Tài năng trẻ
Thành công từ khởi nghiệp – Chia sẻ của các Statrup trẻ
Thứ sáu, 08/03/2019

Startup chatbot bán hàng của nhóm bạn trẻ 9x Việt thu hút hơn 200.000 người sử dụng.
1. Ứng dụng chatbot của nhóm bạn 9x thu hút hơn 200.000 người dùng
Startup chatbot bán hàng của nhóm bạn trẻ 9x Việt thu hút hơn 200.000 người sử dụng.
Các đối tác của startup này đều là các tên tuổi lớn như: Viettel Post, Grab, Kokobay, Foody, Vnpay, Momo… Trong tương lai, nhóm có dự định gọi vốn vòng hạt giống khoảng 1,5 đến 2 triệu USD để mở rộng ra các thị trường Thái Lan, Philippines.

Phát triển Chatbot là một trong những xu hướng khởi nghiệp bùng nổ ở Việt Nam và trên toàn cầu trong năm 2017 cùng với công nghệ blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và những thành tựu khác của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ở Việt Nam, một số nhà phát triển ứng dụng đã lập trình và hoàn thiện được Chatbot tích hợp trong nền tảng trò chuyện của Facebook.
Messenger cũng đã tiến hành sử dụng Chatbot để tạo hệ sinh thái kết nối cộng đồng người sử dụng. Với việc đẩy mạnh Chatbot trong nền tảng Facebook Messenger, cộng với lợi thế hơn 2 tỷ người dùng và hơn 50 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, mạng xã hội lớn nhất hành tinh tạo ra sự thay đổi về công nghệ và thương mại trên toàn thế giới.
Tháng 4/2016, mạng xã hội Facebook chính thức ra mắt công nghệ Chatbot trên Messenger. Với công cụ này, doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến có thể phục vụ thêm nhiều khách hàng với hình thức tương tác thân thiện, dễ tiếp cận.
Tuy nhiên, các sản phẩm đa phần chỉ mới tập trung vào việc thiết lập nền tảng, còn lại người dùng phải tự xây dựng và “huấn luyện” chatbot. Vì vậy, các chủ doanh nghiệp phải am hiểu về lĩnh vực công nghệ Chatbot hoặc cần đến sự trợ giúp từ phía nhà cung cấp trong quá trình sử dụng sản phẩm.
Nhận thức được điều này, nhóm các chàng trai 9x gồm Lê Anh Tiến, Nguyễn Tùng, Hoàng Minh Phú đã tìm cách đơn giản hóa Chatbot và biến chúng trở thành các công cụ bán hàng đắc lực trên Facebook. Nền tảng Bot Bán Hàng (botbanhang.vn) ra mắt người dùng vào 1/11/2017.

Nền tảng Bot Bán Hàng (botbanhang.vn) ra mắt người dùng vào 1/11/2017
Xuất phát từ nhu cầu bán hàng trên mạng xã hội Facebook và muốn tự động hóa hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên Messenger, botbanhang.vn được phát triển với mục tiêu giúp các cửa hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ tối ưu thời gian kinh doanh và vận hành thông minh, hiệu quả dựa trên Messenger của Facebook.
Cụ thể, botbanhang.vn đã tích hợp website, fanpage vào ứng dụng Messenger của Facebook. Khách hàng có thể xem, mua hoặc tìm kiếm thông tin về sản phẩm, dịch vụ ngay trên messenger thay vì truy cập vào các trang thương mại điện tử như hiện nay. Mọi hoạt động như đặt mua hàng, thanh toán đều được thực hiện nhanh chóng chỉ với vài lần chạm màn hình điện thoại.
Ngoài ra, ứng dụng này cũng có tính năng trả lời khách hàng tự động theo đúng nội dung câu hỏi, giúp các đơn vị kinh doanh giải quyết bài toán tiết kiệm nhân sự, giảm trừ chi phí đầu vào hiệu quả.
“Botbanhang.vn mang những tính năng đặc trưng của một nền tảng quản lý bán hàng như bán hàng tự động trên Messenger, tối ưu hóa quản lý nội bộ và chuỗi cung ứng. Đặc biệt, botchat này còn có tính năng quản lý quan hệ khách hàng, tạo data khách hàng và tự động tiếp thị sản phẩm”, Lê Anh Tiến cho biết.
