Tài năng trẻ
Khởi nghiệp từ những điều gần gũi
Thứ bảy, 09/02/2019

Câu chuyện khởi nghiệp từ tre ở làng hoa huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) nghe có vẻ ngược đời, nhưng Đặng Hoài Vương Quốc (30 tuổi, bí thư Đoàn thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa) có lý lẽ khi đưa ra quyết định này.
1. 'Vua tre' ở làng hoa
Câu chuyện khởi nghiệp từ tre ở làng hoa huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) nghe có vẻ ngược đời, nhưng Đặng Hoài Vương Quốc (30 tuổi, bí thư Đoàn thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa) có lý lẽ khi đưa ra quyết định này.

Sau những thất bại, Quốc giờ là “vua tre” ở thủ phủ hoa - Ảnh: TRẦN MAI
Đường về xã Nghĩa Hiệp mùa này phủ kín màu xanh các loại hoa đang trong giai đoạn bung ra khỏi nền đất vươn mình đón nắng.
Những nghệ nhân ở làng hoa bắt đầu dựng chói bông (thanh tre cắm quanh chậu hoa để giữ thân hoa thẳng, không bị gió làm ngã đổ).
Cả vạn, cả triệu chậu hoa đều cần chói, đó chính là bước khởi điểm trong ý tưởng khởi nghiệp của Quốc "tre".
Chẻ tre làm chói bông
Tại sao mình không làm chói, bà con đỡ phải khổ cực chặt tre rồi ngồi vót, mình lại có thu nhập? Đó là suy nghĩ những ngày đầu của Quốc.
Xưởng chẻ chói bông của Quốc bắt đầu như vậy. Phía nhà Quốc là nơi những chiếc máy xé nát thân tre tạo thành từng thân chói bông.
Từ khi xưởng tre ra đời, người dân vùng hoa đã không còn khổ sở tranh thủ buổi trưa, buổi tối chẻ tre nữa. Họ đổ về phía xưởng tre của Quốc, sự nặng nề của nghiệp tạo sắc hoa cho xuân đã giảm đi đáng kể.
"Xưởng của tôi cung cấp chói bông cho tất cả người dân ở làng hoa dọc sông Vệ. Tôi chưa bao giờ đếm nhưng phải đến cả trăm tỉ thân chói bông được làm từ khi lập xưởng" - Quốc chia sẻ.
Tư Nghĩa là làng hoa cúc, vạn thọ lớn nhất miền Trung, mỗi dịp tết về hoa từ đây đổ đi khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, thậm chí sang tận Lào cho bà con Việt kiều đang sinh sống ở đây chưng hoa đón tết. Bởi vậy, những ngày này "vua tre" phải làm việc liên tục.
Người dân đặt hàng quá nhiều khiến chàng trai trẻ vã mồ hôi trong niềm vui khởi nghiệp từng là sự kỳ quái của dân làng.
Đang trò chuyện thì lão nông Bốn Thái chạy xe đến trước xưởng nói vọng vô: "Xong chói bông của chú chưa Quốc?
Chiều chú ghé chở về nghen". Quốc "dạ" rồi lấy sổ ra xem lại. Hôm nay phải giao chói bông cho 12 người. Số chói là 240.000. Quốc quay sang tính lại con số từng đơn hàng đang để theo từng ô.
Tất cả đều đủ cả. Vậy là hôm nay thở phào. Nhưng đơn hàng của ngày mai nhiều hơn gấp đôi, ngày mốt cũng vậy. Không tranh thủ từ bây giờ thì "mất uy tín" với bà con.
"Tôi khởi nghiệp đúng cái bà con cần nên thành công. Có lần đã ngồi tính với các chú trồng hoa mới thấy tiền mua chói từ xưởng tôi chỉ bằng giá thành mua tre và thuê vận chuyển về nhà. Chưa gì đã thấy dư ra khoản tiền thuê người chẻ chói. Bà con vui, mình cũng vui" - Quốc chia sẻ.
Lang bạt làm thuê, về quê làm giàu
"Vua tre" ở làng hoa tất bật và góp phần thay đổi khó nhọc ở làng hoa hôm nay trải qua một quá trình làm thuê và khởi nghiệp.
Đã từng cay đắng và thở dài trước những quyết định thất bại và không có tương lai ở phía thanh xuân.
