Singapore thu hút nguồn nhân lực trẻ tài năng nước ngoài bài bản nhất thế giới

Thứ năm, 29/03/2018

Singapore chỉ có tài sản duy nhất đó là con người. Chính vì vậy, Singapore đặc biệt coi trọng nhân lực, nhân tài.
Singapore có dân số hơn 5,6 triệu người (kể cả dân nhập cư, du học), diện tích cũng chỉ lớn hơn Hà Nội một chút và quốc gia không thuận lợi, giàu có về tài nguyên, khoáng sản, thậm chí nước ngọt, đất, cát, sỏi cũng phải mua từ nước ngoài để làm nguyên vật liệu xây dựng. Singapore chỉ có tài sản duy nhất đó là con người. Chính vì vậy, Singapore đặc biệt coi trọng nhân lực, nhân tài. Singapore sớm nhận thức con người là nhân tố tạo dựng thế giới, là yếu tố quyết định mọi thành bại. Nói như Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu“Ai chiến thắng trong chiến lược về con người sẽ chiến thắng trong chiến lược về kinh tế” Singapore là một trong những quốc gia có chiến lược đầu tư và thu hút nguồn nhân lực trẻ tài năng bài bản bậc nhất thế giới.


Nguồn: Ảnh Internet

Về phát hiện và tuyển chọn: Singapore đặc biệt chú trọng phát hiện và tuyển dụng các sinh viên tài năng nước ngoài thông qua kênh giáo dục. Hiện tại, Singapore có 35.000 sinh viên nước ngoài theo học tại các trường đại học ở đây. Tại các trường như Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Đại học Kỹ thuật Nanyang, Đại học Quản lý Singapore, số sinh viên nước ngoài chiếm 20%. Sinh viên nước ngoài theo học dưới dạng vay tiền của Chính phủ Singapore và đổi lại sau khi tốt nghiệp các sinh viên này có nghĩa vụ làm việc cho một công ty của Singapore (tại Singapore hoặc bất kỳ nước nào khác) trong thời gian tối thiểu ba năm để trả nợ. Với cách làm này, Chính phủ Singapore luôn có nguồn lao động chất lượng cao được bổ sung hàng năm để làm việc cho các công ty Singapore. Các trường đại học của Singapore bù lại cũng có điều kiện và động lực để đầu tư hiện đại hóa trường học theo chuẩn quốc tế và nhu cầu của thị trường lao động.

Về đào tạo và bồi dưỡng: Singapore có chính sách đầu tư giáo dục rất bài bản và thực hiện phân luồng học sinh sớm từ tiểu học nên Singapore có đội ngũ lao động cấp cao hàng đầu thế giới, những người này tạo ra năng suất vô cùng lớn, thành thạo về chuyên môn, kỹ thuật và có thái độ làm việc tích cực. Nhưng để có được điều này, Singapore đã phải liên tục đầu tư vào việc đào tạo cả một thế hệ thông qua con đường giáo dục. Singapore xác định giáo dục là một kênh hữu hiệu thu hút du học sinh nước ngoài. Sinh viên nước ngoài đến học tập tại Singapore được vay tiền để chi trả cho những chi phí cần thiết về sinh hoạt và học tập. Sau khi tốt nghiệp với kết quả học tập cao, những cử nhân "ngoại" này phải cam kết làm việc cho một công ty nào đó của Singapore ít nhất là 3 năm để trả nợ. Chỉnh phủ đã dành một khoản đầu tư lớn để phát triển giáo dục và đào tạo, từ 3% GDP lên 5% trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, hiện nay đầu tư cho giáo dục và đào tạo chiếm khoảng 10% GDP của Singapore (1). Chiến lược giáo dục của Singapore một mặt vừa đáp ứng những thay đổi của điều kiện kinh tế toàn cầu, vừa là công cụ xây dựng và duy trì bản sắc văn hóa quốc gia, đó là chương trình song ngữ áp dụng trên toàn cầu. Các trường đều đào tạo bằng tiếng Anh và một trong 3 tiếng mẹ đẻ đại diện cho 3 dân tộc lớn là tiếng Hoa, tiếng Mã Lai và tiếng Tamil.

Về sử dụng và đãi ngộ: Chính sách đãi ngộ của Singapore được quy định rõ ràng. Mức lương của lao động bình thường ở Singapore chỉ khoảng 2.000 USD/tháng hoặc cao hơn chút ít. Còn với lao động người nước ngoài có kỹ năng, tay nghề, ngoài việc được hưởng lương theo mức của các nhân tài, họ còn được phép đưa người thân sang sống cùng. Họ được cấp giấy phép định cư và nhập tịch lâu dài tại Singapore chỉ trong vài ngày. Đây là tốc độ nhập tịch rất nhanh mà bất cứ người nhập cư nào cũng mong muốn. Mặc dù, trả lương cao là biện pháp không chỉ có một mình Singapore áp dụng. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở chỗ, Singapore có hẳn một chính sách rõ ràng để thực hiện điều này. Các Bộ trưởng Singapore có mức lương cao hơn tất cả các Bộ trưởng ở những quốc gia giàu có nhất hành tinh, đã tạo ra sự yên tâm cho lãnh đạo và một phần muốn hạn chế nạn tham nhũng, minh bạch hóa chính phủ, đồng thời tạo đà cho các Bộ trưởng dành hết tâm sức cho việc quản lý hoạch định chính sách (2).

Về thu hút và trọng dụng nhân tài: Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia có chính sách thu hút nhân tài nước ngoài bài bản nhất thế giới. Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu ngay khi mới lên cầm quyền đã xác định rõ nhân tài là yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và phát triển của nền kinh tế. Năm 1998, Singapore thành lập ủy ban tuyển dụng tài năng Singapore. Chính phủ Singapore tuyển chọn người có tài năng dựa trên năng lực, khả năng đóng góp chứ không phân biệt quốc tịch, chủng tộc của người nhập cư.
 

Nguồn: Ảnh Internet

Chính vì thế, trong suốt những năm qua, thu hút nhân tài, đặc biệt là nhân tài nước ngoài đã trở thành chiến lược ưu tiên hàng đầu của Singapore. Singapore chào đón tất cả những ai có thể đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước Singapore bằng việc đã hoạch định chính sách sử dụng người nhập cư (hay còn gọi là chính sách tuyển mộ nhân tài nước ngoài). Đặc biệt có chính sách đột phá là chào đón nhân tài nước ngoài vào làm việc trong bộ máy nhà nước của Singapore. Chính sách và đường lối táo bạo như vậy đã dẫn đến sự thay đổi mang tính đột phá trong con số thống kê nhân khẩu học. Trong số 5,5 triệu lao động Singapore có tới 25% là người nước ngoài. Nội các đầu tiên của Singapore cũng chỉ có duy nhất 2 người bản địa (3). Do vậy, không phải ngẫn nhiên tạp chí Foreign Policy xếp Singapore là quốc gia toàn cầu hóa nhất trên thế giới và là "trung tâm thu hút nhân tài" của thế giới.
 
TS Tống Mạnh Hùng
 
Tài liệu tham khảo
 
(1) Trịnh Xuân Thắng (2014). Kinh nghiệm đào tạo nhân lực của một số quốc gia trên thế giới và bài học tham khảo cho Việt Nam, Tạp chí Tuyên giáo điện tử của Ban Tuyên Giáo Trung ương.
(2) Hà Minh (2008). Chính sách thu hút nhân tài của Singapore-Bài bản và chuyên nghiệp. Báo điện tử Dân trí thứ năm ngày 24/01/2008.
(3) Đăng Tuyên (2015): Thu hút trọng dụng người có tài trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí điện tử Tài nguyên và Môi trường.

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×