Những gương sáng về khởi nghiệp thành công

Thứ sáu, 29/03/2019

Dám nghĩ, dám làm đã giúp nhiều bạn trẻ khởi nghiệp sáng tạo thành công. Họ không chỉ khẳng định bản thân mà còn chứng minh sức trẻ trong công cuộc xây dựng Thủ đô và đất nước.
Dám nghĩ, dám làm đã giúp nhiều bạn trẻ khởi nghiệp sáng tạo thành công. Họ không chỉ khẳng định bản thân mà còn chứng minh sức trẻ trong công cuộc xây dựng Thủ đô và đất nước.
 

1. 9X bỏ ngang Apple để về Việt Nam khởi nghiệp


Phan Nguyễn Văn Trường đã có một quyết định mạo hiểm nhất của tuổi thanh xuân: Bỏ ngang Apple để về Việt Nam khởi nghiệp.

Sau nhiều năm đi theo con đường “hoàn hảo”: Trường chuyên, lớp chọn, tập đoàn quốc tế … Phan Nguyễn Văn Trường đã có một quyết định mạo hiểm nhất của tuổi thanh xuân: Bỏ ngang Apple để về Việt Nam khởi nghiệp.



Giành được học bổng chính phủ, Phan Nguyễn Văn Trường xuất sắc tốt nghiệp Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và gia nhập tập đoàn "trong mơ" Apple. Dù đang ở vị trí mà nhiều người mơ ước, nhưng Trường vẫn bỏ việc để về Việt Nam, quyết tâm dành cả thanh xuân để khởi nghiệp.

Ước mơ được định sẵn



Thời phổ thông, Phan Nguyễn Văn Trường sở hữu thành tích học tập đáng nể, gắn liền với những ngôi trường nổi tiếng tại TP.HCM như: Trường THCS Trần Đại Nghĩa, Trường THPT Năng khiếu. Trước ngưỡng cửa Đại học, Trường giành được suất học bổng Chính phủ từ Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - ngôi trường lâu đời và bề thế nhất đảo quốc sư tử, tiếp tục nối dài thành tích học tập với tấm bằng Phân tích Kinh tế của NUS.

Ngay sau khi tốt nghiệp, Trường được Apple mời về làm việc. Khởi đầu sự nghiệp với tập đoàn trong mơ, gia đình bạn bè ai cũng nghĩ rằng "số thằng Trường từ đây không phải lo gì nữa".

Nhưng cái mác "không phải lo gì nữa" lại là điều trăn trở của chàng trai 9x. Trong khoảng thời gian đầu đi làm, chắc hẳn bạn trẻ nào cũng ít nhất một lần chất vấn bản thân về hoài bão, ước mơ và khát vọng của đời mình, và Trường cũng không thoát khỏi những trăn trở nghiễm nhiên ấy.

Trường chuyên, lớp chọn, học bổng, du học, tập đoàn quốc tế … là những điều phụ huynh mong muốn, nhưng liệu rằng những mỹ từ đó có đang đè nặng và làm lụi tàn ngọn lửa "ước mơ" trong trái tim hàng triệu bạn trẻ?

Sau nhiều năm đi theo con đường "hoàn hảo" được vạch sẵn, khi những hào nhoáng bị phai mờ bởi những buổi sáng trống rỗng, bởi những ngày làm việc vô vị, Trường đưa ra một quyết định gây tranh cãi: Bỏ Apple, về nước lập nghiệp.

Những vấp ngã trên đất mẹ



"Đừng bao giờ đầu tư vào những gì mà bạn không hiểu", đó là lời khuyên của Warren Buffett mà Trường luôn tự nhủ với bản thân.

Cũng là một 9x đầy năng lượng, Trường hiểu rằng điện thoại từ lâu đã trở thành một "vật bất ly thân" của nhiều người, nhất là giới trẻ. Tại Việt Nam, có gần 4 triệu điện thoại di động mới được bán ra mỗi 3 tháng, chưa kể thị trường mua bán điện thoại cũ cực kỳ sôi nổi.

Nghĩ là làm, Trường gom hết số tiền tích góp được, cộng thêm hỗ trợ từ người thân và bạn bè để thành lập một chuỗi mua bán điện thoại di động.

Dù được khách hàng đánh giá khá cao, nhưng đối mặt với một "biển đỏ" cạnh tranh khi dịch vụ cao cấp bị các gã khổng lồ như Thế Giới Di Động và FPTShop đè bẹp, còn giá cả thì lại bị các trang thương mại điện tử như Tiki đánh bại, chuỗi di động của Trường "sớm nở tối tàn", nhanh chóng đốt hết vốn và buộc phải đóng cửa.

