Khởi nghiệp trẻ tài năng

Thứ tư, 12/12/2018

Là những bạn trẻ khởi nghiệp thành công trên đất khách và tại Việt Nam

1. Aurora Digital: Hành trình khởi nghiệp của 3 bạn trẻ Việt trên đất khách


 Muốn được thử sức thay vì bình ổn trong vùng an toàn là động lực để ba bạn trẻ khởi nghiệp, kết nối nguồn nhân lực công nghệ Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Đầu năm 2018, Minh Đức, Khánh Ngọc và Phương Thảo – ba bạn trẻ 9X đang làm việc tại Phần Lan tình cờ gặp nhau qua sự kết nối của một người bạn. Câu chuyện say sưa về khởi nghiệp và niềm đam mê chung với công nghệ thông tin nhanh chóng kéo cả ba ra khỏi những xa lạ lần đầu gặp mặt. Cũng từ đây, ý tưởng về một nền tảng kết nối nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam với thị trường quốc tế mang tên Aurora Digital được hình thành.
 


4 nhà sáng lập trẻ của Aurora Digital gồm Minh Đức, Phương Thảo, Khánh Ngọc và Emil Östlin (từ trái sang).
 
“Ngay từ lần đầu gặp mặt, mình đã xác định đây là ‘team’ của mình, những người có thể tin tưởng, bù trừ và cùng nhau đi qua thất bại hay thành công”, Phương Thảo – đồng sáng lập Aurora Digital kể lại cuộc gặp gỡ định mệnh và gọi đó là cái duyên bất ngờ. Nhưng hành trình gây dựng Aurora Digital thì không hề ngẫu hứng. Đó là những bước đi đầy tâm huyết và nỗ lực vượt khó khăn của ba người trẻ Việt khi khởi nghiệp trên đất khách.

“Phần Lan là một trong những quốc gia đi đầu về công nghệ điện tử. Tuy nhiên, do những đặc thù như, dân số thấp, già hoá, mức sống cao, dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành này”, Phương Thảo chia sẻ. Cũng theo đồng sáng lập, ở Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ thông tin tuy có chuyên môn cao, chi phí hợp lý lại đang gặp khó khăn trong việc mở rộng ra thị trường quốc tế.

Từ đó, Aurora Digital được thành lập để giải quyết vấn đề cung – cầu, kết nối nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao ở Việt Nam với thị trường tiềm năng châu Âu. Startup chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin được phát triển bởi đội ngũ lập trình viên chuyên nghiệp ở Việt Nam, như  website, ứng dụng web, ứng dụng mobile …

Nói về quyết định khởi nghiệp tại Phần Lan, ba nhà sáng lập trẻ cho biết, lý do đơn giản là…không có lý do nào cả: “Bọn mình không quá quan trọng việc ở lại Phần Lan hay trở về nước để khởi nghiệp. Dù ở đâu bạn cũng có thể làm được những việc ý nghĩa, làm tự hào cho đất nước”.

“Chúng mình đều còn trẻ, có kiến thức và thời gian, sức khoẻ để phục hồi nếu thất bại. Bọn mình muốn được thử sức, muốn va chạm trong môi trường khắc nghiệt nhất, thay vì bình ổn thỏa mãn trong vùng an toàn của bản thân”, đội ngũ chia sẻ về động lực khởi nghiệp.

Chấp nhận từ bỏ vùng an toàn để dấn thân ra biển lớn, ba nhà sáng lập 9X cho biết gặp không ít những thách thức, khó khăn. Trước hết là sự cô đơn. Khởi nghiệp trên đất khách với liên hệ chủ yếu từ một số ít bạn bè, các mối quan hệ gần như từ con số 0. Để mở rộng mạng lưới, từ những ngày đầu, đội ngũ đã tích cực tham gia nhiều sự kiện về khởi nghiệp, chủ động trò chuyện, làm quen với các CEO tại các hội thảo được tổ chức ở trường đại học để học hỏi kiến thức, thiết lập cũng như mở rộng mối quan hệ kinh doanh.

Nhìn nhận khó khăn là điều luôn có khi khởi nghiệp ở bất cứ quốc gia nào, những nhà sáng lập trẻ chọn cho mình cái nhìn tích cực: “Cơ hội cũng có rất nhiều, chỉ cần bạn nhìn thấy và biết nắm bắt nó”.

