Tái khởi nghiệp sau dịch

Thứ năm, 22/10/2020

Những câu chuyện khởi nghiệp đầy thú vị của các bạn trẻ

Cô sinh viên kiến trúc và thương hiệu trà hoa


Câu chuyện khởi nghiệp trái ngành đầy ấn tượng của Trâm khiến nhiều bạn trẻ tò mò và ngưỡng mộ.


Trâm và sản phẩm trà hoa của mình
ẢNH: NỮ VƯƠNG


Vừa hoàn thành luận văn tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc, Vũ Nguyễn Ngọc Trâm, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đã gây dựng thương hiệu trà hoa được nhiều người tin dùng.
 
Mang tình yêu môi trường vào sản phẩm

“Mình tìm đến những thức uống lành mạnh để cân bằng cảm xúc và tăng cường sức khỏe. Trong các giải pháp đã thử qua, mình nhận thấy việc thưởng trà hoa thảo mộc rất hiệu quả, thế là mình bắt đầu thích thú và tìm hiểu. Bất ngờ hơn khi mình biết thị trường trà hoa thảo mộc đang dần nở rộ nhưng để kiếm được sản phẩm chất lượng tốt không dễ”, Trâm nhớ lại.

Thế là cô nàng mất một khoảng thời gian khá dài loay hoay với việc tự trồng các loài hoa thảo mộc nhưng bất thành. May mắn Trâm tìm được vườn của một người quen ở Lâm Đồng, trồng những loài hoa thảo mộc tự nhiên và không dùng bất kỳ hóa chất nào. Thế là cô ngỏ lời với anh chị chủ vườn để cùng phát triển và giới thiệu vườn đến mọi người nhiều hơn. Vậy là thương hiệu trà hoa thảo mộc Nhiên House - Herbal Tea của cô sinh viên ra đời với mong muốn được chia sẻ nguồn trà hoa thảo mộc thuần tự nhiên, an lành đến mọi người.

Điều thật sự ấn tượng ở cô chủ trẻ là đã gói ghém tất cả tình yêu môi trường của mình vào dự án khởi nghiệp.

“Thật ra khi bắt đầu đặt những “viên gạch” đầu tiên cho dự án, mình đã phải đắn đo rất nhiều về câu chuyện làm sao để có thể xây dựng thương hiệu một cách an toàn, tự nhiên và thân thiện với môi trường. Mình đã tham gia nhiều hoạt động và các nhóm yêu môi trường để tìm hiểu kỹ hơn giải pháp giảm rác thải trong kinh doanh, xem xét các ưu điểm và nhược điểm xong, mình chọn được vài giải pháp hợp lý cho dự án của mình”, Trâm kể.

Trâm dùng lọ thủy tinh có thể tái sử dụng nhiều lần để đựng trà và chương trình refill, tức là khuyến khích mọi người mang lọ cũ đến làm đầy lại hoặc thu gom chai lọ cũ nếu bạn nào ở xa. Về việc đóng gói, Trâm sử dụng túi giấy dễ phân hủy dùng được nhiều lần.

“Đặc biệt, sức khỏe người dùng là yếu tố không thể bỏ qua trong dự án. Mình luôn tin rằng những sản phẩm tự nhiên nhất, thiên nhiên nhất, sẽ luôn mang lại chất lượng cao nhất cùng với niềm tin yêu nhất cho khách hàng. Đó cũng là lý do “Gửi tự nhiên - đón an nhiên” trở thành giá trị cốt lõi mình đặt trong từng sản phẩm”, Trâm bày tỏ.
 
Để mọi thứ đều thuận tự nhiên
 
Cô chủ nhỏ cho biết cây thảo mộc được nhân giống tại vườn và trồng hoàn toàn thuận tự nhiên, đa dạng sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Cây được phòng, trị bệnh bằng thuốc sinh học như nano neem được chiết xuất từ lá neem và các loại thảo mộc khác. Nguồn nước tưới được kiểm nghiệm, lọc qua bể lọc và cây được bón phân tằm nuôi tại vườn. Khi thu hoạch, cây sẽ được cắt tỉa, rửa sạch và sấy khô trong nhà lưới và máy sấy lạnh. Sau đó, thảo mộc khô sẽ được chọn lọc nâng niu bỏ vào các lọ thủy tinh đã được khử trùng.

