Người trẻ với khởi nghiệp

Thứ sáu, 02/10/2020

Họ đều là những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám khởi nghiệp

Chàng trai mồ côi khởi nghiệp với dế '3 sạch'


Với số tiền 1 triệu đồng tích cóp từ việc làm thêm, Quý bắt đầu từ 5 khay dế nuôi thử nghiệm trong phòng trọ. Thử nghiệm thành công, Quý mạnh dạn bắt tay vào đầu tư chuồng trại.


Ra trường, La Văn Quý quyết tâm khởi nghiệp từ mô hình nuôi dế “3 sạch” - Ảnh: NVCC

Quý nói mình đi lên từ nghèo khó nên không dễ dàng bỏ cuộc trước khó khăn. Hơn 2 năm qua, từ giai đoạn đầu khởi nghiệp dế chết hàng loạt, mất trắng, chàng trai người Thái tiếp tục gây giống lại, quyết tâm theo đuổi đến cùng.

"Nuôi dế chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật chăm sóc không quá khó, ở Sơn La cũng chưa có ai làm nên tôi nảy ra ý tưởng khởi nghiệp từ mô hình nuôi dế" - La Văn Quý, 26 tuổi, dân tộc Thái, chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp ban đầu.

Một mình bươn chải giữa đời

Cha mẹ qua đời sau một tai nạn đắm thuyền, 6 tháng tuổi, Quý được người bác ruột đưa về nuôi. Mồ côi cha mẹ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng chàng trai trẻ luôn nỗ lực không ngừng, ham học hỏi, vừa học vừa làm để đỡ đần cho gia đình bác. 

Thế nhưng ngày Quý chuẩn bị tốt nghiệp đại học, người bác đột ngột qua đời sau một tai biến. Chỗ dựa tinh thần mất đi, từ đó anh một thân một mình bươn chải giữa đời.

Tốt nghiệp Trường ĐH Tây Bắc năm 2017, Quý xin việc ở một công ty, nhưng chỉ mấy tháng sau là xin nghỉ việc. Thời điểm đó, cậu lên các trang mạng mày mò tìm hiểu về các mô hình khởi nghiệp và quyết tâm đi lên từ con dế. 
"Mô hình này phù hợp với hoàn cảnh của mình về chi phí đầu tư, không yêu cầu nhiều về kỹ thuật chăm sóc", Quý bộc bạch.

Quan trọng nhất là anh nhận thấy ở miền xuôi có nhiều người khởi nghiệp từ mô hình nuôi dế nhưng ở miền ngược như vùng Sơn La lại khá ít. Với số tiền 1 triệu đồng tích cóp từ việc làm thêm, Quý bắt đầu từ 5 khay dế nuôi thử nghiệm trong phòng trọ. Thử nghiệm thành công, Quý mạnh dạn bắt tay vào đầu tư chuồng trại.

Ở trường có CLB về khởi nghiệp, chàng trai trẻ xin ý kiến thầy cô trong trường nhờ tư vấn và giúp đỡ, mở rộng quy mô sản xuất. Tháng 3-2018, vay mượn từ bạn bè được chục triệu đồng, Quý đầu tư thiết kế được hơn chục ô vuông nuôi dế, cho sản lượng trung bình gần 100kg dế thành phẩm/tháng, có giá thành 150.000 đồng/kg.

Chàng trai người Thái thừa nhận giờ đã quen với quy trình nuôi dế nên chẳng thấy vất vả, tuy nhiên giai đoạn đầu anh gặp khá nhiều tổn thất. Nhớ nhất là lúc mới đầu tư chuồng trại, ban đầu dế phát triển rất tốt nhưng đến lúc chuẩn bị thu hoạch, bỗng dưng dế chết hàng loạt. 

"Khi ấy đã gần thu hoạch mà dế chết sạch cả đàn, do mình chưa nắm rõ kỹ thuật, cho dế ăn rất nhiều rau, không để ý chuồng trại. Đó là giai đoạn khó khăn nhất, gần như mất trắng số tiền đầu tư ban đầu", Quý chia sẻ.