Đó là những tháng ngày Quốc tốt nghiệp đại học cách đây sáu năm với chuyên ngành kế toán, anh đã bó đời mình ở những công ty, chấp nhận làm công việc lặp đi lặp lại để mỗi tháng nhận được đồng lương ít ỏi.
"Đó là thời gian thật sự chỉ là mưu sinh chứ không phải phát triển sự nghiệp hay gì cả" - Quốc nói.
Hai năm ở TP.HCM, Quốc nhìn mình và chán ngán. Quyết định bỏ Sài Gòn, Quốc không chấp nhận đời mình lay lắt.
Rồi Quốc tìm nơi mới để phát triển, nhưng rồi chỉ là những tháng ngày lang bạt từ miền Tây đến Tây Nguyên rồi dạt về lại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi.
Thêm một năm nổi trôi đời trai trẻ nữa, Quốc nhìn lại mình chẳng có gì khấm khá, anh quyết định trở về quê nhà khởi nghiệp.
Làng trồng hoa, gia đình trồng hoa, Quốc cũng chỉ biết trồng hoa. "Đó phải nói là những tháng ngày lận đận. Tôi muốn khởi nghiệp nhưng không biết bản thân phải bắt đầu từ đâu" - Quốc tâm sự.
Thêm hai năm trồng hoa, Quốc nhìn thấy việc vót chói bông mệt mỏi, lại tốn thời gian, tiền bạc. Người dân muốn mua tre cũng khó khăn.
Quốc nhớ lại tháng ngày lang bạt ở Tây Nguyên, ở đó tre còn rất nhiều, là nguồn nguyên liệu dồi dào. Quốc bắt mạch được nhu cầu ở quê hương mình cần chói.
Thế là sau bao thất bại và đắng ngắt của một người từng nghĩ mình là kẻ thất bại, Quốc đã tìm ra con đường đi đến thành công.
Khởi nghiệp với vốn liếng đầu tư khoảng 100 triệu đồng vay mượn. Số tiền nhỏ nhưng nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân với Quốc là quá thành công.
"Bây giờ tôi không thấy mình là người thất bại nữa. Trái lại giờ tôi còn giúp cho bảy cô chú ở địa phương có thu nhập ổn định tại xưởng. Thêm vào đó là các cô chú khác làm nghề vận chuyển chói bông cũng sinh sống được với nghề" - Quốc cười hiền.
Sau khi trở thành "vua tre" ở làng hoa, Quốc tiếp tục suy nghĩ về những hướng khởi nghiệp mới.
Những ý tưởng mới anh không muốn dành cho riêng mình mà chia sẻ với những người trẻ có khát khao ở quê hương mình để cùng phát triển.
Bây giờ ngồi nghe tiếng máy chẻ tre, Quốc lại nhớ những tháng ngày thất bại và thầm cảm ơn điều ấy.
2. Người mở lối cho chuối sấy Hướng Hóa
Nắng sớm vùng biên chiếu qua làn sương mờ phố núi dẫn lối về thôn An Tiêm, nơi chị Trần Thị Hoài Nhung (33 tuổi, ở xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) cùng gia đình đang sinh sống.

Chính tay chị Nhung là người chọn lựa từng quả chuối để cho ra vị ngon đúng chuẩn - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Chị Nhung được xem là người mở lối cho chuối sấy của Hướng Hóa khi chuối là một trong những cây trồng chủ lực ở đây với 4.100ha, cho sản lượng trên 55.000 tấn/năm, chủ yếu cung cấp cho các tỉnh miền Trung, miền Bắc và xuất đi Lào, Thái Lan...
Mùa này, người dân nơi đây đã bắt đầu chăm kỹ hơn những buồng chuối để chuẩn bị cho vụ mùa Tết Nguyên đán sắp đến.
Đau đáu khi chuối mang cho bò ăn
"Công sức lao động mấy tháng trời để rồi phải mang những buồng chuối chín vàng ngọt, đầy chất dinh dưỡng đi cho bò ăn?". Đó là trăn trở của chị Nhung.
Điệp khúc "được giá mất mùa - được mùa mất giá" cứ ám ảnh người trồng chuối vùng này khi đến hạn thu hoạch là phải phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái và thị trường nước ngoài.
Xưởng sản xuất chuối sấy chân không bắt đầu từ đó. Phần lớn của căn nhà được chị Nhung chọn làm nơi lắp đặt hệ thống máy móc.
