Làm giàu bằng khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương

Thứ tư, 10/04/2019

Với việc mạnh dạn khởi nghiệp mô hình trồng hoa súng trên mảnh đất quê hương, anh Huỳnh Văn Khanh (SN 1989, xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh T.T.Huế) có nguồn thu nhập khủng mỗi tháng...

Bắt tay khởi nghiệp với… 600 nghìn


Với việc mạnh dạn khởi nghiệp mô hình trồng hoa súng trên mảnh đất quê hương, anh Huỳnh Văn Khanh (SN 1989, xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh T.T.Huế) có nguồn thu nhập khủng mỗi tháng...

Với việc mạnh dạn khởi nghiệp mô hình trồng hoa súng trên mảnh đất quê hương, anh Huỳnh Văn Khanh (SN 1989, xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh T.T.Huế) có nguồn thu nhập cao mỗi tháng, đồng thời còn tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người dân lao động tại địa phương.


Anh Huỳnh Văn Khanh đang chăm sóc hoa súng để chuẩn bị cho đợt xuất hoa tiếp theo

Vốn là người lao động chân tay, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Khanh không tiếp tục theo học mà làm đủ nghề để phụ giúp kinh tế cho gia đình. Sinh ra và lớn lên trên miền cát trắng nhưng với niềm đam mê mãnh liệt với hoa và cây cảnh, anh Khanh đã mạnh dạn trồng hoa súng để theo đuổi niềm ấp ủ của mình.

Bắt tay khởi nghiệp với… 600 nghìn?

Sau nhiều năm làm thuê đủ nghề, anh Khanh xin vào phụ việc cho một nhà trồng hoa và cây cảnh, niềm đam mê với những bông hoa súng trong anh cũng ngày một lớn dần.

Hiểu rõ điều kiện thổ nhưỡng, chất lượng đất cát trên mảnh đất quê hương, năm 2013, anh Khanh bắt tay vào khởi nghiệp với 600.000 đồng. Nhưng với số tiền ít ỏi của mình, anh không thể thu mua giống mà chỉ có thể xin lại giống hoa súng từ người quen.


Một góc vườn hoa súng của gia đình anh Khanh bước vào mùa thu hoạch

Và điều gì đến cũng đã đến, với chàng trai trẻ lần đầu khởi nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng súng, các giống hoa súng được anh xin về cũng nhanh chóng chết dần theo thời gian. “Do thiếu kinh nghiệm trồng mà gia đình lại hoàn toàn không ủng hộ, mình đã ngưng làm một thời gian rời quê hương để kiếm thêm vốn và nghiên cứu kỹ về hoa súng”, anh Huỳnh Văn Khanh bộc bạch.

Không nản chí, năm 2015, anh Khanh vào Đắk Lắk đào giếng thuê kiếm thêm kinh phí khởi nghiệp, khi bắt đầu có chút vốn, anh lại về quê nhà tiếp tục thực hiện niềm đam mê với hoa súng còn dang dở.


Bà Nguyễn Thị Lũy đang vệ sinh hồ hoa súng

Thay vì trồng hoa súng trong chậu như trước kia, anh thay bằng những chiếc bạt để tiết kiệm chi phí. Tận dụng khu đất của gia đình, anh Khanh lót bạt 2 hồ quanh nhà, bước đầu anh lấy giống hoa súng từ Đà Nẵng đem về trồng. Để vườn hoa súng thêm đa dạng về giống lẫn màu sắc, anh Khanh còn tìm hiểu và mạnh dạn nhập về rất nhiều giống từ nhiều nơi khác nhau.

Chọn cát là việc rất quan trọng, vì cát thông thường có rất nhiều tạp chất không tốt cho hoa nên mình phải rất tỉ mỉ trong việc pha cát. Cát phải được pha sao cho hợp lý và phù hợp với thổ nhưỡng ở đây”, anh Khanh chia sẻ thêm.

Để cho ra những chậu hoa súng đạt chuẩn, đòi hỏi giống hoa phải tốt để phát triển khỏe mạnh. Không chỉ nhập giống ở trong nước mà hiện nay anh còn nhập giống từ nước ngoài để đa dạng về chủng loại. Hoa súng được ươm trong chậu nhỏ đặt dưới hồ nước. Từ lúc hoa được ươm dưới hồ cho đến cây súng cho ra hoa phải mất 3 tháng.

Anh chia sẻ: “Thật ra hoa súng rất dễ trồng, chỉ cần cho hoa đủ nắng, nhiều nắng, càng nắng càng tốt. Nếu muốn hoa nở to và đẹp thì chậu trồng phải đủ to, mực nước thường từ 30-50cm để ngập thân hoa súng”.