Thấy Quý suốt ngày "ăn ngủ với dế" mà vẫn thất bại, có người khuyên nên đi làm công ăn lương đã rồi hẵng theo đuổi đam mê. Nhưng anh quả quyết, đã theo phải theo đến cùng. Không từ bỏ, Quý vẫn lựa chọn gắn bó với dế và tiếp tục gây giống lại. Anh cho biết thời điểm đó vừa nuôi dế vừa phụ việc ở các hàng quán để xoay vòng vốn và trang trải thêm cuộc sống.
 
Tôi coi những lần thất bại là những bài học kinh nghiệm cho chính mình, càng thất bại càng thấy mình phải cố gắng hơn nữa.
LA VĂN QUÝ

Dế "3 sạch"

Từng thất bại, thậm chí trắng tay nhưng hơn hai năm qua chàng trai người Thái đã tìm ra con đường cho riêng mình, có "mối hàng ruột" với đầu ra ổn định ở Sơn La. Vòng đời của dế khoảng 45 - 50 ngày, Quý cho biết để dế khỏe trong suốt vòng đời phải lưu ý đến yếu tố "3 sạch".

"3 sạch ở đây nghĩa là phải ăn sạch, uống sạch và ở sạch. Vì dế rất nhạy cảm với nguồn thức ăn bên ngoài, nếu mua rau có phun thuốc bảo vệ thực vật mà dế ăn phải cũng dễ chết. Tương tự với nước, nếu xả trực tiếp loại nước sạch khử clo cũng dễ khiến dế chết. Về môi trường cho dế, nếu không thường xuyên sạch sẽ sẽ gây ẩm mốc, gây bệnh cho dế", Quý nói. 

Do vậy trong khuôn viên trường, anh tận dụng trồng các loại rau sạch làm thức ăn cho dế, đồng thời luôn giữ gìn vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, tạo điều kiện cho dế phát triển khỏe mạnh trong suốt vòng đời. Nếu dế phát triển tốt, cứ hơn 1 tháng sẽ cho thu hoạch dế thành phẩm.

Hiện tại trung bình mỗi tháng chàng trai 9X bán được 100kg dế thành phẩm, thu về hơn chục triệu đồng/tháng. Quý cho biết đang nghiên cứu và sản xuất thêm các sản phẩm từ dế với nguyên liệu, gia vị đặc trưng của vùng Tây Bắc như: khô dế ăn liền, khẩu xén từ dế (tương tự như bánh phồng tôm - PV) phù hợp với thị hiếu khách hàng. 

Bên cạnh đó, tập trung mở rộng mô hình nuôi dế "3 sạch" theo hướng hợp tác xã, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, vừa được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và tạo cơ hội đưa sản phẩm ra các thị trường lớn hơn.

"Khó khăn nhất trong việc khởi nghiệp là giai đoạn đầu về nguồn vốn. Lúc đó tôi mới ra trường chưa có gì trong tay, bươn chải cũng chỉ đủ ăn. Tôi nghĩ điều cần nhất cho khởi nghiệp là đam mê, nhiệt huyết và sự quyết tâm. Lấy ví dụ từ chính bản thân mình đi lên từ con dế, dù thực tế tôi học chuyên ngành chính trị không liên quan gì đến công việc này, mới thấy là "nghề chọn người". Làm rồi mới thấy yêu thích, yêu thích rồi mới chọn gắn bó" - La Văn Quý trải lòng.
 

Khởi nghiệp từ sắc hoa atisô đỏ


Nhờ vào cây atisô đỏ, Hiền đã đạt được ước mơ khi mở ra hướng đi mới về kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân ở vùng quê Phong An.


Chị Hiền là chủ cơ sở sản xuất và chế biến Hichagol - Ảnh: ĐỨC TÀI

 
Đặt niềm tin vào cây atisô đỏ, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (25 tuổi, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến đổi hơn 14ha đất trồng đậu, sắn có năng suất thấp thành ruộng hoa có hiệu quả kinh tế cao cho địa phương.

Món quà của chồng

Tốt nghiệp THPT, chị Hiền theo học tại Trường đại học Kinh tế - Đại Học Huế. Thời gian này, mỗi lần về nhà chị lại thấy cảnh cây đậu, cây sắn của người dân thường xuyên chết, năng suất không cao, cái nghèo cứ mãi bám víu lấy người dân quê Phong An. 

"Phải tìm cách nào đó giúp người dân thay đổi", Hiền nghĩ.