Trường chia sẻ về kỷ niệm không vui này: "Bản chất thì mô hình này đã quá quen thuộc trên thị trường, nên không một nhà đầu tư nào quyết định hỗ trợ công ty đi tiếp."

Dự án đầu tiên nhanh chóng phá sản, người thân và bạn bè của Trường liên tục khuyên anh bỏ cuộc và "đi làm thuê", vì bằng cấp cũng như ngoại ngữ hiện tại có thể dễ dàng giúp Trường kiếm được một công việc ổn định với mức lương thỏa đáng.

Bỏ qua mọi lời khuyên bảo, bị giằng xé bởi thực tế và khát vọng, Trường quyết định "vác balô lên và đi", du lịch bụi ở nhiều nước Đông Nam Á để bình tĩnh tìm lại hướng đi cho bản thân.

Sau cơn mưa là cầu vồng



Quá chán nản và vô định, Trường lên đường đi phượt mà không mua bất kỳ một tour hướng dẫn nào, anh lập tức gặp phải khó khăn bởi không biết phải làm gì khi đến nơi. Tuy có thể tra Google, nhưng mức phí chuyển vùng khiến anh không khỏi ái ngại, ước tính phải tốn "bạc triệu" chỉ để xài Internet thoải mái một ngày.

Không như ở Việt Nam, đa phần wifi công cộng tại các quốc gia khác đều có mật khẩu, những quán ăn hay quán nước đều yêu cầu khách hàng mua sản phẩm trước khi cung cấp thông tin wifi, chưa kể việc giới hạn thời gian truy cập trong 1-2 tiếng.

Trường cũng có thể mua một sim điện thoại của nhà mạng địa phương, nhưng phương thức này cũng cắt luôn cách thức liên lạc nhanh nhất khi ở nước ngoài với người thân, khiến những chuyến phiêu lưu luôn đi kèm nỗi lo thấp thỏm.

Đó là lúc ý tưởng vụt sáng trong đầu chàng trai 9x: "Với xu hướng du lịch trải nghiệm ngày càng được ưa chuộng, tại sao mình lại không giúp họ có những kỷ niệm để đời?"

Năm 2016 có đến 6,5 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài và con số này đang tăng nhanh nhờ sự phát triển của hàng không giá rẻ. Trường cùng với những người bạn đam mê du lịch quyết tâm thành lập doanh nghiệp cho thuê thiết bị phát sóng wifi và nhanh chóng gọi được hơn 3 tỷ đồng vốn từ một nhà đầu tư Đài Loan.



Sản phẩm của công ty là một thiết bị phát sóng wifi nhỏ gọn với giá chỉ từ 80.000 - 200.000 đồng/ngày cho 5 người sử dụng, vị chi là 20.000 đến 40.000 đồng/ngày cho mỗi người, thấp hơn rất nhiều so với dịch vụ dữ liệu chuyển vùng, mua SIM hay thuê thiết bị ngay tại điểm đến.

Rút kinh nghiệm từ việc thiếu hụt vốn ở lần khởi nghiệp trước, dự án mới yêu cầu khách hàng đặt cọc và tối ưu hóa số lượng tồn kho cũng như lên kế hoạch nhận gửi để tránh lãng phí tuổi thọ của sản phẩm.

Mô hình "tiền tươi thóc thật" giúp doanh thu tăng ngay trong tháng đầu tiên, đỉnh điểm có tháng đạt hơn 900 triệu đồng.

"Chúng tôi quyết tâm phát triển tới cùng", Trường chia sẻ. "Thị trường chưa ổn định là một cuộc đua "đẫm máu", ai chịu chi và chịu theo đến cùng sẽ là người chiến thắng."

Nhưng khởi nghiệp có bao giờ đơn giản, sau khi nắm được mô hình, công nghệ và dịch vụ khách hàng, nhà đầu tư lại quay lưng với Trường khi ngăn cản, từ chối kế hoạch cấp vốn như đã hứa và yêu cầu Trường phải "bình tĩnh và chờ đợi kết quả."

"Nhưng đó là một ý kiến tồi, hơn ai hết, chúng tôi biết rõ việc chờ đợi không khác gì tự sát". Bất đồng quan điểm được đẩy lên cao trào khi Trường cùng nhiều nhân viên chủ chốt quyết định nghỉ việc không lương để tìm hướng đi mới.

GoHub và mô hình "Internet take away"



Với mô hình tiềm năng và nhiệt huyết của tuổi trẻ, Trường cùng những đồng nghiệp "quyết bỏ việc chứ không sống nhàn hạ" đã nhanh chóng thuyết phục được quỹ đầu tư Red Square Việt Nam để thành lập một startup "thuần Việt" với tên gọi GoHub.

