Tấm gương khởi nghiệp tài năng

Chủ nhật, 11/08/2019

Cô Hoàng Thị Tâm (SN 1988), giáo viên toán Trường THPT Chi Lăng, (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) đã biến quả chanh “tứ quý” (chanh rừng) - đặc sản “ngủ trong rừng” trở thành sản phẩm hàng hóa, chăm sóc sức khỏe con người.

1. Cô giáo khởi nghiệp từ chanh rừng


Cô Hoàng Thị Tâm (SN 1988), giáo viên toán Trường THPT Chi Lăng, (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) đã biến quả chanh “tứ quý” (chanh rừng) - đặc sản “ngủ trong rừng” trở thành sản phẩm hàng hóa, chăm sóc sức khỏe con người.


Cô Tâm (bìa phải) và cộng sự chế biến sản phẩm “Mật ong chanh rừng Mẫu Sơn”. ẢNH: DUY CHIẾN
 
Trăn trở khởi nghiệp

Cô giáo Tâm được coi là người năng động. Cô là Ủy viên BCH Đoàn trường, thường xuyên tham gia phong trào Đoàn, Đội ở địa phương. Những lần đi trải nghiệm ở khu vực núi Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn), cô thấy người dân tộc Dao trồng được nhiều loại chanh “tứ quý” (chanh rừng), quả nhỏ như quả quất non. Bà con tự cung, tự cấp hoặc mang “đối lưu” với nhau trong bản, trong xã chứ ít khi mang đi bán. Chanh rừng Mẫu Sơn có mùi thơm đặc biệt, có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe con người. Ở miền xuôi, chanh tứ quý này bán đắt gấp 3 lần loại chanh bình thường. 

Tương tự, ở xã Bắc Thủy, huyện Chi Lăng, có các loài ong làm tổ. Chúng đến nhà dân, đậu lùm cây nhãn, vải, cúc quỳ, bạch đàn rồi tạo nơi sinh sống, kén mật vàng óng. Tuy vậy, bà con nơi đây lại chưa tìm “được đầu ra” bền vững cho sản phẩm  này.

Anh Đoàn Thành Công, Bí thư Huyện Đoàn Chi Lăng cho biết, bằng sự nhiệt huyết, tìm tòi sáng tạo, cô giáo Hoàng Thị Tâm là một cán bộ Đoàn khởi nghiệp thành công, được tuổi trẻ và nhân dân tin tưởng, noi gương. Cô đã được Huyện Đoàn Chi Lăng tặng giấy khen vì có thành tích trong lao động sản xuất, tham gia nhiệt tình, có hiệu quả “Lễ hội na Chi Lăng lần thứ 2, năm 2018”.

Chứng kiến những sản vật địa phương lãng phí trên rừng, trên cây, cô giáo Tâm trăn trở, tìm tòi học hỏi trong sách báo và được tham dự các lớp tập huấn khởi nghiệp trẻ do tổ chức Đoàn tổ chức. Cô quyết tâm tìm cách đưa chanh rừng Mẫu Sơn hòa quyện với mật ong quê hương Chi Lăng thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng vùng miền.

Để thực hiện ý tưởng, cô Tâm trực tiếp lên đỉnh núi cao gần 1.500 mét ở Mẫu Sơn chọn mua chanh rừng. Phối hợp với Đoàn xã Bắc Thủy vận động, thu gom mật ong từ các hộ nông dân. “Tôi được bạn bè, người thân chung tay, giúp sức để có thể thu mua được các nguyên liệu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện việc đóng lọ, nhãn mác, quảng bá. Rất may, sản phẩm “Mật ong chanh rừng Mẫu Sơn” mới ra đời đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng, đón nhận”, cô Tâm  nói.

Phát triển sản phẩm rộng khắp

Từ đầu năm 2018, sản phẩm “Mật ong chanh rừng Mẫu Sơn” ra đời với các mẫu mã, tem mác khá bắt mắt. Trong “Lễ hội na Chi Lăng lần thứ 2 năm 2018” và “Hội chợ Nông Sản an toàn 2018” tổ chức tại Hà Nội, sản phẩm núi rừng nơi xứ Lạng này đã được nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến và có những phản hồi tích cực, góp phần đem lại mức doanh thu ổn định cho cô Tâm và các cộng sự khoảng gần 100 triệu đồng/năm.