Ứng dụng được lập trình và đào tạo để thu thập tư liệu người dùng, phân tích hành vi, sở thích mua sắm, những mối quan tâm của khách hàng cũng như có khả năng đưa ra các dự báo để marketing tự động cho sản phẩm.
Ứng dụng được sử dụng phổ biến và đa dạng trong các lĩnh vực tư vấn, chăm sóc người dùng, marketing, quảng cáo, trả lời khách hàng…ở tất cả các nhóm ngành, sản phẩm, dịch vụ như: ẩm thực và đồ uống, sản phẩm công nghệ, điện gia dụng, nông sản, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, thời trang, đồ chơi, nhà cửa, sách, văn phòng phẩm, quà tặng, kiến trúc…

Startup chatbot bán hàng của nhóm bạn trẻ 9x Việt thu hút hơn 200.000 người sử dụng
Theo Lê Anh Tiến, với ứng dụng botbanhang.vn, những người không am hiểu về công nghệ vẫn có thể sử dụng được. “Việc của người dùng chỉ là chạm, chạm và chạm mà thôi”, nhà sáng lập này nói.
Cuối năm 2017, sản phẩm nhận được gói hỗ trợ sử dụng dịch vụ trị giá 30.000 USD từ Facebook và Amazon trong khuôn khổ dự án FbStart – chương trình toàn cầu được thiết kế nhằm giúp những người mới khởi nghiệp xây dựng và phát triển doanh nghiệp.
Tính đến tháng 5 năm 2018, ứng dụng này đã có hơn 75.000 người dùng, 1.800 trang mạng tương tác với ứng dụng, 6.000 người dùng tương tác vào Fanpage và gần 70.000 sự kiện tương tác với hệ thống của botbanhang.vn.
Năm 2019, botbanhang.vn đã thu hút hơn 200.000 người dùng. Các đối tác của startup này đều là các tên tuổi lớn như: Viettel Post, Grab, Kokobay, Foody, Vnpay, Momo…
Sau hơn một năm hoạt động, với lượng dữ liệu khổng lồ thu được từ tương tác với người dùng, nhóm dự định sẽ ứng dụng công nghệ blockchain để cấu trúc và bảo vệ dữ liệu cho toàn bộ hệ thống. Trong tương lai, nhóm có dự định gọi vốn vòng hạt giống khoảng 1,5 đến 2 triệu USD để mở rộng ra các thị trường Thái Lan, Philippines.
2. Chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp từ “Vua livestream” đến doanh nhân “soái ca”
Trong vòng hơn 3 năm, GUMAC trở thành hiện tượng trong lĩnh vực thời trang nữ, nhưng với Lê Thành Vân, người sáng lập chuỗi thời trang này, mọi thứ chỉ mới bắt đầu.

Lê Thành Vân.
Đi lên từ bán hàng online
Thuộc tuýp người luôn suy nghĩ tích cực, Lê Thành Vân có niềm tin mạnh mẽ về sự trưởng thành của “đứa con” hơn 3 tuổi của anh - chuỗi Thời trang GUMAC. “Không lâu nữa, những cửa hàng GUMAC sẽ có mặt trên khắp cả nước, mang đến những sản phẩm thời trang chuẩn mực về chất lượng và hợp lý về giá cả cho phụ nữ Việt”, Thành Vân khẳng định.
Hiện GUMAC có 52 showroom tại 24 tỉnh, thành phố, trong đó, TP.HCM là thị trường mang lại nhiều doanh thu nhất. Thành Vân đặt mục tiêu sẽ có 400 cửa hàng GUMAC vào cuối năm 2022.
Đi lên từ bán hàng online và sử dụng công cụ livestream (phát trực tiếp) qua Facebook, CEO GUMAC đã chứng minh, không chỉ những người nổi tiếng hay các “hot girl” livestream bán hàng mới thu hút nhiều lượt xem.
Lê Thành Vân nổi như cồn trên cộng đồng mạng với biệt danh “Vua livestream”. Mỗi lượt livestream của anh thu hút hàng trăm ngàn lượt xem vì khả năng nói chuyện duyên dáng, hài hước và nhiệt tình. Đặc biệt, Thành Vân được chị em liệt vào hàng “soái ca” khi dành thời gian viết từng lá thư tay đầy chân thành gửi đến khách hàng nhân dịp sinh nhật 3 tuổi của GUMAC (năm 2018).