Với đội ngũ, cơ hội ở đây đến từ môi trường khởi nghiệp cởi mở của Phần Lan với nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp từ nhà trường, doanh nghiệp và chính phủ. Đơn cử, tại trường đại học, sinh viên có các môn học chuyên cung cấp các kiến thức về khởi nghiệp, nhiều case study để thử thách hay cơ hội gặp gỡ, đối thoại với các founder. Nhiều doanh nghiệp lớn sẵn sàng đầu tư vào các starup nhỏ và cơ hội từ các quỹ hỗ trợ và đầu tư từ Chính phủ hay cá nhân.

Ngoài ra, mô hình tổ chức doanh nghiệp “phẳng” tại các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tham gia đóng góp, trao đổi ý kiến của tất cả mọi thành viên trong công ty cũng được đội ngũ đánh giá cao. Tận dụng cơ hội để khắc phục khó khăn, sau chưa đầy một năm hoạt động, từ con số 0, Aurora Digital đã lọt vào top 50 công ty về công nghệ thông tin lớn nhất Phần Lan, với mạng lưới kết nối nhân sự công nghệ thông tin rộng khắp Việt Nam và các quốc gia lớn tại Châu Âu như Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan…

Đội ngũ kỳ vọng, sau khi công ty phát triển mạnh sẽ thành lập một trung tâm outsourcing ở Việt Nam, dưới hình thức co-working space (không gian làm việc chung), nằm trong hệ sinh thái dành cho các startup. “Bọn mình muốn vận hành văn phòng của Aurora Digital như ở nước ngoài, nhân viên được tạo mọi điều kiện cả về sức khỏe, cuộc sống để làm tốt công việc. Chỉ khi nhân viên được quan tâm và tạo mọi điều kiện để phát triển, họ mới có thể đóng góp và làm việc ở trạng thái tốt nhất”.

Đánh giá về tiềm năng khởi nghiệp của người Việt trẻ tại nước ngoài, các sáng lập trẻ nhận định: “Người Việt trẻ có tham vọng, luôn nỗ lực vươn lên và không ngại va chạm hay thử thách. Đó là những phẩm chất sẽ tạo nên một doanh nhân khởi nghiệp thành công”.

Ba bạn trẻ đồng thời nhắn nhủ: “Con đường khởi nghiệp không phải lúc nào cũng rải hoa hồng mà là sự xen kẽ giữa thất bại và thành công. Điều quan trọng là tuyệt đối đừng bỏ cuộc giữa chừng hay thất vọng. Hãy học hỏi từ những thất bại và cảm thấy tự hào về chính bản thân, dám nghĩ, dám làm và dám đương đầu”.
 

2. Cô gái phố núi khởi nghiệp gây dựng thương hiệu mật ong hoa cà phê

 
Với mong muốn gây dựng thương hiệu mật ong của quê nhà, Hoàng Anh đã từ bỏ công việc kế toán để tự mình khởi nghiệp một chú ong chăm chỉ.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư giữa TP.HCM và tỉnh Gia Lai, mọi người thật sự ấn tượng trước một gian hàng được trang trí lịch lãm, nhẹ nhàng. Đó là mật ong Phương Di, thương hiệu mật ong hoa cà phê có tuổi đời khá trẻ của cô gái Trần Thị Hoàng Anh.
 


Cô gái phố núi Hoàng Anh chăm chút cho thương hiệu mật ong đặc sản của quê nhà – Ảnh: K.ANH

Muốn đưa nông sản Việt ra nước ngoài, chúng ta phải chế biến và xây dựng những thương hiệu nông sản Việt toàn cầu. Đây cũng là mong muốn của tôi khi hướng đến một thương hiệu riêng cho mật ong Gia Lai. HOÀNG ANH

Học tính cần mẫn gầy dựng từ loài ong
 
Hoàng Anh bắt đầu từ việc gây dựng đàn ong. Ban đầu chỉ vài chục thùng, sau lên hàng trăm và bây giờ cô đã sở hữu hơn 3.000 đàn, tương đương với ngần ấy số thùng.

Vừa mở nắp thùng ong lên để kiểm tra, những chú ong bay vù vù ra như quấn lấy cô chủ. Hoàng Anh cho biết những ngày này khi hoa cà phê chưa nở, đàn ong được cho ăn đường để dưỡng đàn.