Hoa súng hai màu được anh Khanh nhập giống từ Thái Lan

Hằng ngày, công việc đầu tiên là vệ sinh hồ hoa súng, bắt ốc sên, nhặt lá bị thối đi và kiểm tra mực nước trong hồ. Hoa súng cũng có cơ chế hoạt động như con người, hoa cũng có quá trình thức và ngủ, hoa sẽ thức vào sáng sớm và “ngủ” khi tắt hết nắng. Nên khi chăm bón cho hoa cần phải đúng quy trình, lượng phân quá ít hay quá nhiều đều không tốt cho hoa. Khi lượng phân quá nhiều dễ khiến hoa bị “ngộ độc” và chết nhanh hơn cũng như khi hoa nở sớm sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của búp hoa.

Với việc tái tạo hiệu quả những bãi đất cát bỏ hoang để đưa vào sử dụng, phát triển nghề trồng hoa tại miền biển quê nhà, hiện anh Khanh sở hữu vườn hoa súng rộng hơn 1,2ha. Đồng thời, trình độ chăm sóc hoa cũng như nhân giống của anh Khanh cũng ngày một tiến bộ, vườn hoa súng tất nhiên không quên thi nhau khoe sắc.

Nguồn thu khủng mỗi tháng

Không còn phải đi từng nhà, từng cửa hàng để giới thiệu như trước, hoa súng của anh Khanh bây giờ rất được ưa thích. Thậm chí, hoa của anh còn được các cửa hàng đặt trước hoặc đến tận nơi thu mua. Bà Nguyễn Thị Lũy (70 tuổi – mẹ của anh Khanh) cười nói: “Khi mà mới bắt đầu nhiều người không ủng hộ với ý tưởng này, hoa súng ở đây cũng nhiều, lại sợ con thất bại thêm lần nữa nên tôi cũng khuyên con không làm. Thấy con không chịu bỏ nên cũng để con làm thêm một thời gian. Về sau thấy hoa súng có khởi sắc và được mọi người tìm đến thu mua tôi thầm vui cho con”.

Tuy nhiên, với việc đơn hàng thu mua hoa súng ngày càng nhiều nhưng lượng hoa súng trong hồ không nở kịp để xuất đi nên anh đốc thúc bón phân khiến vườn hoa dễ ngã sang màu vàng. Vì vậy, anh Khanh chỉ nhận những đơn hàng khi hoa vừa nở kịp để xuất đi.

Cũng nhờ mạng xã hội mà đến nay anh Khanh đã có một trang mạng bán hoa súng của riêng mình để xuất hoa đến khắp các tỉnh thành trong và ngoài nước.

Hiện tại, vườn hoa súng của anh có 100 mẫu hoa với 50 màu sắc khác nhau. Mỗi ngày có khoảng 50 – 100 chậu hoa được xuất đi, giá bán trung bình mỗi chậu từ 30.000 đến 100.000 đồng. “Trong thời gian tiếp theo, tôi sẽ tìm hiểu để mở rộng thị trường tiêu thụ hoa này ra nước ngoài, đồng thời đầu tư vào việc nhân giống để đa dạng chủng loại hoa trong vườn của mình”, anh Khanh chia sẻ thêm. Việc chăm sóc vườn hoa súng rộng 1,2ha mỗi tháng giúp anh thu về 50 – 60 triệu đồng, góp phần để anh phát triển thêm cho mô hình cũng như kinh tế cho gia đình.

Với việc phát triển mô hình trồng hoa súng trên đất cát thành công, anh Khanh ngoài phát triển thêm kinh tế gia đình còn góp công rất lớn trong việc giải quyết, tạo điều kiện việc làm cho người dân địa phương ở đây. Tôi rất vui khi người dân có được công việc và thu nhập ổn định cải thiện cuộc sống”, ông Trần Ngọc Bang – Bí thư đoàn xã Vinh Hải cho hay.

Như vậy, qua nhiều năm bỏ công sức theo mô hình trồng hoa súng, câu hỏi của niềm trăn trở của anh Khanh đã được giải đáp, đó chính là làm giàu trên chính mảnh đất cát cùng những bông hoa súng chứa đựng bao giọt mồ hôi tâm huyết.
 

8X khởi nghiệp thành công nơi đất cằn

Từ xuất từ hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng bằng tất cả sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng, phấn đấu, anh Chục đã khởi nghiệp thành công trên chính mảnh đất cằn, trơ sỏi đá của quê hương mình.

Đó là câu chuyện dám nghĩ, dám làm của anh Hà Văn Chục (37 tuổi, bản Chiềng Cồng, xã Tén Tằn, Mường Lát). Từ xuất phát điểm thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng bằng tất cả sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng, phấn đấu, anh Chục đã khởi nghiệp thành công trên chính mảnh đất cằn, trơ sỏi đá của quê hương mình.


Một góc xưởng sản xuất gạch của anh Hà Văn Chục.

