Những chàng trai bỏ phố…

Thứ ba, 27/04/2021

Không theo nghề trồng tiêu, cà phê truyền thống của những người nông dân vùng Đắk Lắk, chàng trai 9X bỏ phố về quê tìm cách rẽ hướng rồi thành công bằng mô hình nuôi chó kiểng.

Chàng trai 9X bỏ phố về quê thành tỉ phú nhờ nuôi chó


Không theo nghề trồng tiêu, cà phê truyền thống của những người nông dân vùng Đắk Lắk, chàng trai 9X bỏ phố về quê tìm cách rẽ hướng rồi thành công bằng mô hình nuôi chó kiểng.

Tỉ phú trẻ sau khi bỏ phố về quê khởi nghiệp
VĂN TIẾN

 
Chơi vơi khi bỏ phố về quê
 
Chỉ mới khoảng 4 năm bắt đầu từ một con chó giống, đến nay chàng trai Hoàng Văn Tiến (31 tuổi, thôn Katy 2, xã Chư Kbô, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk, Lắk) đã phát triển đàn chó lên đến 150 con với số tiền hàng tỉ đồng. Tuy vậy, để đạt được thành quả đó, Tiến không thể nào quên hàng trình gian nan khi lựa chọn con đường bỏ phố về quê.

Tiến nhớ lại, cũng như nhiều thanh niên sinh ra và lớn lên ở quê hương Đắk Lắk. Đến lúc trưởng thành Tiến lên thành phố để tiếp tục con đường học vấn. Tiến đậu bậc CĐ của Trường ĐH GTVT TP.HCM. Mang trong mình nhiều hoài bảo, chàng sinh viên bắt đầu con đường khám phá thế giới xung quanh. Một hôm Tiến cảm thấy con đường đi học không phải là con đường duy nhất đi tới thành công, anh đã quyết định dừng việc học giữa chừng.

 
Trang trại nuôi chó của Tiến
 
Tiến đi làm, tập kinh doanh, đi làm thuê nhưng vẫn chưa đạt được những gì mình mong muốn. “Lúc quyết định về quê, tôi cứ đắn đo suy nghĩ. Ở thành phố có nhiều cơ hội mà tại sao mình không làm được. Cảm thấy mình vô dụng, chưa được may mắn. Mình làm nhiều mà chưa được gì, tôi thấy cuộc sống thành thị bắt đầu ngột ngạt. Tôi chán, bỏ thành phố để về quê tìm cơ hội khác”, Tiến nói.

Rồi anh lại tiếp lời: “Về quê tôi bớt năng động lại, ít giao tiếp với mọi người. Có lúc tôi chơi vơi không biết phải làm gì. Thời gian tôi ngồi vẽ nhiều chiến lược, nhiều cách làm. Cuối cùng tôi chỉ muốn làm gì đó thành công ở quê hương của mình”.

Cảm giác yên bình, khí hậu trong lành, đất đai màu mỡ ở quê là điều nhiều người mơ ước. Tiến tham gia nhiều hoạt động khởi nghiệp ở quê như trồng tiêu, cà phê trên rẫy như nông dân chính hiệu. Rồi tiêu chết, cà phê rớt giá, Tiến mất trắng từ vụ mùa đầu tiên.

Nhận thấy trào lưu nuôi chó độc lạ đang “làm mưa làm gió” trên diễn đàn. Mất 3 ngày 3 đêm anh đọc và tìm hiểu thị trường. “Lúc đấy trong túi của tôi chỉ có khoảng 2 triệu đồng, tôi vay thêm tiền để đủ 10 triệu để mua chó giống. Trừ hết chi phí con chó đầu tiên về đến Đắk Lắk tôi trả tiền vừa đủ 10 triệu luôn. Đây là cơ hội cho tôi để làm lại cuộc đời”, Tiến cho biết.

Từ rẫy cà phê, Tiến cải tạo thành nơi nuôi chó và các dịch vụ đi kèm
 
Con chó Husky đầu cho ra được một đàn con, rồi anh nhập tiếp 2 con chó giống về nhân đàn. Thế nhưng, đàn chó con bị chết đột ngột vì bệnh đường ruột. Tiến một lần nữa mất trắng tài sản đầu tư từ chó.

Thành tỉ phú nuôi chó

Anh lên lại thành phố để học nghề nuôi chó kiểng một thời gian. Chắc ăn, Tiến trở về quê làm lại từ 3 con chó giống Husky từ trước. Anh vay tiền tỉ đầu tư. Mảnh đất 4.000 m2 trồng cà phê được san ủi thành trại chó giống đầu tiên ở xã. Nhờ khí hậu trong lành, không gian thoáng mát hợp với các giống chó kiểng. Nắm kỹ quy trình, kỹ thuật chăm sóc nên đàn chó dần phát triển hơn. Hàng trăm con chó kiểng nhập ngoại đã được sinh ra mạnh khỏe từ vùng đất đỏ bazan. Mất 1,5 năm chuỗi trang trại gồm khách sạn thú cưng, quán cà phê thú cưng, trại chó giống của Tiến mới thành hình.

Không khí thoáng đãng, mát lạnh phù hợp với sự phát triển của đàn chó mà Tiến nuôi
 
Theo Tiến, người nông dân ở quê chưa làm được bởi hạn chế từ tư duy, công nghệ và đột phá. Nhận thấy thiếu sót đó, Tiến thay đổi rồi áp dụng thành công nhờ tiếp cận công nghệ 4.0. Anh bán chó trực tuyến qua nhiều kênh trung gian. Khoảng cách giữa nông thôn và thành thị giờ đây gần như không còn quá xa từ khách hàng với Tiến. Mỗi chú chó Tiến bán từ 5 đến 25 triệu đồng. Sau khoảng 4 năm, Tiến đã có trong tay lợi nhuận tỉ đồng từ khi khởi nghiệp.

“Khi tôi thành công rồi, nhiều bạn trẻ tìm đến được tôi dạy nghề và cho ăn ở miễn phí. Các bạn ấy được trải nghiệm thực tế khi chăm sóc chó mỗi ngày. Tổng cộng đến nay có 13 bạn theo học nghề ở trại chó này. Đó là cái tôi trả ơn cuộc đời và giúp cho các bạn khởi nghiệp giống mình”, anh nói.

Tiến cùng những bạn trẻ đam mê nuôi chó
 
Ngoài ra, Tiến còn muốn giúp đỡ bà con nông dân có thể trở thành người chăn nuôi nếu yêu thích thú cưng. Sẵn sàng hỗ trợ các thanh niên khởi nghiệp từ nghề nuôi chó kiểng và có thể xuất khẩu nhiều giống chó ra nước ngoài.

“Tôi cảm thấy mình may mắn khi nhìn lại những thất bại. Cuối cùng tôi đã chọn được con đường đúng để có được như ngày hôm nay”, Tiến chia sẻ về hành trình bỏ phố về quê của mình.
 

Trai phố lên rừng... cắm trại

 
'Thấy tôi dựng lều, cắm trại, bà con hỏi chú mua đất để trồng rau hay gì? Nghe tôi bảo để làm du lịch, họ cười ồ 'có ai mà đến đây', Nguyễn Tử Anh nhớ lại những ngày đầu ở vùng núi H.Bảo Lâm, Lâm Đồng.


Nơi cắm trại đẹp tuyệt của chàng trai ở núi Đại Bình
THÚY HẰNG


Núi Đại Bình, H.Bảo Lâm cao khoảng 1.000 m so với mực nước biển, hai bên xanh mướt những rặng cà phê và trà, con dốc dẫn lên nơi cắm trại của Tử Anh dài khoảng 2,5 km. Người đi lần đầu như chúng tôi vừa đi vừa ngắm thiên nhiên trong lành nơi này mất khoảng 2 tiếng. Bao mệt mỏi tan biến khi những ngôi nhà tre đẹp như trong truyện cổ tích hiện ra, giữa những sườn đồi xanh mướt, xung quanh tím lịm màu hoa mua. Nhà bếp, nhà tắm, bàn cà phê, nơi dựng lều cắm trại, phòng nghỉ, nơi đọc sách... tất cả đều được làm từ tre, gỗ mộc mạc tạo cảm giác dễ chịu khi được trở về thiên nhiên.

Tử Anh, chàng trai sống ở TP.HCM, khởi nghiệp với du lịch trải nghiệm ở núi Đại Bình này được hơn 2 năm. Anh đã biến ngọn núi hoang sơ, nhiều nơi bỏ hoang với cây cà phê xơ xác thành địa điểm cắm trại đầy thơ mộng.
Hoa nở nơi sỏi đá
 
“Tháng 12.2017, tôi lần đầu leo núi Đại Bình và bị thiên nhiên nơi này chinh phục. Tôi rủ những người bạn chung chí hướng cùng hợp sức để làm tour vừa leo núi kết hợp cắm trại ở Đại Bình. Chúng tôi may mắn gặp được vợ chồng anh Thảo, chị Mun, người dân tộc Châu Mạ ở đây giúp trông coi nhà cửa, nấu những món ăn rất ngon miệng cho du khách”, Tử Anh kể.

2,9 tỉ đồng bỏ ra để xây dựng cơ sở vật chất (chưa tính tiền mua đất), trong đó gần 30% là chi phí để mua, vận chuyển hết số gỗ, tre nứa, máy móc... Những ngày đầu, làm gì đã có đường dễ dàng để lên núi Đại Bình như bây giờ. Con đường dốc đá lởm chởm, trơn như mỡ, xe máy cày chỉ đi được vào ngày nắng ráo. Tử Anh và bạn kiên nhẫn nghiên cứu xây hồ trữ nước ngọt, dẫn nước từ suối về, lắp đặt pin năng lượng mặt trời để có điện, trồng hơn 700 cây dầu và hàng trăm cây thông, sim, mua rừng, cà phê, trà để phủ lại ngọn đồi trống. Họ không nản lòng khi nghe những lời chê bai, ngờ vực “nơi này làm du lịch cái gì, có ai mà đi”.