Thành Vân tự tin, GUMAC là một trong những thương hiệu thời trang hiếm có tại Việt Nam có tỷ lệ doanh thu online cao và ổn định. Việc đầu tư mạnh cho sản phẩm cộng với sự am hiểu sâu thị trường thời trang là lợi thế giúp GUMAC có được lượng khách hàng thân thiết ở khắp mọi miền đất nước. Ngoài ra, quyết định lựa chọn phân khúc thời trang tầm trung - thị trường chưa có thương hiệu nào chiếm ưu thế rõ rệt, cũng khiến GUMAC có nhiều “đất” để trình diễn và đột phá.
Năm 2017, GUMAC đã áp dụng mô hình nhượng quyền để có độ phủ thị trường nhanh nhất, nhưng tạm ngưng vào năm 2018 để hoàn thiện và xây dựng lại chuỗi cung ứng. Trong năm nay, GUMAC sẽ tiếp tục tìm kiếm những đối tác phù hợp để cùng xây dựng chuỗi lớn mạnh hơn nữa.
Mọi thứ chỉ mới bắt đầu
Dù GUMAC đã có được những vị thế nhất định, nhưng với Thành Vân, mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Đặc biệt, với sự đa dạng và cạnh tranh khốc liệt của thị trường thời trang như hiện nay, việc hoàn thiện và chuẩn chỉnh hệ thống là một trong những yếu tố mang ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của GUMAC.
Tuy nhiên, nhiều người trong giới thời trang bày tỏ nghi ngờ việc GUMAC có thể mang đến cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam những sản phẩm thời trang thiết kế chất lượng tốt với giá cả bình dân, bởi thông thường, hàng chất lượng hiếm khi kèm giá rẻ.
Lý giải điều này, Thành Vân cho biết, GUMAC rất chú trọng việc lựa chọn chất liệu phù hợp với phân khúc tầm trung. Với số lượng hàng trăm ngàn sản phẩm mỗi tháng, GUMAC có lợi thế về giá thành sản xuất mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Thêm vào đó, kênh online cũng mang lại cho GUMAC lợi nhuận lớn, giúp GUMAC rút ngắn thời gian thu hồi vốn và nhanh chóng tái đầu tư. Bên cạnh đó, dịch vụ chăm sóc khách hàng của GUMAC luôn được chú trọng và đầu tư đúng mực, vì thế, số lượng khách hàng hài lòng sau khi mua sắm và quay trở lại rất cao.
Năm 2019 sẽ là bước đệm quan trọng để GUMAC bùng nổ. Để đạt được điều đó, bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, GUMAC sẽ tập trung đầu tư để trở thành thương hiệu thời trang có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất Việt Nam; tốc độ ra mẫu mới nhanh chóng...
Mặc dù kênh online đang “hái ra tiền”, nhưng GUMAC sẽ tiếp tục phủ sóng chuỗi cửa hàng. Thành Vân lý giải, một trong những rào cản ảnh hưởng đến quyết định chi tiền của người tiêu dùng Việt, đặc biệt là phụ nữ, là tâm lý e ngại về chất lượng hàng hóa, vì vậy, họ luôn muốn trực tiếp trải nghiệm sản phẩm. Việc có cửa hàng tại các địa phương cũng giúp khách hàng thuận tiện hơn trong việc đổi trả và bảo hành sản phẩm, có những trải nghiệm thú vị hơn khi cùng đi mua sắm với người thân; rút ngắn thời gian và chi phí giao hàng...
Thành Vân tiết lộ thêm, GUMAC bắt đầu kết nối và làm việc với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước và kỳ vọng sẽ sớm chọn được nhà đầu tư chiến lược để từng bước đưa GUMAC trở thành hãng thời trang nữ số 1 tại Việt Nam.
Trò chuyện với Lê Thành Vân
- Anh ấn tượng với câu chuyện start-up của ai?
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế giới Di động. Điều khiến tôi ngưỡng mộ hơn cả là Thế giới Di động luôn lấy lợi ích của khách hàng làm trọng tâm, như cách mà tôi đã và đang áp dụng cho GUMAC.
- Nếu không làm thời trang…?
Tôi cũng sẽ kinh doanh một sản phẩm nào đó. Mặc dù tôi học về ngành hàng hải, nhưng niềm đam mê kinh doanh đã ngấm sâu vào máu.
- Sau GUMAC, anh sẽ triển khai dự án nào?
