. Ảnh: CT

Không phải ai cũng có thể làm nông nghiệp mà giàu sớm được. Việc chăn nuôi bò sữa cũng vậy. Qua tìm hiểu, được biết anh Nghĩa rất chịu khó, siêng năng và biết học hỏi. Từ một người nông dân không biết gì về chăn nuôi bò sữa, anh đã tự mình nghiên cứu, học tập từ nhiều mô hình khác nhau trên địa bàn huyện và các huyện bạn. Đến nay, qua hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc chăn nuôi bò sữa, anh trở thành điển hình về thu nhập cao cho người nông dân địa phương.” ông Cao Ngọc Chỉnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Tân cho biết thêm.

Bằng nghị lực vươn lên hiện nay anh Lê Minh Nghĩa là một trong những hội viên Hội nông dân xuất sắc của xã, anh trở thành tấm gương tiêu biểu về sự năng động, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế địa phương. Những mô hình phát triển kinh tế như thế này đã góp phần không nhỏ nâng cao đời sống vật chất cho người dân.

Hiện nay ở Nghệ An, ngoài các trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn, hiện đại, được đầu tư bài bản của các tập đoàn lớn TH, Vinamilk với quy mô hàng ngàn con, có hơn 100 hộ dân nuôi trên 1.000 con bò sữa, tập trung chủ yếu ở Tân Kỳ, TX. Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu… Hầu hết các hộ nuôi bò sữa đều nhập sữa cho Nhà máy sữa Nghệ An (thuộc Công ty sữa Vinamilk) thông qua các trạm thu mua ở các địa phương.
 

4. Lập nghiệp thành công nhờ trồng hoa hồng, thu 50 triệu/tháng


Chỉ với 5.000m2 trồng hoa hồng, gia đình bà Nguyễn Thị Bốn (52 tuổi, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) thu trên 50 triệu đồng/tháng từ việc bán hoa và bán giống cho các nhà vườn khác.

Bà Bốn giới thiệu về khu vườn trồng hoa hồng nhiều màu của mình: từ năm 2013 trở về trước, gia đình bà lấy rau để làm nguồn thu chính cho cả nhà sinh hoạt. Tuy nhiên, vì giá cả lên xuống thất thường nên bà đã tìm hiểu một số loại cây trồng để chuyển đổi.


Cứ hai ngày một lần cắt, gia đình bà Bốn bán cho các vựa hoa khoảng 5.000 cành hoa với giá 1.200 đồng/cành. Ảnh: Văn Long.

Khi đang loay hoay tìm kiếm giữa hàng ngàn loại cây trồng thì bất ngờ có một người bạn của chồng bà giới thiệu hoa hồng là loại cây đang “hot” và có giá trị kinh tế cao. Hơn nữa, người này lại sẵn sàng chỉ bảo tận tình về cách trồng và chăm sóc sao cho hiệu quả. Chính vì vậy, bà bàn với chồng vay mượn thêm tiền cùng với số vốn gia đình tích cóp được để xây dựng nhà kính trồng hoa.


Gia đình bà Bốn đã có thu nhập khá nhờ trồng hoa hồng. Ảnh: Văn Long.

 “Đến nay, vườn hồng 5.000m2 của tôi đã trồng được 5 năm. Tôi đã làm hợp đồng với chủ vựa hoa với giá 1.200 đồng/bông. Vì vậy, dù thị trường có lên hay xuống thì tôi vẫn bán giá đó và yên tâm sản xuất”, bà Bốn cho biết.

 Hiện tại, cứ 2 ngày bà Bốn và nhân công trong vườn của mình cắt hoa một lần. Trung bình mỗi lần cắt được khoảng 5.000 cành để giao cho mối đưa đi các tỉnh thành khác tiêu thụ. Với những gốc hồng tơ, khoảng 2 năm thì lượng hoa cho thu hoạch còn cao hơn nhiều lần. Vì vậy, bà Bốn phải liên tục bổ sung phân và phun thuốc dưỡng cho vườn hoa của mình.

Bà Bốn chia sẻ: “Hoa hồng là loại có khá nhiều bệnh, vì vậy phải phun thuốc phòng bệnh cho chúng, nếu để có bệnh mới chữa thì vừa tốn kém lại vừa mất công có khi không chữa được, mất mùa…
Đối với những cây mới xuống giống, chủ vườn cần tưới nhiều và liên tục hơn để cây phát triển và nhanh chóng cho bông. Ngược lại đối với những cây hoa đã già cỗi, gốc to thì khoảng 5 ngày bà bốn mới tưới một lần. Toàn bộ khu vườn của bà Bốn đã lắp đặt hệ thống tưới tự động đặt trên cao nhằm tiết kiệm nhân công và chi phí sản xuất.


Hoa trong vườn của bà Bốn luôn tươi đẹp, đậm màu nhờ chăm sóc tỉ mỉ và đầy đủ dinh dưỡng. Ảnh: Văn Long.