Từ khi xưởng ra đời, nhiều người dân tại thủ phủ chuối đã không còn nỗi lo về tháng ngày phải đổ chuối cho bò ăn hay bán với giá rẻ mạt cho thương lái. Họ tìm đến chị Nhung, gánh nặng về đầu ra của chuối chín đã giảm đi đáng kể.
Không nhớ nổi mình đã mua của người dân bao nhiêu tấn chuối chín và xuất thành phẩm bao nhiêu tấn chuối sấy. Nhưng vì là người đầu tiên thử nghiệm mô hình này nên hiện xưởng của chị Nhung chỉ đang thu mua có giới hạn trong xã Tân Thành và đáp ứng gần 2/3 nhu cầu thị trường.
"Dần thấy được hiệu quả rồi. Hẹn một ngày nâng cấp, mở rộng hệ thống máy - xưởng để đáp ứng nhiều hơn" - chị Nhung cười khoe.
Hệ thống máy tại xưởng trong nhà chị Nhung luôn chạy hết công suất mới đủ để cung cấp cho thương lái ở các tỉnh, thành như Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội hoặc đôi khi là Lào, Thái Lan do nhu cầu của nhiều Việt kiều đang sinh sống ở đây đặt.
Thương lái đặt hàng quá nhiều, nhất là dịp gần tết khiến chị toát mồ hôi trong niềm vui khởi nghiệp từng là sự nghi ngại của dân làng.
Ai nấy đều vui
Đang trò chuyện thì ông Hoàng Ngọc Tửu (57 tuổi, ở thôn Cổ Thành, Tân Thành) chạy chiếc xe chở theo vài buồng chuối đến ngay giữa sân rồi nói vọng vào: "Hôm ni hơi ít một tí. Được 37kg nghe Nhung". Chị Nhung "dạ" rồi lấy sổ ra ghi lại.
"Từ ngày có vợ chồng Nhung, dân trong xã không lo những buồng chuối chín nữa. Trước kia mất công đem đi đổ thì bây giờ mỗi tháng ít nhất cũng kiếm được 4 triệu đồng. Tui có tiền bán chuối, hắn bán chuối sấy cũng có tiền. Ai nấy đều vui" - ông Tửu chia sẻ.
Đến nay, mỗi ngày xưởng chuối sấy của chị Nhung cần mua khoảng 700kg đến 1 tấn chuối chín để cho ra hơn 70kg chuối chiên sấy xuất ra thị trường.
Chuối sấy thành phẩm có giá từ 70.000 - 100.000 đồng/kg (tùy loại và thời điểm). Theo nhiều thương lái, mức giá trên có cao hơn so với nguồn hàng nhập khác nhưng vì biết rõ chất lượng sản phẩm nên họ sẵn sàng mua hàng của chị Nhung để bán lại.
Nhưng để có được kết quả ban đầu đó, mọi việc không phải hoàn toàn trơn tru. Hàng tấn chuối sắp thành phẩm từng phải bỏ đi khi chị Nhung chưa tìm ra công thức, nguyên lý tốt nhất.
Đó còn là chuỗi ngày mà nói như chị Nhung là "mất ăn mất ngủ" vì liều mình cầm cố hết gia sản trong nhà cho ngân hàng và vay thêm một số tiền khá lớn từ các nguồn khác để chơi ván bài mà chẳng ai chơi.
Bước đầu sản phẩm chuối sấy chân không của chị Nhung đã được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, đánh giá đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng sản phẩm và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
An Phương tổng hợp (Theo Tuổi trẻ)
Tags
Bài viết cùng chuyên mục
- Sản xuất axit lactic từ phần hạt mít thải bỏ
- Chàng trai miền Tây thu nhập tiền triệu/ngày nhờ trồng sen bán bông
- Khởi nghiệp OCOP từ tình mẫu tử và hạnh phúc gia đình
- 'Bún ngũ sắc' thắng giải khởi nghiệp nông nghiệp
- Khởi nghiệp từ 4 con heo giống, 8X làm chủ trang trại tiền tỷ
- Khởi nghiệp từ 5 triệu đồng, cô gái Nam Định mua nhà, mua ô tô trước năm 30 tuổi
- 8X cất bằng kỹ sư, liều nuôi chim nhả 'vàng trắng', không ngờ trúng lớn
- Cô giáo 8X khởi nghiệp với xà phòng bồ ngót
- Khởi nghiệp thành công với nghề trồng rau quả hữu cơ ở các buôn làng
- Dự án khởi nghiệp cung cấp người giúp việc gia đình
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận