Những khởi nghiệp hữu ích

Thứ ba, 06/11/2018

Đều là những bạn trẻ những đã có những ý tưởng khởi nghiệp hữu ích cho cuộc sống
Đều là những bạn trẻ những đã có những ý tưởng khởi nghiệp hữu ích cho cuộc sống
 

1. Ứng dụng giúp kiếm tiền theo nhu cầu mà không thu phí


Nguyễn Lê Duy xây dựng Hune với giấc mơ giúp mọi người kết nối và kiếm tiền theo nhu cầu mà không phải trả bất cứ khoản phí nào.

Theo Nguyễn Lê Duy, ý tưởng phát triển ứng dụng Hune đến từ những vấn đề anh hay gặp trong cuộc sống thường ngày. Đó là một người bạn cần tìm đội bưng quả cho hôn lễ sắp tới, sẵn sàng trả tiền thuê người hỗ trợ trong ngày vui của mình. Tuy nhiên dù "chịu chi" nhưng việc tìm người không hề dễ như anh này nghĩ. Trong khi đó, nhiều sinh viên có thời gian rảnh mong muốn tìm những việc thời vụ để kiếm tiền nhưng không thể tiếp cận được với người bạn của Duy. Cung và cầu đều có nhưng hai bên thiếu nền tảng kết nối để có thể gặp nhau. 

Hay một người quen vừa sinh em bé vài tháng, trong thời gian nghỉ thai sản muốn tận dụng khả năng nấu nướng để kiếm thêm thu nhập lo bỉm sữa cho con. Tuy nhiên, chị chưa biết tìm đâu những người muốn thưởng thức những bữa ăn theo chất lượng "nhà làm" để giới thiệu dịch vụ của mình, đáp ứng đúng nhu cầu ẩm thực.

Ngay cả bản thân Duy muốn tìm người phụ giúp chuyển nhà nhưng ngại nhờ bạn bè vì ai cũng đang bận rộn. Anh muốn thuê một người ở gần nhất với vị trí nhà mình đến hỗ trợ nhưng không thể đi rao lên báo vì tính khả thi không cao. 

Từ câu chuyện của bản thân và bạn bè xung quanh, Duy quyết định tạo ứng dụng cho một nền kinh tế chia sẻ mà ở đó mọi người có thể trao đổi các nhu cầu cá nhân và kiếm tiền mà không mất một khoản phí trung gian nào. Ý tưởng Hune, viết tắt của Human Need theo đúng sứ mệnh anh theo đuổi đã ra đời như thế vào những ngày đầu năm 2017. Chàng trai sinh năm 1984 quyết định chỉ xây dựng ứng dụng mà không làm website vì nhìn thấy thiết bị di động thông minh giờ đây đã trở thành vật bất ly thân không chỉ với giới trẻ mà còn rất nhiều đối tượng khác. 

Mất một năm với nhiều lần chỉnh sửa, nhờ bạn bè và người thân dùng thử, góp ý thì ứng dụng mới hoàn thiện ở cả hai bản iOS và Android như mong đợi. Sau đợt Tết 2018 đạt 5.000 lượt tải ứng dụng, hiện con số đã tăng lên gần 25.000. Khó khăn nhất là thời gian đầu phát triển vấp phải những khác biệt trong nhu cầu thực tế của người dùng và lý thuyết lý tưởng của sản phẩm. Sự dung hòa mất nhiều thời gian nhưng cho Duy cái nhìn tổng quan và rõ ràng về định hướng của dự án. Trong nền kinh tế chia sẻ ấy, số lượng người dùng sẽ quyết định sự tồn vong. Càng nhiều người tương tác thì cộng đồng càng lớn, khi cộng đồng lớn thì giá trị mới đúng với hình dung về một không gian trao đổi giữa các bên.

"Vậy để tạo cộng đồng trong lúc chưa ai biết đến ứng dụng thì bắt đầu như thế nào? Mình quyết định đi tiếp xúc trực tiếp với mọi người theo từng khu vực thông qua tổ chức các sự kiện giới thiệu hay trải nghiệm", Duy chia sẻ.


Nhà sáng lập Hune Nguyễn Lê Duy. Ảnh: NVCC
 
 
Ứng dụng quét dữ liệu cung và cầu trong bán kính 3km khiến nhiều người thích thú khi nghe Duy chia sẻ ý tưởng. Người có thời gian rảnh có thể bán thêm mặt hàng cho những người trong cùng chung cư, người có sức lao động có thể kiếm tiền thông qua những nhu cầu thực tế từ hàng xóm trước nay chưa biết, phụ huynh biết con em đang làm việc ở gần nhà cũng thấy an tâm hơn. Từ những câu chuyện thực tế đó, Duy bắt đầu thuyết phục được mọi người gia nhập cộng đồng bởi họ không phải mất bất cứ khoản phí nào. 

Câu hỏi trong bài toán kinh doanh là công ty sẽ tồn tại như thế nào nếu không thu phí? Câu trả lời của Duy là đến từ quảng cáo trên ứng dụng. Khoản thu này không thể đến trong tức thì mà cần thời gian gây dựng cộng đồng. Chính vì thế, Duy chấp nhận không có doanh thu trong thời gian đầu và làm song song công việc khác để đảm bảo tài chính nuôi dưỡng dự án cũng như chu cấp cho sinh hoạt gia đình. 

Đây không phải lần khởi nghiệp đầu tiên của chàng trai 8X. Năm 2012, sau một vài năm làm việc trong lĩnh vực chứng khoán, Duy tạo một trang web và ứng dụng tìm kiếm các quán ăn tương tự Foody. Thời điểm đó, anh hầu như không chia sẻ ý tưởng với ai và một mình ôm hết mọi việc. Duy thừa nhận đó là sai lầm mắc phải của lần đầu khởi nghiệp và cũng là kinh nghiệm để đời không thể nào quên cho bước ngoặt mới lần này với Hune. 

"Lúc đó tôi chỉ thích khởi nghiệp một mình, không muốn làm cùng ai. Tuy nhiên, đây lại là điều vô cùng quan trọng bởi bạn không thể một mình làm mọi thứ mà cần có người cộng tác cùng chí hướng, suy nghĩ để đạt được mục tiêu chung như kỳ vọng", anh nhớ lại.


Giao diện ứng dụng Hune khi quét địa điểm
 
 
Hiện giờ, cùng với các cộng sự đồng hành gần một năm qua, Duy kỳ vọng hai năm nữa sẽ đưa ứng dụng phủ sóng khắp Việt Nam, giúp mọi người kết nối và từ sự kết nối đó có thể cùng nhau kiếm tiền. Anh tâm niệm chỉ cần xây dựng cộng đồng tốt thì những kết quả về doanh số và lợi nhuận sẽ song hành.  

Giấc mơ của Duy không dừng lại trong vùng lãnh thổ Việt Nam. Anh có kế hoạch đánh vào các thị trường khác khi lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ngày càng nhiều. Nền kinh tế chia sẻ trong hoài bão của chàng trai gốc Sài Gòn là không phân định biên giới.

"Chỉ cần nơi đâu có nhu cầu trao đổi, chia sẻ thì chúng tôi có thể xuất hiện ở đó", Duy nhấn mạnh. 
 

2. Botchat bán hàng của ba kỹ sư 9x Việt được định giá 10 tỷ đồng


Ba kỹ sư 9x cho biết đã phải từ chối nhiều lời mời đầu tư từ các 'shark' vì hiện vẫn chủ động được về nguồn tài chính. 

Bắt đầu phát triển từ tháng 11/2017, nền tảng Botbanhang thuộc Công ty TNHH Chatbot Việt Nam do ba kỹ sư 9x Lê Anh Tiến, Hoàng Minh Phú, Nguyễn Đình Tùng hiện có trong tay 77.000 khách. 

Mức tăng trưởng khách hàng lên đến hơn 9.000 % cùng tiềm năng sử dụng botchat tự động trong bán hàng online trên các website, nền tảng mạng xã hội khiến sản phẩm được nhiều nhà đầu tư để ý. Nhiều lời mời rót vốn được đưa ra những nhóm liên tục từ chối.

