Những cặp vợ chồng khởi nghiệp thành công

Thứ bảy, 19/10/2019

Với triết lý 'quay về với mẹ thiên nhiên', cặp vợ chồng thạc sĩ, kỹ sư đã bỏ phố lên rừng nghiên cứu xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, khép kín thế hệ mới, không phát thải ra môi trường.

Trang trại thuần tự nhiên

 
Với triết lý 'quay về với mẹ thiên nhiên', cặp vợ chồng thạc sĩ, kỹ sư đã bỏ phố lên rừng nghiên cứu xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, khép kín thế hệ mới, không phát thải ra môi trường.


Chị Nguyễn Phương Thảo và các sản phẩm từ mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn. 
V.T

Đó là mô hình Nguyên khôi xanh của vợ chồng chị Nguyễn Phương Thảo (33 tuổi) và anh Nguyễn Lương Quyết (40 tuổi, ở P.Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, Hà Nội). Mô hình vừa được Bộ KH-CN và Ngân hàng Thế giới trao giải nhì tại cuộc thi khởi  nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”.

Chất thải của quy trình này trở thành đầu vào của quy trình khác.


Tốt nghiệp thạc sĩ về môi trường ở Anh quốc trở về quê hương, chị Nguyễn Phương Thảo đã có công việc và thu nhập ổn định trong một cơ quan nhà nước, nhưng chị luôn trăn trở trước thực trạngô nhiễm môi trường và thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng tới sức  khỏe của con người. Sau thời gian tìm hiểu, chị cùng chồng là một kỹ sư xây dựng đã lên H.Yên Lập (Phú Thọ), sáng lập ra Nguyên khôi xanh, mô hình trang trại chăn nuôi và trồng trọt theo tiêu chuẩn hữu cơ, không gây ô nhiễm môi trường.

Chị Thảo cho biết, khác với những mô hình chăn nuôi hiện có tại VN theo tuyến tính, chỉ phát triển theo một chiều, mô hình của Nguyên khôi xanh được nghiên cứu rất kỹ lưỡng những kỹ thuật trong việc xử lý chất thải, hướng tới xử lý triệt để chất thải. Đặc biệt, biến chất thải của quy trình này trở thành đầu vào của quy trình khác.

Cụ thể, trong trang trại, phân heo được xử lý qua men vi sinh, trở thành thức ăn cho giun quế. Sau đó, đạm giun lại trở thành đạm cho vật nuôi, phân giun trở thành phân bón hữu cơ cho cây trồng trong trang trại. Phần nước thải sau biogas không xả thẳng ra môi trường mà có hệ thống bể lọc ngập nước kiến tạo, bao gồm các vật liệu lọc và cây thủy sinh để tiếp tục phân giải các chất dư thừa là nitơ và phốt pho. Nước thải sau bãi lọc được tận dụng tưới cây và đưa ra đầm sen nhằm tạo năng suất cũng như để đạt hiệu quả kinh tế…

Đặc biệt, chị Thảo chia sẻ, trong mô hình này, vấn đề được ưu tiên hàng đầu là vật nuôi hạnh phúc, khỏe mạnh bởi đề kháng tự nhiên; chất lượng nông sản thơm ngon và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. “Để sản phẩm có chất lượng cao, chúng tôi tạo cho vật nuôi, cây trồng một sức đề kháng tự nhiên khỏe mạnh, đến từ môi trường, thức ăn, vận động. Vật nuôi được sống môi trường sạch sẽ, rộng rãi, gần gũi với thiên nhiên, hạn chế tác động của hóa chất”, chị Thảo cho hay.

Sau 2 năm triển khai (từ năm 2017), mô hình trang trại đã cung cấp ra thị trường các sản phẩm an toàn như thịt tươi sản xuất theo công nghệ thịt mát, thực phẩm chế biến sẵn từ thịt lợn sử dụng gia vị tự nhiên từ động thực vật, tuyệt đối không dùng phụ gia công nghiệp, các sản phẩm trà hoa hữu cơ…

Hạnh phúc khi đi… bốc phân heo

 
Để xây dựng mô hình này, chị Thảo cho biết, nhóm đồng sáng lập đều là những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu môi trường, trong đó có những người đã được đào tạo trong lĩnh vực khoa học môi trường từ trường đại học hàng đầu tại Anh, và các kỹ sư có chuyên môn được đào tạo bài bản đã nghiên cứu và xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn… Tuy nhiên, vợ chồng chị và các cộng sự cũng phải trải qua không ít khó khăn vì lần đầu tiên làm nông dân.

Để đảm bảo cho lợn có sức khỏe tốt và chất lượng theo mong muốn, anh Quyết cũng thường xuyên đi bốc phân heo để “phân tích” xem lợn có tiêu hóa hết lượng thức ăn hay không, độ chua đủ chuẩn chưa… Đối với người khác sẽ là một cực hình khi đang quen với cuộc sống nơi thành thị, quay trở về làm trang trại, nhưng vợ chồng chị Thảo và các cộng sự luôn coi đó là niềm hạnh phúc. Không dừng lại ở đó, những người sáng lập trang trại còn đang hướng đến vận động và tập huấn, chuyển giao công nghệ cho các trang trại xung quanh thực hành theo “Mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn ứng phó với biến đổi khí hậu” để hình thành vùng nuôi trồng có môi trường sạch, chất lượng nông sản đạt tiêu chuẩn và đáp ứng được nhu cầu sử dụng các sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để phát triển mô hình này trong tương lai, chị Thảo không khỏi trăn trở vì hiện chưa có quỹ đất được quy hoạch cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ; chưa có chính sách hỗ trợ về vốn cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mặc dù nhà nước đã có chính sách ưu đãi vốn cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. “Mô hình của chúng tôi đã cho kết quả tốt, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thời đại là chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành chăn nuôi và thị trường tiêu thụ về sản phẩm hữu cơ. Thúc đẩy nhanh việc thí điểm áp dụng tại các trang trại khác để rút ra những bài học là hết sức cần thiết. Từ đó làm cơ sở để nhân rộng và phát triển ra toàn bộ cộng đồng chăn nuôi”, chị Thảo bày tỏ.
 

