Kinh doanh sản phẩm thân thiện môi trường; “nói không” với ống hút nhựa… đang là xu hướng mà nhiều bạn trẻ tìm đến với mục đích bảo vệ môi trường, góp phần thay đổi thói quen người tiêu dùng.
Xu hướng khởi nghiệp xanh
Kinh doanh sản phẩm thân thiện môi trường; “nói không” với ống hút nhựa… đang là xu hướng mà nhiều bạn trẻ tìm đến với mục đích bảo vệ môi trường, góp phần thay đổi thói quen người tiêu dùng.

Quán nước Passengers dùng ống hút sậy, inox thay cho sản phẩm nhựa Ảnh: U.P
Nói không với túi ni-lông
Dù mới ra mắt hồi cuối năm 2018, Lại Đây Refill Station (ở Q.2, TPHCM) của 2 cô gái trẻ Nguyễn Dạ Quyên và Tống Khánh Linh đã trở thành điểm “check-in” (đánh dấu) của nhiều bạn trẻ Sài thành có nhu cầu sử dụng sản phẩm thiên nhiên. Ở trạm dừng chân Lại Đây Refill Station, khách hàng dễ dàng lựa chọn cho mình sản phẩm thay thế đa dạng, từ đồ dùng vệ sinh nhà cửa và cá nhân đến các sản phẩm thân thiện cho “văn hóa mang đi”, như túi vải đi chợ, đi chơi, đi học, đi ăn, đi tập gym, đi du lịch… Điểm thú vị là các mặt hàng này chủ yếu làm thủ công, từ những vật liệu đơn sơ, có trong tự nhiên như mây tre, vải, thủy tinh, thiếc, đá...
Chia sẻ lý tưởng thực hiện công cuộc thay đổi thói quen của người tiêu dùng, chị Nguyễn Dạ Quyên, đồng sáng lập Lại Đây Refill Station cho rằng, để khắc phục những tình trạng xấu đi từng ngày của trái đất, chính bạn là những người phải thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất. “Mỗi người có thể xuất phát từ môi trường sống khác nhau. Chúng tôi tin rằng bạn chính là người biết được mình là ai; cần làm gì để quay về với sự vốn có của Trái đất và trả lại vẻ đẹp ấy. Lại Đây ra đời cũng xuất phát từ mong muốn ấy. Tôi không muốn chứng kiến cảnh chai nhựa được thải ra mỗi ngày, nhưng phải 70 đến 450 năm mới phân hủy. Đáng sợ hơn, nếu mọi việc cứ diễn ra như hiện nay, thế hệ tương lai không có cơ hội được sinh ra trong một môi trường trong sạch mà họ đáng được hưởng”, chị Quyên chia sẻ.
Một trong những hoạt động giúp Lại Đây truyền tải thông điệp sống xanh đến với mọi người chính là Phiên chợ Lại Đây Mua Đồ - nơi những món đồ cũ có cơ hội được gặp chủ mới, tiếp tục một vòng đời có ích khác.Đây cũng chính là bước mở đầu cho một lối sống tối giản, nhẹ nhàng hơn khi bạn dọn dẹp không gian sống và chia sẻ vật dùng với những người cần đến chúng.Phiên chợ quy tụ rất nhiều gian hàng với sản phẩm đa dạng như quần áo, phụ kiện, đồ dùng nội thất… cùng mục tiêu không túi ni-lông mà Lại Đây hướng đến.
Xây dựng thương hiệu từ… xơ mướp
Những đôi dép, túi xách, chậu hoa… đủ màu sắc, đặc biệt không đụng hàng được làm từ xơ mướp luôn tạo ấn tượng với khách hàng khi đến với những phiên chợ TPHCM. Anh Mạc Như Nhân, chủ thương hiệu sản phẩm xơ mướp Vi Lâm đã chọn một nguyên liệu tưởng như bỏ đi này làm dự án khởi nghiệp cho mình.
Anh Nhân kể: “Từ nhỏ, tôi đã tự tay làm ra nhiều sản phẩm, có cả những sản phẩm làm bằng xơ mướp để tặng bạn bè hay bán cho những Việt kiều quen biết. Khi vào TPHCM làm trong lĩnh vực trang trí nội thất, tôi nhận thấy xu hướng người tiêu dùng thích sử dụng các sản phẩm làm bằng tay (handmade) từ những chất liệu gần gũi với thiên nhiên, thế là tôi quay lại với vật liệu xơ mướp”.
