Những cô gái xinh đẹp với đam mê khởi nghiệp

Thứ tư, 16/05/2018

Đó là những cô gái không chỉ xinh đẹp mà còn đam mê với khởi nghiệp

Cô gái đưa tranh Đông Hồ đến với trẻ em


Mê tranh dân gian, Thanh Mai bỏ việc tại Singapore để về Việt Nam phát triển bộ sản phẩm tranh in gỗ dành cho trẻ từ 6 tuổi.
 
Hiện tại, khi đã trải qua 4 năm đưa sản phẩm bộ tranh in gỗ đến với nhiều trường học, tiếp cận trẻ em, phụ huynh hai miền Nam - Bắc, Nguyễn Thị Thanh Mai vẫn trăn trở suy nghĩ về việc phát triển sản phẩm hiệu quả hơn nữa.

Duyên nợ với tranh Đông Hồ là cách Mai lý giải về quyết định tưởng chừng như rất điên rồ: từ bỏ công việc mình đã gắn bó 4 năm tại Singapore để quay về nước, theo đuổi dự án như một doanh nghiệp xã hội, hướng đến giáo dục thế hệ trẻ về nét đẹp dòng tranh truyền thống. Đó là mục tiêu cô gái trẻ sinh năm 1987 tự đặt ra cho mình.

Cô hào hứng khoe bộ tranh in gỗ xinh xắn mà đi đâu cũng cầm theo. Mỗi bộ sản phẩm gồm giấy điệp, khung gỗ vuông định hình, 5 miếng vải, que gỗ lấy màu, bản khắc gỗ theo hình ngộ nghĩnh. Công đoạn để cho ra tác phẩm khá đơn giản: đầu tiên cố định vải vào khung gỗ, cho màu lên vải, sau đó ấn bản khắc vào màu và in lên giấy điệp. Mỗi lần chỉ in một màu, các màu phải khít với nhau.


Nguyễn Thị Thanh Mai, sáng lập thương hiệu Ingo với sản phẩm tranh in gỗ dành cho trẻ.
 
 
Tranh Đông Hồ là nghệ thuật in tranh thủ công, bức tranh hoàn thành do sự ghép lại của các mảng màu, in theo đúng trình tự nhất định: đỏ, xanh, vàng, trắng, đen. Bộ sản phẩm của Mai giữ nguyên những quy tắc của dòng tranh dân gian, nhưng được thiết kế để gần gũi hơn với trẻ nhỏ từ 6 tuổi trở lên. Hình khắc cũng trẻ trung, mang hơi hướng hiện đại, hình ảnh các bé tương tác với con vật thân thuộc.

Mai bồi hồi kể, để có được sản phẩm như bây giờ là quá trình tìm tòi, thử nghiệm và cải tiến nhiều lần, với những chuyến bay xuôi ngược Singapore -Việt Nam, TP HCM - Bắc Ninh.

Năm 2006, trong hành lý của cô gái trẻ qua du học đảo quốc sư tử là những bức tranh Đông Hồ được mẹ đặt cẩn thận trong vali, với suy nghĩ con có thể dùng tranh làm quà tặng cho bạn bè quốc tế. “Mình nghĩ ai đi nước ngoài đều mong muốn đem theo món đồ thể hiện rõ văn hóa, truyền thống đất nước”, Mai nhớ lại.

Nhưng cô thú nhận, lúc đó mình gần như không biết gì về dòng tranh dân gian này. Rồi trên những chuyến du lịch đến nhiều đất nước, cô khát khao đưa vẻ đẹp tranh dân gian của nước mình đến với nhiều người hơn. Đó cũng là lúc Mai miệt mài tìm hiểu về dòng tranh cổ truyền qua Internet.

Nhân dịp về quê ăn Tết, Mai quyết định tìm đến làng tranh Đông Hồ tại Bắc Ninh. Gặp gỡ gia đình nghệ nhân nổi tiếng là ông Nguyễn Hữu Sam và con dâu, cô Nguyễn Thị Oanh, cùng nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Mai đi từ sự ngỡ ngàng đến thán phục, thích thú khi được tận mắt chứng kiến qua trình làm tranh hoàn toàn thủ công.


Những mẫu thiết kế của Thanh Mai.
 
 
Mai nhận ra, Đông Hồ lưu giữ nét đẹp dân gian không chỉ bởi tuổi đời, mà bởi nội dung tranh mộc mạc, xung quanh hình ảnh dung dị đời thường, màu sắc pha chế từ cây cỏ làng quê: màu đỏ nghiền từ sỏi son, vàng từ hoa hè, xanh là màu lá chàm, đen từ than lá tre, nghiền vỏ sò điệp có được màu trắng. Nhìn bàn tay nghệ nhân khéo trên từng bản khắc, Mai chợt thấy xót xa khi làng tranh nổi tiếng ngày nào, giờ chỉ hai hộ gia đình còn theo đuổi nghề. “Mình phải làm một điều gì đó”, Mai quyết định. Ý tưởng cho bộ sản phẩm tranh khắc gỗ dành cho trẻ em ra đời.