Bí mật. Tôi và các cộng sự đang có khá nhiều dự án start-up trong tương lai, biết đâu, những dự án này cũng sẽ phát triển thần tốc như GUMAC.
3. Nữ thạc sỹ xây dựng mô hình nuôi tảo xoắn để làm du lịch
Trong thời gian du học tại Pháp, Bích Trâm đã biết đến các khu du lịch về tảo xoắn ở nước ngoài. Nghĩ về ngôi làng K'Nai nghèo khó nơi mình sinh ra, Trâm quyết đem mô hình này về quê hương để biến ngôi làng thuần nông thành làng du lịch “tảo”.
Nhằm hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh cho sinh viên, trường ĐH Yersin Đà Lạt đã thổi bùng ngọn lửa đam mê khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ qua cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh Pernod Ricard”. Đây là một sân chơi trí tuệ và năng động nhằm biến ước mơ kinh doanh của các sinh viên thành sự thật.
Trong cuộc thi “Khởi nghiệp kinh doanh Pernod Ricard” 2107, dự án “Xây dựng mô hình nuôi tảo xoắn tại làng K’Nai Lâm Đồng” của cựu sinh viên ĐH Yersin Nguyễn Thị Bích Trâm (Khóa 5, Khoa du lịch) được đánh giá cao. Với dự án này, cô sinh viên khoa Du lịch đã thể hiện ý tưởng nuôi tảo xoắn trên mảnh đất quê hương nơi mình lớn lên đó là làng K’Nai (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng).

Nguyễn Thị Bích Trâm (giữa) đã giành được phần thưởng cao nhất với dự án "Xây dựng mô hình nuôi tảo xoắn tại làng K’Nai Lâm Đồng", trong cuộc thi Khởi nghiệp kinh doanh Pernod Ricard.
Bích Trâm cho biết, quá trình theo học tại ĐH Yersin Đà Lạt, Trâm biết đến tiếng Pháp như một cái duyên khi nhà trường mở lớp tiếng Pháp miễn phí. Nhờ sự nỗ lực, Trâm đã giành được học bổng du học tại Pháp với chuyên ngành Quản lý thiết kế các dự án du lịch.
Trong khoảng thời gian học tập tại Pháp, Trâm đã bảo vệ thành công luận án thạc sỹ với đề tài “Bảo vệ phát triển làng dân tộc thiểu số K’Nai với tảo xoắn và du lịch xanh”. Khi trở về quê nhà, với giống tảo được người bạn tặng về trồng thử, Trâm đã bắt tay vào thực hiện. Sau nhiều lần thất bại, Trâm rút ra nhiều kinh nghiệm và đã nhân giống tảo thành công ra môi trường tự nhiên ở hồ của gia đình.
Hiện tại, cơ sở nuôi trồng tảo của Trâm đang hoạt động với quy mô nhỏ, chủ yếu theo hộ gia đình. Đến với cuộc thi khởi nghiệp, Trâm hy vọng sẽ có thêm vốn để tạo cơ hội khởi nghiệp cho bản thân và giúp đỡ gia đình cũng như người dân nơi Trâm đang sống.
Khi được hỏi tại sao Trâm lại chọn “tảo xoắn” cho sự nghiệp của mình, Trâm chia sẻ có 3 lý do để em hình thành nên ý tưởng này. Lý do thứ nhất là, tảo xoắn đã cứu sống và duy trì sức khỏe cho một người thân trong gia đình của Trâm.
Đặc biệt là lý do thứ hai, với ngành du lịch mà Trâm đang theo đuổi hiện nay đang bị bão hòa và có nguy cơ mất dần sức hút với khách quốc tế và nội địa. Với tình trạng sản phẩm du lịch bị trùng lặp và thiếu tính mới mẻ như hiện nay sẽ khó tạo nên tính hấp dẫn cho du lịch Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Bích Trâm đang chia sẻ kinh nuôi nghiệm tảo xoắn (ảnh: Phan Nhân)
Trên thế giới, du lịch về tảo đang là một xu thế mới, điển hình như Thái Lan đã xây dựng thành công khu du lịch về tảo xoắn (khu du lịch Boonsom), chính điều này thôi thúc Trâm đem đến cho Lâm Đồng một lợi thế cạnh tranh mới từ nguồn tảo xoắn được sản xuất tại làng K’Nai.