Làm giàu nhờ nông nghiệp công nghệ cao

 
Chồng mở công ty chuyên làm nhà kính công nghệ cao, còn vợ trồng dưa lưới thủy canh trong nhà kính. Đó là cách mà đôi vợ chồng trẻ Trần Trọng Tuấn (29 tuổi) và Nguyễn Thị Ngọc (26 tuổi) chọn để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Ngọc bên vườn dưa lưới thủy canh công nghệ cao của gia đình. Ảnh: T.D

Chồng mở công ty làm nhà kính
 
Vợ chồng trẻ Tuấn - Ngọc hiện ở thôn 11, xã Đại Lào, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Tuấn xuống TP.HCM học sửa chữa điện  thoại. Sau khi mở tiệm sửa điện thoại chưa được 1 năm, Tuấn tiếp tục học lái máy xúc. Song theo Tuấn, tất cả nghề mà anh đã học và làm cũng chỉ là sở thích, chứ chưa phải là hướng đi mà anh chọn để lập nghiệp.

Năm 2014, Tuấn nên duyên vợ chồng với Ngọc. Từ đây, hai người thành lập công ty. Công ty của Tuấn chuyên nhận thi công các công trình nhà lưới, nhà kính sản xuất rau hoa, củ quả công nghệ cao. Sau hơn 5 năm làm nghề, không chỉ khách hàng trong tỉnh mà còn nhiều khách hàng ở TP.HCM, Vũng Tàu, Đồng Nai, Quảng Bình và cả các nước Lào, Campuchia tín nhiệm Tuấn.

“Hiện tại, công ty đang thiết kế, lắp ráp 7 loại nhà kính theo nhu cầu của hộ gia đình và doanh nghiệp. Nhà kính sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được thi công theo công nghệ IoT (áp dụng công nghệ thông tin, điện tử và viễn thông vào sản xuất nông nghiệp)”, Tuấn chia sẻ.

Loại nhà kính này khi đưa vào sử dụng thì thiết bị IoT (mạng lưới kết nối internet) sẽ kết nối với các cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, pH… giúp người sản xuất dễ dàng điều chỉnh các chỉ số nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng phù hợp với từng loại cây trồng. Trung bình mỗi năm, Tuấn nhận thi công từ 12 - 15 công trình nhà kính, với diện tích từ 1.000 - 10.000 m2/công trình. Trung bình, mỗi công trình mang lại cho anh nguồn lợi nhuận từ 100 - 150 triệu đồng. Ngoài ra, công ty của Tuấn đang tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động, với mức thu nhập từ 400.000 - 450.000 đồng/ngày.

Vợ chuyên trồng dưa lưới công nghệ cao
 
Tốt nghiệp ngành kế toán, nhưng Ngọc (vợ Tuấn) lại chọn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để phát triển kinh tế.

Với lợi thế có sẵn đất vườn, vợ chồng Tuấn - Ngọc đầu tư xây dựng 1.000 m2 nhà kính ứng dụng công nghệ IoT để sản xuất nông nghiệp. Ngọc cho biết: “Ban đầu trồng dâu Tây theo công nghệ thủy canh. Song, hiệu quả kinh tế mang lại không cao như kỳ vọng. Do đó, từ đầu năm 2019, tôi đã chuyển qua trồng dưa lưới Taki Nhật Bản”. Với 1.000 m2 nhà kính, Ngọc trồng dưa lưới bằng phương pháp thủy canh và trên giá thể xơ dừa đã được xử lý mầm bệnh, trộn lẫn với đất và các loại phân vi sinh. Dưa lưới Taki từ lúc xuống giống đến thu hoạch chỉ 65 ngày. Nhờ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào chăm sóc, nên dưa lưới luôn phát triển đồng đều, không bị sâu bệnh và cho năng suất cao từ 7,5 - 8 tấn/sào/năm. Sản phẩm được bán tại TP.Bảo Lộc và TP.HCM với giá từ 62.000 - 65.000 đồng/kg. Nhờ đó, mang lại nguồn thu nhập từ 850 - 900 triệu đồng/năm. Ngọc dự định mở rộng thêm 1.000 m2 nhà kính sản xuất dưa lưới và trồng thêm một số loại rau thủy canh khác trong thời gian tới.

Anh Nguyễn Văn Định, Bí thư Đoàn xã Đại Lào, khẳng định: “Với mô hình sản xuất nông nghiệp cao của vợ chồng Tuấn - Ngọc đã chứng minh được trí tuệ, nghị lực và chí hướng làm giàu của tuổi trẻ . Mặc dù chi phí đầu tư cao, nhưng đây là mô hình sản xuất hiệu quả, với nhiều triển vọng nên chúng tôi sẽ giới thiệu tới đoàn viên, thanh niên để tham khảo, nhân rộng”.
 
Trường Giang tổng hợp (Theo Thanh niên)
 
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×