Khởi nghiệp với nông sản hữu cơ

Thứ bảy, 29/07/2017

Nếu bắt đầu khởi nghiệp với thực phẩm hữu cơ mà vẫn vương vấn phương pháp gốc hóa học thì thất bại đã được dự báo trước.
Nếu bắt đầu khởi nghiệp với thực phẩm hữu cơ mà vẫn vương vấn phương pháp gốc hóa học thì thất bại đã được dự báo trước.

Chia sẻ về sai lầm cần tránh với khởi nghiệp trong nông nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, cho rằng doanh nghiệp từng mất rất nhiều tiền để theo đuổi con đường hữu cơ. Cách tốt nhất là quên hẳn phương pháp gốc hóa học trong quá trình sản xuất.

Đừng để gốc hữu cơ, ngọn hóa học
Tại Việt Nam, thực phẩm sạch là thực phẩm không có hóa chất, điều này phù hợp với chuẩn mựccác thị trường tiên tiến. Tuy nhiên theo quan điểm của ông thì thực phẩm chúng ta có chỉ dựa trên nền tảng của hai phương pháp mà thôi.


Thách thức lớn của thực phẩm hữu cơ là chứng minh cho người tiêu dùng tin và sử dụng. Ảnh: Lê Quân

Một là thực phẩm dựa trên nền tảng hóa học và chúng ta nghiên cứu để cân bằng các thành phần đó. Thứ hai là thực phẩm hữu cơ mà gốc của nó dựa trên khống chế vi sinh vật. Cần xác định mình sẽ đi trên con đường nào?
Ông viên chia sẻ: "Nhiều bạn khởi nghiệp với nông nghiệp hữu cơ nhưng vẫn thiếu 'độ lì' để đi đến giai đoạn cuối của sản phẩm. Bởi toàn bộ quy trình đều hữu cơ mà sử dụng chất bảo quản ở giai đoạn cuối thì coi như thất bại. Thậm chí tình trạng gốc hữu cơ ngọn hóa học vẫn xuất hiện nhiều trong canh tác".
Theo quan điểm của ông Viên, chúng ta không nên chê trách nền tảng nông nghiệp gốc hóa học. Hầu hết các nước tiên tiến đều đi qua con đường này nên Việt Nam cũng vậy. Đó là giai đoạn chúng ta cần ăn no rồi đến ăn ngon, nên làm nông nghiệp trên gốc hóa học là điều không thể tránh khỏi để đảm bảo an ninh lương thực.
Tuy nhiên cần tách bạch hai phương pháp này để có được những giá trị tốt hơn.
“Nếu đã chọn con đường khởi nghiệp với nông nghiệp hữu cơ thì không cần biết hóa học từ cánh đồng, từ sơ chế đến chế biến thực phẩm. Đó là cơ sở đầu tiên để thành công, vương vấn gốc hóa học thì dễ dẫn đến sai lầm”, ông Viên khẳng định.