Được tin tưởng số vốn ban đầu 150.000 USD, đội ngũ GoHub làm việc không ngừng nghỉ vì khởi đầu lại cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận vị thế "người đến sau".

"Go big or go home" – đã làm thì phải tới nơi tới chốn, GoHub tuy là một thương hiệu xuất hiện sau nhưng lại cung cấp nhiều sản phẩm hơn so với đối thủ cạnh tranh, không chỉ cho thuê wifi mà còn nhập SIM chính ngạch, kết hợp với bán vé tham quan, dịch vụ vận chuyển …

Xác định 2 điểm yếu của mô hình cũ là: Tham vọng mở rộng và quy trình giao nhận. GoHub mạnh dạn mở một quầy tư vấn và giao dịch ngay tại ga đi của sân bay Tân Sơn Nhất để "nhất tiễn song điêu", xóa bỏ hai điểm nghẽn phát triển.

Với tư duy bài bản đó, chỉ trong 3 tháng vận hành đầu tiên, GoHub đã nhanh chóng cán mốc doanh thu 1,5 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch đề ra.

Trường bật mí rằng GoHub đang tham vọng "đánh chiếm" tất cả sân bay quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam để biến mình thành một người bạn đồng hành không thể thiếu cho dân phượt, một thương hiệu Việt cho những chuyến đi thanh xuân trọn vẹn.
 

2.Chuyện khởi nghiệp của những chàng trai Hà thành

 
Chàng sinh viên sáng lập… hai doanh nghiệp

Sôi nổi, hòa đồng và có chút tinh nghịch đúng với lứa tuổi sinh viên nên khó ai biết rằng Nguyễn Hữu Dũng đang là người đồng sáng lập và điều hành của hai doanh nghiệp về công nghệ thực tế ảo: Revo360 và TAVIS. Sản phẩm chính của công ty là tạo ảnh và tour tham quan 360 độ, giúp khách hàng trải nghiệm không gian từ xa một cách trực quan và chân thực. Bên cạnh đó, việc khảo sát thực địa trên cao khu vực rộng lớn, nguy hiểm… trở nên thật dễ dàng; tối ưu hóa hiển thị lên các nền tảng website, mạng xã hội, Google Maps, Mobile App…

Chàng trai sinh năm 1998 này hiện đang là sinh viên năm thứ ba hệ Chất lượng cao, Viện Quản trị kinh doanh (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội). Cơ duyên đưa Dũng đến với kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ bắt đầu từ sở thích hồi nhỏ. Cậu cũng từng tham gia nhiều cuộc thi về công nghệ, từ đó, ước mơ khởi nghiệp lớn dần.


Nguyễn Hữu Dũng - chàng sinh viên sáng lập hai doanh nghiệp

Để hiện thực hóa ước mơ đó, những ngày học ở trường THPT Trần Hưng Đạo (Nam Định), Dũng đã đi làm thêm các công việc liên quan công nghệ. Bước chân vào giảng đường đại học, cậu bạn cũng tìm việc làm thêm ở nhiều công ty như Topica, VCCorp… để có thêm trải nghiệm, học hỏi kiến thức. Tháng 1/2017, khi đó Dũng mới là sinh viên năm thứ nhất nhưng đã cùng ba người bạn khác khởi nghiệp với dự án Revo360. Bằng việc sử dụng công nghệ chế độ xem phố (Street View) được hỗ trợ bởi Google Maps (hoặc bằng nền tảng tự công ty phát triển), dự án đã cung cấp cho khách hàng một dịch vụ tiện ích và mới lạ. Đó là ngồi ở nhà nhưng vẫn có thể trải nghiệm được không gian nơi mình sẽ tới (bất kể không gian đó đã hoặc chưa xây dựng, với góc nhìn dưới mặt đất hoặc từ trên cao).

Dũng đảm nhận mảng kinh doanh, tiếp xúc với khách hàng, doanh nghiệp để tiếp thị sản phẩm. “Nhiều khi, khách hàng chưa hiểu sản phẩm với lợi thế dữ liệu gốc có ý nghĩa như thế nào, do đó mình mất nhiều thời gian để giải thích và thuyết phục”, Dũng kể.