Mai muốn bắt đầu với thế hệ trẻ. Qua việc chơi đùa, lắp ghép, tiếp xúc trực tiếp với giấy điệp, các em sẽ có khái niệm đầu tiên về nét văn hóa Đông Hồ. “Biết đâu 5-10 năm sau, từ những kiến thức đầu tiên trải nghiệm làm tranh, các em sẽ tìm hiểu thêm về dòng tranh này, và lan tỏa đến nhiều người hơn”, Mai nói với ánh mắt tràn đầy niềm tin.

Có ý tưởng, cô quay trở lại Singapore tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xã hội do một tổ chức phi lợi nhuận của Đức phát triển. Mai được đến New York hai tháng rưỡi để đào tạo, 10 tháng tiếp theo tại Việt Nam, cô triển khai dự án của mình với sự tư vấn của tổ chức. Cuối năm 2014, Mai đi đến quyết định nghỉ việc, trở về nước để hoàn toàn chuyên tâm vào phát triển sản phẩm.

Thời gian đầu, cô tự bỏ tiền túi ra làm mẫu sản phẩm đầu tiên. Rồi Mai nhận ra nếu đặt nghệ nhân làm thủ công hoàn toàn sẽ mất nhiều thời gian và giá cả của mỗi bộ lên đến hơn 3 triệu đồng, khiến mô hình khó tiếp cận với nhiều phụ huynh. Cô cải tiến thiết kế, đặt khắc thô bằng máy, các công đoạn như gọt tỉa, chà nhám, sơn thì làm bằng tay. Mai vẫn sử dụng giấy điệp từ làng Đông Hồ, được làm từ vỏ cây dó, quét lên một lớp hồ trộn với vỏ sò điệp nghiền nát, bởi muốn trẻ em được cảm nhận trực tiếp bằng tay.

Có sản phẩm, Mai tổ chức buổi học, giao lưu về tranh Đông Hồ, tham gia các ngày hội văn hóa cuối tuần để quảng bá, lấy ý kiến phản hồi tại TP HCM và Hà Nội. Trái với lo lắng rằng sẽ ít gia đình quan tâm về dòng tranh dân gian, sự kiện thu hút hơn 100 gia đình ở mỗi thành phố. Giải đáp hàng loạt tò mò của các em như tại sao giấy lại có màu vàng và lấp lánh, màu sắc làm từ đâu, nhìn cả người lớn lẫn trẻ con thích thú in màu… khiến Mai càng thêm tin tưởng con đường mình đã chọn. Cô mời hẳn nghệ nhân Đông Hồ từ Bắc vào TP HCM trực tiếp hướng dẫn các em.


Các buổi workshop hướng dẫn trẻ em in tranh giúp bé hiểu thêm về văn hóa Đông Hồ.
 
 
Qua những buổi workshop, quan sát việc sử dụng sản phẩm, Mai tiếp tục cải tiến thiết kế và nội dung hình. Cô sáng tạo nên chiếc khung gỗ cố định vải đựng màu để các em nhỏ tuổi dễ thực hiện thao tác hơn. “Mình liên tục thay đổi để bộ tranh in thân thiện hơn với trẻ em”, cô gái trẻ cho biết.

Theo đuổi dự án đến năm 2015, tài chính cạn kiệt bởi những chuyến đi xuôi ngược Bắc - Nam, Mai tìm một công việc ổn định để nuôi bản thân, song song với phát triển sản phẩm. Năm 2016, dự án xin được quỹ tài trợ từ tổ chức phi chính phủ của Hà Lan, Mai nghỉ việc để tiếp tục tập trung hoàn toàn cho bộ in tranh. Cô liên kết cùng các nghệ sĩ đương đại sáng tạo nội dung để tạo hứng thú cho trẻ như hình con vật, trò chơi dân gian, đồng thời tìm đến tổ chức giáo dục của Đan Mạch tại Việt Nam, học hỏi thêm cách tương tác, gợi lên sự tò mò ở trẻ qua các câu chuyện kể, ngôn ngữ cơ thể.

Mai hào hứng kể lại, các bé sau khi nắm được quy luật thì tự mình pha các màu lại với nhau tạo thành màu mới, hay chấm tay vô màu để vẽ thêm chi tiết lên tranh. “Vì hướng đến mục đích giáo dục nên bộ sản phẩm cần kích thích sự sáng tạo ở trẻ”, cô gái chia sẻ. Nhiều phụ huynh tỏ ra thích thú ngồi in tranh cùng con, tạo sự gắn kết gia đình.