"Sản phẩm đã có thể tự chạy ổn định, sinh ra dòng tiền nên chúng tôi không quá bức bách về nhu cầu vốn. Vì vậy, chúng tôi có quyền lựa chọn các nhà đầu tư sẽ đồng hành cùng với nhóm bởi đây không chỉ là câu chuyện tài chính", Lê Anh Tiến cho biết. 


Cuối năm 2018, sản phẩm botbanhang sẽ ứng dụng công nghệ Blockchain, Big Data, AI vào hệ thống, mục tiêu gọi vốn 1.5-2 triệu USD và mở rộng ra Thái Lan, Philippines
 
 
Cuối năm 2017, sản phẩm nhận được gói hỗ trợ sử dụng dịch vụ trị giá 30.000 USD  từ Facebook và Amazon trong khuôn khổ dự án FbStart - chương trình toàn cầu được thiết kế nhằm giúp những người mới khởi nghiệp xây dựng và phát triển doanh nghiệp. 

"Botbanhang mang những tính năng đặc trưng của một nền tảng quản lý bán hàng như bán hàng tự động trên Messenger, tối ưu hóa quản lý nội bộ và chuỗi cung ứng. Đặc biệt, botchat này còn có tính năng quản lý quan hệ khách hàng (CRM), tạo data khách hàng và tự động tiếp thị sản phẩm. Khách hàng mua hàng có thể thực hiện thanh toán ngay trên botchat mà không cần chuyển đổi sang giao diện khác", Lê Anh Tiến cho biết. 

Ứng dụng được lập trình và đào tạo để thu thập tư liệu người dùng, phân tích hành vi, sở thích mua sắm, những mối quan tâm của khách hàng cũng như có khả năng đưa ra các dự báo để marketing tự động cho sản phẩm. 

Ứng dụng được sử dụng phổ biến và đa dạng trong các lĩnh vực tư vấn, chăm sóc người dùng, marketing, quảng cáo, trả lời khách hàng...ở tất cả các nhóm ngành, sản phẩm, dịch vụ như: ẩm thực và đồ uống, sản phẩm công nghệ, điện gia dụng, nông sản, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, thời trang, đồ chơi, nhà cửa, sách, văn phòng phẩm, quà tặng, kiến trúc...


Nhóm phát triển sản phẩm botbanhang
 
 
"Chúng tôi mong muốn tạo ra một nền tảng công nghệ tối ưu, giúp các đơn vị bán hàng nhỏ lẻ trên Facebook, tạo ra những giá trị cho cộng đồng", kỹ sư Hoàng Minh Phú cho biết.

Trong một năm hoạt động, với lượng dữ liệu khổng lồ thu được từ tương tác với người dùng, nhóm dự định sẽ ứng dụng công nghệ Blockchain để cấu trúc và bảo vệ dữ liệu cho toàn bộ hệ thống. Trong tương lai, nhóm có dự định gọi vốn vòng hạt giống khoảng 1,5 đến 2 triệu USD để mở rộng ra các thị trường Thái Lan, Philippines.

Bên cạnh đó, nhóm cũng gặp những khó khăn nhất định về chi phí phận hành server và quá tải vì lượng khách hàng quá nhiều. Trung bình mỗi ngày sản phẩm botchat xử lý khoảng 500 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Phát triển botchat là một trong những xu hướng khởi nghiệp bùng nổ ở Việt Nam và trên toàn cầu trong năm 2017 cùng với công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)...Ở Việt Nam, một vài nhà phát triển ứng dụng đã lập trình và hoàn thiện được botchat tích hợp trong nền tảng trò chuyện của Facebook. Vượt lên trên một xu thế, botchat đã trở thành một phần thiết yếu trong đời sống công nghệ và thương mại của toàn thế giới.

Messenger cũng đã tiến hành sử dụng botchat để tạo hệ sinh thái kết nối cộng đồng người sử dụng. Với việc đẩy mạnh botchat trong nền tảng Facebook Messenger, cộng với lợi thế hơn hai tỷ người dùng và hơn 50 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, mạng xã hội lớn nhất hành tinh hy vọng sẽ tạo ra sự thay đổi về mặt công nghệ và thương mại trên toàn thế giới.
Quang Anh tổng hợp (Theo Vnexpress)

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×