Khó khăn chồng chất nhưng sức trẻ, sự khát khao theo đuổi đam mê đã giúp Dũng vượt qua tất cả. Sau một thời gian, Revo360 đã có những khách hàng tiềm năng. Tháng 6/2018, Dũng quyết định thành lập một công ty khác cũng chuyên về lĩnh vực thiết kế nền tảng hỗ trợ công nghệ thực tế ảo, dễ sử dụng hơn cho mọi người, mang tên TAVIS. Dù chỉ mới thành lập trong thời gian ngắn, sản phẩm của TAVIS hiện đã được ứng dụng tại những dự án lớn như: Vinhomes Metropolis, không gian 360 thủy phi cơ - cảng Tuần Châu…

Ở TAVIS, ngoài nhân sự chính là những người đã có kinh nghiệm, đảm trách những vị trí quan trọng, Dũng tuyển dụng nhiều thực tập sinh là sinh viên phụ trách các công việc lên ý tưởng, chăm sóc website, fanpage, khách hàng, nghiên cứu đối thủ… Mong muốn cũng Dũng chính là tập hợp được những người trẻ đam mê sáng tạo với khoa học công nghệ, hết mình kiến tạo xã hội.

Chia sẻ về những trải nghiệm của mình, Dũng cho biết: “Muốn thành công chúng ta nên nghĩ lớn làm lớn nhưng hãy bắt đầu từ những việc nhỏ. Chúng ta luôn ca ngợi người Mĩ, Đức, Nhật mà chỉ ở nhà ôm điện thoại và học lý thuyết. Làm nhiều, đi nhiều sẽ giúp mọi người trưởng thành hơn. Bạn đừng nghĩ quá cao xa về tài chính mà hãy ngẫm về bản thân trước. Liệu rằng với năng lực hiện tại bạn có thể thuyết phục được người khác làm việc cùng hay không chứ đừng nói đến vấn đề gọi vốn hay vội vã phát triển công ty”.
 

3.Khởi nghiệp với 10 triệu đồng, nữ 9x thu về 150 triệu/tháng


Mở cửa vào năm 2015 với số vốn là 10 triệu đồng, đến nay, Phạm Minh Thư (25 tuổi, Hà Nội) đã sở hữu 2 cửa hàng bán đồ phụ kiện lớn với tổng cộng 20 nhân sự.
 
Kinh doanh vốn là nghề cần chịu áp lực và bản lĩnh kiên cường. Tuy nhiên, việc một người phụ nữ làm nghề kinh doanh không còn quá xa lạ trong xã hội hiện nay. Đặc biệt, trên thương trường xuất hiện không ít bóng hồng 9x tài giỏi, thu về hàng trăm triệu mỗi tháng.



Mở cửa vào năm 2015 với số vốn là 10 triệu đồng, đến nay, Phạm Minh Thư (25 tuổi, Hà Nội) đã sở hữu 2 cửa hàng bán đồ phụ kiện lớn với tổng cộng 20 nhân sự.

Thư chia sẻ, "kinh doanh là một cuộc đua không bao giờ có hồi kết. Mình luôn phải cố gắng hết sức cho những kế hoạch, mục tiêu đề ra để đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng. Mỗi tác động dù đơn giản nhất đều phải được suy nghĩ thấu đáo, nếu không có thể gây ra hậu quả xấu đối với công việc sau này".

- Cơ duyên nào đã dẫn Thư tới với nghề kinh doanh phụ kiện thời trang?

Thư nhen nhóm ý tưởng kinh doanh từ khi vẫn là một cô sinh viên năm cuối trường đại học Ngoại Thương. Ước mơ khi đó của mình là muốn đi làm để tự kiếm tiền đi du học Thạc sĩ ở Nhật.

Ban đầu khởi nghiệp, Thư lựa chọn bán đồ len handmade. Tuy nhiên, khi đó kinh nghiệm còn "non nớt" và len là mặt hàng thời vụ nên dù có lãi nhưng không thành công như mong đợi.

Khoảng thời gian sau đó, Thư đã thử sức ở nhiều công việc khác nhau như part time, marketing, trợ giảng, lễ tân… Tất cả những công việc đó ít nhiều mang lại cho tôi kinh nghiệm và những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, đối với tôi như vậy vẫn chưa đủ để rèn luyện bản thân và niềm đam mê kinh doanh quá lớn nên tôi quyết định quay lại với con đường mà mình tưởng chừng như "hết duyên".

Kinh doanh tuy vất vả nhưng rất thú vị, cái thú vị nhất có lẽ là mình được làm chủ chính mình, làm chủ thời gian, làm chủ tiền bạc và cả công việc của mình nữa. Việc mở cửa hàng để kinh doanh cũng có muôn vàn những khó khăn, nhưng cũng nhờ những khó khăn đó mà mình trưởng thành hơn và biết được nhiều thứ hay ho hơn.

- Khó khăn lớn nhất của việc mở cửa hàng và phát triển kinh doanh là gì? Bạn đã vượt qua như thế nào?