Để Đông Hồ đến gần hơn với công chúng, đối tượng cô muốn mở rộng là các trường học, nơi có thể lồng ghép vào tiết mỹ thuật hay sân chơi ngoại khóa. Không có mối liên hệ nào, Mai đem sản phẩm… đến thẳng phòng Giáo dục quận 1, TP HCM để trình bày dự án và nhờ phòng giới thiệu trường học trên địa bàn. “Giờ ngẫm lại mới thấy mình thật dũng cảm và có phần hơi “điên”, nhưng may là cô phó phòng đã rất tận tình giúp đỡ”, Mai vui vẻ kể.

Tổ chức sự kiện thử nghiệm đầu tiên tại trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1 thành công, Mai cũng nhận được lời mời từ hai trường quốc tế để đưa bộ sản phẩm đưa vào tiết học ở trường.

Cô gái trẻ đang trong quá trình chuẩn hóa quy trình sản xuất cũng như chuỗi cung ứng, đa dạng hóa sản phẩm, tổ chức thêm nhiều hoạt động để kết nối sản phẩm với cả khách quốc tế lẫn trường học trong nước. “Phía trước là một hành trình dài, nhưng mình cảm thấy hạnh phúc, bởi công việc này đang tạo nên hệ sinh thái kết nối khách hàng, nghệ nhân, nhà làm giáo dục..., góp phần duy trì nét đẹp văn hóa dân tộc ”, Mai mỉm cười.

Studio ảnh chân dung biết kể chuyện của cô chủ 9X
 

Trang Nguyễn từ bỏ công việc thu nhập cao tại công ty quảng cáo, lập studio sản xuất và triển lãm ảnh chân dung thể hiện cuộc sống người trẻ.

Theo học Thiết kế Đồ họa của Đại học Kiến trúc TP HCM, Trang Nguyễn tìm được việc làm tại một công ty quảng cáo từ khi chưa tốt nghiệp. Công việc đúng chuyên môn, sản phẩm được khách hàng đón nhận nên Trang thường xuyên làm việc từ ngày đến đêm. Có khi cô bước ra khỏi công ty đã hơn 22h, hàng quán đóng cửa, Trang về nhà cũng không có cơ hội nói chuyện với bố mẹ.

Một buổi sáng cuối năm 2016, Trang thức dậy, trong đầu chỉ nghĩ mãi về tấm ảnh cô vô tình chụp một người bạn. Cô thích cách ánh sáng của ngọn đèn đường hắt lên góc mặt, len lỏi vào khóe mắt của người bạn gái đó. Suốt buổi làm tại công ty, Trang mân mê ngắm nhìn tấm ảnh, suy tưởng về câu chuyện bức ảnh đang muốn kể.


Trang Nguyễn tốt nghiệp Thiết kế Đồ họa, có công việc ổn định ở công ty quảng cáo nhưng quyết định nghỉ việc, thành lập studio cá nhân.
 
 
Với Trang, nhiếp ảnh là sở thích từ lâu. Cô tìm thấy niềm vui khi bắt giữ những khoảnh khắc, màu sắc, hình ảnh, đường nét. Theo cô, mọi vẻ đẹp trên đời đều có thể gói gọn trong khung ảnh nhỏ. Tuy nhiên, Trang chưa bao giờ nghĩ mình sẽ kiếm tiền từ việc chụp ảnh.

Từ ngày đó, ý nghĩ tạm dừng công việc thiết kế để theo đuổi nhiếp ảnh lớn dần trong Trang. Cô nhận ra mình muốn dành nhiều thời gian cho bản thân, sử dụng thời gian ý nghĩa hơn việc ngồi lỳ trước màn hình máy tính 12-14 tiếng một ngày.

Tranh thủ buổi tối sau giờ làm, cô bắt đầu những dự án chụp ảnh cá nhân. Dự án đầu tiên có tên Shadows, chụp lại những cái bóng đen tạo nên từ ánh sáng tự nhiên và một vật cản. Bộ ảnh ra đời với sự giúp đỡ của vài người bạn. Trang mất nhiều tuần để chụp ảnh và một tháng để hoàn chỉnh bộ sưu tập. Việc này cộng thêm vào khối lượng công việc đồ sộ của Trang tại công ty khiến cô có phần đuối sức.

Bạn bè khuyên Trang nên biến sở thích thành công việc kiếm thu nhập, chuyển hẳn đam mê thành dự án kinh doanh. Cô suy nghĩ nhiều ngày rồi quyết định viết lá đơn xin nghỉ việc ở công ty quảng cáo. 