Cô Tâm cho biết, hiện nay, mỗi ngày có tới hàng trăm sản phẩm (loại mật ong chanh rừng đóng chai 240ml và 500ml) đã được các khách hàng ở các tỉnh Bắc Ninh, Hà Giang, Hà Nội, Tuyên Quang đặt mua.
 

9X khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch


Huỳnh Phú Lộc đầu tư phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.


Lộc chăm sóc vườn cà chua đang chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: Duy Tân

Nhận bằng kỹ sư công nghệ thực phẩm, Huỳnh Phú Lộc (29 tuổi, ngụ P.5, TP.Vĩnh Long, Vĩnh Long) vào làm việc cho các công ty thủy sản rồi chuyển sang làm kinh doanh. Trong khoảng thời gian làm kinh doanh, thiết kế lắp đặt các sản phẩm nhà lưới phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, nhận thấy xu hướng tiêu dùng các sản phẩm sạch, an toàn của người dân rất lớn nên Lộc quyết định khởi nghiệp và tự mình làm chủ.

Lộc quyết định thuê 2.000 m2 đất tại P.5, TP.Vĩnh Long để đầu tư xây dựng nhà lưới sản xuất rau sạch theo chuẩn VietGAP. Tháng 10.2017, Lộc bắt tay vào làm nhà lưới. Nhờ kinh nghiệm thiết kế lắp đặt nhà lưới, Lộc đã tự mua vật liệu thi công nhà lưới và thiết kế với chi phí rẻ bằng 50% so với thuê đơn vị thi công. Với chi phí đầu tư 1.800 m2 nhà lưới tốn vỏn vẹn khoảng 600 triệu đồng.

Sau đó, Lộc tiến hành nghiên cứu kỹ thuật trồng cà chua và một số loại rau thông thường như dưa leo, xà lách, nhưng chủ yếu vẫn là chuyên canh cà chua Hà Lan. Để tránh rủi ro, Lộc dành 1.000 m2 trồng 2.500 cây cà chua, đến cuối vụ mỗi cây cho thu hoạch 4 kg trái. Trong năm, Lộc sản xuất 1 vụ cà chua, với giá bán dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 350 triệu đồng.

Song song đó, Lộc tiếp tục thử nghiệm trồng thêm dưa lưới. Vụ đầu tiên, Lộc thử nghiệm thành công trên 500 m2. Vụ thứ hai, Lộc mạnh dạn chuyển đổi tất cả diện tích sang trồng dưa lưới để cách ly mầm bệnh của cà chua. Đối với dưa lưới, chi phí bỏ ra đầu tư đầu mỗi vụ trên 70 triệu đồng, bình quân lãi khoảng 200 triệu đồng/vụ. Theo tính toán của Lộc, mỗi vụ dưa lưới thường kéo dài từ 2 đến 2 tháng rưỡi, nếu tính cả thời gian xử lý, cải tạo môi trường, cách ly mầm bệnh mỗi năm có thể trồng được 4 - 5 vụ.

Chỉ cần thông qua một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet, các thiết bị cảm ứng và phần mềm điều khiển từ xa, Lộc có thể biết được vườn của mình. Từ các thiết bị cảm biến được đặt trong vườn, các thông tin về nhiệt độ, môi trường, độ ẩm, ánh sáng sẽ được gửi về điện thoại thông qua một chương trình ứng dụng. Cũng thông qua ứng dụng này, Lộc sẽ kích hoạt hệ thống tưới nhỏ giọt và bón phân từ xa mà không cần có mặt tại khu sản xuất.

Ngoài việc sản xuất tại nông trại của mình, Lộc còn nhiệt tình hướng dẫn cho bà con nông dân có nhu cầu chuyển giao công nghệ, tận tình chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều bạn trẻ trong và ngoài tỉnh.
 
 Hoàng Hảo tổng hợp (Theo Tiền Phong, Thanh niên)
 

Tags

Bình luận


Tiêu điểm

Video nổi bật

×