Để có nguyên liệu, anh đến các vùng quê ở Gia Lai, Đồng Nai, Bình Định… thu mua xơ mướp về giặt sạch, ép, đem đi nhuộm và lên khuôn thiết kế. Do là sản phẩm tiêu dùng theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường nên ngay cả việc nhuộm màu cho món đồ, anh cũng phải sử dụng màu thực phẩm. Tất cả các sản phẩm đều không dùng hóa chất, hoàn toàn làm thủ công rất an toàn cho người sử dụng. Hiện tại, với thu nhập vài chục đến cả trăm triệu đồng/tháng từ kinh doanh xơ mướp, anh Nhân có động lực và vốn để tính đến chuyện xây dựng cho mình một thương hiệu riêng.
Thay đổi thói quen của mọi người
Nói không với túi ni-lon, ống hút nhựa thời gian gần đây được khá nhiều quán ăn, tiệm trà sữa, cà phê ở TPHCM hưởng ứng. Trong con hẻm nhỏ số 46/9 đường Trần Quang Diệu (P.14, Q.3), quán nước Passengers nhộn nhịp các cô gái trẻ đem bình theo mua trà sữa. Cẩn thận trao chiếc ống hút giấy cho khách, anh Huỳnh Chinh Vũ, chủ quán vui vẻ: “Với khách mua mang đi, mình gửi ống hút, ly giấy; còn uống tại chỗ thì quán phục vụ ống hút sậy, ống hút i-nox. Mình cũng khuyến khích mang bình, chai theo khi mua mang đi và được giảm giá 5.000 đồng/lần. Mục tiêu của quán là “nói không” với sản phẩm nhựa”.
Nhờ “ý tưởng xanh” này mà Passengers tuy là “tân binh” trong các tiệm nước, nhưng đã được các bạn trẻ chia sẻ trên Facebook, Zalo… và thu hút khá nhiều khách đến. Dù chi phí bỏ ra để dùng ống hút bột, ống hút sậy… cao hơn ống hút nhựa, nhưng anh Vũ và bạn của mình vẫn chấp nhận.“Mình đã tìm hiểu và biết nhựa có tác hại với môi trường, cả trăm năm cũng không phân hủy được.Bọn mình đã tìm nhiều nguồn sản phẩm thay thế khác nhau, có nguồn gốc thiên nhiên, dùng lại nhiều lần vừa bảo vệ môi trường, vừa góp phần thay đổi thói quen của khách hàng”, anh Vũ cho biết.
“Mình đã tìm hiểu và biết nhựa có tác hại với môi trường, cả trăm năm cũng không phân hủy được.Bọn mình đã tìm nhiều nguồn sản phẩm thay thế khác nhau, có nguồn gốc thiên nhiên, dùng lại nhiều lần vừa bảo vệ môi trường, vừa góp phần thay đổi thói quen của khách hàng”. Anh Huỳnh Chinh Vũ
Mỗi ngày sản xuất từ 1.000-2.000 ống hút sậy đưa ra thị trường, anh Trần Việt Anh, đồng sáng lập Công ty Reedfarm Organic cho biết: “Sản phẩm làm ra, đa phần chúng tôi xuất khẩu sang các nước châu Âu, Hàn Quốc…Khách hàng phản hồi rất tốt và còn khen rẻ, trong khi thị trường trong nước lại chỉ đang ở bước thăm dò, chào hàng. Có nơi lấy hàng được một vài lần rồi không trở lại nữa.Có thể họ so giá ống hút từ vật liệu thiên nhiên với các sản phẩm cùng loại từ nhựa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hy vọng khi nhu cầu dùng sản phẩm thân thiện môi trường của khách hàng cao thì bắt buộc hàng quán kinh doanh cũng phải thay đổi theo”.
Đưa ống hút tre Việt Nam ra thế giới, 8X kiếm hàng tỉ đồng mỗi tháng
Ở tuổi 32, nhờ xuất khẩu các sản phẩm ống hút từ tự nhiên như tre, trúc, cỏ sang thị trường châu Âu và Đài Loan (Trung Quốc), Nguyễn Văn Mão đã có thu nhập hàng tỉ đồng mỗi tháng nhờ ý tưởng này.
Anh Nguyễn Văn Mão giới thiệu ống hút tre tại Đài Loan (Trung Quốc) tháng 3/2019
Hành trình khởi nghiệp
Chắc hẳn các bạn trẻ quan tâm đến bộ môn sáo trúc không còn lạ gì với Mão Mèo (Nguyễn Văn Mão, quê ở huyện miền núi Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An).
Từng là chủ nhiệm câu lạc bộ Sáo trúc Miền Bắc, từ thời còn là một chàng sinh viên Trường Đại học Kiến trúc, xuất phát từ đam mê thổi sáo, Nguyễn Văn Mão từng bước xây dựng thương hiệu với các sản phẩm nhạc cụ dân tộc là từ tre, trúc, nứa... đến nay đã có hơn 20 hệ thống đại lý cửa hàng trên toàn quốc.