Hiện Trâm đã có 5 loại trà đơn (hoa hồng, hương thảo, bạc hà, đậu biếc và sả chanh) và 2 loại trà kết hợp là Blue Ocean Mix (trà hoa hồng, trà hương thảo và trà đậu biếc) và Jungle Scent Mix (trà hương thảo, trà bạc hà và trà sả chanh). Ngoài ra, còn có dòng sản phẩm tinh dầu, nước hoa hồng dưỡng da được chiết xuất tự nhiên từ vườn dưới sự nghiên cứu của thầy cô và sinh viên của các trường đại học như: Bách khoa TP.HCM, Nguyễn Tất Thành và Nông Lâm.

Vì khởi nghiệp trái chuyên ngành nên lúc đầu Trâm không nhận được sự ủng hộ của gia đình. Thế là một mình cô gái nhỏ phải tự chứng minh cho con đường mình đã chọn. Trâm đi lên từ một fanpage bán trà trên Facebook, đến nay sản phẩm trà hoa thảo mộc của Trâm được rất nhiều bạn trẻ, người lớn tuổi và cả doanh nghiệp như các khu resort, homestay, quán cà phê… tin tưởng và ủng hộ. Mọi người đặt mua sản phẩm của Trâm để vừa dùng vừa làm quà tặng cho người thân, bạn bè và bán cho khách du lịch. Gần đây, Trâm tham gia tổ chức sự kiện phụ trách mảng tiệc trà và đang triển khai thêm mảng quà tặng tiệc cưới cho khách đến chung vui.

“Trong thời gian tới, mình sẽ chuẩn hóa khâu sản xuất hơn, phát triển thêm vùng trồng và trồng đa dạng thêm nhiều loại thảo mộc khác. Bên cạnh đó, mình luôn đồng hành cùng các dự án về môi trường và xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau như tài trợ, tham gia tổ chức… với mong muốn lan tỏa được lối sống xanh và tốt cho sức khỏe đến tất cả mọi người”, Trâm chia sẻ.
 

Sống khỏe với túi... biết thở


Túi cũng biết thở ư? Túi được làm từ màng sinh học của nhóm người trẻ khởi nghiệp này là hoàn toàn có. Lớp màng của túi dù không thấm nước nhưng lại cho không khí xuyên qua.

Trần Thị Diễm My, đại diện nhóm khởi nghiệp và sản phẩm túi biết thở
THÚY HẰNG


Những chiếc túi mềm, mỏng và có mùi thơm như bánh mì. Buổi cà phê với Trần Thị Diễm My, 29 tuổi, đại diện của nhóm Biostarch, giữa ngày TP.HCM mưa gió nhưng đầy thú vị nhờ câu chuyện về những chiếc túi biết thở.

“Chúng có thể giúp rau củ, trái cây tươi lâu hơn từ 10 - 20 ngày, tùy điều kiện. Do đó, nó sẽ rất phù hợp với việc xuất khẩu nông sản cũng như phân phối nông sản”, My hào hứng. Từ đâu nhóm My nghĩ ra được chiếc túi thần kỳ này?
 
Covid-19, cái khó ló cái khôn

My cho biết trước tháng 4.2020, công ty khởi nghiệp của cô và những anh chị đi trước tập trung phát triển các sản phẩm nhựa sinh học. Tuy nhiên, dịch Covid-19 ập tới, những khó khăn xảy đến. Trong khó khăn, My và nhiều anh em nghĩ thực tế hiện nay, nhiều siêu thị, cửa hàng rau củ quả phải sớm đổ bỏ nhiều sản phẩm vì bảo quản trong túi ni lông thông thường, hơi nước thoát ra bị ứ lại trong túi khiến rau củ nhanh thối, hỏng. Đặc biệt, nhiều xe nông sản của VN chở dưa hấu, thanh long, khi chưa kịp qua cửa khẩu bị hư hỏng nhiều, khiến nông sản Việt bị thất thoát giá trị rất lớn. Vậy mình có thể làm ra những chiếc túi đột biến, sáng tạo hơn không?