Ôm những bông hoa đỏ thắm trên tay, bà Bốn nói: “ể có những bông hoa đạt chuẩn, đẹp, màu đậm thì công đoạn bón phân, làm cỏ, tỉa mầm dại… đòi hỏi phải tỉ mỉ và kiên trì. Bên cạnh đó, nhờ đặc tính ra bông liên tục và năng suất ổn định nên sản lượng hoa trong vườn của tôi luôn cao, có giá trị kinh tế cao”.

Với các màu kem, đỏ, sen, vàng, hoàng hậu, hoa hồng trong vườn nhà bà Bốn luôn được thị trường ưa chuộng. Hiện tại, mỗi tháng nhờ bán hoa hồng gia đình bà Bốn có thu nhập trung bình 50 triệu đồng.
 

4. Anh nông dân khởi nghiệp thành công từ thuê đất trồng chuối, thu 10 tỷ/năm

Nhờ có nguồn thu mỗi năm hơn 10 tỷ đồng từ thâm canh chuối tiêu hồng, trên các chân ruộng thuê mượn ở ngoại tỉnh, lão nông Nguyễn Huy Tuân đã sắm được xe hơi sang trọng để tiện cho đi làm vườn.

Ông Ngô Văn Đám, Trưởng thôn Năm Mẫu, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên cho biết: “Anh Nguyễn Huy Tuân là một trong số các hộ dân của địa phương, thường xuyên đi thuê đất ở ngoài tỉnh để trồng chuối tiêu hồng, thu nhập mỗi năm có thể đạt hơn 10 tỷ đồng. Nhờ vậy anh Tuân đã mua được xe hơi sang trọng, tiện lợi cho việc đi làm vườn ở tỉnh xa”.


Anh Tuân chăm sóc chuối

Nông trại chuối tiêu của anh Tuân dài tới gần 1km, được giâm trồng rất ngăn nắp, ngang dọc thẳng hàng, cây nào buồng quả cũng to đẹp nuột nà, không tì vết sâu bệnh.

Anh Tuân cho biết: “Gia đình tôi mới bán được hơn 8 tỷ đồng tiền chuối tiêu hồng. Đang còn trên 100 tấn cam đường Canh nữa, trị giá khoảng 3 tỷ đồng, đã có thương lái đặt hàng bao tiêu toàn bộ. Có được nguồn thu lớn như vậy, là do hầu hết sản lượng chuối của gia đình tôi đều thu hoạch trùng dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Sản phẩm rất dễ bán và bán được giá rất cao. Trước đó (năm 2017) gia đình cũng đã thu được hơn 10 tỷ đồng, từ thâm canh chuối tiêu hồng trên các thửa ruộng thuê mượn này.”

Tìm hiểu thực tế cho thấy: Cánh đồng này rộng 27ha. Thuộc khu vực đất bãi ven sông Thao. Trước đây chủ yếu gieo trồng ngô, đỗ hoặc lạc. Do canh tác không chủ động tưới tiêu, nên các loại cây trồng ở đây đều cho năng suất rất thấp. Thu nhập sau khi trừ mọi chi phí vật tư chỉ còn được 25 - 27 triệu đồng/ha. Từ năm 2016, thông qua chính quyền địa phương, anh Tuân đã thuê lại toàn bộ diện tích canh tác nói trên.

Kết quả, chỉ sau 1 năm chuyển đổi sang trồng chuối tiêu hồng, gia đình anh Tuân đã thu hồi đủ vốn đầu tư, thuê ruộng, xây dựng hệ thống điện nước tưới tiêu, mua sắm nhiều phương tiện cơ giới và các loại vật tư phục vụ sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Nga (chủ hộ dân xã Hương Nội) cho biết: Khi anh Tuân chưa đến thuê ruộng, cũng có một vài hộ gia đình sở tại, chuyển đổi cây ngô sang trồng chuối tiêu hồng. Nhưng do sản xuất nhỏ lẻ, không kết nối được với thương lái bao tiêu sản phẩm, nên canh tác không hiệu quả.

Kế hoạch từ năm 2019, gia đình anh Tuân sẽ ổn định cơ cấu 50% (13,5ha) diện tích trồng chuối tiêu hồng và 50% diện tích trồng cam đường canh. Sản lượng thu hoạch hàng năm ước đạt 300 - 400 tấn cam đường, 750 - 800 tấn chuối tiêu. Doanh thu khoảng 15 tỷ đồng. lợi nhuận trên dưới 10 tỷ đồng. Được biết, để vườn cam sớm cho sản lượng quả cao, gia đình anh Tuân chỉ mua cây giống có từ 2 - 3 năm tuổi về trồng, giá giống sẽ đắt hơn rất nhiều, nhưng sẽ cho thu hồi vốn và sinh lợi rất nhanh.

Vì vậy, sau khi anh Tuân đặt vấn đề thuê ruộng, các hộ dân ở đây đều đồng tình ủng hộ. Bởi không phải chăm bón, gieo trồng, không lo rủi ro thiên tai, dịch bệnh, mà vẫn có tiền cho thuê ruộng gần 30 triệu đồng/ha/năm, tương đương với thu nhập trên cùng diện tích (đã trừ các khoản chi phí vật tư sản xuất), lại có thời gian để mở ra các ngành nghề dịch vụ sản xuất khác, giúp gia tăng thu nhập. Ngoài ra, còn có khá nhiều người dân sau khi cho thuê ruộng, đã được anh Tuân thuê lại, làm các công việc mang tính thời vụ, thu nhập cũng đạt 120 - 150 nghìn đồng/người/ngày.