Trong thời gian học đại học, Hiền quen anh Lê Văn Chánh, chồng chị bây giờ. Lúc đó, anh đang là hướng dẫn viên du lịch, thường dẫn các đoàn khách đi tham quan đó đây. Trong một lần trở về sau một chuyến công tác ở miền Bắc, anh Chánh có tặng chị 15 hạt giống cây atisô đỏ để trồng làm cảnh. 

"Anh bảo hoa cây này rất đẹp, còn có thể chữa một số bệnh. Mình trồng thử xem cây có sống không, hoa có đẹp như chồng mình nói và thấy trên mạng xã hội không", chị Hiền kể.

Sau 3 tháng theo dõi cây phát triển, chị nhận ra loài cây atisô đỏ rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Quy trình chăm sóc cũng rất đơn giản, không tưới nước, không có sử dụng phân bón. Cây lại cho ra nhiều hoa, cánh có màu tươi, cánh bập, thon không giống cây ở miền Bắc như chị được thấy trên mạng. 

Chị cùng gia đình quyết định nhân giống thay thế 1 sào đậu để trồng cây atisô đỏ.

Sau hơn hai năm, đến giờ chị đã mở rộng diện tích lên gần 4ha. Trong đó, chị dùng 1ha để nhân giống, khu vực còn lại để thu hoạch hoa rồi đưa đi chế biến, bán ra thị trường. "Mình phải tư vấn kết hợp với bán hàng online để khách hàng quen với sản phẩm, dần dần mới ổn định được thị trường", chị Hiền nói.


Chị Hiền thu hoạch hoa atisô đỏ - Ảnh: ĐỨC TÀI

Giúp quê hương thay đổi

Sau khi vườn cây atisô phát triển ổn định, chị nghĩ đến việc mở rộng quy mô bằng cách đưa giống cây atisô đến từ nhà, hướng dẫn cách trồng, tư vấn và ký kết hợp đồng thu mua lại sản phẩm cho người dân.

"Ban đầu gặp nhiều khó khăn, khi nhiều người chưa biết đến giống cây này. Một phần thì sợ trồng lên rồi không có nguồn ra ổn định, rồi lại mất công chăm sóc", chị Hiền nói.

Bà Lê Thị Thẻo (53 tuổi, thôn Phường Hóp) là người đầu tiên nhận cây giống về trồng. Bà chia sẻ, lúc đầu, mới nghe cũng không dám lấy về trồng vì lần đầu tiên biết giống cây này, không biết cách trồng như thế nào. Bà nhận lời do thu nhập từ cây sắn, cây đậu quá thấp. 

"Cây này vừa dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc nhưng lại phát triển rất tốt. Hiền lại ký hợp đồng đảm bảo đầu ra của sản phẩm, giúp những người dân như chúng tôi yên tâm sản xuất. Giờ đây, gia đình tôi đã trồng thay thế thêm 1,5ha đất trồng sắn, đậu sang trồng cây atisô đỏ", bà Thẻo kể.


Những sản phẩm chế biến từ cây atiso đỏ - Ảnh: ĐỨC TÀI

Hiện tại, chị Hiền đã đưa cây atisô đỏ đến với 5 xã của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích 10ha. Chị cũng dành 1ha để trồng cây giống. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, chị Hiền tiếp tục mở cơ sở sản xuất và chế biến Hichagol với 5 sản phẩm gồm rượu, mứt, nước cốt, nước cốt kèo hoa, trà hoa. 

Với giá bán cho từ sản phẩm dao động từ 250.000 đến 500.00 đồng, mỗi tháng bình quân cơ sở của chị thu khoảng 45 triệu đồng.

Cơ sở sản xuất của chị tạo ra công ăn việc làm cho 20 người dân thôn Phường Hóp với thu nhập là 250.000 đồng/ngày. Đây cũng là địa điểm thực tập của các sinh viên, thầy cô của Trường đại học Nông Lâm - Đại Học Huế.

"Hiện tại huyện cũng đang có kế hoạch, đánh giá để nhân rộng, chuyển đổi hướng cây trồng này thay thế cây đậu, sắn ở một số địa điểm trên địa bàn", ông Trịnh Đức Hùng - chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết.
 
Thu Phương tổng hợp (Theo Tuổi trẻ)
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×