Sẵn có thế mạnh là làm chủ công nghệ nano lmf chủ công nghệ nano trong sản xuất nhựa sinh học, cộng với điều kiện thuận lợi là ở Việt Nam, nguồn khoai mì (sắn) công nghiệp rất dồi dào, những người trẻ bắt tay vào nghiên cứu. Sau vài tháng, những chiếc túi biết thở đầu tiên ra đời, được dùng thử và nhận được nhiều phản hồi tích cực.

My cho hay được làm từ nguyên liệu hạt nhựa sinh học, thành phần gồm tinh bột khoai mì (sắn) công nghiệp và nhựa polyethylene (PE), những chiếc túi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, sau khi sử dụng, nó sẽ phân hủy sinh học trong 6 tháng tới 2 năm trong môi trường ủ rác thải công nghiệp, giúp môi trường xanh sạch hơn.

“Những chiếc túi được làm từ màng sinh học. Màng không thấm nước nhưng lại cho không khí xuyên qua. Cấu trúc tinh bột tạo thành các lỗ rỗng giúp đẩy khí ethylene - khí làm quả chín - thoát ra, làm chậm quá trình chín của rau củ, trái cây. Khả năng thấm khí giúp không khí trong túi được tuần hoàn liên tục, giảm nhiệt độ phát sinh từ quá trình rau củ quả hô hấp, nhờ đó tăng thêm được thời gian bảo quản nông sản. Bạn có thể thấy những trái chuối xanh đựng trong túi thông thường sau 8 ngày đã chín rục, thâm đen, còn nếu dùng túi biết thở, với cùng thời gian trên, chuối vẫn đẹp ở mẫu mã và bên trong ngon lành”, My đưa ra những hình ảnh để phân tích thêm.

Túi biết thở thân thiện môi trường, giúp bảo quản nông sản lâu hơn
ẢNH: DIỄM MY

 
Nhắm tới thị trường nước ngoài
 
My tốt nghiệp ngành tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, những anh chị cùng đi hành trình với My trong quá trình làm ra những chiếc túi biết thở tốt nghiệp tại nhiều trường ĐH. Họ đều tâm huyết làm sao có thể cùng nhau mang trí tuệ Việt nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, tốt cho cộng đồng, bảo vệ môi trường. Bên cạnh túi biết thở bảo quản rau quả, họ đang nghiên cứu phát triển thêm dòng túi chuyên dùng để bảo quản thịt, các loại hải sản.

Trong tháng 8 và 9.2020, mỗi tháng nhóm của My bán ra thị trường khoảng 300 kg túi biết thở. Đối tượng nhóm người trẻ nhắm tới không chỉ là những bà nội trợ mua túi về tự bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh ngày thường, mà còn là những cửa hàng rau quả hữu cơ, siêu thị, đối tác xuất khẩu nông sản số lượng lớn.

Mới đây, nhóm của My đã đưa những chiếc túi biết thở tới các khách hàng là các trang trại cần túi đóng gói rau củ quả ở Ấn Độ, Singapore, Mỹ và nhận được những phản hồi tích cực. Đó là những tin vui để My và các cộng sự nỗ lực hơn trong hành trình khởi nghiệp của mình.

Túi biết thở đi thi khởi nghiệp

Trần Thị Diễm My cho biết những chiếc túi biết thở tuy nhỏ bé nhưng cũng theo cô và đồng đội tới nhiều cuộc thi khởi nghiệp trong năm 2020, như Start up Wheel; khởi nghiệp do cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức. Gần đây nhất, sản phẩm của nhóm My lọt vào vòng chung kết khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn của T.Ư Đoàn.
Hoàng My tổng hợp (Theo Thanh niên)
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×