Lý do cuối cùng của Trâm khi thực hiện ý tưởng này chính là lòng biết ơn đối với gia đình và mảnh đất nơi cô sinh sống đó là làng K’Nai - ngôi làng nghèo nhất huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Người dân nơi đây quanh năm bấp bênh với nghề nông, sống trên môi trường đang có nguy cơ ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu và phân bón.
Chính vì điều đó càng khiến Trâm quyết định đem nguồn tảo quý này về làng K’Nai, với mục đích cải thiện đời sống của gia đình mình và bà con nơi đây, đồng thời phục vụ cho nhu cầu người dân cả nước cũng như góp phần làm sạch môi trường sống cho thế hệ sau.
Trâm cho biết: “Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tảo xoắn có tác dụng tăng sức đề kháng miễn dịch cho bệnh nhân mắc bệnh ung thư và AIDS; chống sự suy dinh dưỡng cho trẻ em, người già, giảm hàm lượng cholesterol cho bệnh nhân cholesterol trong máu cao; hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, loét dạ dày tá tràng, viêm tụy, bệnh đục thủy tinh thể... Ngoài ra, tảo xoắn còn là sản phẩm làm đẹp dành cho phụ nữ, chữa vết bỏng, làm liền sẹo, trị mụn trứng cá…”.
Sau khi nghe cô cựu sinh viên trường ĐH Yersin Đà Lạt trình bày và hùng biện về ý tưởng của mình, ban giám khảo đã quyết định trao giải nhất trị giá 120 triệu đồng cho dự án “Xây dựng mô hình nuôi tảo xoắn tại làng K’Nai Lâm Đồng” của Bích Trâm. Với số vốn này, Bích Trâm có thể biến ước mơ khởi nghiệp của mình thành hiện thực.
4. 9x quyết tâm khởi nghiệp từ nông sản sạch
Anh Huỳnh Phú Lộc (sinh năm 1990) ở phường 5, thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) quyết tâm đầu tư khởi nghiệp thành công với mô hình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC).
Mô hình của anh Lộc có 3 nhà lưới với quy mô 1.800 m2, chuyên sản xuất các loại rau quả sạch an toàn theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Các sản phẩm chủ yếu như cà chua Hà Lan, cà chua đen Nga, dưa lưới Úc… hiện được các siêu thị, chuỗi cửa hàng sạch ở ĐBSCL và TP.HCM thu mua với giá cả ổn định.

Anh Huỳnh Phú Lộc khởi nghiệp thành công với mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Anh Lộc kể, tháng 10/2017, anh bắt tay vào làm nhà lưới, nghiên cứu kỹ thuật trồng cà chua và một số loại rau thông thường như dưa leo, xà lách, nhưng chủ yếu vẫn là chuyên canh cà chua Hà Lan. Ban đầu anh dành 1.000 m2 để trồng 2.500 cây cà chua, đến cuối vụ mỗi cây cho thu hoạch 4kg trái. Trong năm, anh sản xuất 1 vụ cà chua, với giá bán dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 350 triệu đồng. Không kể chi phí đầu tư nhà lưới ban đầu thì lãi từ cà chua đạt gần 2/3 doanh thu.
Song song đó, anh tiếp tục thử nghiệm trồng thêm dưa lưới. Vụ đầu tiên, anh Lộc thử nghiệm thành công trên 500m2. Vụ thứ hai anh mạnh dạn chuyển đổi tất cả diện tích sang trồng dưa lưới để cách ly mầm bệnh của cà chua. Đối với dưa lưới, chi phí bỏ ra đầu tư đầu mỗi vụ trên 70 triệu đồng, bình quân lãi khoảng 200 triệu đồng/vụ. Theo tính toán của anh Lộc, mỗi vụ dưa lưới thường kéo dài từ 2 - 2,5 tháng, nếu tính cả thời gian xử lý, cải tạo môi trường, cách ly mầm bệnh mỗi năm có thể trồng được 4 - 5 vụ.

Mô hình sản xuất dưa lưới CNC của anh Lộc cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/vụ
Trước khi quyết định chuyển hướng đầu tư làm NNCNC, anh Lộc từng tốt nghiệp kỹ sư ngành Công nghệ thực phẩm và có thời gian dài làm việc cho các công ty thủy sản, rồi chuyển sang làm kinh doanh. Bên cạnh đó anh cũng có khoảng thời gian kinh doanh, thiết kế lắp đặt các sản phẩm nhà lưới phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch. Từ đó anh thấy được xu hướng tiêu dùng các sản phẩm sạch an toàn của người dân là rất lớn và là xu thế trong tương lai.