Đi xuyên rừng (trekking), chạy bộ đường núi (trail) đang là xu hướng, nhưng không phải đơn vị nào làm cũng có giấy phép, bảo đảm an toàn cho du khách. Vốn là dân leo núi chuyên nghiệp, tốt nghiệp Trường ĐH Luật TP.HCM, Tử Anh làm mọi thứ bài bản, đầy đủ pháp lý. Sau khu cắm trại ở Bảo Lâm, anh làm tiếp một trại nữa ở Bảo Lộc. Từ nơi đó, đêm về có thể nhìn thấy toàn cảnh TP.Bảo Lộc lấp lánh ánh đèn.

Tết 2019, họ đón những vị khách đầu tiên. Nhìn khu cắm trại Up Base Camp xinh xắn, thơ mộng với đủ sắc hoa nằm kế bên dòng suối ngày đêm chảy róc rách trên ngọn đồi cỏ cháy ngày nào, Tử Anh xúc động, trân quý sự giúp đỡ thân tình của bà con bản địa.

Tử Anh, chàng trai mê thể thao trải nghiệm
 
“Tôi khởi nghiệp để mọi người khắp nơi thấy được thiên nhiên hùng vĩ của Lâm Đồng, của Việt Nam, từ đó thay đổi cách sống và gìn giữ thiên nhiên, môi trường nhiều hơn. Tôi cũng muốn tạo thu nhập cho chính những người dân chân chất, mộc mạc nơi này”, Tử Anh chia sẻ. Trong hành trình leo núi kết hợp cắm trại do Tử Anh thiết kế, mỗi khách đều tự tay trồng thêm ít nhất một cây xanh và luôn luôn phân loại rác, dù đang trên đỉnh núi.

Tôi khởi nghiệp để mọi người khắp nơi thấy được thiên nhiên hùng vĩ của Lâm Đồng, của Việt Nam, từ đó thay đổi cách sống và gìn giữ thiên nhiên, môi trường nhiều hơn. Tôi cũng muốn tạo thu nhập cho chính những người dân chân chất, mộc mạc nơi này
Nguyễn Tử Anh
 
Đón sinh nhật bằng leo núi, đi bộ
 
Nguyễn Tử Anh (hiện 42 tuổi) từng làm việc tại Thành đoàn TP.HCM. Tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt huyết, anh có 2 năm là Phó chủ tịch Hội sinh viên của một trường ĐH.

Không chỉ khởi nghiệp với du lịch cắm trại, Tử Anh còn mở công ty các sự kiện thể thao, chuyên tổ chức các giải chạy khắp Việt Nam. Trước đó, anh có trải nghiệm sống phong phú khi trải qua nhiều công việc khác nhau, từ mở công ty hay làm ở bộ phận phát triển nguồn nhân lực ở một tập đoàn…

Chàng trai đam mê chạy bộ, leo núi, là vận động viên marathon cự ly 42 km. Từ năm 2015, anh có cách đón sinh nhật đặc biệt là leo lên đỉnh một ngọn núi. Năm 2020, anh chào sinh nhật bằng... đi bộ đường dài từ Nha Trang tới Đà Lạt, 100 km trong 2 ngày, từ đó quyên góp hơn 80 triệu đồng làm từ thiện. “Năm nay tôi sẽ đi bộ từ Cam Ranh tới Đà Lạt, hành trình khoảng 140 km. Tôi mong mình có thể truyền thêm nhiều cảm hứng cho giới trẻ về việc rèn luyện thể thao”, anh bộc bạch.

Đam mê thể thao, du lịch trải nghiệm từ Tử Anh lan tỏa tới các thành viên trong gia đình anh. Vợ hỗ trợ điều hành công ty du lịch. 3 con của anh (7 - 9 và 11 tuổi) học tiểu học tại TP.HCM đều giỏi leo núi, chạy bộ. Mẹ vợ Tử Anh gần 70 tuổi vẫn leo núi Đại Bình đều đều để lên tới trại của các con.

Mới đây, chàng trai lên núi khởi nghiệp nhận thêm tin vui, anh và những cộng sự có giấy phép để tiếp tục xây dựng mô hình du lịch cắm trại trên ở tuyến du lịch trekking tuyệt đẹp Tà Năng - Phan Dũng (H.Đức Trọng, Lâm Đồng). “Công việc nào cũng có áp lực, nhưng được làm điều mình đam mê, lan tỏa lối sống tích cực cho mọi người khiến tôi rất hạnh phúc”, anh trải lòng.
Mai Anh tổng hợp (Theo Thanh niên)
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×