Cũng như hàng trăm hộ dân đang sinh sống nơi bản Chiềng Cồng, anh Hà Văn Chục từng có những ngày tháng lăn lộn với khoảnh ruộng nhỏ, chăn nuôi vài con trâu, con bò làm kế sinh nhai. Thu nhập chẳng đáng là bao, đủ ăn đã xem như may mắn. Trời không thương, năm nào mưa lũ nhiều có khi còn đói. Chán nản với cuộc sống quẩn quanh, bế tắc, anh rời quê đi làm thuê, làm mướn khắp nơi những mong cuộc sống có gì đó đổi khác. Tuy nhiên, ngoài kinh nghiệm tích luỹ được sau mỗi chuyến đi, thử sức với nhiều công việc, anh Chục vẫn không thoát được hoàn cảnh sống khó khăn, eo hẹp. Anh trở về quê tiếp tục sống những ngày buồn tẻ. Khởi đầu cho sự thay đổi đến với anh Chục vào năm 2011, trong một lần đưa em gái xuống TP Thanh Hóa khám chữa bệnh, dọc đường đi, anh quan sát thấy rất nhiều nơi sản xuất gạch từ bột đá và xi măng (gạch vồ), khách hàng vào ra mua bán nhộn nhịp. Ngẫm nghĩ nghề này ở quê chưa có ai làm, với khát khao được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh quyết định khởi nghiệp từ những viên gạch vồ ấy.

Để hiện thực hoá ý tưởng của mình, anh Chục thuyết phục gia đình cho phép bán đi 4 con bò lấy vốn làm ăn. Anh bảo: “Nếu không chấp nhận mạo hiểm thì chúng ta sẽ mãi quẩn quanh trong nghèo đói”. Gia đình thuận theo ý anh, chấp nhận đánh cược toàn bộ gia tài, vốn liếng của mấy miệng ăn trong nhà vào cậu con trai có chí hướng. Nhiều người trong bản biết chuyện nói anh “gàn dở”, “xôi hỏng bỏng không”, anh Chục vẫn kiên định với mục tiêu của mình. Anh thành thật chia sẻ: “Đôi khi, bản thân cũng có cảm giác lo lắng bởi mình vốn ít, chưa có thị trường, kinh nghiệm với nghề gần như là con số 0 tròn trĩnh”. Nhưng anh luôn tin, nếu mình có quyết tâm thì khó khăn thế nào cũng có thể vượt qua được.


Anh Hà Văn Chục trao đổi kinh nghiệm về phát triển mô hình khởi nghiệp với đoàn viên, thanh niên trong xã.

Nghĩ là làm, có tiền từ việc bán mấy con bò, anh tập trung nhập nguyên liệu, đầu tư máy trộn, khung đóng gạch, tự mày mò cách làm. Lứa sản phẩm đầu tiên thất bại, phần vì nóng vội, phần do không đảm bảo kỹ thuật, quy trình nên gạch đóng ra bị vỡ nhiều. Anh nén nỗi buồn vào lòng, anh học cách điềm tĩnh hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn. “Phải thành thợ rồi mới có thể thành chủ được” – anh Chục nghĩ bụng. Sau thất bại đó, anh khăn gói đi “tầm sư học đạo”, xin vào một số cơ sở sản xuất gạch vồ có tiếng ở các vùng lân cận xin làm thợ để học hỏi kinh nghiệm. Trải qua hơn nửa năm trực tiếp làm và tìm hiểu các công đoạn sản xuất gạch vồ, một lần nữa, anh trở về quê, tiếp tục hành trình khởi nghiệp. Chính sự quyết tâm cùng với tinh thần ham học hỏi, anh Chục đã thành công với nghề. Thời điểm hiện tại, anh Chục đã xây dựng được cơ sở sản xuất gạch với 6 công nhân lao động thường xuyên, mức lương ổn định ở mức 6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng, cơ sở xuất ra thị trường khoảng 5 vạn gạch, thu nhập bình quân khoảng trên 20 triệu đồng. Gạch do cơ sở sản xuất không chỉ được khách hàng trên địa bàn huyện Mường Lát mà ở các huyện lân cận đều ưa chuộng, tin dùng.


Ngoài sản xuất gạch vồ, anh Hà Văn Chục nghiên cứu sản xuất thêm một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ bột đá và xi măng.

Tiếp nối thành công từ sản phẩm gạch vồ, nhanh nhạy nắm bắt xu hướng, nhu cầu của thị trường, trong thời gian tới, anh Chục dự định sẽ mở rộng xưởng sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm để nhằm tiếp cận nhiều các đối tượng khác nhau, tăng thêm việc làm, đảm bảo hơn nữa nguồn thu nhập của công nhân. Ngoài sản phẩm gạch vồ, anh sẽ nghiên cứu sản xuất thêm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên chất liệu bột đá và xi măng. Đặc biệt, một phần thu nhập sẽ được anh Chục sử dụng vào mục đích hỗ trợ thanh niên trong bản lập nghiệp để cuộc sống của người dân trong bản được cải thiện, góp phần phát triển kinh tế địa phương.