Cùng với kinh nghiệm, vốn liếng tích lũy, anh Lộc bàn với vợ quyết định thuê 2.000 m2 đất tại phường 5 (TP Vĩnh Long) để tiện đầu tư xây dựng nhà lưới sản xuất rau sạch theo chuẩn VietGAP. Anh đã tự thiêt kế và mua vật liệu thi công nhà lưới với chi phí rẻ bằng 50% so với thuê đơn vị thi công. Anh Lộc cho biết, chi phí đầu tư 1.800 m2 nhà lưới anh tự làm chỉ tốn khoảng 600 triệu đồng. Hơn 1 năm canh tác đã thu hồi được chi phí đầu tư ban đầu và sản xuất có lãi.
Nói về thành công của mình, anh Lộc tâm sự: “Những năm qua mình đi làm nhiều nơi, đã học hỏi không ít mô hình làm kinh tế. Cuối cùng mình nhận ra, làm NNCNC là xu hướng bền vững vì nhu cầu sản phẩm sạch là tất yếu trong thời gian tới cũng là lúc mình mạnh dạn bỏ công việc ở thành phố về lập nghiệp. Hiện mình đang hướng dẫn một số anh em cùng chí hướng vào làm chung để cùng khởi nghiệp”.

Theo anh Lộc, cà chua đen có nhu cầu khá cao trên thị trường nhưng nguồn cung hạn chế
Bên cạnh cây trồng chủ lực là dưa lưới, hiện anh Lộc còn trồng thêm cà chua đen Nga với giá thu mua tại các siêu thị đến 80.000 đồng/kg. Cà chua đen cũng được kỳ vọng mang lại thu nhập cao cho mô hình của anh. Thời gian tới, theo yêu cầu của nhiều bà con, anh sẽ hợp tác mở rộng vùng đầu tư sang An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang…
5. Con đường khởi nghiệp thành công của chàng trai gốc Việt
Theo gia đình tới Australia lúc 9 tuổi, David Chiem không biết một chữ tiếng Anh nào và chẳng hiểu cô giáo nói gì khi đi học.
Năm 1978, anh David Chiem cùng bố mẹ và hai chị gái rời Rạch Giá, Việt Nam đến Australia. Hầu như không còn của cải gì mang theo, bố mẹ anh tìm việc làm công nhân trong nhà máy còn cậu con trai 9 tuổi vào học một trường ở ngoại ô Sydney.
"Tôi không nói được một từ tiếng Anh nào, dù là hello", anh kể. "Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên vào lớp. Khi cô giáo hỏi, tôi ngơ ngác vì không hiểu gì và chẳng biết trả lời sao. Lúc ấy, có một bạn gái trong lớp tiến tới chỗ tôi và nói bằng tiếng Việt: 'Cô giáo hỏi cậu tên là gì đó. Đồ ngốc!'. Tôi đã rất sốc".
Theo Straitstimes, từ giây phút đó, David Chiem đã quyết tâm học thật giỏi để không ai gọi mình như thế nữa. Năm học đó, anh đứng đầu lớp.
Vài năm sau, anh trở thành học sinh đầu tiên của trường giành được giải thưởng về tiếng Anh, toán và nghệ thuật trong hệ thống trung học khu vực.

David Chiem (mặc áo xám ngồi giữa) khi đóng vai chính trong phim truyền hình Australia. Ảnh: Straitstimes.es.
Là gia đình coi trọng sự giáo dục, bố mẹ Chiem đã động viên và tạo điều kiện cho con cố gắng học tập. "Cha mẹ tôi luôn nói rằng có một thứ không ai có thể cướp được của mình, đó là học thức", anh kể lại.
Bố mẹ Chiem định hướng cho anh theo đuổi ngành y nhưng khi anh 13 tuổi, một sự việc xảy ra đã làm thay đổi hoàn toàn quỹ đạo dự định đó.
Một lần, chị gái Chiem nghe đài phát thanh Australia thông báo đang tìm một cậu bé châu Á, có khả năng bơi lội, tầm 13-14 tuổi, làm diễn viên cho một bộ phim truyền hình dài tập.
Người chị nói đùa rằng Chiem đến dự tuyển biết đâu trúng. Đêm đó, khi đi ngủ, Chiem nghĩ về cơ hội này và trong đầu anh tự hỏi - tại sao không?