“Mình xây dựng thương hiệu mật ong hoa cà phê, do vậy chỉ lấy mật vào mùa cà phê nở. Vị của mật ong hoa cà phê cũng khác biệt so với các loài hoa khác. Tại sao xuất hiện cà phê đặc sản của phố núi mà mình không có mật ong đặc sản từ hoa cà phê? Câu hỏi đó giúp mình bắt đầu xây dựng thương hiệu này” – Hoàng Anh chia sẻ.

Cần mẫn như chú ong nhỏ, cô từng bước thiết kế từ mẫu mã, hình ảnh đến các sản phẩm do chính gia đình mình sản xuất. Ngoài mật ong hoa cà phê, sữa ong chúa, phấn hoa…, Phương Di còn có sản phẩm khác như kem dưỡng da mật ong và nghệ, viên tinh bột nghệ mật ong, mật ong chanh đào… được khách hàng ưa chuộng.

Hoàng Anh khoe cô vừa tham gia hội chợ xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã toàn quốc do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Sản phẩm mật ong mang ra hội chợ trong ngày đầu tiên đã tiêu thụ hết, trong khi đó vẫn còn nhiều đơn hàng đang chờ đợi.

Xây thương hiệu từ loài hoa đặc sản quê nhà
 
Để sản phẩm tiêu thụ tốt, Hoàng Anh dành thời gian đến các trung tâm thương mại lớn của cả nước, các hội chợ, thông qua mạng xã hội để quảng bá thương hiệu của mình.

Khi sản phẩm mật ong đóng chai ra đời, Hoàng Anh cho biết thuận lợi của mình chính là kinh nghiệm, hiểu biết về sản phẩm từ truyền thống nuôi ong lâu đời của gia đình và quá trình tiêu thụ. Tuy nhiên, cái khó nhất là tạo ra một thương hiệu khác biệt, không đi theo lối mòn của nhiều doang nghiệp khác.

Thương hiệu mật ong Phương Di với bao bì mới nhanh chóng được yêu thích, doanh số bán hàng vì thế cũng tăng theo. Từ vài trăm chai bán ra trong năm đầu tiên, doanh số của công ty những năm sau đều tăng gấp ba lần so với năm trước, với hơn 20 đại lý khắp cả nước.

Với mục tiêu mang đến sản phẩm chất lượng cao cho người dùng, Hoàng Anh chú trọng chọn nguồn nguyên liệu và khâu kiểm định chất lượng. Mật ong thô được lấy từ các trang trại riêng của gia đình hoặc những hộ nuôi ong nhiều kinh nghiệm, đã ký hợp đồng đối tác và được đào tạo bài bản.

Sản phẩm đầu ra được kiểm tra kỹ càng. Hiện tại Hoàng Anh đang làm các thủ tục để sở hữu trí tuệ thương hiệu và mã vạch, giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Song song đó, cô cùng mọi người lập ra hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ để đảm bảo đầu ra cho nông dân nuôi ong.

Năm 2017 vừa qua, doanh thu từ các sản phẩm của công ty đạt hơn 2 tỉ đồng. Một tin vui nữa đến với cô khi sản phẩm được Sở Công thương Gia Lai chọn là một trong số ít sản phẩm của tỉnh tham dự bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn khu vực, được Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) cấp giấy chứng nhận vào tháng 7-2018.

Hoàng Anh quan niệm: “Lợi thế thực sự của nông nghiệp phải ở khâu chế biến. Để vươn ra thị trường toàn cầu, cần giải bài toán chế biến và làm thương hiệu để nâng cao giá trị nông sản. Với những nguyên liệu đạt chất lượng, chúng ta cần chế biến, đóng gói theo khẩu vị, thói quen người tiêu dùng. Sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn theo đẳng cấp quốc tế”.

Ông Trần Văn Trong – phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai, chủ nhiệm CLB khởi nghiệp thuộc Hội LHTN VN tỉnh Gia Lai – cho biết: “Hoàng Anh là một bạn trẻ khởi nghiệp với nhiều đam mê, sáng tạo và năng nổ. Không chỉ thế, cô còn tích cực tham gia các hoạt động của CLB khởi nghiệp, được Trung ương Hội Doanh nhân trẻ VN trao bằng khen nhân dịp Ngày doanh nhân VN 13-10”. ­­
 
Hoàng Ngọc tổng hợp (Theo Vnexpree, Tuổi trẻ online)

 

 
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×