Đối với Thư kinh doanh không khó nhưng để duy trì và phát triển lâu dài thì lại vô cùng khó khăn và đòi hỏi cần có một sự kiên nhẫn nhất định. Mỗi sáng thức dậy, tôi luôn suy nghĩ rằng: "Nếu không làm kinh doanh, mình cũng chẳng thể nào làm được điều gì tốt hơn nữa". Do đó, tôi luôn tự tạo áp lực cho bản thân để không ngừng cố gắng mỗi ngày.

Những ngày chập chững vào nghề, với số tiền khởi nghiệp là 10 triệu đồng, sau 3 năm cố gắng không ngừng từ một cửa hàng kinh doanh online nhỏ đến nay Thư đã sở hữu 2 cửa hàng ở Đặng Văn Ngữ và Bà Triệu với 20 nhân viên. Thu nhập mỗi tháng hiện khoảng 150 triệu đồng.

- Cửa hàng của Thư có điểm gì khác biệt so với những cửa hàng khác? Điều gì đã giúp cửa hàng phát triển nhanh như hiện nay?

Kinh doanh thời trang là kinh doanh cái đẹp chính vì thế mình luôn ưu tiên tính thẩm mỹ từ hình ảnh, nội thất cửa hàng cho đến từng sản phẩm bán cho khách hàng.

Đẹp và giá cả hợp lý là 2 điều mà Thư luôn hướng tới để mang đến dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Bên cạnh đó, yếu tố con người cũng rất quan trọng. Sản phẩm dù có tốt đến đâu nhưng nếu thái độ quá tệ cũng không ai muốn đến cửa hàng của mình. Thái độ phục vụ cũng là một phần để tạo nên uy tín cho cửa hàng và quyết định những lần ghé thăm tiếp theo của khách. Do đó thái độ tốt chính là "mắt xích" quan trọng để khách hàng giúp mình quảng bá sản phẩm đến với nhiều người.

Khởi đầu của Thư là một shop kinh doanh phụ kiện online, tất cả khách hàng có được thời điểm đó đều nhờ công việc marketing online qua các trang mạng xã hội phổ biến của giới trẻ đó chính là Facebook và Instagram. Bên cạnh đó, Thư cũng rất tích cực tham gia các hội chợ để mang thương hiệu của mình đến gần hơn với các bạn trẻ.

- Kỹ năng quản lý, bán hàng Thư đã được học từ ai? Bạn thấy bài học nào là hữu ích nhất?

Người mà Thư học hỏi được nhiều nhất đó chính là mẹ. 10 năm trước, mẹ của Thư từng là chủ của chuỗi cửa hàng kinh doanh thời trang. Đến tận bây giờ, tuy đã về hưu, nhường lại công việc quản lý cho các con nhưng mẹ vẫn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và các giúp đỡ Thư công việc liên quan đến giấy tờ pháp lý, kỹ năng đàm phán với chủ cho thuê nhà cũng như khách hàng

Bên cạnh đó, Thư cũng học hỏi được kỹ năng quản lý từ các anh/chị sếp cũ. Công việc trước đó của mình hầu như đều là công việc mang tính dịch vụ. Chính vì vậy, đó đều là những trải nghiệm rất quý báu. Nhờ đó mà Thư biết rõ hơn tâm lý khách hàng, biết phải làm thế nào để có được sự hài lòng của khách hàng. Ngoài ra, những lúc rảnh rỗi, mình thường đọc sách, tìm hiểu các sản phẩm mới, xu hướng giới trẻ hoặc đi đến những cửa hàng bán đồ phụ kiện để học hỏi và trau dồi thêm kỹ năng.

- Trong nghề bán hàng, kỷ niệm nào khiến Thư nhớ nhất?

Kỷ niệm Thư thấy đáng nhớ và buồn cười nhất, đó chính là những ngày đầu khi mới bán hàng. Thư sẵn sàng đi xe máy hơn 10 cây số chỉ để tận tay ship 1 đơn hàng chưa đến 100.000 đồng cho khách. Khi đi về, bị cảnh sát giao thông bắt do đi sai làn đường, bị phạt tận 250.000 đồng, thế là từ lần đó, Thư không dám tự đi ship hàng 1 mình nữa.

- Năm 2019, Thư có dự định gì về nghề nghiệp?

Sắp tới, Thư sẽ mở thêm 1 chi nhánh nữa ở Chùa Láng. Còn việc lấn sân để làm thêm một mảng khác nữa có lẽ là câu chuyện của tương lai. Hiện tại, mình vẫn muốn dồn hết 100% tâm huyết và thời gian cho 3 "đứa con tinh thần."

Ngoài ra, trong năm 2019, bên cạnh những dự định về công việc, Thư còn muốn cùng cả nhà đi du lịch Châu Âu, Ai Cập,... để tận hưởng thời gian bên gia đình. Đây cũng chính là những nơi khi còn ngồi trên ghế nhà trường Thư mong muốn được đặt chân đến.
 

