Những cô gái tài năng khởi nghiệp thành công

Chủ nhật, 04/08/2019

Vốn là cử nhân ngữ văn nhưng với khát vọng khởi nghiệp và mong muốn có một cuộc cách mạng 'nông nghiệp xanh' trên quê hương Hà Giang, cô gái Hoàng Thị Hảo đã rẽ ngang, lập dự án trồng rau sạch và du lịch có trách nhiệm với cộng đồng.

Cô gái Tày với dự án khởi nghiệp '4 sạch'
 

Vốn là cử nhân ngữ văn nhưng với khát vọng khởi nghiệp và mong muốn có một cuộc cách mạng 'nông nghiệp xanh' trên quê hương Hà Giang, cô gái Hoàng Thị Hảo đã rẽ ngang, lập dự án trồng rau sạch và du lịch có trách nhiệm với cộng đồng.


Du khách quốc tế thích thú trải nghiệm làm nông dân khi tham gia tour du lịch do chị Hoàng Thị Hảo tổ chức. Ảnh: NVCC
 
Khởi nghiệp từ chính nhu cầu của khách
 
Sắc sảo và cá tính là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với chị Hoàng Thị Hảo (dân tộc Tày, 31 tuổi), người từng chở khách đi du lịch bằng xe máy với cung đường gần 1.000 km xuyên suốt vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang. Khi ấy, chị là nữ sinh Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên.

Hảo kể, chị thích học tiếng Anh nên mỗi kỳ nghỉ hè lại về quê trải nghiệm bằng việc làm hướng dẫn viên dẫn khách Tây đi du lịch. Các tour chỉ sử dụng xe máy để đi trên các địa hình hiểm trở và khám phá vẻ đẹp tuyệt vời của cao nguyên đá. Vì vậy, có những tour chị không ngại “thân gái dặm trường” dẫn khách đi tới gần 1.000 km. Cũng chính những lần đi tour này đã giúp chị nhen nhóm ước mơ khởi nghiệp ngay tại quê hương. Năm 2011, tốt nghiệp ĐH, đi dạy được 4 tháng thì chị đi làm dự án vì cộng đồng của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.


Chị Hoàng Thị Hảo. Ảnh: NVCC
 
Năm 2017, sau nhiều năm hoạt động xã hội, chị thấy có nhiều vấn đề cần phải được thay đổi trên quê hương nên quyết định khởi nghiệp. “Khi dẫn khách đi du lịch, ở địa phương tôi thấy nhiều người có nhu cầu ăn chay nhưng không tìm được quán ăn. Vì vậy tôi đã mở một quán ăn chay để phục vụ khách du lịch. Khi đến ăn, khách lại có nhu cầu được nghỉ ngơi nên tôi lại xin giấy phép thành lập homestay. Trong quá trình nấu ăn phục vụ du khách, thấy việc đi thu mua rau sạch quá vất vả, khó khăn nên tôi lại nghiên cứu và tìm hiểu về việc trồng rau sạch hữu cơ. Từ đó, tôi đã hình thành ý tưởng xây dựng mô hình trang trại hữu cơ khép kín và kinh doanh dịch vụ du lịch trải nghiệm có trách nhiệm (dự án GB - Green Blessing)”, chị Hảo chia sẻ.

Du lịch dưỡng tâm

Chị Hảo cho biết: “Dự án sẽ xây dựng một nhóm nông dân sản xuất rau hữu cơ và kết hợp phát triển du lịch cộng đồng nhằm nâng cao thu nhập cho bà con, cung cấp sản phẩm, thực phẩm hữu cơ cho người dân và du khách. Dự án hướng đến việc phát triển du lịch có trách nhiệm để vừa giúp tăng trưởng kinh tế trên quê hương vừa đảm bảo tính toàn vẹn môi trường”.

Với mục tiêu mang năng lượng sạch, sức khỏe đến tất cả mọi người, dự án kết hợp 4 sản phẩm trong chuỗi tiêu chí về du lịch có trách nhiệm. Trong đó, cư dưỡng là dịch vụ lưu trú cho khách du lịch homestay với hệ thống nhà sàn trưng bày các sản phẩm nông nghiệp và văn hóa. Động dưỡng là hoạt động trải nghiệm thực tế cho khách du lịch trong trang trại. Khách sẽ được tham quan trang trại, tham gia làm nông dân. Sau khi trải nghiệm làm nông dân, du khách có một ngày khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa địa phương qua các hành trình đi bộ xuyên rừng, vào thăm các bản làng dân tộc, trải nghiệm cuộc sống thường ngày cùng với người dân địa phương. “Nét đặc trưng của dự án GB là khách được tĩnh dưỡng bằng việc tham gia các khóa thiền, yoga và rèn luyện sức khỏe do các hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm đảm trách. Bên cạnh đó, dự án còn mang đến sản phẩm thực dưỡng cho du khách. Ngoài việc thưởng thức các bữa ăn bằng thực phẩm hữu cơ của nông trại, du khách sẽ được tư vấn, chăm sóc, học hỏi và trao đổi về chế độ dinh dưỡng qua các khóa học nấu ăn của chúng tôi”, chị Hảo cho hay.

Mục tiêu 4 sạch
 
Chị Hảo cho biết dự án mong muốn tạo "văn hóa hữu cơ" cho bà con nông dân, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho môi trường. Đồng thời dự án còn tạo công ăn việc làm cho những thanh niên ở địa phương. “Những thanh niên tham gia dự án được dạy học tiếng Anh miễn phí, dạy kỹ năng làm du lịch để có nghề nghiệp ổn định. Nếu không làm cho dự án, họ cũng có thể sử dụng khả năng của mình làm những công việc khác để mưu sinh. Các gia đình tham gia dự án cũng bắt tay làm du lịch với việc hướng dẫn du khách trải nghiệm làm nông dân. Từ đó tăng sinh kế cho người dân”, chị Hảo nói.

Mục tiêu của dự án là đạt được 4 sạch: môi trường sạch (góp phần làm sạch môi trường thiên nhiên, phát triển cộng đồng bền vững); sản phẩm sạch (cung cấp thực phẩm sạch cho thị trường); người nông dân “sạch” (nâng cao nhận thức của người nông dân để sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội); khách du lịch “sạch” (nâng cao ý thức cho khách khi đi du lịch, đóng góp vào các công việc xã hội tại địa phương).

Hiện dự án đang trong quá trình gọi vốn để triển khai thí điểm tại xã Phú Linh (H.Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), dự kiến năm đầu tiên (2019) sẽ đưa vào thí điểm hoạt động lưu trú, yoga, thiền và thực dưỡng. Đến năm thứ 2 thì cung cấp sản phẩm nông sản sạch ra thị trường. Sau 5 năm, mô hình sẽ được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
 

Hotgirl khởi nghiệp từ 1 triệu đồng
 

Khởi nghiệp thành công với nghề móc len, mỗi tháng Nguyễn Thị Kim Anh (30 tuổi, ngụ P.4, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) có nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng.


Kim Anh giới thiệu những sản phẩm bằng len của mình

Sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành kế toán, cô gái xinh xắn Kim Anh được nhận vào làm việc tại một công ty xây dựng với mức lương khá ổn định. Vì yêu thích công việc móc len nên ngoài giờ làm Kim Anh tranh thủ học hỏi để tự tay làm những món đồ nhỏ tặng bạn bè. Và đây sẽ là những sản phẩm để sau này Kim Anh khởi nghiệp.
 
Những sản phẩm đầu tay nhận được phản hồi rất tích cực nên Kim Anh bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn và nhen nhóm ý tưởng kinh doanh. Năm 2015, Kim Anh quyết định xin nghỉ việc rồi dùng số tiền vỏn vẹn 1 triệu đồng để khởi nghiệp.

Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nên chị gặp nhiều khó khăn. Ban ngày Kim Anh làm sản phẩm, chiều tối đem bán ở công viên Văn Miếu. Sau đó chị sử dụng các kênh mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm.

Nhờ nỗ lực không ngừng và chịu khó nghiên cứu về sản phẩm, đối tượng có nhu cầu và tìm cách quảng bá... nên sản phẩm của Kim Anh ngày càng được nhiều người biết đến, trong đó có nhiều khách hàng nước ngoài đặt mua với số lượng lớn. Nhận thấy tiềm năng phát triển, Kim Anh quyết định mở rộng quy mô cơ sở bằng cách liên hệ với Thành đoàn Cao Lãnh vay vốn 53 triệu đồng để mua nguyên liệu. Bên cạnh đó, Kim Anh mở lớp dạy nghề và câu lạc bộ handmade để tạo nguồn nhân công và tận dụng sản phẩm chất lượng của học viên để cung cấp cho thị trường TP.HCH và khách hàng ngoài nước.

Kim Anh cho biết nghề đan móc len đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì nên lúc đầu học viên tìm đến cơ sở chị khá đông nhưng người trụ lại được rất ít. Hiện tại chỉ còn 5 học viên đồng hành với Kim Anh. Với số lao động này, mỗi tháng cơ sở của chị có thể cung ứng ra thị trường trên 30 sản phẩm các loại, chủ yếu là ba lô, ví cầm tay, nón, bé sen, bình hoa sen, xoài… Sản phẩm cung cấp cho khách hàng ở Mỹ, Đức, Malaysia và đại lý tại TP.HCM, giá bán mỗi sản phẩm dao động từ vài trăm ngàn đến trên 1 triệu đồng. Nhờ đó mỗi tháng Kim Anh có thu nhập hàng chục triệu đồng.

Theo Kim Anh, sản phẩm làm ra không chỉ cần đảm bảo chất lượng mà mẫu mã phải độc đáo và tinh tế. Khi các mặt hàng đại trà đã quá phổ biến thì mọi người lại hướng tới những sản phẩm handmade đẹp và lạ, vì vậy các mặt hàng này nói chung, sản phẩm từ đan móc nói riêng, sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.

“Hướng tới tôi sẽ đẩy mạnh sản xuất các mẫu mã mới và tăng số lượng sản phẩm bán ra thị trường. Bên cạnh đó, tôi mong muốn được liên kết với cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh để dạy nghề cho các em. Tôi kỳ vọng định hướng này sẽ tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Cùng với đó, cơ sở cũng có thêm nhiều sản phẩm độc đáo đưa ra thị trường”, Kim Anh, cô gái khởi nghiệp từ 1 triệu đồng,  chia sẻ.
 
Trần Bình tổng hợp (theo Thanh niên)
 

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×