Thần tượng của Trang Nguyễn là Platon, nhiếp ảnh gia chân dung với những câu chuyện về con người và quyền lực. Ông có sức mạnh truyền tải những thông điệp và những câu chuyện nhân văn thông qua bức ảnh. Việc đọc những câu chuyện trên Instagram của ông cũng truyền cho Trang rất nhiều cảm hứng ý tưởng kinh doanh mới lạ.

Trang nhận ra mình mê nghe những câu chuyện người thật việc thật, nghe cách người khác nói về bản thân họ, hay chỉ đơn giản là cách họ kể về những thứ xảy ra trong cuộc sống. Cô nhận thấy, ngoài việc nói ra, những câu chuyện đó còn có thể ghi lại bằng hình ảnh. Trang đã quyết định lập ra studio thực hiện những bức chân dung "biết nói".


Trang Nguyễn xem trọng giai đoạn lên ý tưởng, biến câu chuyện của khách hàng trở thành hiện thực bằng các yếu tố đạo cụ, phông nền...
 
 
Trang xem những câu chuyện thú vị của khách hàng là thử thách, đòi hỏi cô phải sáng tạo, suy nghĩ và biến ý tưởng thành hiện thực. Từ những trao đổi và tìm hiểu nhau ban đầu qua một bộ câu hỏi riêng, chủ đề và bảng ý tưởng được đưa ra để Trang thảo luận trực tiếp với khách hàng. Trang điểm và trang phục, đạo cụ sẽ được ekip hỗ trợ tư vấn và chuẩn bị cùng với người chụp. Sau đó, buổi chụp ảnh sẽ diễn ra trong khoảng thời gian 2-3 tiếng. 

Sau khi hoàn thành, loạt ảnh chân dung sẽ ghép nối để trở thành một câu chuyện có nội dung. Điều thú vị là sau buổi chụp, Trang sẽ tổ chức một buổi triển lãm mini để khách dẫn theo người thân, bạn bè hoặc người yêu đến chiêm ngưỡng. Một số khách hàng khiến Trang ấn tượng như cô gái muốn ghi lại kỷ niệm lần đầu nấu ăn và làm nổ tung lò vi sóng bằng hình ảnh, một anh chàng mê viết lách và ghét đi làm 8 tiếng mỗi ngày, cô bạn thất tình nằm ở nhà suốt 10 ngày, hay người phụ nữ có ước mở trở thành mẹ của một bầy chó đốm…


Mỗi sản phẩm của Trang Nguyễn đều mang ý tưởng độc đáo, là tổng hòa giữa câu chuyện cá nhân của khách hàng và nghệ thuật nhiếp ảnh hiện đại.
 
 
Toàn bộ ảnh sau triển lãm sẽ được đóng gói cẩn thận vào một chiếc hộp, gửi tận tay khách hàng. Trang tâm sự, một bức ảnh in ngay lúc này sẽ không mấy giá trị. Nhưng chỉ vài chục năm trôi qua, mọi thứ sẽ khoác lên mình lớp áo cũ kỹ, những tấm ảnh in trở nên rất đáng giá. Tâm hồn và cảm xúc đặt trong bức ảnh in gấp rất nhiều lần những tấm ảnh lưu trong điện thoại, máy tính.

Trải qua một năm thành lập, studio bắt đầu nhận yêu cầu từ nhiều khách hàng với những câu chuyện. Với mong muốn đảm bảo chất lượng cùng thời gian và tâm huyết cho từng câu chuyện, mỗi tháng studio của Trang chỉ tập trung 2-3 câu chuyện, toàn tâm toàn ý kể nên những chi tiết thú vị nhất cho những bức chân dung.


Khách hàng có thể mời bạn bè, người thân, người yêu đến tham dự buổi triển lãm ảnh chân dung.
 
 
Cô chủ 9X cảm thấy may mắn khi tìm thấy công việc đúng đam mê ở độ tuổi đủ trẻ, đủ "liều" để bỏ tất cả mọi thứ và bắt đầu từ con số không. Mỗi khi chụp xong cho một người khách, cô luôn viết một lời nhắn, lời chúc, hay lời chia sẻ của mình cho riêng người đó. Câu viết yêu thích nhất của Trang là: chỉ có thoát khỏi vùng an toàn, chúng ta mới biết phía trước là khó khăn hay bầu trời cơ hội.

“Cuộc sống là quá trình thử sai. Điều tuyệt vời nhất khi được làm việc đối với tôi là được học, được lớn lên, thoát bỏ cái vỏ cũ kĩ của mình, để khoác lên mình những điều mới”, Trang chia sẻ.
MH tổng hợp
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×