4. Kinh nghiệm khởi sự kinh doanh từ người đồng sáng lập De-form Pottery


Ba lần khởi sự kinh doanh, hết hai lần thất bại, Nguyễn Đan Thy - đồng sáng lập studio gốm De-form Pottery đã rút ra được nhiều bài học.


Cao Thị Hồng Loan (trái) và Nguyễn Đan Thy - Đồng sáng lập De-form Pottery.

Cũng như khởi nghiệp đặt ra thất bại để thử lửa người kinh doanh, gốm cần sự nhẫn nại nơi nghệ nhân. Nhờ kiên trì - kiên trì theo đuổi đam mê, kiên trì học hỏi, kiên trì rút tỉa kinh nghiệm từ thất bại - nên Đan Thy mới có được De-form Pottery - một studio trải nghiệm văn hóa làm gốm, và sản xuất gốm Biên Hòa xưa ở giữa lòng Sài Gòn, một "điểm đến" của giới trẻ yêu thích văn hóa truyền thống như hôm nay.

"Đứng dậy" nhờ đam mê

Con đường khởi nghiệp của Đan Thy bắt đầu khi cô không tìm thấy cảm hứng trong công việc marketing tại một doanh nghiệp. Rời văn phòng để tự do theo đuổi điều mình muốn luôn là viễn cảnh hấp dẫn người Việt trẻ hiện đại. Đan Thy cũng vậy. Song để tạo được “khoảng thở” cho chính mình hôm nay, Đan Thy đã phải liên tục thử rồi sai, thử rồi làm lại rất nhiều lần.

Yêu thích ngành thủ công truyền thống, từ thời sinh viên, Đan Thy từng cùng một người bạn "ké" bày bán các sản phẩm handmade tại cửa hàng thư pháp ở TP.HCM. Đến khi lựa chọn lĩnh vực để khởi nghiệp, Thy quyết định đi theo “cục đất”.

“Từ nhỏ, mình đã bị gốm thu hút. Không biết vì sao nhưng mình luôn có cảm xúc mạnh khi ngắm nhìn các món đồ gốm, từ sản phẩm chưa nung được phơi thẳng hàng ngoài sân đến trưng bày trong các cửa hàng. Được tìm hiểu cách để biến một cục đất sét thành sản phẩm xài được, với mình, nó vi diệu lắm”, Đan Thy chia sẻ.

Mang theo niềm hứng thú này, Đan Thy tìm đến Bát Tràng để học cách làm gốm, sau đó về lại Sài Gòn và mở ra xưởng thủ công đầu tiên mang tên Phố Handmade. Với định vị cung cấp không gian hướng dẫn các bạn trẻ tự tay làm quà tặng  từ chất liệu gốm đến giấy, Phố Handmade có được sự lan tỏa bước đầu, khách hàng đến sử dụng dịch vụ tăng dần. Tuy nhiên, 7 tháng sau thì Phố Handmade... đóng cửa.

"Lúc đó, vì còn non kinh nghiệm kinh doanh nên mình đã không nhận ra hai vấn đề chính ảnh hưởng đến sự thất bại của Phố Handemade", Đan Thy nhớ lại.

Khi ấy, do chưa đủ trình độ chuyên môn nên Đan Thy không thể hướng dẫn khách hàng làm ra những sản phẩm như ý họ muốn. Vì vậy ban đầu khách đến đông vì tò mò nhưng sau giảm dần. Mặt khác, Thy cũng chưa có kinh nghiệm định giá sản phẩm, xây dựng hệ thống quản lý doanh nghiệp nên mức giá đưa ra quá thấp, không đủ "gánh" chi phí vận hành khá lớn.


Nguyễn Đan Thy - đồng sáng lập De-form Pottery

Thất bại với Phố Handmade, Đan Thy quay trở về làm việc văn phòng vì vẫn cần ổn định kinh tế cho cuộc sống. Trong suốt ba năm sau đó, công việc marketing ở một công ty có hệ thống kinh doanh hoàn chỉnh đã giúp Đan Thy phân tích sâu hơn về nguyên nhân thất bại của Phố Handmade. Những vỡ vạc mới cộng với sự thôi thúc khởi nghiệp từ bên trong vẫn còn mạnh mẽ, Thy tiếp tục nghỉ việc và tìm đến học gốm sâu hơn tại ngôi trường dạy gốm duy nhất ở miền Nam tại Biên Hòa.

"Trong ba năm tạm nghỉ đó, thực sự thì mỗi cuối tuần mình vẫn chạy xe đi Bình Dương, Biên Hòa, tìm đến những làng gốm truyền thống để quan sát và học hỏi kinh nghiệm làm gốm", Thy chia sẻ.