Cơ ngơi khang trang của anh Hà Văn Chục giữa bản nghèo Chiềng Cồng (Mường Lát).

Nếu muốn cuộc đời thay đổi, trước tiên bạn phải thay đổi chính mình” luôn là triết lý sống mà anh Hà Văn Chục tâm niệm trong suốt những ngày tháng gian nan, vất vả từ khi khởi nghiệp cho đến lúc bước đầu chạm tay vào thành công. Chặng đường phía sau sẽ còn nhiều hơn nữa những gian nan, thử thách. Dẫu có thế nào đi chăng nữa, anh Chục vẫn không bao giờ bỏ cuộc bởi một niềm tin mãnh liệt: Đôi bàn tay ta và những kiến thức chắt lọc được từ trong gian khó sẽ giúp ta làm nên tất cả. Chỉ cần có vậy, từ nơi khô cằn, đất sẽ nở hoa.

 
 

Khởi nghiệp thành công với nghề nuôi chim cút, thu hơn 2tỷ/năm

 
Mô hình nuôi chim cút đã mang lại thu nhập cao cho hộ gia đình anh Hạ Văn Nam ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), mỗi năm thu về hơn 2 tỷ đồng.

Bám sát xu hướng thị trường, mạnh dạn đầu tư mở rộng chăn nuôi, mô hình nuôi chim cút đã mang lại thu nhập cao cho hộ gia đình anh Hạ Văn Nam ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Từ nuôi hàng vạn con chim cút, mỗi năm gia đình anh Nam thu về hơn 2 tỷ đồng, tạo hướng làm giàu ở nông thôn.

Gia đình anh Hạ Văn Nam là một trong những hộ tiên phong trong việc xây dựng mô hình nuôi chim cút ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Tìm hiểu được biết, khoảng năm 2005, sau một thời gian tìm hiểu thị trường, anh Hạ Văn Nam đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng của con chim cút và quyết định mua giống chim cút về nuôi thử.


Lúc đầu, anh Nam mua trên 1.000 con chim cút còn nhỏ về làm giống. Nhận thấy chim cút là loại vật nuôi không quá khó, gia đình anh Nam đã mạnh dạn đầu tư phát triển số lượng chim và mở rộng diện tích chuồng nuôi. Từ năm 2011, anh Nam đầu tư cả hệ thống máy chế biến thức ăn cho chim và lò ấp trứng nên rất thuận tiện cho việc chăm sóc và quá trình ấp nở chim giống.


Anh Hạ Văn Nam kiểm tra trứng cút trước khi xuất bán.

Bắt nhịp kịp với nhu cầu của thị trường, anh Nam vừa nuôi chim cút thịt, vừa nuôi chim cút đẻ trứng và ấp trứng, bán chim giống. Thời gian để một con chim cút trưởng thành và đẻ trứng là khoảng 35 - 40 ngày; số lượng chim đẻ trứng khoảng 90 - 95%. Ưu thế nổi trội của chim cút là liên tục cho trứng trong vòng 7 - 9 tháng.

Theo kinh nghiệm nuôi chim cút của anh Hạ Văn Nam, nuôi chim cút đòi hỏi phải chăm sóc, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, đảm bảo đủ ánh sáng. Mật độ nuôi không quá dày (40 - 50 con/m2).

Mùa hè, thời tiết nắng nóng, nên vệ sinh chuồng thông thoáng, giữ nhiệt độ mát mẻ; còn mùa đông, do thời tiết lạnh, chim sinh sản chậm nên cần đảm bảo ánh sáng và tăng độ ấm, nhiệt độ thích hợp cho chim cút phát triển là 20 - 30°C.

Theo anh Nam, mô hình nuôi chim cút có ưu điểm là nhanh thu hồi lại vốn, chi phí đầu tư không cao, ít bị dịch bệnh, ít tốn công chăm sóc, rất phù hợp với các hộ nông dân. Người chăn nuôi có thể tranh thủ thời gian nông nhàn để làm mô hình này. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm cũng khá thuận lợi bởi nhu cầu của thị trường về chim cút thịt và trứng chim cút là khá lớn.

Hiện nay, với 2 khu chuồng nuôi rộng gần 2.000 m2, anh Nam và gia đình thường xuyên duy trì đàn chim cút với số lượng dao động khoảng 15 - 16 vạn con. Trong đó, anh cho trên 10 vạn con đẻ lấy trứng lộn, còn lại là cho đẻ lấy trứng thường.

Cứ mỗi ô chuồng được anh Nam ghép 30 con chim mái với 10 con chim trống. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn chim cút nhà anh đẻ rất đều. Với giá bán chim cút giống mới nở là 700 đồng/con; 5.000 - 5.500 đồng/chục quả trứng cút lộn, 3.500 đồng/chục quả trứng thường; 12.000 đồng/1 chim bố mẹ thải loại… bình quân mỗi năm anh Nam thu về khoảng trên 2 tỷ đồng.

Nhờ đó, mô hình trang trại nuôi chim cút ủa anh Nam đã trở thành một trong những mô hình nuôi chim cút lớn nhất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Từ phát triển nuôi chim cút, anh Nam đã có nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi, con cái học hành đến nơi đến chốn. Ngoài ra, anh còn đang thuê hơn 2,5 ha ao đầm của xã để nuôi thêm thủy sản các loại.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, nhờ có kinh nghiệm nhiều năm nên ai có nhu cầu nuôi chim cút, anh Hạ Văn Nam đều nhiệt tình chia sẻ. Vì thế, hiện nay trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã có khá nhiều hộ phát triển mô hình nuôi chim cút.

Nhìn chung, các hộ nuôi chim cút đều cho thu nhập khá ổn định. Bên cạnh đó, trang trại nuôi chim cút của gia đình nhà anh Nam cũng tạo việc làm thường xuyên và việc làm thời vụ cho hàng chục lao động là người địa phương với thu nhập bình quân 200 - 250 nghìn đồng/người/ngày.

Anh Nam chia sẻ, điều làm anh vui nhất đó là đã tìm ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả, hướng làm giàu ở nông thôn và thực sự phù hợp với điều kiện của quê hương.
 

Cô giáo 9X khởi nghiệp với nghề nuôi tôm, thu gần tỷ đồng mỗi năm


Không sử dụng kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng, chỉ bằng một loại enzim được chế biến từ tỏi, cô gái 9X Nguyễn Thị Thủy ở quê lúa Thái Bình đã có được những mùa tôm thắng lợi.

Rời bục giảng về với ruộng vườn

Trước khi đến với nghề nuôi tôm, Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1990) ở thôn Hợp Phố, xã Nam Phú (Tiền Hải, Thái Bình) đã có những năm tháng ngồi trên giảng đường Trường Cao đẳng Sư phạm, chuyên ngành tiểu học. Ra trường, cô gái 9X hăm hở bước chân lên bục giảng, hàng ngày chăm lo cho đàn con yêu trên lớp.

Vậy nhưng, ngay cả những lúc trên bục giảng , cô gái trẻ vẫn mang trong mình một khát khao lớn, đó là đánh thức tiềm năng đồng đất quê mình. Thế là một quyết định táo bạo đến với Thủy: Bỏ nghề dạy học về với ruộng vườn, làm nông nghiệp. “Quyết định này gặp phải sự phản đối của nhiều người thân trong gia đình, họ tiếc cho những ngày tháng học tập của tôi, tiếc cho một công việc ổn định mà nhiều người đang mơ ước nhưng tôi thấy mình chỉ thực sự mạnh mẽ khi được trở về với ruộng đồng” - Thủy tâm sự.


Chị Nguyễn Thị Thủy cho tôm ăn. Ảnh: Khắc Duẩn

Bỏ lại tất cả, Thủy quay trở lại làm nông dân, bắt đầu thả cá trồng cây, nuôi lợn gà với tất cả sự nhiệt huyết, niềm đam mê và khát khao làm giàu. Nhưng bản thân cô cũng không lường trước được hết những khó khăn mình phải đối mặt, nhất là khi thị trường bấp bênh. “Tôi nhớ nhất là thời điểm năm 2017 khi giá lợn hơi xuống thấp. Thời điểm đó, nhà tôi nuôi 10 con lợn nái, 40 con lợn thịt, do giá xuống quá thấp, tôi lỗ tới 70 triệu đồng. Sau vố ngã đau này, tôi quyết định chuyển hướng sang nuôi tôm chứ không đầu tư dàn trải nữa” -Thủy kể.

Sau khi quyết định chuyển hướng, Thủy xác định để không thất bại, phải học hành thật bài bản, làm chủ được kỹ thuật. Vậy là cô gái trẻ lại vác sách vở đi học ngành thú y. Từ đây, những kiến thức mới giúp Thủy có thêm động lực áp dụng vào mô hình mới.

Nuôi tôm không kháng sinh

Nam Phú là một vùng quê ven biển, nuôi trồng thủy sản vốn là nghề truyền thống của người dân nơi đây. Nhờ tôm, cá, người dân có cuộc sống ấm no nhưng cũng có không ít người thất bại khi thủy sản bị dịch bệnh tràn lan. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân lạm dụng quá nhiều kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi...


Thức ăn cho tôm được trộn đều EM tỏi. Ảnh: K.D.

Không muốn đi vào vết xe đổ này, Thủy tìm cách để đàn tôm trong ao phát triển khỏe mạnh, quan trọng nhất là phải an toàn và sạch bệnh. Cơ hội đã đến khi năm 2017, Thủy được tham gia lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Đoàn thanh niên huyện Tiền Hải phối hợp Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) tổ chức.

Những kiến thức về nuôi tôm an toàn, theo hướng hữu cơ mở ra trước mắt, khiến Thủy phấn chấn vô cùng, cô mạnh dạn áp dụng kiến thức học được vào quá trình nuôi tôm của gia đình trên diện tích 3,5ha. Từ đây, chuyện làm ăn của Thủy bắt đầu đi vào quỹ đạo và “lên như diều gặp gió”.

Mặc dù mới được triển khai nhưng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học Enzim (EM) tỏi thay thế kháng sinh và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản của Thủy đã cho hiệu quả rõ rệt. Đây là cách làm mới mở ra hướng đi nuôi trồng thủy sản thành công và bền vững cho nông dân.

Năm 2016, với 3,5ha ao nuôi, Nguyễn Thị Thủy chỉ thu hoạch được hơn 2 tấn tôm, khi sử dụng EM tỏi, năm 2017, Thủy thắng lớn thu về 4 tấn tôm, đạt doanh thu gần 500 triệu đồng. Năm 2018, Thủy tăng mật độ nuôi, với 3 lứa tôm gia đình cô giáo 9X thu về khoảng 10 tấn, doanh thu cả tỷ đồng.

Theo đó, với 3,5ha ao đầm, Thủy chia làm 3 ao nuôi, các ao đều có hệ thống xử lý chất thải, lắng lọc riêng và bắt đầu chế biến chế phẩm từ tỏi để nuôi tôm. Thủy cho biết: Enzim (EM) tỏi được sản xuất từ EM gốc ngâm ủ với bột tỏi. EM gốc là một chế phẩm sinh học với 80 loại vi sinh vật có ích thuộc nhóm vi khuẩn lactic, vi khuẩn quang hợp và vi khuẩn nấm men.

Tỏi có chứa Alixin là kháng sinh có khả năng kháng virus lây bệnh, glucozo và enlin có tác dụng diệt khuẩn và sát trùng. Ngoài ra, tỏi còn chứa các loại vitamin và khoáng chất giúp cho tôm tăng sức đề kháng và phòng được một số bệnh về tiêu hóa.

Để tăng hiệu quả trong nuôi tôm, Thủy sử dụng EM gốc trộn với rượu và nước mía ngâm ủ yếm khí trong 2 ngày, sau đó trộn hỗn hợp chế phẩm này với tỏi đã xay nhuyễn rồi ngâm ủ trong 1 tuần để tạo ra EM tỏi cho tôm ăn. “Chỉ với một bước đơn giản nhưng kết quả tôi thu được vô cùng mỹ mãn, năng suất tôm tăng đáng kể, điều quan trọng là tôm hoàn toàn không có tồn dư kháng sinh, an toàn, sạch bệnh” - Thủy nói.

Nếu như năm 2016, với 3,5ha ao nuôi, Thủy chỉ thu hoạch được hơn 2 tấn tôm, thì chỉ sau một năm, khi sử dụng EM tỏi, năm 2017, Thủy thắng lớn thu về 4 tấn tôm, đạt doanh thu gần 500 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng. Đặc biệt là môi trường ao nuôi luôn sạch, tôm khỏe nhờ sử dụng EM tỏi. Đây là động lực để năm 2018, Thủy tăng mật độ nuôi, với 3 lứa tôm gia đình cô giáo 9X thu về khoảng 10 tấn, doanh thu cả tỷ đồng.

Hiện, Nam Phú có 1.029ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước ngọt. Bà con nông dân chủ yếu nuôi tôm quảng canh và bán thâm canh kết hợp với nuôi cua, cá và trồng rong câu. Đối với con tôm thường bị bệnh còi cọc do nhiễm MBV, bệnh mềm vỏ, bệnh đốm trắng, bệnh đỏ thân và hội chứng chết sớm do chất lượng giống không bảo đảm, ô nhiễm môi trường nước, biến đổi khí hậu và vi khuẩn...

Chính vì vậy, mô hình của Thủy được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá cho nghề nuôi tôm ở Nam Phú. Ông Trần Văn Lữ - cán bộ lâm sinh thủy sản xã Nam Phú khẳng định: “Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học EM tỏi thay thế kháng sinh và hóa chất trong nuôi tôm của chị Thủy bước đầu cho hiệu quả thiết thực và dễ nhân rộng. Đây là cách làm mới giúp các hộ nuôi tôm trong xã áp dụng để làm giàu từ nghề nuôi tôm”.

Bây giờ, cô giáo trẻ ngày nào đã trở thành một chuyên gia tôm chính hiệu trên đồng đất Nam Phú, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều nông dân khác. Hy vọng, sự thành công của mô hình nuôi tôm bằng EM tỏi của Thủy sẽ là khởi đầu để đất Nam Phú đổi thay.
 

Khởi nghiệp từ 44 triệu đồng


Cha mẹ cho 44 triệu đồng để mua xe máy, Quách Văn Trắng (28 tuổi, ở xã Long Điền Đông, H.Đông Hải, Bạc Liêu) quyết định dùng toàn bộ số tiền để thành lập cơ sở sơ chế ghẹ thịt thành phẩm xuất khẩu.


Anh Trắng (thứ 2 từ phải qua) hướng dẫn công nhân sơ chế ghẹ thịt thành phẩm. Ảnh: Trần Thanh Phong

Sau 8 năm khởi nghiệp, hiện doanh nghiệp của Trắng có nguồn thu nhập hàng tỉ đồng/năm, đặc biệt giải quyết việc làm ổn định cho gần 100 lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Theo Trắng, lúc khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn, với đồng vốn nhỏ nhoi Trắng chỉ đủ trang trải mở cơ sở nhỏ nên không có tiền để mua nguyên liệu. Tuy nhiên, Trắng được một số doanh nghiệp đầu mối cung cấp, cho nợ tiền nguyên liệu.

Sau đó, bán ghẹ thịt sản phẩm rồi mới trả tiền nguyên liệu đầu vào. Với cách làm đó, Trắng dần tích lũy đồng vốn và đầu tư mở rộng nhà xưởng ngày càng quy mô, khang trang hơn. Từ cơ sở nhỏ chỉ vài công nhân, hiện Trắng thành lập Công ty TNHH MTV Quách Đạt do Trắng làm chủ.

Doanh nghiệp có nguồn thu nhập hàng tỉ đồng/năm và giải quyết việc làm ổn định cho gần 100 lao động ở địa phương. Do lao động công nhật nên trung bình một công nhân có nguồn thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày.

Với sự cần mẫn và đặt chữ tín lên hàng đầu nên nguồn hàng của Trắng luôn được các doanh nghiệp thu mua chế biến ghẹ thành phẩm xuất khẩu ưu tiên lựa chọn. Doanh nghiệp của Trắng luôn trụ vững trên thị trường, bởi các sản phẩm lúc nào cũng được thực hiện quy trình an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.

Nếu như trước đây, các công ty thu mua đến kiểm tra mẫu sản phẩm 4 lần/năm thì hiện nay họ chỉ kiểm tra 2 lần, thậm chí một số công ty thu mua không cần kiểm tra vì đã đặt niềm tin vào Trắng.

Anh Nguyễn Tài Nghía, Bí thư Xã đoàn Long Điền Đông, H.Đông Hải, cho biết Trắng là một thanh niên tiêu biểu của phong trào khởi nghiệp ở địa phương.

Bằng ý chí và nghị lực của người lính, cùng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, Trắng đã vượt qua những khó khăn ban đầu và hiện đang gặt hái được thành công.
 

9X khởi nghiệp thành công từ quả bồ kết


Với tinh thần xung kích, tình nguyện, dám nghĩ dám làm, đoàn viên Vũ Thị Thu, sinh năm 1992, trú tại huyện Gia Bình (Bắc Ninh), đã mạnh dạn đưa cây thảo dược về trồng trên mảnh đất quê hương.

Đến nay, cô đã tạo ra 19 sản phẩm thảo dược có nguồn gốc tự nhiên cung cấp cho thị trường, doanh thu đạt hơn 200 triệu/tháng, đi đầu trong phong trào khởi nghiệp của thanh niên tỉnh Bắc Ninh.


Vũ Thị Thu thu hoạch cây hương nhu để về chiết xuất ra các sản phẩm thảo dược. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Nắm bắt được xu hướng nhiều người thích sử dụng sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, năm 2014, sau khi tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Thương mại Hà Nội), Vũ Thị Thu đã chọn quả bồ kết là sản phẩm để khởi nghiệp và quyết tâm thực hiện, theo đuổi đam mê kinh doanh.

Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, Thu cho biết: Tôi biết đến quả bồ kết qua việc các bà, các mẹ sử dụng để gội đầu. Đồng thời, qua tìm hiểu kinh nghiệm dân gian của người xưa để lại và một số nghiên cứu khoa học về chiết xuất các sản phẩm tự nhiên, tôi bắt đầu mua bồ kết, rang lên bán cho những người quen biết, với số vốn ban đầu chưa đầy 10 triệu đồng.

Vận dụng kiến thức kinh doanh đã được học trong nhà trường, Thu đã tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, nhanh chóng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng, số lượng khách hàng mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Theo nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, Thu nghiên cứu, tìm tòi để sản xuất sản phẩm nuớc gội đầu bồ kết và đã thành công với dầu gội đầu bồ kết đóng chai với tên gọi VietKet. Khác với các loại dầu gội bồ kết trên thị trường, dầu gội đầu bồ kết VietKet do Thu sáng tạo được làm từ 100% thảo dược thiên nhiên, các khâu rang, sấy sản phẩm và nghiền bột đều không có chất bảo quản, an toàn cho người sử dụng.

Không dừng lại ở sản phẩm bồ kết, Thu mở rộng khai thác các loại cây thảo dược khác để đa dạng hóa sản phẩm của mình.

Mặc dù nhiều lần thất bại nhưng cô gái trẻ vẫn không lùi bước. Thời gian đầu, khi đưa giống hương thảo, xạ hương về trồng, Thu gặp khó khăn bởi đây là cây ưa khí hậu mát mẻ của Đà Lạt nên bị chết rất nhiều. Đã có lúc Thu muốn bỏ cuộc, nhưng rồi với sự quyết tâm cùng với sự hỗ trợ từ chồng và bố mẹ, Thu đã thành công.

Ban đầu, với quy mô hạn chế, Thu ươm cây tại khu vườn nhỏ với diện tích 400 m2, dần dần cô thuê đất của người dân trong làng mở rộng diện tích lên 7.500 m2 để trồng các cây thảo dược như hương nhu trắng, hương nhu tía, cây hương thảo, cỏ mần trầu, tía tô, kinh giới… phục vụ sản xuất bột tắm thảo dược, nước súc miệng, tinh dầu hương thảo, cao bồ kết, tinh dầu bưởi… Đặc biệt, khi chăm sóc cây, Thu tận dụng phân bò, gà; thân cây ngô, cây đỗ tương ủ để bón ruộng. Sản phẩm do Thu sáng tạo đều thân thiện với môi trường, tốt cho người sử dụng.


Vũ Thị Thu đang giới thiệu với thanh niên về các cây thảo dược dùng để chiết xuất ra các sản phẩm. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Năm 2018, được sự ủng hộ của gia đình, cùng sự hỗ trợ các cấp Đoàn Thanh niên, Thu mạnh dạn vay vốn và được chọn là một trong những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu do Tỉnh đoàn Bắc Ninh phát động. Thu được hỗ trợ vay vốn 1,5 tỷ đồng để đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc và mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, đảm bảo nguồn đầu vào cho sản phẩm.

Đến nay, sau 4 năm khởi nghiệp, Thu đã có lượng khách hàng ổn định, doanh số trung bình đạt 200 triệu/tháng, tháng cao điểm là khoảng 300 triệu/tháng; tạo việc làm thường xuyên cho 10 - 14 lao động với mức lương từ 4,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.


Cô Trần Thị Hưởng, thôn Thiên Đức, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình (Bắc Ninh), tâm sự: “Cô làm việc ở đây từ khi Thu bắt đầu mở xưởng sản xuất. Công việc ở đây khá tốt, không độc hại, mang lại thu nhập ổn định 6 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền đáng mơ ước của những người làm nông nghiệp như cô”.

Theo Vũ Thị Thu, điều cần thiết nhất với thanh niên khởi nghiệp là tìm hướng đi đúng đắn, có nguồn vốn và cần nỗ lực, quyết tâm thực hiện ý tưởng đó. Với mong muốn mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm vào hệ thống siêu thị, sân bay, Thu đang xin cấp giấy phép lưu hành cho các sản phẩm thương hiệu VietKet của mình. Thu cũng mong muốn mở rộng quy mô sản xuất, hướng dẫn người dân trong vùng cách trồng cây dược liệu và cam kết bao tiêu sản phẩm để có thể giúp đỡ nhiều người hơn nữa.

Đánh giá về quá trình khởi nghiệp của Thu, anh Nguyễn Thành Chung, Phó Bí thư Huyện đoàn Gia Bình, cho biết: Vũ Thị Thu là nữ thanh niên tiêu biểu, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và quyết đoán trong việc lựa chọn con đường khởi nghiệp của mình. Cách làm của Thu đã trở thành tấm gương điển hình cho phong trào thanh niên khởi nghiệp của huyện. Nhiều đoàn viên, thanh niên đã đến học hỏi và được Thu tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Tỉnh Đoàn Bắc Ninh là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước xây dựng Đề án “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025”, với nguồn vốn hỗ trợ được ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với tổng kinh phí 20 tỷ đồng, mức lãi suất 5%/năm. Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã triển khai, ra quyết định cho 15 dự án được hỗ trợ vốn vay thanh niên khởi nghiệp với tổng số tiền 10,2 tỷ đồng.
 
Đông Trần tổng hợp (nguồn: khoinghiep.org.vn)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×