Bí quyết thâm canh chuối tiêu hồng đạt hiệu quả cao của anh Tuân là: Qui hoạch trồng chuối trên các chân đất phù sa ven sông. Trồng bằng giống nuôi cấy mô. Thời vụ trồng cuối tháng 1, đầu tháng 2 (âm lịch).

Mật độ trồng 2400 - 2500 cây/ha. Phân bón/1ha là: Bón lót 800 -1000kg lân supe. Bón thúc 1200-1300kg NPK 13-13-13+TE (chia đều lượng phân, bón định kỳ cho cây vào đầu các tháng 3, 4, 6, 8 và 9).

Ngoài ra, đợt bón NPK trong tháng 8 cần phun thêm 2 lần phân bón lá (cách nhau 20 ngày), kết hợp với 900 - 1000kg lân supe. Các loại phân chỉ được bón rải đều trên mặt luống dưới tán cây, sau đó vét đất rãnh luống phủ kin phân. Không dùng dầm, cuốc xới xáo làm cỏ quanh gốc cây, nhằm tránh làm đứt rễ chuối, nấm bệnh sẽ xâm nhiễm gây hại.

"Lưu ý, cây chuối nuôi cấy mô mới trồng sẽ sinh trưởng chậm hơn so với cây giống tách chồi, nhưng khi đã bén rễ hồi xanh thì cây nuôi cấy mô sinh trưởng rất nhanh, ít sâu bệnh hại. Muốn cây chuối phát hoa, đậu buồng qủa dài, nhiều nải, người làm vườn phải chăm sóc sao cho, đến khi cây ra hoa trổ buồng vẫn còn giữ được 10 tàu lá chuối khỏe trên cây, trước khi thu hoạch quả còn 7 tàu lá khỏe.

Cần nắm vững dự báo thời tiết trong năm, kết hợp với nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây, để điều chỉnh chế độ chăm bón, sao cho chuối thu hoạch trùng vào dịp tết Nguyên đán, sẽ bán được giá cao hơn gấp bội ngày thường, đây là yếu tố quyết định nhà đầu tư trồng chuối được lãi cao hay thấp" – anh Tuân bật mí.

Có thể nói chuối tiêu hồng là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, dễ làm giàu, tốn ít công lao động, nhưng cũng không thể không có rủi ro. Bởi nước ta có khá nhiều mưa bão. Vườn chuối sẽ bị đổ gãy, thất thu khi gặp gió lốc lớn. Nếu là năm mưa thuận gió hòa, thì người trồng chuối sẽ thắng lớn. Phải những năm có nhiều mưa bão, nhà vườn chuối có thễ bị thua lỗ. Cho nên, trong sản xuất chuối qui mô lớn, nhà đầu tư không nên “đổ cả trứng vào một giỏ”.


Cánh đồng chuối của anh Tuân

"Bên cạnh việc nâng cao thu nhập, làm giàu cho chính mình và gia đình, anh Tuân còn giúp cho 6 lao động ở dưới quê có việc làm ổn định, với mức lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Theo đó đã góp phần cùng chính quyền địa phương đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn", ông Ngô Văn Đám, Trưởng thôn Năm Mẫu.

Mặt khác, cây trồng nào cũng vậy, khi thâm canh cao một loại cây liên tục nhiều năm trên cùng chân đất, sẽ phát sinh rất nhiều nấm bệnh hại, tồn dư trong đất, lưu chuyển từ vụ này sang vụ khác, rất khó phòng trừ hiệu quả, trong đó cây chuối là một ví dụ điển hình.

Đây là bài toán cho thu nhập bền vững, anh Tuân đã rút ra sau gần 10 năm chuyên trồng kinh doanh chuối tiêu hồng. Và cũng chính là lý do, sau chuyên canh chuối 1 năm trên cánh đồng Hương Nội, anh Tuân đã quyết định chuyển một phần diện tích chuối sang trồng cam đường Canh.

Anh Tuân cũng chia sẻ thêm: “Từng có những năm tháng tuổi thơ lam lũ đói ăn rách áo, anh rất hiểu ý nghĩa của thành quả lao động của mình làm ra hôm nay. Nếu Nhà nước không "cởi trói" cho ngành sản xuất nông nghiệp từ hơn 30 năm trước, và không có sự khuyến khích người dân tích tụ đất đai mở rộng diện tích canh tác trong những năm gần đây thì gia đình anh cũng như nhiều nông dân khác sẽ không có được cuộc sống "sang chảnh" như hiện tại: Có xe sang để tiện cho đi lại làm vườn”.

Dự định trong nhiều năm tới, anh Tuân sẽ tiếp tục thuê thêm nhiều diện tích, mở rộng trồng các loại cây ăn trái, làm ra nhiều của cải vật chất cho gia đình và xã hội.

Đông Trần tổng hợp (nguồn: DanViet/Nongnghiep)

 


Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×