Vì vậy, khi trở lại học gốm, Thy chỉ tập trung vào kỹ năng xoay, một kỹ năng nền tảng trong tạo hình gốm. Trong thời gian học tại Biên Hòa, Thy đã tìm được 2 cộng sự mới để cùng khởi nghiệp lần nữa, đó là thầy dạy gốm của mình và một người bạn học cùng. Cả ba trở lại Sài Gòn và mở ra một studio chuyên sâu về gốm, đặt tên là Gốm Xoay.

Rút kinh nghiệm từ Phố Handmade, Gốm Xoay được Đan Thy đảm bảo về mặt chuyên môn. Nhưng bài toán định giá và quản lý doanh nghiệp vẫn chưa giải được, nên vẫn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, vì lò nung đặt tại Biên Hòa, nên khách hàng sau khi làm gốm xong phải đợi đến gần 2 tuần mới có được sản phẩm, dễ nản. Nhiều yếu tố tác động dẫn đến việc Đan Thy phải đóng cửa studio thứ hai của mình sau 6 tháng hoạt động.

"Thời gian làm Gốm Xoay, mình học được rất nhiều điều hay khi mạnh dạn thực hiện những ý tưởng kinh doanh của mình. Công việc dạy gốm và làm gốm cũng phù hợp tính cách nên cảm thấy cuộc sống rất có ý nghĩa. Mình không muốn quay lại công việc văn phòng, nhưng cũng rất hoang mang khi việc kinh doanh thất bại lần thứ hai”, Đan Thy chia sẻ.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, Đan Thy quyết định dành toàn bộ tiền tích lũy, cùng sự ủng hộ từ bạn bè và gia đình để lập nên studio gốm thứ ba mang tên De-form Pottery.

Làm mới gốm xưa

Nói ít, quan sát nhiều để hiểu nhu cầu của khách là phong cách hướng dẫn tại studio gốm De-form.

Bất kể là lớp trải nghiệm hai giờ đồng hồ hay lớp học làm gốm chuyên nghiệp hàng tháng, khách hàng đều sẽ được De-form giải thích tường tận về những nét đặc biệt trong tư duy làm gốm của người Biên Hòa xưa, đặc tính của từng loại đất sét, men phủ khác nhau cùng các kỹ thuật trang trí cơ bản, dễ áp dụng.

Sau khi nắm được cách tạo dáng cho sản phẩm bằng bàn xoay, đắp mô hình, dán ghép hoặc nặn tay, khách hàng sẽ được tự do biến cục đất trước mặt theo trí tưởng tượng của mình, không bị buộc sao chép những sản phẩm gốm phổ biến. Bởi vậy, trên kệ cất giữ thành phẩm của khách hàng ở De-form có rất nhiều mẫu vật rất lạ mắt như con dấu cá nhân, chuông gió…

“Khác biệt nằm ở chỗ đây là không gian tĩnh lặng để khách trải nghiệm cảm giác làm gốm trọn vẹn nhất”, Đan Thy tâm đắc chia sẻ.

Dự kiến trong năm 2018, De-form sẽ khởi động dự án dạy nghề gốm cho các bạn tốt nghiệp phổ thông nhằm nuôi dưỡng kỹ thuật làm gốm truyền thống của Biên Hòa.


Các sản phẩm của De-form hiện đang được phân phối đến du khách qua các cửa hàng lưu niệm ở trung tâm Sài Gòn

Được “vàng” từ đất

Gốm De-form có nguồn gốc từ đất sét Tân Uyên (Bình Dương) được tạo dáng theo kỹ thuật làm gốm Biên Hoà xưa. Men phủ do Cao Thị Hồng Loan - đồng sáng lập De-form Pottery, vốn là cử nhân chuyên ngành hóa - tự điều chế từ các nguyên liệu như rơm, tro, thuỷ tinh. Về trang trí, De-form đưa vào gốm nhịp sống hiện đại của người Nam Bộ như hình ảnh cô mía, xe xích lô, viên gạch bán xăng vá xe, bên cạnh họa tiết Bách Hoa truyền thống của Biên Hòa.

“Như tính cách vừa hiện đại vừa mộc mạc của người Sài Gòn, điểm đặc biệt ở các sản phẩm của De-form là luôn có một góc của sản phẩm không được phủ men. Phần xương đất (đất sét nung thô, không phủ men – PV) này sẽ mang đến cảm giác thú vị cho người dùng khi cầm sản phẩm trong tay”, Đan Thy chia sẻ.

Sự kiên trì học hỏi sẽ đưa người sáng lập đi tiếp với con đường lập nghiệp. Nhưng để đứng vững trước những khó khăn, thì startup phải có được sự đồng lòng của các thành viên.