Anh Mão bên nguyên liệu ống hút được săn lùng đưa về xưởng để sản xuất.
Trong những lần lặn lội đến những nơi rừng núi cao, sâu tìm nguyên liệu làm sáo trúc, Nguyễn Văn Mão đã phát hiện ra một vùng nguyên liệu rộng lớn là những cây tre, trúc, thân nhỏ, đốt ngắn chưa được tận dụng nhiều trong sản xuất.
Xuất phát từ trào lưu “Không dùng ống hút nhựa của giới trẻ Việt”, Nguyễn Văn Mão đã nảy sinh ý tưởng sản xuất loại ống hút mới từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường, tốt cho sức khỏe và không làm tăng rác thải.
Sản phẩm ống hút tre.
“Những ngày ngồi xe máy hàng trăm cây số đến tận nơi để lấy nguyên liệu về trực tiếp mày mò sản xuất ống hút là những ngày đầu khó khăn vất vả nhất vì không có ai hướng dẫn.
Tôi tự mày mò và tự bỏ vốn liếng, chẳng suy tính gì nhiều vì cứ nghĩ là làm thôi, cũng mất ăn mất ngủ mấy tháng trời”, anh Nguyễn Văn Mão chia sẻ.
Sau nhiều lần thử nghiệm, đến tháng 2 năm 2019 sản phẩm ống hút làm từ tre Việt Nam đã ra đời với đặc tính 100% sản xuất từ tự nhiên, sản phẩm thân thiện với môi trường và đặc biệt an toàn cho sức khỏe.
Ống hút tre này mặt ngoài có độ trơn nhẵn của vỏ tre, bên trong có lớp lụa, được làm sạch 100%, khi sử dụng có thêm mùi tre đặc trưng thanh nhẹ dễ chịu.
Anh Nguyễn Văn Mão và ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc trong buổi giới thiệu sản phẩm.
Hướng đến thị trường quốc tế
Ban đầu, sản phẩm mới và chưa được đón nhận nhiều trên thị trường trong nước khi phải cạnh tranh với nhiều loại ống hút nhựa giá rẻ. Không chùn bước ở đó, Nguyễn Văn Mão đã tìm hướng đi mới cho sản phẩm của mình.
Qua nghiên cứu đánh giá một số thị trường đang ưa tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường, Nguyễn Văn Mão đã thành công khi xuất khẩu sản phẩm ống hút tre Việt sang thị trường EU và Đài Loan (Trung Quốc).
“Việc sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm làm từ tự nhiên của Việt Nam ra nước ngoài đang rất được Chính phủ quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện. Hiện nay tôi đang đẩy mạnh hơn việc xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU, ở Châu Á hiện chỉ mới bán ở Đài Loan.
Sau khi ổn định hơn tôi rất mong có thể bán sang các nước Châu Á phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...”, anh Mão cho biết.
Xưởng sản xuất đặt tại Đồng Nai của anh Mão hiện đang hoạt động ổn định và cho ra đời sản lượng 10 triệu ống mỗi tháng.
Là người đi đầu trong việc sản xuất ống hút tre Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới, hiện tại anh Nguyễn Văn Mão có doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi tháng và được bạn bè quốc tế khen ngợi và đánh giá rất cao dòng sản phẩm thân thiện với môi trường này.
Mong muốn cung cấp nhiều hơn cho thị trường trong nước
Mặc dù vui mừng khi sản phẩm ống hút tự nhiên của mình được đón nhận, nhưng anh Mão vẫn luôn trăn trở với việc tiêu thụ sản phẩm này trong nước.
“Với lượng tiêu thụ không nhỏ trên thị trường quốc tế, ống hút của chúng tôi đã bước đầu khẳng định được chỗ đứng của mình. Nhưng hiện nay chúng tôi chỉ mới có một vài đối tác và nhà phân phối trong nước sản phẩm này, mặc dù đưa ra rất nhiều ưu đãi.
Tuy nhiên, sự quan tâm trong nước đến những sản phẩm tương tự chưa cao, trong thời gian tới chúng tôi sẽ làm nhiều chương trình giới thiệu sản phẩm cũng như những ưu đãi tận gốc cho các đối tác trong nước để loại ống hút tự nhiên này phổ biến hơn và đến được với nhiều người tiêu dùng hơn”, anh Mão chia sẻ thêm.

Ống hút tre Việt Nam mang thương hiệu Mão Mèo ra thế giới.
Ngọc Mai tổng hợp (Theo Dân trí, Tiền phong)
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận