Làm giàu với mô hình lạ

Thứ tư, 29/04/2020

Anh Huỳnh Hoàng Sơn (ngụ ấp Tân Quới, xã Phong Hòa, H.Lai Vung, Đồng Tháp) là một trong số ít người trồng thành công cam ruột đỏ không hạt ở miền Tây và làm giàu từ chính giống cam “độc, lạ” này.

1. Làm giàu từ cam ruột đỏ không hạt


Anh Huỳnh Hoàng Sơn (ngụ ấp Tân Quới, xã Phong Hòa, H.Lai Vung, Đồng Tháp) là một trong số ít người trồng thành công cam ruột đỏ không hạt ở miền Tây và làm giàu từ chính giống cam “độc, lạ” này.
 

 


Anh Sơn giới thiệu giống cam ruột đỏ không hạt

Thích nghi với thổ nhưỡng địa phương

Năm 2012, trong một lần đến tham quan hội chợ nông nghiệp tại Cần Thơ, anh Sơn bị thu hút bởi gian hàng bán giống cam ruột đỏ. Loại cam này còn được gọi là cam Cara, có xuất xứ từ nước ngoài, được một số nông dân lai tạo và trồng thành công với số lượng lớn ở Đà Lạt. “Lúc đó tôi nghĩ cam ruột đỏ có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao, vì ở miền Tây ít thấy ai trồng nên quyết định móc hết tiền túi mua 10 nhánh cam về trồng thử nghiệm, để xem cây cam ruột đỏ có thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây không”, anh Sơn cho biết.

Khi mới bắt tay vào trồng, anh Sơn gặp khá nhiều khó khăn do Lai Vung vốn nức tiếng với các loại cam xoàn, cam mật, cam dây. Ai cũng cho rằng anh quá mạo hiểm khi đem loại cam lạ trồng trên vùng đất này. Tuy nhiên, anh vẫn quyết tâm trồng cam ruột đỏ, vì anh tin loại cam này sẽ làm nên chuyện.

Hơn một năm, cây cam bắt đầu cho trái chiến. Do thích nghi với thổ nhưỡng ở Lai Vung nên cây cam phát triển khá mạnh. Thấy khả quan, anh tìm mua thêm 100 cây cam giống về trồng. Sau đó, anh học cách chiết nhánh và nhân giống, trồng phủ khắp mảnh vườn rộng 1.500 m2 của gia đình.

Cây giống... cháy hàng

Cam ruột đỏ khi còn non ruột có màu hồng nhạt, khi chín vỏ sẽ chuyển hẳn sang màu vàng, ruột màu đỏ đậm, trông rất đẹp mắt. Cam không hạt, trái mọng nước và dễ lột, vị ngọt dịu lẫn với vị chua chua, có mùi thơm nhẹ. Nhờ có màu sắc bắt mắt, hương vị lạ nên tại hội thi “Trái ngon - an toàn Nam bộ” lần thứ 9 vừa diễn ra ở TP.HCM, sản phẩm cam ruột đỏ của anh Sơn đã đạt giải “Củ - quả - lạ, hiếm”. Sau khi tham gia hội thi, cam ruột đỏ của anh được mọi người biết đến, nhiều đối tác tìm đến đặt mua cam và cây giống.

Theo anh Sơn, cách trồng cây cam ruột đỏ khá đơn giản. Giống cam này thuộc họ cam dây, có khả năng chống chịu sâu bệnh cao nên ít tốn công chăm sóc, khả năng sinh trưởng tốt. Dù mới bén rễ ở Lai Vung khoảng 5 năm nay nhưng giống cam ruột đỏ của anh Sơn đã thu hút được sự quan tâm của các nhà vườn trong khu vực ĐBSCL và được xuất bán qua Campuchia. Cam thương phẩm và cây giống thường xuyên trong tình trạng cháy hàng.

Anh Sơn cho biết từ năm thứ ba trở đi, cam ruột đỏ bắt đầu cho thu hoạch, trung bình khoảng 70 trái/cây. Hiện cam ruột đỏ được bán với giá từ 45.000 - 65.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với các loại cam khác, cây giống giâm sẵn có giá 30.000 đồng/cây, nhánh chiết củ tỏi 20.000 đồng/nhánh. Tính ra mỗi năm, sau khi trừ chi phí, anh thu về hàng trăm triệu đồng từ vườn cam ruột đỏ.

Từ năm 2012 đến nay, vườn cam ruột đỏ của anh Sơn không ngừng được mở rộng. Hiện anh sở hữu 5.000 m2 trồng cam đang cho trái và 1,5 ha mới bắt đầu trồng. “Để làm ăn bền vững cần liên kết nhiều nông dân trong vùng cùng trồng cam ruột đỏ và sản xuất theo quy trình an toàn. Một mình tôi không thể đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường về cam thương phẩm cũng như cây giống”, anh Sơn chia sẻ.

Ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hội làm vườn xã Phong Hòa, cho biết: “Anh Sơn đã mạnh dạn đầu tư phát triển giống cam mới đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Từ đó giúp anh em, bà con trong vùng chuyển đổi trồng thêm cam ruột đỏ để tăng thu nhập, cùng nhau làm giàu trên mảnh đất quê hương”.
 

2. Làm giàu nhờ nuôi trâu... chạy đồng


Gần đây, người dân Vị Thanh (Hậu Giang) đã chuyển đổi từ nuôi nhỏ lẻ, nhốt tại chỗ sang mô hình nuôi chạy đồng với số lượng lớn và đã "ăn nên làm ra".

Chú Bảy Thiên, ở phường VII, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) cho biết do thu nhập từ nghề nuôi trâu chạy đồng khá cao nên có nhiều người làm. Việc mua bán trâu ngày nay rất khỏe, có điện thoại liên lạc, chuyên chở bằng xe… Trung bình một tháng những chủ trâu như chú mua đi bán lại khoảng 30-40 con, lợi nhuận không dưới 60 triệu đồng.


Đàn trâu chạy đồng của anh Danh Lành được chăn thả tại phường V, thành phố Vị Thanh
 
Những năm gần đây, người dân trong tỉnh Hậu Giang, đặc biệt là người nuôi trâu ở thành phố Vị Thanh, đã chuyển đổi từ nuôi nhỏ lẻ, nhốt tại chỗ bằng mô hình nuôi chạy đồng với số lượng lớn và đã “ăn nên làm ra”.

Anh Danh Lành, quê ở Giồng Riềng, Kiên Giang, hiện đang sinh sống và chăn nuôi đàn trâu hơn 40 con tại phường VII, thành phố Vị Thanh. Với hơn 20 năm trong nghề, anh Lành cho biết: “Nhờ nghề này mà tôi thoát nghèo, có cuộc sống khá giả như hôm nay. Do gia đình đông con, ít ruộng đất, cha mẹ cho tôi 1 con trâu đực nuôi để kéo lúa, cày, bừa...lo cuộc sống. Thời đó làm ăn được lắm, vài năm tôi tích lũy được một ít vốn mua thêm 1 con trâu cái, vừa để nó sinh sản, vừa để cày, bừa kiếm thêm thu nhập...".

"Nhưng khi đàn trâu của tôi phát triển được khoảng 6 con thì máy móc đã dần thay thế sức trâu. Do mất nguồn thu nhập, cuộc sống lại khó khăn nên tôi bán bớt trâu và sau đó tiếp tục mua đi bán lại. Nhờ nắm bắt được tình hình làm nông của nhiều địa phương có lịch canh tác khác nhau, nhiều khu dân cư quy hoạch chờ ngày triển khai, cỏ dại mọc um tùm, là nguồn thức ăn phong phú cho trâu, từ đó tôi nảy sinh ý tưởng nuôi trâu chạy đồng để làm kinh tế”, anh Danh Lành chia sẻ thêm.

Cũng như anh Danh Lành, chú Năm Tuấn, ở phường V, thành phố Vị Thanh, hiện cứ vài ngày chú lại luân chuyển đàn trâu đến địa điểm khác nhau, như: Khu dân cư phường V, Khu dân cư Liên minh Vị Tân, Khu dân cư phường IV...

Với cách làm này, không những đảm bảo trâu có đủ thức ăn mà còn có thời gian để cỏ phát triển trở lại. Ngoài việc làm kinh tế thành công, chú cũng tạo công ăn việc làm cho một số lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Trâu được chú Năm Tuấn mua ở khắp nơi, từ những hộ nuôi nhỏ lẻ trong thành phố, ở các huyện trong tỉnh: Vị Thủy, Long Mỹ, Châu Thành A... thậm chí từ Campuchia. Trâu mua về chia ra nhiều khu vực và mướn người chăm sóc. Đàn trâu của chú thường dao động khoảng 40 con, mướn ba người giữ.

Sáng dẫn trâu ra điểm chăn rồi mỗi con được buộc vào một sợi dây thừng khoảng 20m, trong bán kính này trâu có thể ăn no cả ngày mà không cần phải đổi chỗ khác, chiều đưa về nơi tập kết. Giá thuê người giữ trâu hiện nay khoảng 3 triệu đồng một người/tháng.

Theo anh Nguyễn Văn Xuân, ở ấp 1, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, trâu rất khỏe nên gần như không có bệnh tật, từ đó người nuôi không sợ thiệt hại bất thường. Lời nhất là mua trâu gầy, trâu chửa để về vỗ béo và sinh sản. Sau thời gian vỗ béo, trâu gầy tăng được vài chục ký, còn trâu chửa sẽ đẻ trâu nghé.

Giá trâu hơi hiện được anh Nguyễn Văn Tuấn mua khoảng 160.000 đồng/kg, bán lại cho lò mổ 170.000 đồng/kg. Hiện anh Xuân không chỉ nuôi trâu chạy đồng mà anh còn giết mổ để bán, nên kinh tế gia đình anh phát triển và làm giàu càng bền vững.

Đàn trâu của anh luôn duy trì ở mức khoảng 20 con. Hầu như các bộ phận của trâu đều bán được, như: sừng, da, đuôi, nội tạng... các quán nhậu đều đặt hàng và rất có giá. Do đó, nếu mua trâu hơi về làm thịt bán sẽ lời nhiều hơn.

Chú Bảy Thiên, ở phường VII, thành phố Vị Thanh, thì cho biết do thu nhập từ nghề nuôi trâu khá cao nên có nhiều người làm, cạnh tranh nhau, nên giảm đôi chút nguồn thu. Tuy nhiên, thịt trâu rất hút hàng, giá cả ổn định, không chỉ bán trong thành phố Vị Thanh mà còn chuyển lên Thành phố Hồ Chí Minh, nên những người đã gắn bó nhiều năm với nghề nuôi trâu có thể thành triệu phú.

Việc mua bán trâu ngày nay rất khỏe, có điện thoại liên lạc, chuyên chở bằng xe…Trung bình một tháng những chủ trâu như chú mua đi bán lại khoảng 30-40 con, lợi nhuận không dưới 60 triệu đồng. 

Anh Khoa tổng hợp (Theo Thanh niên, Báo Hậu Giang)

 


Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×