Nhìn lại ba lần khởi nghiệp, Đan Thy nhận ra: “Để De-form ổn định thì thời gian đầu, Loan và Giao (thành viên sáng lập thứ 3 – PV) đã không ngần ngại thức khuya dậy sớm, làm không công rất nhiều ngày tháng, bỏ đi tất cả các thú vui bên ngoài để chia sẻ các khó khăn với mình”.

Miệt mài với đất sét, rơm tro, dường như đội ngũ De-form hiện tại đã tìm được nhiều điều quý giá hơn cả khởi nghiệp thành công. Đó là bầu không khí gia đình trong không gian làm việc, là nhiệt huyết từ những bạn trẻ mà kỹ thuật làm gốm có thể chưa cao nhưng luôn chú tâm học hỏi mỗi ngày, là nụ cười của khách khi nhận sản phẩm gốm hoàn thiện đầu tay...
 

5. Chàng trai 9x tạo sự khác biệt


Giữa không gian phố ồn ào, những quán cà phê mọc lên như nấm, Coffee Hannya của Lê Thanh Tùng, đoàn viên quận Long Biên (Hà Nội) vẫn tạo được sự khác biệt. Tùng kể: “Chỉ riêng khu vực phố Trạm (phường Thạch Bàn, Long Biên) đã có tới 20 quán cà phê. Vì thế, khi quyết định khởi sự kinh doanh với mô hình này mình buộc phải có nét riêng nếu muốn thu hút được khách hàng”.

Nếu như các quán cà phê khác có chút cổ điển và hướng tới khách hàng bình dân thì Hannya được trang trí theo phong cách hiện đại, tập trung vào giới văn phòng. Ngoài phục vụ đồ uống, Tùng đầu tư xây dựng một phòng tổ chức sự kiện, sinh nhật… Đặc biệt, anh dành nhiều thời gian và công sức đào tạo nhân viên để phục vụ các “thượng đế” một cách chuyên nghiệp nhất.


Lê Thanh Tùng, ông chủ Coffee Hannya

Từ nhỏ, chàng trai sinh năm 1994 này đã muốn tự lập, tìm con đường đi riêng. Sau khi tốt nghiệp trường THPT Tây Sơn, Tùng đi bộ đội. Hết hai năm quân ngũ, trở về địa phương, bố mẹ muốn Tùng vào lái xe ở một ngân hàng gần nhà nhưng anh còn quá ít tuổi. Không muốn trở thành kẻ ăn bám, Tùng quyết định tìm thầy học pha chế đồ uống với mong muốn có thể tự làm chủ một cửa hàng.

Trước khi hiện thực hóa giấc mơ, Tùng dành gần 2 năm đi làm tại các quán cà phê để học hỏi kinh nghiệm. Thời gian đó anh khá vất vả vì vừa đi làm thêm vừa chuẩn bị cho việc mở quán. Tuy nhiên, Tùng nhận được sự động viên rất lớn từ bố mẹ và đoàn viên, thanh niên trong phường. Để thu hút khách hàng ngoài việc bài trí quán, Tùng còn tìm tòi, tổ chức ca nhạc, chiếu phim, đá bóng… Mỗi sự kiện như vậy thu hút hàng trăm khách hàng đến quán cà phê.

“Lượng khách đông giúp mình thu hồi vốn tổ chức sự kiện nhanh. Tuy nhiên, sau sự kiện điều mình nhận lại là sự chê trách vì để khách chờ đợi lâu, chất lượng đồ uống không tốt… do chỉ có hai nhân viên phục vụ. Khách hàng thưa dần, điều này khiến mình nhận ra nếu “ăn xổi” thì không bao giờ có thể phát triển bền vững”, Tùng chia sẻ.

Từ đó, anh quyết định ngừng tổ chức sự kiện, tập trung đào tạo nhân viên trong việc pha chế đồ uống cũng như phong cách phục vụ. Anh quyết tâm lấy lại những thực khách đã mất bằng sự chuyên nghiệp và nhiều chính sách ưu đãi. Sau hai năm, Coffee Hannya của Tùng đã có lượng khách hàng ổn định với 6 nhân viên làm việc thường xuyên. Hiện anh đang dốc sức tìm địa điểm để mở thêm một cửa hàng cà phê khác trên địa bàn quận Long Biên.
“Mình là người luôn thích tìm tòi những cái mới và đã làm gì sẽ dành tâm huyết để phát triển nó. Mình hy vọng thời gian tới không chỉ có thêm một mà nhiều Coffee Hannya khác”, Tùng nói.
 
Đông Trần tổng hợp (Khoinghiep/Trí Thức Trẻ/Cafebiz)
 
 
 
 
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×