Cuối cùng, đánh bại cả ngàn đối thủ, Chiem đã được chọn làm diễn viên chính trong phim Butterfly Island và xuất hiện trên màn hình TV khắp thế giới.
Cậu bé vào vai một người tị nạn bước vào cuộc sống của một gia đình đang chật vật điều hành một khu nghỉ dưỡng trên đảo. Cũng nhờ khoản thù lao đóng phim này, Chiem giúp bố mẹ mở được một sạp vải nhỏ và sau đó phát triển lên thành vài cửa hàng lớn.
Sau lần đóng phim, được truyền cảm hứng từ sức mạnh của nghệ thuật điện ảnh, anh đã viết kịch bản cho một số chương trình khác. Rồi anh chia sẻ với bố mẹ rằng mình sẽ không trở thành bác sĩ mà chọn nghiên cứu về làm phim và diễn xuất.
"Tôi biết ơn bố mẹ vì đã luôn tạo cơ hội để tôi được theo đuổi giấc mơ của mình", Chiem chia sẻ.

David Chiem và các học sinh trường MindChamps. Ảnh: The Sundaytimes.
Theo News, trong những ngày đầu học tại trường phát thanh và truyền hình, điện ảnh Australia, Chiem đã gây bất ngờ khi đứng trước trường nói với các sinh viên mới rằng trong khi hàng triệu người có tài năng, chỉ việc nỗ lực học hỏi, nghiên cứu mới giúp họ thực sự toả sáng.
Và anh cho rằng quy tắc này cũng áp dụng cho giáo dục. Anh tâm đắc với ý tưởng rằng có một phương pháp khác để giáo dục bên cạnh mô hình học vẹt và bắt chước, đó là giúp học sinh hiểu về nghệ thuật và các kỹ năng của việc làm thế nào để học và tập trung tâm trí.
"Mặc dù bản thân học tốt ở trường, tôi luôn tò mò tự hỏi tại sao rất nhiều sinh viên không thích học và học không tốt - đó không phải vì họ kém thông minh mà bởi việc học không thu hút tâm trí họ", anh nói.
Năm 1998, Chiem thành lập MindChamps ở Sydney - một tổ chức giáo dục sớm về học tập đột phá dựa trên các chiến lược xây dựng từ các nghiên cứu về khoa học thần kinh, tâm lý, giáo dục và sân khấu.
Năm 2002, anh đưa MindChamps tới Singapore vì cho rằng đây là nơi giao thoa giữa phương Đông với phương tây và có tiêu chuẩn giáo dục cao. Từ đó tới nay, MindChamps luôn là hệ thống giáo dục mầm non hàng đầu ở Singapore.
Hiện tại, MindChamps phát triển thành công ty trị giá 18,7 triệu đôla, có 11 trung tâm giáo dục ở bang New South Wales và dự định mở rộng hoạt động tại tất cả các bang ở Australia thông qua mô hình mua lại và nhượng quyền kết hợp.
Chiem cũng đã viết 7 cuốn sách và được công nhận là Doanh nhân tiêu biểu tại Giải thưởng các doanh nhân châu Á Thái Bình Dương năm 2010.
Đông Trần tổng hợp (nguồn: Khampha/Khoinghiep)
Tags
Bài viết cùng chuyên mục
- Sản xuất axit lactic từ phần hạt mít thải bỏ
- Chàng trai miền Tây thu nhập tiền triệu/ngày nhờ trồng sen bán bông
- Khởi nghiệp OCOP từ tình mẫu tử và hạnh phúc gia đình
- 'Bún ngũ sắc' thắng giải khởi nghiệp nông nghiệp
- Khởi nghiệp từ 4 con heo giống, 8X làm chủ trang trại tiền tỷ
- Khởi nghiệp từ 5 triệu đồng, cô gái Nam Định mua nhà, mua ô tô trước năm 30 tuổi
- 8X cất bằng kỹ sư, liều nuôi chim nhả 'vàng trắng', không ngờ trúng lớn
- Cô giáo 8X khởi nghiệp với xà phòng bồ ngót
- Khởi nghiệp thành công với nghề trồng rau quả hữu cơ ở các buôn làng
- Dự án khởi nghiệp cung cấp người giúp việc gia đình
Đăng nhập để gửi bình luận
Bình luận