Khó làm nông sản sạch vì cái “trớn”
Trong thời buổi cả thế giới phát cuồng với thực phẩm hữu cơ thì người khởi nghiệp với nông sản sạch nên nhìn nhận một cách chuẩn mực nhất về gốc vi sinh vật. Làm cách nào để đem lại giá trị tối ưu cho sản phẩm của mình.
Để thành công, yêu cầu quan trọng là có vốn đầu tư ban đầu lớn và đủ. Vòng quay ban đầu là 6 năm, và thất bại lớn nhất của doanh nghiệp là đuối, vốn không đủ, phải đổi phương pháp.
Ông Viên kể lại câu chuyện khó khăn của Vinamit khi đi theo con đường hữu cơ. Năm 2010, doanh nghiệp đã mất 150 tỷ vì không khống chế được sự phát triển của vi khuẩn, khiến việc bảo quản sản phẩm cực kỳ khó khăn.
Đối với các doanh nghiệp muốn khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, thách thức lớn là làm sao để chứng minh cho người tiêu dùng tin, hiểu và chấp nhận giá cao của sản phẩm vì làm hữu cơ giá cao. Hiện nay, các sản phẩm hữu cơ bán tại các siêu thị có giá khá cao so với nông dân bán. Lý do siêu thị phải trừ hao phần sản phẩm bị hư hỏng do vận chuyển và trưng bày bán.
Bà Vũ Kim Hạnh, Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho rằng những người nông dân muốn chuyển qua làm nông sản sạch đang đứng trước khó khăn từ đầu vào cho tới đầu ra. Nhưng bản chất của nó, theo bà Hạnh, chỉ khái niệm trong một từ dân giã là “cái trớn”
Con đường mà họ đang đi lâu ngày sẽ hình thành một cái trớn (hay còn gọi là đà, quán tính…). Khi hoàn cảnh bắt chúng ta quay đầu lại nhưng cái trớn lớn cứ buộc ta lao về phía trước một cách định tuyến. Điều này dẫn tới 4 vấn nạn: Bất chấp chất lượng, bất chấp giá trị, ảnh hưởng tới môi trường đất nước và không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe người nông dân.
Làm nông sản sạch hiện nay, theo bà Hạnh, là phải đi ngược lại cái trớn này nhưng theo đúng xu thế của thị trường và môi trường. Song cái gì đi ngược với thói quen thường rất khó khăn.
Nhiều bạn trẻ hiện nay có trình độ chuyên môn cao, làm việc ở những lĩnh vực khác nhau, nhưng cuối cùng lại quay về với nông nghiệp. Ðơn cử như Giám đốc điều hành Công ty Mimosa Tek Nguyễn Khắc Minh Trí, chuyên về thiết kế tưới tự động cho nhà lưới dựa theo công nghệ điện toán đám mây, vốn xuất thân là dân tin học. Lớn lên ở TP Ðà Lạt, sau thời gian làm trong ngành viễn thông, Trí đã có ý tưởng khởi nghiệp dựa trên nhu cầu sản xuất nông nghiệp, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tưới xuất để giảm chi phí nhờ tiết kiệm điện và nước tưới. Hay từ một chuyên viên công nghệ thông tin chuyển qua làm nông nghiệp, chủ vườn rau Ước Mơ Xanh. Phạm Thế Tư đã thuê 3.000 m2 đất ở Hóc Môn, tự mày mò học quy trình sản xuất nông nghiệp. Ðể có các loại rau sạch, không sử dụng hóa chất hay thuốc trừ sâu, Tư phải tìm đến học hỏi các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp có kỹ thuật chăm bón phù hợp. Ðó là chưa kể phải tìm đầu ra khi giá rau của Ước Mơ Xanh cao hơn nhiều so với rau thông thường đang bán trên thị trường. Sau hơn một năm vật lộn với việc trồng rau không sử dụng hóa chất, Ước Mơ Xanh mới bắt đầu có những khách hàng thường xuyên tại TP Hồ Chí Minh. Còn chủ trại Nấm linh chi Ðất Thép Nguyễn Thị Hiếu (Củ Chi), cũng là dân tin học trước khi quay về làm nông nghiệp trên quê hương của mình. Rồi anh Lê Văn Tuấn, trước khi làm chủ vườn rau hữu cơ cũng là dân công nghệ thông tin. Sự về nguồn này là tín hiệu tốt cho ngành nông nghiệp khi mà về số lượng, nông sản Việt Nam đứng nhất, nhì nhưng còn kém cạnh tranh về chất lượng, cũng như đang đối mặt với vấn đề an toàn thực phẩm.
Khởi nghiệp nông nghiệp với các bạn trẻ không chỉ bắt nguồn từ băn khoăn, lo lắng thực phẩm bẩn vẫn tràn lan ngoài thị trường; mà còn từ đam mê, sáng tạo ra những sản phẩm "độc, lạ" trong nông nghiệp mà ít người nghĩ tới. Chiêm ngưỡng những chiếc túi xách, giày dép… đủ mầu sắc, kiểu dáng độc đáo, ít ai nghĩ rằng chúng đều được tạo ra từ xơ mướp. Anh Mạc Như Nhân - chủ thương hiệu xơ mướp Vi Lâm bộc bạch: "Ở các vùng quê, xơ mướp chỉ dùng để rửa chén, cọ nồi. Một lần mình mày mò lấy xơ mướp chế thành ví tặng người thân, ai cũng khen. Từ đó, mình đã nảy sinh ý tưởng biến thứ phế phẩm này thành các mặt hàng thời trang (túi, ví, giày, kẹp tóc…) hay đồ trang trí". Những sản phẩm độc đáo này đã đem lại cho anh Nhân thu nhập cả chục triệu đồng mỗi tháng. Giám đốc bán hàng Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt Ðoàn Ðức Sinh (Củ Chi) lại hiện thực hóa, biến những sản phẩm "cây nhà lá vườn" có tác dụng giải nhiệt như rau má, chùm ngây, diếp cá… thành bột như bột trà xanh. Thứ bột này được dùng làm nước uống dinh dưỡng, bổ sung chất xơ, có tác dụng dưỡng da, làm đẹp…
 Theo các chuyên gia trong các lĩnh vực khởi nghiệp, Việt Nam được đánh giá là nước có nguồn nông sản, thực phẩm phong phú, đậm chất tự nhiên… Ðiều này tạo ra nhiều cơ hội khởi nghiệp cho người trẻ trong lĩnh vực này.
Nguyễn Hoa (Tổng hợp)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×